Pages

Monday, April 3, 2017

Estate Sale

image

“Estate Sale…” là tựa đề một câu chuyện của Phan được trích từ “Góc của Phan…”. Chuyện hơi dài nhưng đáng để chúng ta (nhất là những người có tuổi sống tại Hoa Kỳ) dành chút thì giờ để đọc và chia sẻ những suy nghĩ của Phan… Phần chủ blog chỉ thêm "Lời bàn với những người cao tuổi.." ở đoạn cuối.

image

Hồi mới qua Mỹ, lần đầu thấy tấm bảng ghi là Estate Sale cắm ở góc đường, tôi đoán là một hình thức bán bớt đồ cũ trong nhà. Như bày bán ở Garage thì gọi là Garage Sale; bày bán ở sân sau nhà thì gọi là Yard Sale; dọn nhà thì người ta bán bớt những thứ không tiện đem theo với bảng cắm là Moving Sale, còn Estate Sale… chắc cũng tương tự. Tự dặn là về phải tra tự điển, nhưng rồi tôi quên luôn! Nhớ lại những ngày mới đến Mỹ, ra đường thấy chữ gì không hiểu thì cứ nhủ lòng về tra tự điển, nhưng bao giờ cũng quên nhiều hơn là nhớ.

Trò chuyện thêm với cô bạn, tôi mới hiểu ra Estate Sale là bán toàn bộ đồ đạc trong nhà: từ ly tách muỗng chén, đến quần áo, giường ngủ, tủ trà, bệ thờ; tới cả tranh, tượng, đồ kỷ niệm… Nhưng giá bán của Estate Sale không rẻ như Garage Sale, Yard Sale, hay Moving Sale vì không phải là đồ thừa trong nhà. Lý do bán hết các thứ trong nhà vì chủ nhà phải vô viện dưỡng lão chẳng hạn; những người già neo đơn ấy không có thân nhân để có thể cho lại, nên họ bán hết, bán sạch, với giá cao hơn bán đồ cũ, đồ thừa của Garage Sale, Yard Sale, hay Moving Sale…

Câu chuyện về Estate Sale như một hiểu biết thêm về đời sống Mỹ trong đầu óc mới tới định cư của tôi. 

image

Cho tới một sáng cuối thu, đã bảy giờ nhưng mặt trời còn chưa ló dạng.

Tôi đi thay quần áo để lên đường, đi giúp một ông bạn già. Hôm nay ổng bán Estate Sale. Tuy hẹn chín giờ nhưng tôi đi sớm để có thời gian ngồi uống với ông bình trà. Bởi đêm qua thao thức về ông, tôi nghĩ sau hôm nay, có thể là lần cuối tôi gặp ông trong đời. Nhớ lại, tôi quen biết ông chừng năm, bảy năm trước, dịp tôi phỏng vấn Cựu Thiếu tướng Đỗ Kế Giai ở Trung tâm sinh hoạt cao niên trong thành phố. Bữa đó, chính ông đã đến bắt tay tôi trước, hỏi tôi có phải là Phan mà ông thường đọc đó không? Tôi có cảm tình ngay với một người lớn tuổi, hiền lành, đôn hậu. Tình thân chưa có nhưng lòng cảm mến thì nhiều, tôi cho ông số điện thoại để  tiếp tục nói chuyện vào dịp khác bởi tôi đang bận với cuộc phỏng vấn…

Biết thế, nhưng khi có thời gian rảnh thì tôi vẫn đi chơi với bạn trẻ nhiều hơn; Chỉ khi cần hỏi, là cần tới người già thì tôi mới nhớ tới ông Sự cho và nhận co giãn theo tuổi đời thì tôi co ông giãn. Đó là ý nghĩ hôm trời mới chớm thu, tôi gọi ông, mời ông đi uống ly cà phê vào một sáng cuối tuần. Hôm đó, tôi không có gì để hỏi ông mà chỉ là bỗng nhớ tới một người bạn mà quỹ thời gian của người đó không còn nhiều nên tôi dành thời gian rảnh rỗi có được cho ông.

Hôm đó ông nói với tôi là, “…anh cũng đã già.”  

