Tuesday, September 3, 2013

Chuyện cờ bịch ngày xưa ở VN

image
Tôi chỉ hút thuốc lá có cái tên Saigon, khoái cái tên ấy từ ngày ở tù cải tạo ra, có chết cũng mang theo Saigon trong túi áo

Tuần cuối tháng 8-2013 này, dư luận tại VN đang sôi nổi về đề tài cờ bạc nhân dịp chính phủ VN vừa có tờ trình cho nghị định kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế (nghị định về cá cược), cùng với nghị định hoạt động kinh doanh casino (nghị định về casino). Có nhiều nỗi băn khoăn được đặt ra, như: mỗi ngày cá cược không được quá 1 triệu đồng, mỗi lần chơi ít nhất là 10,000 đồng; tại sao không được cá cược bóng đá trong nước; vào casino có cần xác minh nhân dân và nhân đó họ bàn luôn đến chuyện có hay không nên thành lập những khu mại dâm hợp pháp. Dư luận đã có chiều hướng đồng tình với sự “mở cửa” cho phép những hoạt động này. Nhưng từ lúc ra nghị định đến những hướng dẫn thi hành cũng rất phức tạp và có thể sẽ còn thay đổi, có nhiều chi tiết thực tế đáng quan tâm hơn. Nên kỳ báo sau, tôi sẽ bàn với bạn đọc về vấn đề hiện nay. Kỳ này, tôi ghi lại vài điều về ký ức cờ bạc ngày xưa cùng đôi chút kỷ niệm về những người bạn có mặt trong các cuộc chơi đó. Những kỷ niệm riêng tư gom lại, hy vọng phản ảnh được một phần của những cuộc chơi cờ bạc thuở xa xưa, tôi không có tham vọng trình bày đầy đủ về món ăn chơi này.

Biết có hại vẫn làm
image
Sòng bạc lớn được tổ chức chặt chẽ và tinh vi ở ngoại thành Hà Nội mà "vé" vào cửa với mỗi con bạc là 1 triệu đồng.
Ai cũng biết “cờ bạc là bác thằng bần,” ngay từ hồi còn học trường làng, chúng tôi cũng đã được học bài này và nhớ mãi câu này. Dĩ nhiên ai cũng biết, cũng nhớ, nhưng người ta vẫn đánh bạc, cũng như ngay trên bao thuốc lá có ghi rõ “hút thuốc lá dễ bị ung thư” nhưng người ta vẫn hút. Sau này có nhiều vị đã bỏ được, còn khối vị vẫn phì phà như không có gì xảy ra, trong số đó có tôi. Tôi xin tỏ lòng ngưỡng mộ các vị đã đoạn tuyệt với thuốc lá. Tôi bỏ vài tháng, nhưng sau này không đi chơi, không “cờ bịch” nữa, chẳng còn cái thú gì. Vả lại khi ngồi gõ máy, cứ thấy “thiếu thiếu” một cái gì ấy, có lẽ là thiếu thứ tạo thêm cảm hứng nên lại hút thuốc lá “cho đời lên hương.” Tôi biết đó chỉ là “ngụy biện” cho cái thói hư tật xấu của mình, nhưng “không thích bỏ thì cứ hút.” Tám bó có lẻ rồi, mà mình hút thuốc lá đã hơn “60 năm cuộc đời” có chết vì ho lao hay ung thư đâu. Khối ông từ bé tới lớn không hút thuốc, vậy mà lăn quay ra chết vì bệnh ung thư phổi. Như ông Thái Thủy từ nhỏ tới già không hút thuốc thế mà chết vì bịnh phổi đấy các cụ ạ. Thế có “phản khoa học” không? Tôi chịu thua!

