Friday, June 7, 2024

Chống lại các công ty dầu khí gia tăng, giá năng lượng cũng tăng theo

 BM

Khi các vụ kiện về khí hậu chống lại các công ty dầu khí gia tăng, giá năng lượng cũng có thể tăng theo


Các tiểu bang đang không chỉ kiện các công ty dầu khí Mỹ; họ cũng đang kiện các công ty thực phẩm về vấn đề khí hậu.


Trong lúc các công ty dầu khí và than đá của Hoa Kỳ gặp khó khăn với một loạt các quy định và rào cản cấp phép, thì họ cũng phải đối mặt với những thách thức mới từ các nhà hoạt động khí hậu dưới hình thức kiện tụng, phạt tiền, đánh thuế, và sự vận động cổ đông từ các quỹ hưu trí của các tiểu bang xanh.


Và ngày càng có nhiều tiểu bang Hoa Kỳ rơi vào thế đối lập, với các tiểu bang xanh dẫn đầu những cáo buộc chống lại các công ty nhiên liệu hóa thạch, trong khi các tiểu bang đỏ cố gắng bảo vệ những công ty này.


Kể từ năm 2018, nhiều tiểu bang và khu vực trong đó có New York, Rhode Island, Massachusetts, Minnesota, Delaware, Connecticut, California, và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (District of Columbia) đã bắt đầu đệ đơn kiện các tập đoàn năng lượng lớn chẳng hạn như ExxonMobil, Chevron, ConocoPhillips, Sunoco, BP, và các hãng khác.


Các công ty dầu mỏ cũng phải đối mặt với hành động pháp lý từ hàng chục thành phố, bao gồm Honolulu, Chicago, Baltimore, New York, Charleston, San Francisco, Oakland, và Boulder.


Các nhà phân tích cho rằng có nhiều mục đích đằng sau nỗ lực thúc đẩy những vụ kiện này.


Ông Kenny Stein, phó chủ tịch chính sách tại Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER), nói, “Nguyên nhân một phần là do ý thức hệ, nhằm cố gắng khiến các công ty này không thể hoạt động kinh doanh được nữa.” Ông Stein cũng tin rằng xu hướng này cũng có liên quan đến việc người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.


“Các chính phủ này đang cố gắng yêu cầu người dân sử dụng ít dầu và khí đốt tự nhiên hơn, nhưng người dân lại muốn sưởi ấm ngôi nhà của họ bao nhiêu tùy ý, họ muốn lái xe đi bao xa tùy ý,” ông Stein nói. “Nếu nhà nước cấm bán dầu thì người dân sẽ nổi dậy, vì vậy đây là cách họ cố gắng áp đặt ý chí của mình bằng cửa sau.”


Nhiều vụ kiện về khí hậu khẳng định rằng ô nhiễm do các công ty dầu mỏ gây ra đã tạo ra “sự phiền toái cho cộng đồng” và các công ty này đã cố tình lừa dối công chúng về tác động có hại trong lúc khiến cho nhiệt độ toàn cầu tăng lên.


Tổ chức vận động Climate Analytics đã cố gắng tính toán những thiệt hại giả định đó.

BM

Climate Analytics cho biết, “Từ năm 1985 đến năm 2018, chúng tôi ước tính một phần thiệt hại do lượng khí thải CO2 tổng hợp từ 25 công ty — các đại công ty dầu khí carbon — là khoảng 20 ngàn tỷ USD.”


Trong khi đó, hôm 30/05 Vermont đã trở thành tiểu bang đầu tiên ở Hoa Kỳ thông qua luật buộc các công ty dầu mỏ phải bồi thường thiệt hại do “các hiện tượng thời tiết cực đoan” gây ra, chẳng hạn như lũ lụt. Theo luật này, Vermont sẽ kiểm toán chi phí mà người dân phải gánh chịu do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong vòng 30 năm qua, và bất kỳ công ty nào đã thải ra hơn một tỷ tấn CO2 trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2024 sẽ buộc phải trả một phần chi phí đó cho một siêu quỹ khí hậu của tiểu bang.


Nhưng vấn đề không chỉ xoay quanh tiền bạc


BM

Tổng Chưởng lý Alabama Steve Marshall nói, “Đây chỉ đơn giản là một chiến lược để cánh tả hoàn thành một việc mà họ không thể làm được tại Quốc hội thông qua thùng phiếu,” “và đó là thực hiện chính sách khí hậu toàn quốc phù hợp với nghị trình xanh của họ.”