Inline image 1


Hôm đầu thu đó, hỏi thăm ra mới biết, vợ ông đã qua đời hồi hè. Ông không cho tôi biết vì bà đi thăm con gái với cháu ngoại bên Cali, bị đột qụy và mất luôn ở bên ấy. Ông muốn đưa bà về Dallas để lo ma chay vì bà đã sống ở Dallas mấy chục năm. Nhưng người con trai ông sống ở Dallas thì lại muốn em gái lo ma chay cho mẹ luôn bên Cali cho tiện. Cái lý của anh ta đưa ra là chết ở Mỹ thì lo ma chay ở đâu cũng chỉ là cái nhà quàn như nhau…

Ông không rượu bia, không thuốc lá. Nhưng hôm đầu thu đó, ông tự tay mượn điếu thuốc lá đang cháy dở trên tay tôi; ông hút một hơi thuốc thật sâu, rồi trả lại tôi. Tôi sợ ông sặc, nhưng ông không sặc như tôi sợ. Ông nhả khói chậm rãi, và chìm vào tâm sự…

“Tôi chưa bao giờ nói với anh, cũng không nghĩ tới chuyện nói với ai. Nhưng nỗi buồn trong tâm khảm tôi lớn dần như mầm bệnh ung thư tới hồi bộc phát. Tôi biết là trước sau gì cũng chết, tôi không sợ chết, chỉ buồn lòng người làm cha mà không biết dạy con mình…”

“…Vợ chồng tôi chỉ có hai người con. Lo được cho thằng lớn ăn học tới ra đại học không phải nợ tiền học đồng nào. Nó đi làm, lãnh lương cất riêng vào trương mục nhà băng của nó. Ngày ngày vẫn về nhà ăn, ở, cha mẹ lo. Nó cho đó là lối sống Mỹ, và nó chọn cách sống ấy.

image


"Cha mẹ đừng tọc mạch vào thu nhập của con cái". Nhưng khi nó muốn lấy vợ thì nó chọn lối sống của người Việt là dù sống ở đâu trên địa cầu thì chuyện cưới hỏi của con cái, cha mẹ người Việt cũng đứng ra lo cho con.

“Thế là vợ chồng tôi lo cưới vợ cho con trai. Tôi không lấy gì làm buồn lòng vì cha mẹ tôi cũng đi cưới vợ cho tôi khi xưa. 

Nhưng rồi con tôi muốn mua nhà. Nó trình bày với vợ chồng tôi, nó mua nhà trăm rưỡi, cần mượn nhà băng một trăm ngàn, nếu trả trong ba mươi năm thì tổng số tiền nó phải trả cho nhà băng lên tới ba trăm ngàn. Nghĩa là một trăm ngàn vốn với hai trăm ngàn tiền lời trong ba mươi năm. Nó muốn cha mẹ giúp đỡ cho nó mượn một trăm ngàn, để nó trả dứt căn nhà ngay khi mua, không phải trả tiền lời cho nhà băng. Nếu nó phải trả ra số tiền ba trăm ngàn trong ba mươi năm, thì mười năm cho một trăm ngàn. Nó sẽ trả cho cha mẹ một trăm ngàn trong mười năm là khả năng có thể.

“Tôi bắt đầu thất vọng về con trai tôi. Vì gom hết tiền 401-K của cha mẹ thì đủ một trăm ngàn cho nó mượn. 

Vợ chồng đã về hưu thì tiền già gói gém cũng đủ sống, nhưng tiền đâu lo cho con em nó còn trong đại học để khỏi mượn nợ học như nó? Tôi suy nghĩ nhiều đêm, đằng nào cũng mất con rồi! Đó là cái giá phải trả cho mưu cầu tương lai của con cái. Tôi đưa nó đến Mỹ chứ tự nó đâu đi một mình được. Tôi sinh ra nó, chứ nó đâu tự xuất hiện trên đời này được…

image

“Nhưng tôi thất bại trong chuyện dạy nó sống đùm bọc với người thân. Tôi có lỗi đã để nó hấp thụ lối sống ích kỷ của xứ sở này. Đằng nào tôi cũng mất con rồi. Nếu đồng ý cho nó mượn một trăm ngàn không tiền lời là tôi đã thẳng thắn nhìn nhận mình thua cuộc; không bao giờ dạy được con quay lại lối sống đùm bọc nhau của người Việt mình nữa. Nhưng từ chối nó… thì tôi mất luôn vợ! Vì mẹ nào chả thương con, thương càng mù quáng tình mẫu tử càng lên ngôi.