image

Tôi lại nhớ đến câu nói của ông bác sĩ Hà Xuân Du, khi ở San Jose về VN, ông ấy nói “anh hút thuốc lá lâu năm, có khi cơ thể anh quen với chất nicotin rồi, thiếu nó, anh bịnh đấy.” Tôi không biết ông bạn tôi nói thật hay nói đùa, tuy vậy tôi cũng cứ tin như thật để có thêm lý do mua thuốc lá đều đều.
Cũng xin nói thêm là, tôi chỉ hút thuốc lá có cái tên SAIGON. Tôi khoái cái tên ấy từ ngày ở “tù cải tạo” ra cho nên nhất định chỉ hút thuốc lá Saigon. Ông nào ở Mẽo về cho ba số 5, Cravena, xì gà gộc… tôi đem đổi hoặc đem cho hết. Một tút thuốc ba số 5 đổi được hơn hai tút thuốc Saigon, bởi thứ thuốc lá tôi hút bây giờ ở VN, một gói chỉ có giá 11 ngàn VN, chỉ bằng nửa đô la Mỹ. Song, giá cả chưa phải là chính, vẫn chỉ là cái tên tôi thích “THUỐC LÁ SAIGON.” Tuy vậy tôi vẫn đề nghị với bạn không nên hút thuốc lá. Còn tôi không bỏ được thì có chết cũng mang theo SAIGON trong túi áo.


Trở lại với chuyện “cờ bịch.” Dù là “vui chơi, giải trí” hay táng gia bại sản cũng là “cờ bịch.” Chữ này vốn là chữ của tôi dùng trong các bài phóng sự và nó đã được “bảo chứng” khi nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh cũng đã có lần dùng trong bài viết của mình và ông còn cẩn thận ghi thêm sau hai chữ “cờ bịch” là “chữ của anh Văn Quang.” Chắc ông cũng chỉ có ẩn ý muốn nhắc lại vài kỷ niệm của anh em chúng tôi thời xa xưa thôi. Ông Nguyễn Đạt Thịnh hơn tôi vài ba tuổi và tốt nghiệp khoá 6 Trường Võ Bị Đà Lạt. Hồi sau tết Mậu Thân 1968, còn cấm trại “chăm phần chăm em ơi,” chúng tôi cũng ngồi đánh phé còm với nhau ở phòng báo chí. Hồi đó tôi đã về Đài Phát Thanh Quân Đội, anh Thịnh làm Trưởng Phòng Báo Chí. Đánh phé còm cho đỡ buồn, bất kể cấp bậc, quan cũng như lính, ngồi vào chơi cùng nhau rất “bình đẳng bình quyền.” Cũng “tố,” cũng “tháu cáy” như điên. Rất hào hứng, đến nỗi có những anh em thích “chăm phần chăm” ở trại hơn là ở nhà với vợ. Chúng tôi bày ra cái trò này để anh em chơi cho đỡ “trốn cấm trại.” Ngay trong Cục Tâm Lý Chiến, buổi tối đã có 3 bàn phé còm.


image
Ngoài phòng báo chí, ở trong phòng vi âm của đài phát thanh QĐ, máy lạnh 24/24, cũng có “sòng bài” nhỏ cho các ông nhạc sĩ, biên tập viên, phóng viên “oánh thả cửa,” nhưng dĩ nhiên là có kiểm soát, không vượt quá giới hạn. Nhật báo Tiền Tuyến do cụ Hà Thượng Nhân cai quản cũng có sòng xì phé và mạt chược còm.
Nhân nhắc tới chuyện cũ tích xưa này, tôi điểm lại đôi nét về chuyện “cờ bịch” tại VN, trong giới hạn thời gian, không gian nhỏ và bạn bè mà tôi biết, tất nhiên không thể nói hết.