Ông Marshall và 18 tổng chưởng lý khác — tất cả đều đến từ các tiểu bang đỏ — đã kháng cáo lên Tối cao Pháp viện hôm 22/05, để yêu cầu các thẩm phán ra phán quyết về việc liệu từng tiểu bang và thành phố riêng lẻ có thể “khẳng định quyền quyết định tương lai của ngành năng lượng Hoa Kỳ hay không.”


“Hành động của họ gây nguy hiểm cho việc tiếp cận nguồn năng lượng giá cả phải chăng ở khắp mọi nơi và gây ảnh hưởng đến mọi Tiểu bang và quả thực là tất cả mọi người trên hành tinh này,” các tổng chưởng lý viết. “Do đó họ đang đe dọa không chỉ hệ thống chủ nghĩa liên bang và chủ quyền bình đẳng giữa các Tiểu bang của chúng ta mà còn cả lối sống cơ bản của chúng ta.”


Nhưng các tiểu bang đang không chỉ kiện các công ty dầu khí về vấn đề khí hậu, họ cũng đang đệ đơn kiện các công ty thực phẩm.


Hồi tháng Hai, Tổng Chưởng lý New York Letitia James đã kiện Công ty Thực phẩm JBS USA, một công ty con tại Hoa Kỳ của Tập đoàn JBS có trụ sở tại Brazil, nhà chế biến thịt lớn nhất thế giới. Đơn kiện cáo buộc rằng công ty này đã đánh lừa công chúng về tác động môi trường của mình và rằng “hoạt động sản xuất thịt bò thải ra khí nhà kính nhiều hơn bất kỳ mặt hàng thực phẩm chính nào khác.”


Ngành công nghiệp kiện tụng về khí hậu


Tiềm năng nhận được những khoản tiền kếch xù từ những vụ kiện này đã thu hút không chỉ số lượng nguyên đơn dường như vô tận mà còn cả nhiều công ty luật và thậm chí cả những nhà đầu tư giàu có đặt cược rằng các vụ kiện này sẽ thắng thế.


Kế hoạch có tiềm năng giành được hàng ngàn tỷ dollar từ các công ty năng lượng đã được phát triển trong hơn một thập niên. Một hội thảo năm 2012 do Viện Trách nhiệm Khí hậu (CAI) tổ chức đã tìm cách rút kinh nghiệm từ những thành công mà các tiểu bang đã đạt được trước đó trong việc kiện các công ty thuốc lá.


Một bản tóm tắt sau sự kiện của hội thảo này tuyên bố rằng nhóm này đã thúc đẩy “một cuộc đối thoại mang tính khám phá, cởi mở về việc liệu chúng ta có thể sử dụng các bài học từ giáo dục, luật pháp, và kiện tụng liên quan đến thuốc lá để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hay không.”

BM

Theo thỏa thuận dàn xếp vụ kiện về thuốc lá, các công ty đã đồng ý trả các thanh toán hàng năm vĩnh viễn cho các tiểu bang, tổng số tiền lên tới ít nhất 200 tỷ USD trong vòng 25 năm đầu tiên, miễn là thuốc lá được bán ở Hoa Kỳ.


Trong thập niên vừa qua, cả một ngành công nghiệp đã xuất hiện để tìm cách biến kế hoạch kiện tụng về khí hậu này thành hiện thực trên nhiều phương diện, và kêu gọi hàng triệu dollar để tài trợ cho kế hoạch đó.


BM

Một cuộc giằng co về quyền tài phán giữa các tiểu bang và các công ty dầu mỏ đã xảy ra sau đó. Trong đó, các công ty buộc phải tự bảo vệ mình trước các tòa án liên bang, và các tiểu bang tranh đấu để các vụ kiện vẫn nằm trong biên giới của họ.


“Nếu quý vị là tiểu bang California, thì quý vị sẽ muốn một thẩm phán theo chủ nghĩa tự do lắng nghe lập luận của quý vị về những vụ kiện này,” ông Marshall nói. Ông lập luận rằng các tòa án liên bang là diễn đàn thích hợp để quyết định các vấn đề quốc gia và mang lại “cơ hội công bằng cho cả hai bên để được lắng nghe.”


Tuy nhiên, trong một chiến thắng cho các tiểu bang xanh, hồi tháng 04/2023 Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác đơn kháng cáo của các công ty dầu mỏ đang tìm cách chuyển các vụ kiện từ tòa án tiểu bang sang tòa án liên bang.