Nó trả lời cho tôi câu hỏi, ‘tiền đâu để lo cho em nó?’ ‘Thì ba mẹ lấy tiền con trả hàng tháng để lo cho nó.’ Tôi định hỏi câu hỏi quan trọng nhất theo kinh nghiệm của tôi là, ‘Nhưng con có chắc là con sẽ trả cho ba mẹ hàng tháng. Hay trả vài tháng… rồi quên luôn?’

“Tôi thương vợ tôi nên đã làm điều tôi biết trước nhưng vẫn làm là tôi cho con trai tôi mượn một trăm ngàn. Vợ tôi mất tinh thần nhiều năm sau đó vì đúng là nó không trả. Nhưng chúng tôi được trời phật cho lại đứa con gái muộn màng. Nó là nguồn an ủi, niềm vui còn lại cho vợ chồng tôi. Lúc nào nó cũng vui vẻ nói là ba mẹ chết rồi thì tài sản cũng để lại cho anh em con thôi. Thì anh Hai cần trước thì anh Hai lấy trước. Ba mẹ đừng có giận anh Hai nữa, chỉ tổn hao sức khoẻ cho ba mẹ thôi. Còn con, nợ học thì ai đi học ở Mỹ mà không nợ. Chừng con ra trường thì con trả. Ba mẹ đừng lo nữa…

“Con bé lạc quan nói sao làm vậy. Về sau, nó lấy chồng bên Cali nên về Cali sống. Vợ tôi muốn bán nhà, dọn về Cali ở với con gái thì thằng con trai không cho đi vì bà nội phải ở Dallas để trông con cho vợ chồng nó đi làm…

Đến cái chết đột ngột của mẹ nó. Tôi muốn đưa bà ấy về Dallas để lo ma chay vì bà ấy sống ở đây đã như là quê hương. Nó ngại tốn kém nên lý lẽ bất dung tình với cả cha mẹ. Tôi không buồn sao được anh…”

 Inline image 2

Ôi, cái hôm đầu thu đó! Nhớ lại sao mà buồn. Và tại  sao lại có hôm nay, tôi đến giúp ông bạn bán Estate Sale, bán hết gia tài một lần để giã biệt. Buổi chiều cuộc đời như không gian thu tràn ngập lá vàng bay, những nảy nở mùa xuân, khoe sắc hạ, thu úa, đông về…

Người ta có sống tới trăm tuổi thì mùa thu thứ một trăm của cuộc đời cũng phải rời bỏ ngôi nhà không cần bật đèn giữa nửa đêm cũng biết lối đi tới nơi muốn tới; bán bỏ cả cái thìa khuấy ly cà phê mỗi sáng đã không thể nhớ nổi nó có trong nhà từ bao giờ mà người gia chủ chỉ nhớ chắc là khuấy ly cà phê bằng cái thìa khác sẽ không ngon; bức tranh mua garage sale có vài đồng bạc hồi mới qua Mỹ, nhưng không có nó trên tường nhà thì cứ tưởng mình đang ở chơi nhà bạn, hay nhà bà con chứkhông phải nhà mình; đến tiếng cái đồng hồ nhà mình cũng khác hẳn tiếng đồng hồ nhà khác mà chỉcó mình phân biệt được… lại còn nắm đất quê hương trên bàn thờ, hồi ra đi mình mang theo để nhớ đường về. Nhưng nó nằm im lặng đã bốn mươi năm. Bây giờ người đem nó đi còn gởi lại nắm xương ở quê người thì nắm đất quê hương ấy trở thành oan nghiệt. Cho không ai lấy, bán chẳng ai mua, mà ném qua cửa sổ thì hóa ra mình đã biến thành thú vật