Cờ bạc trước 1945
Tôi lấy cái mốc thời gian đó như nhiều ông bạn có tuổi bây giờ thường hay nghĩ đến. Thực ra từ hồi trước năm 1945, tôi chỉ biết vài thứ cờ bạc ở làng tôi. Miền Bắc hồi đó chỉ có xóc đĩa hay còn gọi là “lắc đĩa.” Ngay trong nhà tôi, cứ vào dịp Tết hoặc ngày giỗ ông nội tôi, thường tổ chức một canh xóc đĩa gồm nhiều vị “chức sắc” và điền chủ trong huyện đến chơi, đôi khi có cả các vị ở huyện khác thân quen với gia chủ cũng tới ngồi sòng. Có khi lên đến 50 - 60 người. Canh xóc đĩa này được coi là khá lớn, giấy “bạc con công” như bươm bướm. Thường là chừng hơn chục cái chiếu hoa cạp điều được trải trong dài trong dãy nhà khách khá lớn của nhà tôi. Nhà khách được thắp sáng trưng bởi mấy cái đèn “măng sông” và đèn đất. Canh bạc bắt đầu ngay từ chiều cho tới sáng hôm sau. Nhà tôi chỉ lập sòng mỗi năm một lần.
Tôi còn nhóc nên chỉ biết có mỗi cách đánh là chẵn lẻ. Tôi khoái nhất là khi sắp mở đĩa để quyết định thắng thua. Nhà cái hô hoán lung tung, khi cả “làng” đặt” tiền và đặt cược xong mới mở. Cái cử chỉ mở bát rất phóng túng, rất “tay chơi,” rất chuyên nghiệp. Cái bát được nhón lên cho khỏi va chạm làm ảnh hưởng tới cái đĩa, nhưng vừa lên khỏi đĩa là cái bát được vung mạnh bật ra xa nằm quay cu lơ. Mọi con mắt để dồn vào 4 đồng trinh trong đĩa sấp ngửa ra sao, nó có ảnh hưởng tới số phận hên xui, có khi tới cả vận mạng mình. Bởi có những ván bài rất lớn, bằng cả cơ nghiệp của một số “bá hộ” mà bây giờ người ta gọi là “đại gia miệt vườn.”
Sau xóc đĩa là những bàn bài nhỏ như chắn cạ, tổ tôm, đánh lú thì hầu như những nhà khá giả trong làng, ngoài tỉnh đều tổ chức đánh với hàng xóm, bạn bè mua vui. Cũng đôi khi có những sòng chắn cạ tổ tôm chuyên nghiệp, hầu hết họ ở gần phố, gần chợ, gần những “xóm cô đầu.” Còn ở làng khi có hội hè cũng tổ chức vài món chơi phổ thông như cờ tướng, tổ tôm điếm, tùy theo phong tục của từng làng.
Ở cổng các trường học, nhất là vào dịp có kỳ thi, thường có mấy bàn “bầu cua cá cọp” đứng dụ mấy cậu học sinh. Nó thoáng cho mình thấy cái con cờ bằng gỗ úp xuống là con cua, nên mình tưởng bở nhào vào đặt vài xu, khi lật lên lại là con cá nên nhiều anh thua hết cả tiền cơm.


image
Cảnh hát cô đầu và hút thuốc phiện thời xa xưa
Nói thêm một tí là cái thú “cờ bịch” của các cụ thời đó, nhiều nhất và “tốn kém đến mất nghiệp” là xóc đĩa, thường đi kèm với cái thú hút thuốc phiện và “đi hát cô đầu,” các ông anh và ông chú tôi đi hát cô đầu gọi tắt là “đi hát,” hoặc đi hút thuốc phiện là “đi hít.” Hồi đó, chưa có những loại ma túy ghê gớm như bây giờ. Phải bảnh lắm mới hút thuốc phiện và đi “hát cô đầu” được. Có lẽ nhiều bạn còn nhớ, hai phố cô đầu nổi tiếng đất Bắc xưa là Quán Bà Mau ở Hải Phòng và Khâm Thiên ở Hà Nội. Ở thành phố có vài dancing, hầu hết là trong các khách sạn lớn. Dân văn minh lắm mới đi nhảy với mấy “ông Tây bà đầm.”
Đó là vài thú chơi thường thấy thời tôi còn thơ ấu từ trước 1945 ở miền Bắc, còn ở miền Nam, tôi không biết nhiều nhưng chắc chắn là dân miền Nam không đánh xóc đĩa, theo tôi biết thì phần đông người miền Nam và miền Trung chơi tứ sắc, bài cào, sập sám và cờ tướng.