Theo ông Stein, những vụ kiện này khó có khả năng tồn tại ở các tòa án liên bang, do có quá ít bằng chứng liên quan đến các sự kiện thời tiết cụ thể ảnh hưởng đến các tiểu bang, chẳng hạn như từ lũ lụt đến lượng khí thải CO2. Và cũng có những thách thức trong việc đo lường những đóng góp cụ thể của các công ty năng lượng vào trong lượng khí thải đó, xét đến tất cả các hoạt động khác cũng thải ra CO2, chẳng hạn như trồng trọt, chăn nuôi, và sự hít thở của con người.


Ông nói, “Khi quý vị sử dụng các khẩu hiệu chính trị để đổ lỗi cho một công ty về điều gì đó, thì quý vị có thể nói chung chung, nhưng khi quý vị định cáo buộc ai đó trước tòa, thì quý vị phải có khả năng biện hộ cho cáo buộc đó.”

BM

Việc quy trách nhiệm thực sự, khi cố gắng khẳng định rằng một số thiệt hại nhất định là do một công ty dầu mỏ nào đó gây ra, là không có bằng chứng chứng minh.”


Tuy nhiên, câu hỏi về việc liệu phần lớn những vụ kiện này có thể thành công hay không không phải là vấn đề chính. Một báo cáo về các vụ kiện khí hậu do Trường Luật Yale công bố cho biết “các đương sự đang hy vọng tìm được một thẩm phán tại một phòng xử án ở một tiểu bang nào đó có thể tìm ra con đường cho phép những vụ án này được đưa ra xét xử.”


“Khi quý vị đạt đến điểm đó — khi mà quý vị đã vượt qua các kiến nghị sơ bộ và đang hướng tới việc khám phá và xét xử — thì đó là thế cân bằng quyền lực rất khác giữa các đương sự,” báo cáo cho biết. “Các nguyên đơn có thể bắt đầu yêu cầu các tài liệu và có thể bắt đầu xây dựng một câu chuyện về những gì ngành này đã biết và cách họ đã hành động trước những hiểu biết đó.”


Đào tạo cho các thẩm phán kiến thức về khí hậu


BM

Các nhà hoạt động khí hậu cũng đã phát triển một mạng lưới vận động để hướng dẫn các thẩm phán về giá trị của các vụ kiện khí hậu. Một nỗ lực như vậy là Dự án Tư pháp Khí hậu (CJP), do Viện Luật Môi trường (ELI) thành lập vào năm 2018.


Ông Nick Collins, giám đốc truyền thông của ELI, nói rằng dự án “cung cấp các khóa đào tạo thường xuyên khách quan, không thiên vị cho các thẩm phán về khoa học khí hậu và pháp luật.”


ELI báo cáo rằng họ đã đào tạo hơn 3,000 thẩm phán trên 28 quốc gia kể từ năm 1990. Theo báo cáo thường niên, CJP đã đào tạo hơn 400 thẩm phán chỉ trong năm 2022 và phát triển một chương trình để chọn ra một số thẩm phán đóng vai trò lãnh đạo trong hệ thống tư pháp.


Báo cáo đã nêu, “Các thẩm phán đã rời khỏi chương trình Lãnh đạo Tư pháp trong Khoa học Khí hậu khi biết những dữ kiện khoa học thực tế về biến đổi khí hậu, ấn tượng sâu sắc với hậu quả của hiện tượng này, và cam kết làm việc cùng nhau cũng như liên lạc với các thẩm phán đồng sự để truyền đạt những gì họ đã học được.”


Nếu các vụ kiện tụng về khí hậu thành công, thì chi phí rất có thể sẽ do những người tiêu dùng thông thường gánh chịu dưới hình thức giá xăng, giá điện, và sưởi ấm trong nhà cao hơn. Trong khi giá thuốc lá tăng vọt có thể đã trở thành động lực khuyến khích người dân bỏ thuốc lá, thì vẫn chưa có giải pháp thay thế khả thi cho dầu, khí đốt, và than đá, những nguồn nhiên liệu hiện đang cung cấp cho khoảng 80% nhu cầu năng lượng của người dân Hoa Kỳ.


“Những công ty này sẽ không phá sản; cả dầu và khí đốt tự nhiên đều sẽ tiếp tục được sử dụng trong một thời gian rất lâu sau đó,” ông Stein nói. “Điều rốt cuộc sẽ xảy ra là các công ty này sẽ phải tăng giá để bù đắp cho chi phí pháp lý.”