Tôi ứa nước mắt trên tay lái, làm sao ông bạn tôi có thể sống sau hôm nay khi chính tay tôi bán hết những gì đã gắn bó với ông cả đời. Tôi, chính tôi, đã tiếp tay thần chết sớm bắt ông rời bỏ thói quen và kỷ niệm; rồi rời bỏ tới người thân; cuối cùng là rời bỏ cuộc đời… Nhưng nhớ lại tâm sự đầu thu của ông, ông đi dự đám tang của vợ ông bên Cali như người quen biết cũ, mấy chục năm vợ chồng còn lại cái trống không trong lòng già; con trai ông đi dự đám tang của mẹ dửng dưng đến mức đường về, anh ta nhắc ông trên phi cơ là ba phải làm di chúc căn nhà lại cho con, vì ba đi đột ngột như má thì chính phủ lấy nhà…

image

Tôi nghĩ chắc anh ta không chỉ muốn lấy căn nhà đã trả hết mà muốn lấy luôn cả phần bảo hiểm nhân thọ của cha nên mới chọc giận ông đúng thời điểm tinh thần và thể lực của ông suy kiệt nhất sau mấy ngày đám tang bên Cali. Tôi biết anh ta, có gặp mặt  vì Dallas đâu có mấy nhà hàng của người Việt. Nhưng chưa chào hỏi anh bao giờ để cất giữ bí mật  cho cha anh – là bạn tôi. Anh là ai trong gia đình lớn  của anh, gia đình nhỏ của anh, trong xã hội anh đang sống… tôi không quan tâm tới địa vị hay tên tuổi của anh ở địa phương. Tôi chỉ biết là tôi đã có lỗi với một người không có lỗi gì với tôi là anh. Tôi đã đồng ý với con gái của ông bạn, dù chỉ nghe ông kể:

“…Con còn phải đi làm và lo lắng cho gia đình con. Con không thể chăm sóc cho ba mỗi ngày như má. Nhưng má mất rồi thì ba không thể ở một mình. Ba có chuyện gì, không ai biết, không ai hay… làm sao con yên tâm. Con xin ba giao hết nhà cửa cho anh Hai… muốn làm gì làm bên Dallas. Ba về Cali với con. Ba phải ở viện dưỡng lão vì con không thể và không có thời gian để lo cho ba như má. Nhưng vài hôm con sẽ có thời gian ghé thăm ba một, hai tiếng đồng hồ; con nấu được gì ngon, con đem vô cho ba ăn… ba có chuyện gì, người chăm sóc cho ba sẽ báo ngay cho con, con vô ngay với ba…”

Tôi có tào lao lắm không khi khi không lên tiếng vềchuyện nhà người khác? Tôi nói với ông hôm đầu thu…
“Chia buồn với ông về sự mất mát người thân nhất của ông mà tôi không biết, cho dù ông có cho hay thì tôi chắc cũng không có điều kiện bay qua Cali để  viếng tang của bà. Thôi thì ngày nào còn sống hãy tính chuyện đời cho xong để êm xuôi khi ra đi. Ông bà đã giúp con trai không phải nợ tiền học. Tôi tính nhanh là đã cho anh ta năm chục ngàn. Ông bà cho mượn một trăm ngàn mua nhà – và không hoàn lại.

image

Vậy là ông bà đã cho con trai một trăm năm chục ngàn. Nên bây giờ ông bán căn nhà đã trả hết mà ông đang ở, cũng cỡ một trăm năm chục ngàn. Số tiền đó cho hết con gái, là công bằng với con cái.

“Ông về Cali sống với đề nghị của con gái là hoàn toàn hợp lý. Số tiền bảo hiểm nhân thọ của vợ ông, gởi con gái để lo cho ba những ngày cuối đời ba, lo cả hậu sự cho ba. Thừa thiếu gì thì tôi tin là con gái ông không tính toán với ông. Còn phần bảo hiểm nhân thọ của ông thì di chúc lại cho con gái. Nhưng chỉ nhờ cô ta quản lý số tiền đó để về sau chia đều cho hết cháu nội, cháu ngoại của ông bà.