Cờ bạc ở VN trước 1975
Phần đời khôn lớn của tôi ở miền Nam, có thể kể từ năm 1953, khoảng gần mười năm sau tôi mới biết “cờ bịch.” Thoạt đầu là đánh chắn với mấy ông bạn “Bắc Kỳ chính hiệu con nai.” Tôi biết lơ mơ chắn cạ từ hồi còn nhỏ ngồi bên mẹ. Thế nên khi ông bà Quốc Phong rủ đánh chắn là tôi hăng hái nhận lời. Rồi đến Phạm Đình Chương rủ đến nhà đánh chắn cho bà cụ mua vui. Bàn chắn đó chúng tôi gọi là nhà “bà cụ Hoài Bắc.”
Sau đó, tôi biết đánh xì hay còn gọi là đánh phé. Từ năm 1960 có thể gọi là thời kỳ bộc phát của xì phé. Bàn xì phé có mặt lung tung đủ mọi nơi, từ cổng Đài Phát Thanh Sài Gòn, đến nhà Ân Shell, ông Tú Vopco, hay ở trong các hóc hẻm như nhà ông Hà Huyền Chi, Nguyễn Đình Toàn… Hai ông này thuộc loại “kinh tế suy thoái” nhưng đánh bài như công tử, chẳng kém ai.
Sau đó vài năm, đến phong trào chơi mạt chược cũng nẩy nở rầm rộ như chơi phé. Ít năm sau, tôi bỏ chơi phé, một trò chơi “không khoan nhượng” chỉ nhằm “giết” lẫn nhau dù là bạn bè thân thuộc, bởi nếu không thế thì không còn là đánh phé, phải giấu kỹ con bài tẩy, hở ra là “chết.” Chơi mạt chược có tính “gia đình” hơn, có thể khoan nhượng được. Nhưng hầu hết là chúng tôi chơi mạt chược còm, “láng” rất ít. Có thua nhiều lắm cũng chỉ mất một ngày lương chứ không thể so sánh với các sòng đại gia.


Những sòng bài có bảo kê
Sau sự kiện đám Bình Xuyên tan tác, kéo theo Kim Chung Đại Thế giới đóng cửa, nhiều sòng bài các kiểu mọc lên và một số sòng bài lớn nhất thời đó thường được bảo kê bởi một vài thế lực lớn. Tôi biết khá rõ những địa chỉ bảo kê này qua nhà phóng sự gia Phan Nghị thường lăn lộn ở khắp “chốn giang hồ,” ông cho tôi biết từng địa chỉ và chính ông cũng được các đại ca thỉnh thoảng chi cho một tí tiền đi ăn chơi. Nhưng nay các vị đứng đầu bảo kê hoặc con em các vị ấy cầm đầu bảo kê đã mất, tôi không nhắc lại làm gì cho “mất đoàn kết.”
Hầu hết các sòng bài đó là sóc đĩa, xì phé, sì dách và cũng có những tổ chức bịp bợm rất tinh vi. Ngay trong tổ chức đánh phé ở nhà tư cũng có nơi bịp. Tôi còn nhớ có lần ông Phan Lạc Phúc và tôi đến nhà một ông ở khu Chợ Cá Trần Quốc Toản đánh phé. Đánh kiều nào cũng thua. Tôi khám pha ra bài có dấu. Liền dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông,” lấy lại đủ tiền. Đành xong ván đó, tôi nháy ông Phúc ra về ngay. Chính vì sợ bị bịp nên sau này, chúng tôi lập một club fermer chừng 7-8 anh em bạn biết nhau, chơi cho yên tâm. Mỗi tuần, thay nhau tổ chức đánh bài ở một nhà, không chơi với người lạ.
Vào thời này trường đua ngựa cũng được phép tổ chức khá bài bản, nhưng chưa có “đua chó,” bởi thời đó không nhiều “đại gia chơi chó” như thời nay. Cá độ bóng đá cũng chỉ có giới hạn nhưng hầu như các ông bạn tôi rất ít người đến trường đua Phú Thọ. (Tôi sẽ nói ở bài sau).