‘Thu hẹp’ Exxon


BM

Ngoài phòng xử án, các nhà hoạt động khí hậu cũng đang tìm cách tận dụng cổ phần công ty thuộc sở hữu của các quỹ hưu trí tiểu bang để tạo ra những thay đổi trong các công ty dầu khí.


Ví dụ gần đây nhất về việc này là nỗ lực hồi cuối tháng Năm của các quỹ hưu trí tiểu bang xanh, do Hệ thống Hưu trí Công chức California (CalPERS) dẫn đầu và có sự tham gia của các tiểu bang New York và Illinois.


Hai tiểu bang này yêu cầu thay thế toàn bộ hội đồng quản trị của Exxon Mobil sau khi ban lãnh đạo của công ty này chặn một đề xướng của các nhà hoạt động khí hậu, trong đó có Arjuna Capital và Follow This, yêu cầu công ty dầu khí này hạn chế phát thải khí nhà kính và thu hẹp quy mô công ty.


CalPERS, quỹ hưu trí tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ, được biết đến là chuyên ủng hộ các mục tiêu cấp tiến khi sử dụng quyền bỏ phiếu theo lượng cổ phần công ty mà họ nắm giữ.


Kiểm toán viên tiểu bang của Alabama, ông Andrew Sorrell, đã viết trong một bài xã luận: “Thật không may khi Exxon vẫn liên tục phải giao dịch với các cổ đông chính trị không quan tâm đến sự phát triển trong tương lai của công ty, tuy nhiên những người thua cuộc lớn nhất lại là những người hưu trí dựa vào các công chức của họ để đưa ra quyết định đầu tư mang lại lợi nhuận tốt nhằm tài trợ cho việc về hưu của họ.”


19 quan chức tài chính thuộc các tiểu bang đỏ cũng bày tỏ sự phản đối, và trong một số trường hợp, các quan chức này đã lấy quỹ tiểu bang của chính họ để bỏ phiếu chống lại CalPERS.


Ông John Fleming, Giám đốc Ngân khố tiểu bang Louisiana, người lãnh đạo phong trào phản đối CalPERS, nói: “Đây thực sự là một hành động chưa từng có và lố bịch nhằm tấn công hoạt động kinh doanh cốt lõi của Exxon, công ty mang lại doanh thu 145 triệu USD cho tiểu bang Louisiana khi đóng thuế.” “Điều này sẽ gây thiệt hại cho các gia đình trên khắp cả nước.”


Các cổ đông cuối cùng đã khước từ nỗ lực của CalPERS, nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc.


Ông Fleming nói, “Nếu họ vẫn tiếp tục tiến hành những nỗ lực như vậy, thì họ có thể bắt đầu đạt được đủ lượng người ủng hộ, hoặc thậm chí nếu họ chỉ tập hợp được một nhóm thiểu số kha khá, thì họ cũng có thể gây ảnh hưởng đến các vị trí trong hội đồng quản trị và ban lãnh đạo này, vì vậy tôi nghĩ đó là một điều rất nguy hiểm và mang tính hủy diệt.”




Kevin Stocklin  _  Vân Du


BM
D-Day thời Đệ nhị Thế chiến trên đường đến Normandy
Một nền văn hóa tôn vinh sự sống hay cái chết?
ĐCS_TC dùng tiền để thao túng truyền thông
Báo Mai Music_61 "Dalena"
Mạng xã hội đang đào tạo trẻ em, sử dụng AI để ‘tối đa hóa dopamine’
Báo Mai Music_60 "TÔI MUỐN HỎI TẠI SAO"
Giao tiếp bằng mắt
Đảng Cộng Hòa đang giành chiến thắng trong cuộc chiến ghi danh cử tri
Sự đón tiếp ông Trump tại hội nghị Đảng Tự Do
Những lo ngại về dự án kênh đào của Cambodia
Thế Giới phản ứng trước phán quyết trong vụ án ‘tiền bịt miệng’
Trump & Biden tăng cường công kích ông RFK Jr.
Đột tử khi ngủ
Tiền ủng hộ đổ về sau phán quyết có tội
Di cư ồ ạt mở đường cho việc xóa bỏ các quốc gia
Một bản án không phải là sự kết thúc của phiên tòa xét xử
Phán quyết kết án cựu TT Trump được xem là ‘thời khắc then chốt’
Kyiv sử dụng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu ở Nga
Những gì xảy ra tiếp theo sau khi cựu TT Trump bị kết án trọng tội
Một ngày đáng xấu hổ trong lịch sử Mỹ quốc

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.