Cứ đứa nào vô đại học thì được nhận một khoản tiền do ông bà để lại cho con cháu ăn học. Tôi biết, với đà lạm phát và trượt giá ở nước Mỹ thì số tiền học bổng miễn hoàn lại cho con cháu sẽ không nhiều, nhưng rất có ý nghĩa về mặt tinh thần với đời thứ ba của gia đình ông trên nước Mỹ…”

Câu chuyện đầu thu mới đó mà đã cuối thu rồi! Ông bạn tôi đúng là người độ lượng như tôi đã tin ông như thế! Ông giao căn nhà cho con dâu để cho mướn kiếm thêm tiền chợ cho cháu nội ông được sống sung túc hơn. Ông di chúc lại căn nhà cho con dâu của ông chứ không bán. Giấy tờ xác quyết là tài sản riêng của con dâu, “để nhỡ… vợ chồng con xảy ra chuyện bất trắc gì sau khi ba mất. Thì ba mẹ chỉ giúp được con một chỗ ở để nuôi mấy đứa cháu nội của ba mẹ. Cảm ơn con.”

Ông cho hết con gái khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của mẹ cô ấy. Ông nghe tôi về khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của ông. Ông chỉ còn giữ lại hàng hà kỷ niệm trong từng đồ vật mà tôi đang bán ra cho những người không quen biết. Thế nên mắt ông lạc thần trông theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông lần cuối khi ra cửa một mái ấm gia đình đã tới hồi kết.

Buổi sáng một ngày cuối thu mà tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh một người đàn ông biệt xứ lúc cuối đời, tay khép lại cánh cửa nhà mình lần cuối, bình thản nói với vợ, “thôi, mình đi nghe em…” là di ảnh của bà mà ông kẹp ở nách để khoá cửa ra đi...

Ngoài đường, những trang trí cho ngày lễ Halloween đã lên đèn dọc lối đi. Tôi nhìn ông thả bộ  ra xe mà thấy một kiếp người đến với cuộc đời cách nay tám mươi năm, chỉ có tiếng khóc là gia tài thì hôm nay là món cuối cùng Estate Sale. Bởi ông trầm ngâm buổi sáng, thở dài buổi trưa, rồi ngấn lệ buổi chiều theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông ra đi.

image

Nhưng cuối ngày ông lại mỉm cười với di ảnh vợ lúc khoá cửa, cái nháy mắt tinh nghịch của ông với di ảnh bà là bằng chứng ông đến với cuộc đời này bằng một tiếng khóc, nhưng khi ra đi ông đã đem theo một người tình. Tôi nhìn theo ông ấy tan vào thế giới ma quỷ và màn đêm phủ về. Nhìn lại mình sau một ngày tiếp tay thần chết, nách tôi kẹp chai rượu thần chết thưởng cho tôi nhưng quân sĩ của thần chết đã giao lộn vào nhà một người không uống rượu nên phải nằm chờ tới Estate Sale của ông bạn.

Tới Estate Sale của tôi, cũng là kinh doanh từ vốn một tiếng khóc chào đời, tôi sẽ kẹp nách mang theo được gì lúc ra đi? 

Chỉ biết chai rượu thường nhưng để lâu năm cũng ngon như nước cam tuyền… từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau. Đâu đó là thơ Bùi Giáng. Nên, “uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn  rằng mãi mãi quên nhau muôn đời…”
Khi hiểu được thơ Bùi Giáng thì cuộc đời coi như đã tàn thu. Còn bạn?



Phan

***

Lời bàn với những người cao tuổi:


• Đừng lo lắng về những gì sẽ xảy ra sau khi bạn ra đi. Khi đã trở về với cát bụi, bạn sẽ chẳng bị ảnh hưởng bởi lời khen hay tiếng chê.

• Bạn nên tiêu những món cần tiêu, thưởng thức những gì nên thưởng thức, tặng cho thiên hạ những  gì bạn có thể cho… đừng để lại tất cả cho con cháu. Bạn chẳng hề muốn chúng trở nên những kẻ… ăn bám.