Vài cá tính cờ bịch của các ông văn nghệ sĩ
Nói đến cờ bịch, tôi nhớ lại vài tính cách chơi bài của các ông bạn tôi. Tôi chỉ nhắc đến vài ông có cá tính đặc biệt mà tôi tin rằng sẽ không ai viết tới, dù có viết tiểu sử các ông ấy rất cẩn thận. Những nét rất nhỏ nhưng lại là “giai thoại” mang theo hết cuộc đời mình.
Tôi nghĩ, bạn đọc cũng có những mẩu chuyện tương tự, chuyện lớn có thể không nhớ, nhưng kỷ niệm rất nhỏ lại cứ nhớ hoài. Gặp nhau là nhắc lại để tiếc thương những gì đã qua mà chỉ có “chúng mình biết với nhau.” Mới chỉ tuần trước đây thôi, một ông bạn tôi ở Úc về, chúng tôi gặp nhau trong một quán ăn, ông ấy còn nhắc lại một ván bài với ông Quang “hói” khi chơi ở báo Tiền Tuyến cách đây gần nửa thế kỷ. Từng chi tiết sống động như mới xảy ra tháng trước.


image
Tài tử Lê Quỳnh trong phim Hồi Chuông Thiên Mụ, đóng phim xong về đánh chắn ở câu lạc bộ Nghệ Sĩ đường Tự Do, do ông Phạm Xuân Thái cai quản.
Lại phải nói về cái sự đánh phé của ông Quang “hói.” Ông đánh phé hùng hục, “cái gì cũng theo” nên ăn tiền của ông “ngon” như đi ăn phở 79. Ông Quang “dù” và ông Quốc Phong chủ báo Kịch Ảnh cũng nóng tính không kém. Tài tử Lê Quỳnh đánh chắn không khá lắm nên thua xiểng liểng. Hoài Bắc - Phạm Đình Chương đánh phé rất “chắc,” có đôi lớn mới theo, khi ông ấy ra tiền là kể như ăn chắc nên được đặt cái nick name là “gánh gánh về.” 

image
Mai Thảo
Mai Thảo thì luôn uể oải kể cả khi đánh chắn hay đánh phé còm, mắt cứ lơ mơ như buồn ngủ. Dường như ông này không có máu ăn thua đủ. Ông Thái Thủy khi đánh phé, cứ có bài lớn là tay run run, mặt mũi xanh dờn như gặp cướp, nên đối thủ đoán được ngay. Cụ Hà Thượng Nhân chơi tổ tôm rất có “đẳng cấp” nhưng khi đánh phé thì cụ nhát gan, tố mạnh là cụ “chạy có cờ” ngay.

image
Ông bà Anh Ngọc thăm Văn Quang ở Saigon năm 2003
Ông Anh Ngọc không đánh phé, có thời ở gần nhà tôi, ông và ông Cung Tiến cùng vài anh em khác hay chơi “băng ky.” Tôi không khoái trò này không hiểu luật chơi ra sao. Nghe nói sau này, qua Mỹ rồi ông cũng chơi mạt chược ở nhà, có bà Nhung phụ tá. Nhưng nay “người” hơi yếu rồi nên ông Hoàng Song Liêm thông báo là “người” chỉ cầm vài ván cho đỡ buồn tay thôi.

image
Ca sĩ Duy Trác chơi mạt chược còm cho vui

Ông Duy Trác là dân Hải Phòng với tôi một thời, sau này chơi mạt chược cũng là cao thủ. Nhạc sĩ Y Vân vẫn lao vào chơi mạt chược và vốn là dân đói rách “có hạng,” song nhưng lại hay thua. Ông Nhật Bằng chơi rấy hay và rất kỹ tính, cả nhà ông đều chơi mạt chược rất giỏi, có khi vợ chồng con cái ngồi chơi với nhau, chắc là chơi ăn “búng tai” thôi. Đó là vài “sự kiện” đáng nhớ.
Những ông không chơi cờ bịch
image
Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thủy “đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu” nhưng không cờ bịch, có… phí của giời không?
Có những ông không bao giờ bén mảng đến làng cờ bịch và dancing. Ông Hoàng Hải Thủy tức Công Tử Hà Đông viết phóng sự rất “ác liệt,” nhiều độc giả cứ tưởng công tử “ăn chơi kinh lắm” nhưng ông không hề chơi bất kỳ món nào. Ông là một ông chồng mẫu mực.

image
Nhà văn Tạ Quang Khôi không cờ bịch, không nhảy nhót nên… mau già.
Ông Tạ Quang Khôi cũng vậy, ông tự nhận là Giáo Gian nhưng thật ra ông rất hiền, tốt tính, chỉ hay giận vặt, không nhảy đầm, không cờ bịch dù suốt đời chơi với hầu hết anh em văn nghệ sĩ vì ông từng làm “nhớn” ở Phòng Văn Nghệ của đài PT Saigon. Ông Uyên Thao cũng là một người “chân chỉ,” cuộc sống của ông là “cày” và “cày.” Làm nhiều đến nỗi anh em… phát ghét. Lê Xuyên còn hiền lành hơn, không cờ bịch rượu chè, thậm chí không bước chân đến phòng trà nghe nhạc. Ông Nguyên Sa và ông Huy Phương cũng vậy, có lẽ ảnh hưởng từ “nghề làm thầy giáo” nên các ông ấy không “văng mạng” như chúng tôi…

image
Phim Người Tình Không Chân Dung của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, ông  đạo diễn không bao giờ chơi cờ bạc.
Đặc biệt là mấy ông đạo diễn, làm phim “xã hội đen,” phim “giang hồ uýnh lộn tơi bời,” bắt diễn viên chơi bài bịp như làm xiếc nhưng đạo diễn lại chưa cầm đến con bài bao giờ, như Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Hoàng Hoa, Hoàng Anh Tuấn…
Còn khá nhiều những ông như thế nữa. Nhưng tính theo tỷ lệ, ước chừng có 10% các “bố văn nghệ” không cờ bịch, không nhảy nhót. Còn hầu hết là ít nhiều có cờ bịch, có nhảy nhót, có cá độ và những món linh tinh khác.

image
Văn Quang, Kiều Chinh, Đằng Giao, Phan Nghị. Trừ Kiều Chinh không đánh mạt chược, còn 3 ông này “luộc” nhau nhừ tử rồi lại mời nhau đi cà phê xả láng.
Trong một ngày gần đây, tôi sẽ có dịp viết tỉ mỉ về “cuộc đời ái tình sự nghiệp” riêng của từng ông này nhưng tất nhiên là những chuyện “đàng goàng” chứ không có cờ bịch.

Từ mạt chược đến các phòng trà tiệm nhảy
image
Cùng với mạt chược là các phòng trà, tiệm nhảy mọc lên nhanh chóng. Sau 1954, cô đầu “rượu” ngoài Bắc “dô Nam,” một số lớn chuyển sang nghề làm gái nhẩy, thoạt tiên là “vào học nghề” ở các tiệm nhảy matinée có giá rất rẻ như Lai Yun ở đường Tổng Đốc Phương trong Chợ Lớn. Các ông Huy Sơn, Nguyễn Ái Lữ hiện ở Mỹ, chắc chưa quên, thời chúng ta còn rách, còn “xê li bạt,” những buổi chiều thứ Bảy, Chủ Nhật thường la cà vào đó để nhảy bốn chục một ly nước, ngồi hàng giờ với các em Hương khàn – sau này còn biệt danh là “Hương National” để phân biệt với Hương Suziki, em Hải 44, em Lan mập… Ông Toàn Phong thời còn trẻ, dường như cũng có vài lần đặt gót giầy “đời phi công” đến nơi đó rồi?