• Đừng lo lắng qúa nhiều về con cái. Con cái có phần số của chúng và chúng sẽ tự tìm cách sống riêng. Đừng trở thành kẻ nô lệ của chúng.

• Đừng mong chờ nhiều ở con cái. Con biết lo cho cha mẹ, dù có lòng nhưng vẫn quá bận rộn vì công ăn việc làm và các ràng buộc khác nên không thểgiúp gì bạn.

• Các con vô tình thì có thể sẽ tranh giành của cải của bạn ngay khi bạn còn sống, thậm chí còn muốn bạn chóng chết để chúng có thể thừa hưởng những  gì bạn để lại. Chúng cho rằng chuyện thừa hưởng là điều dĩ nhiên. Ngược lại, bạn không thể đòi dự phần vào tiền bạc của chúng.

• Đừng đánh đổi sức khoẻ với tài lực nữa. Bởi vì tiền bạc có thể không mua được sức khoẻ. Khi nào thì bạn thôi làm tiền? Có bao nhiêu tiền là đủ? Tất cả đều vô nghĩa khi bạn ra đi.

• Dù bạn có cả ngàn mẫu ruộng, bạn cũng chỉ ăn khoảng 3 lon gạo mỗi ngày. Dù bạn có vài ba biệt thự, bạn cũng chỉ cần một chỗ rộng 8 mét vuông để ngủ nghỉ ban đêm. Thế cho nên, hãy sống vui vẻ.

• Đừng so sánh với người khác về danh vọng và địa vị trong xã hội. Hãy so sánh về hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ… Đừng lo nghĩ về những chuyện mà bạn không thể thay đổi. Chẳng ích gì mà lại còn làm hại cho sức khỏe.

• Bạn phải tạo ra sự an lạc và tìm được niềm hạnh phúc của chính mình. Miễn là bạn phấn chấn, nghĩ toàn chuyện vui và làm những việc bạn muốn mỗi ngày một cách thích thú… Đó chính là bạn đã sống hạnh phúc từng ngày.

• Một ngày qua là một ngày mất đi, nhưng một ngày trôi qua trong hạnh phúc là một ngày bạn có được.

• Khi vui thì bệnh tật sẽ mau lành. Khi hạnh phúc thì bệnh sẽ chóng hết. Khi bạn vui và hạnh phúc thì bệnh chắc sẽ khó len vào.

• Với tính khí vui vẻ, với thể thao thể dục thích đáng, thường xuyên ra ánh sáng mặt trời, thay đổi thực phẩm đa dạng, uống thuốc bổ vừa phải… hy vọng rằng bạn sẽ sống thêm 20 hay 30 năm...

• Trong rừng có nhiều cây đại thọ cả ngàn năm, nhưng người sống thọ đến 100 tuổi không nhiều. Thọ lắm cũng chỉ sống đến 100 tuổi (tỉ lệ 1/100.000 người).

• Ở tuổi 40, nếu thọ đến 70, bạn SẼ CÒN 30 năm. Ở tuổi 60, nếu thọ đến 80, bạn CHỈ CÒN 20 năm. Bạn không còn bao nhiêu năm để sống, bạn không thể mang theo những gì mình có, cho nên đừng tiết kiệm quá mức.

• Trên 50 tuổi, MỪNG TỪNG NĂM… Qua 60 tuổi, MONG TỪNG THÁNG… Đến 70 tuổi, ĐẾM TỪNG TUẦN… 80 tuổi, ĐỢI VÀI NGÀY… Đến 90 thì ngơ ngác một mình với giờ phút kéo dài thăm thẳm!



Nguyễn Ngọc Chính

***

Chuyện ông Tư chết mà vui

image

Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn sáu tháng. Ông bình tĩnh chờ cái chết, và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại, mà không bi ai, không sợ hãi. Ông muốn sau khi chết, gia đình làm đám tang theo ý riêng của ông.