Trong khi đó các phòng trà tiệm nhảy ở Sài Gòn cho giới trung lưu ngày một nhiều và sang trọng thêm. Phòng trà Anh Vũ ra đời sớm rồi cũng tàn sớm ở đường Bùi Viện. Sau đó đến Tự Do, Mỹ Phụng, Baccara, Đại Nam, Queen Bee, Olympia, Versaille, Moulin Rouge… nhiều quá kể không xuể. Các nam nữ ca sĩ bắt đầu xuất hiện và tạo được tên tuổi nhờ phòng trà ca nhạc chứ không phải từ các đài phát thanh. Nhưng sau bước khởi nghiệp ban đầu, các đài phát thanh lại rất quan trọng, bởi đài phát thanh là mảnh đất cho các ca nhạc sĩ lan tỏa tên tuổi nghệ sĩ của mình và “nuôi” tên tuổi đứng vững trong làng giải trí toàn quốc và cho tới tận mai sau.

Sau 1975, cờ bịch Sài Gòn biến tướng ra sao
Những năm đầu, khi tôi còn nằm kỹ trong các trại tù cải tạo và các ông được gọi là “hào hoa phong nhã” của nền cờ bịch Saigon cũng di tản ra nước ngoài. Ở trong các trại cải tạo, chúng tôi tự làm những con bài mạt chược bằng gỗ, làm bàn bằng tre, ngồi đánh cho vui và cá độ đá bóng bằng vài điếu thuốc lá. Ở ngoài thành phố Saigon “đi dép lốp,” anh nào cũng rách như tổ đỉa, ăn bo bo thấy mẹ, làm gì có “cờ bịch” nữa. Nhưng chục năm sau, thành phố khá lên và những ông “hào hoa” còn kẹt lại có tí tiền từ bà con ở nước ngoài gửi về, lại tấp tểnh cờ bịch. Khi đi tù về, chúng tôi lại bắt đầu tụ họp đánh mạt chược cùng nhau, trước hết là ở nhà ông bà Đằng Giao - Chu Vị Thủy vào Chủ Nhật hàng tuần. Chỉ có vài anh em rất thân chơi với nhau, vậy mà vẫn có kẻ xấu miệng rêu rao chúng tôi tụ họp để “bàn chuyện chính trị.”

image
Ngày thường chơi ở nhà ông Khương “trực thăng.” Rất đông vui. Nhưng chỉ một thời gian, từng người lần lượt ra đi nên cả hai chốn hẹn hò đó đều ngưng hoạt động. Cho tới bây giờ tìm được một bàn mạt chược ở Sài Gòn hơi khó, chỉ còn vài nơi duy trì được nếp cũ. Và cho tới nay rất ít ông cán bộ và thanh niên biết chơi mạt chược. Các ông ấy chơi thứ khác. Sang Macao, Campuchia, Las Vegas chơi toàn đô la Mỹ và euro, cá độ bóng đá, đi karaoke, chơi ma túy, đi dancing săn chân dài. Hoặc ở vài tỉnh thành và thôn quê, một số anh có tiền lại quay về với thú cổ điển là xóc đĩa và thú “điền viên” là đi nhà nghỉ với “rau sạch.” Nền “văn hóa ngoại tình” phát triển như rươi.

Trong kỳ sau tôi sẽ bàn với bạn đọc về những thứ cờ bịch hiện nay và chi tiết cái nghị định về cờ bạc của chính phủ VN cùng những dư luận của đa số người dân và khi thực hiện sẽ gặp những lợi hại ra sao.



Văn Quang

image

1 hour ago
Nền cờ bịch nhờ “triết lý” đó phát triển nhanh chóng. Các đại gia “thi đua khoe của” lao vào vòng cờ bịch, khi ăn khi thua. Nhưng chẳng có anh nào giàu thêm vì cờ bạc cả. Chỉ toàn những anh thua cháy túi. Và càng thua thì ...

Aug 08, 2013
Dường như không con bạc nào lại không thiếu nợ. Theo thống kê của Hội Đồng Quốc Gia Hoa Kỳ, nợ trung bình của một người đàn ông nghiện cờ bạc tại Mỹ nằm trong khoảng $55,000 đến $90,000, phụ nữ may mắn hơn ...

May 08, 2011
Thoạt nhìn đó chỉ là những bộ bát đĩa thông thường, những thiết bị điều khiển tựa như đồ chơi điện tử cho trẻ nhỏ. Nhưng xem kỹ mới biết chúng là "đồ nghề - kỹ thuật cao" của giới cờ bạc bịp. Tìm hiểu công dụng của chúng ...

Aug 01, 2013

Đó là vài điều trong vô số điều mà Nhã Lan, nữ xướng ngôn viên khả ái của đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV, đã và còn đang phải hứng chịu vì có chồng “lỡ vướng vào con đường nghiện cờ bạc.” Pha trong nước mắt ...

Cho phép thì lo, không cho thì lạc hậu
Điệp viên cs Phạm Xuân Ẩn: Xin đừng chôn tôi gần c...
Thế giới ăn gì vào bữa sáng?
Hòa thượng Thích Quảng Độ từ nhiệm
Chị “Sui” hấp dẫn!!
Chủ nợ Việt dùng cảnh sát Việt hăm dọa con nợ
Những chuyện về ăn uống
Nhân Quyền, Dân Chủ VN: Tình Hình Tháng 8 Năm 2013...
Hai cậu bé: bán thuốc lá dạo và đạp xích lô ở VN
Bán tất cả, trừ huyền thoại
25 món bún
Madison, Wisconsin: 30-8 Ngày John 'Vietnam' Nguye...
Những bí ẩn bên trong xác ướp HCM?
Bà Clinton 'nhiều quà' hơn cả ông Obama
Thế giới tập trung vào Syria
Cơn "mưa tiền" trút xuống cảng du lịch ở Mỹ
Chuyện Lừa
Anh xử nghi phạm al-Qaeda gốc Việt
Hậu trường ngoại giao Mỹ - Việt
Bao nhiêu người sẽ không được cấp bằng lái xe?
Điều bạn có thể chưa biết về Việt Nam
Vũ khí khủng bố mới khiến cả thế giới lo sợ
Hồ Chí Minh đứng hạng 3 sau Pol Pot
Bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi
Tâm tư Bác-Sĩ Xã Hội Chủ Nghĩa VN
Hai câu chuyện này có liên hệ gì với nhau?
Vỡ nợ vì vào nhà thương?
Nails Việt toàn nước Anh đang lo lắng
Lần đầu tiên có bằng cử nhân Việt Ngữ tại Hoa Kỳ
Nguyễn Tất Nhiên: Gã cuồng yểu mệnh
Marissa Mayer: Nữ CEO xinh đẹp của Yahoo
Phim 'Vành đai Thái Bình Dương'
Art: Những khu rừng nước Anh
Diệu Hương: Tiếng hát của hoa Lan
Nhan sắc của một cô gái Việt
Người giữ hồn cho nhạc dân tộc
Nhạc sĩ Vân Ánh đem tiếng đàn tranh đến đất Mỹ
Tại sao Ai Cập quan trọng & Vũ khí hóa học tại Syr...
Đồ lót giúp “quan hệ từ xa”
Ca sĩ 13 tuổi gốc Việt hát nhạc của nhạc sĩ Việt K...
Ý nghĩa bản án của Phương Uyên-Nguyên Kha
Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều ...
Tôi không phải dân Bắc!!!

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.