Chuyện "Hotmail"
Chuyện “thả rông”
Chuyện “Thiên đàng súng” ở Mỹ
Chuyện 1000 viên bi
Chuyến bay Delta 15
Chuyện bây giờ mới kể
Chuyện Biển Đông: Muốn thắng Goliath thì cần David...
Chuyện bình thường
Chuyện buồn người hôi bia
Chuyện cán bộ ăn tục nói láo
Chuyện cậu bé gốc Việt gặp Obama
Chuyện cẩu tặc và …đại gia tặc!
Chuyện cây cầu Ba Cẳng
Chuyện chẳng có gì hết
Chuyện CIA tìm cách tuyển người Việt
Chuyện cờ bịch ngày xưa ở VN
Chuyện cô gái hái chè và thằng “Phải Gió”
Chuyện Cô học sinh Diane Trần
Chuyện cô nữ giảng viên trường Đại học Sư phạm Thá...
Chuyện của một phụ nữ nghiện đánh bài
Chuyện dài: I ngắn, Y dài
Chuyện Đấm Bóp Tại Hải Ngoại
Chuyên đề về doanh nghiệp ở VN
Chuyến đi dối già của Nguyễn Phú Trọng
Chuyến đi Mỹ của Đức cha Nguyễn Thái Hợp
Chuyến đi Việt Nam làm tôi ghét cộng sản
Chuyện đời
Chuyện đời của người phụ nữ giúp Obama lên đỉnh vi...
Chuyện Đông Âu kéo tượng Lenin
Chuyện Đông và Tây Đức sau khi thống nhất
Chuyện gì sẽ xảy ra ở Việt Nam năm 2015?
Chuyện gì sẽ xảy ra trên Biển Đông?
Chuyên gia đưa ra giả thiết về không tặc
Chuyên gia Mỹ quan tâm về máy bay không người lái ...
Chuyên gia thực phẩm tranh luận về tương lai của t...
Chuyện hai người quét rác
Chuyện hậu cung trong thế giới Hồi giáo
Chuyện hậu sự
Chuyển hướng quan hệ Mỹ - Việt và dân chủ
Chuyện Jeep Cherokee bị cướp quyền điều khiển
Chuyện kiêng cữ, từ VN tới Mỹ
Chuyện lạ bên Mỹ
Chuyện lạ bên Mỹ: "mèo"
Chuyện lạ nước Ta
Chuyện lạ ở Thái Lan: Trâu có vảy
Chuyện lạ qua ảnh
Chuyện lạ: Hải sản khô ruồi không dám đậu
Chuyện Lừa
Chuyện mặn chuyện nhạt
Chuyện một bài ca dao cổ
Chuyện một người Việt chống trả bọn cướp có súng
Chuyện một xóm đạo
Chuyện nghỉ hưu tại hải ngoại
Chuyện người già ở Mỹ
Chuyện những nữ tử tù bị phá trinh đêm trước hành ...
Chuyện ở Học Viện Quân Sự West Point
Chuyện ông Tơ bà Nguyệt quốc tế giúp kiếm chồng Mỹ...
Chuyện ông Tư chết mà vui
Chuyến phà đen
Chuyện phàm phu tục tử
Chuyện phiếm với ông bạn chậm tiến
Chuyện Rắn năm Tỵ
Chuyến Taxi cuối cùng của đời người
Chuyện tếu_Joke
Chuyến thăm của Kerry và tương lai của Việt Nam
Chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng
Chuyện thật
Chuyện thật ở thủ đô Hà Nội
Chuyện thịt lừa châu Âu
Chuyện thuở giao thời
Chuyện thủy sản tại quê nhà
Chuyện tiếu lâm thời hiện đại
Chuyện tình báo trong The Sympathizer
Chuyện tình cảm của chim cánh cụt
Chuyện tình cảm động của bà Aung San Suu Kyi
Chuyện tình của chàng lùn và người đẹp
Chuyện tình: "em không thể yêu anh, Đảng ạ"!!!
Chuyện trào phúng: chủ nghĩa xã hội ưu Việt
Chuyện tù cải tạo: vay và trả
Chuyện tử tế
Chuyện văn hóa Đông Tây
Chuyện về những người không ham muốn tình dục
Chuyện Việt Kiều Cấn Xề
Chuyện vui về Khổng Tử
image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.