Trở
thành người bị “bad credit” hơn 10 năm, không thể tự đứng ra mở một tài khoản
điện thoại cho chính mình; căn bệnh suy thận ngặt nghèo quật cô ngã quỵ sớm hơn
so với thời gian tiên liệu của bác sĩ; hai đứa bé lên 9 lên 6 phải sống “lủi
thủi tự lo cho nhau như những đứa trẻ mồ côi” vì mẹ cứ phải rong ruổi đi tìm bố
ở các sòng bài; hiện tại “đứa con gái út ở tuổi thiếu nữ vẫn rất ít nói và có
gương mặt trĩu buồn bởi những di chứng tâm lý còn để lại”…
Đó
là vài điều trong vô số điều mà Nhã Lan, nữ xướng ngôn viên khả ái của đài
Little Saigon Radio và Hồn Việt TV, đã và còn đang phải hứng chịu vì có chồng
“lỡ vướng vào con đường nghiện cờ bạc.”
Pha
trong nước mắt là một sự rắn rỏi và quyết đoán khi cô nói, “Tôi muốn câu chuyện
này viết ra có thể khiến cho những ai mới thập thò đưa chân vào con đường bài
bạc đọc được và sẽ kịp dừng lại vì di hại của nó là không lường.”
Chuỗi
ngày đau khổ bên người chồng nghiện đánh bài trong suy nghĩ “phải thắng được
sòng bài” và tâm tư “cao ngạo” của một người vợ muốn dùng tình yêu để thách đố
cùng các sòng bài rằng “sẽ mang được bố về cho các con” như một cuốn phim đầy
kịch tính, từ từ chiếu lại qua gần 10 tiếng đồng hồ tâm sự của người kỹ sư hãng
Boeing có gương mặt và giọng nói thật đặc biệt này.
Sự thật ngỡ ngàng
Xướng ngôn viên Nhã Lan của
đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV
Chưa
bao giờ, thậm chí cả đến khi bước chân vào phòng VIP của sòng bài Commerce,
sững sờ nhìn thấy chồng “mặc áo thun đen, jacket khoác ngoài rất bảnh, rất
sang” đang ngồi tại đó, Nhã Lan vẫn tin là “anh không có đánh bài, anh đang bàn
công việc với những người Đài Loan!” như lời chồng cô giải thích một cách “rất
tự nhiên và bình thản” với cô khi đó.
“Làm
sao mà tôi tin rằng anh có thể trở thành con bạc được khi mà cả một thời gian
dài trước khi cưới nhau, anh ở chung với nhóm bạn bè, cuối tuần nào họ cũng tổ
chức đánh bài tại nhà mà có bao giờ anh tham gia đâu.” Nhã Lan giải thích cho
sự “ngây thơ” của mình.
Theo
dòng ký ức, Nhã Lan bắt đầu câu chuyện từ thời cô và người đàn ông có tên Q.V,
chồng cũ của cô, yêu nhau.
“Bốn
năm quen nhau ở thời sinh viên, anh là một con người hoàn toàn khác. Anh chỉ
biết đi làm, đi học, kiếm tiền gửi về nuôi bố ở Việt Nam vừa ở tù cải tạo ra, lo cho mẹ
bị đụng xe và nuôi các em ăn học. Tình yêu của tôi và anh là một tình yêu lãng
mạn và lý tưởng.” Người phụ trách chương trình Tản Mạn Văn Học trên đài Little
Saigon Radio kể.
Cưới
nhau vào cuối năm 1986, Nhã Lan trải qua những năm tháng hạnh phúc trong cuộc
sống gia đình, dù rằng ngay từ đầu chồng cô đã bộc lộ thẳng suy nghĩ của anh là
“phi thương bất phú,” và cô cũng sớm nhận ra “anh là một người rất thông minh
nhưng láu cá, chỉ muốn làm giàu bằng con đường đi tắt, chứ không muốn đổ mồ hôi
nước mắt.”
Đến
giờ, Nhã Lan vẫn chưa có câu trả lời là chồng cô lao vào bài bạc tự khi nào và
nghiện bài từ bao giờ. Mọi việc chỉ dần hé mở khi người thợ sửa nhà báo cho cô
biết “tấm check $10,000 anh ký trả tiền sửa nhà không 'cash' ra được.”
Ngạc
nhiên, nhưng đinh ninh rằng tiền mình hãy còn rất nhiều trong ngân hàng vì
“thời đó nhà chỉ có khoảng $110,000 một căn mà lương tôi đến $70,000 một năm,”
người phụ nữ có khuôn mặt luôn ngơ ngác với cuộc đời này tự ký một tấm ngân
phiếu khác, ở một ngân hàng khác, để trả tiền cho nhà thầu.
Tuy
nhiên, một lần nữa, cô ngỡ ngàng khi nghe nói “vẫn không lấy tiền được” kèm
theo câu “cảnh báo”: “Hãy lên sòng bài Commerce tìm chồng.”
“Tôi
đến ngân hàng kiểm tra và không thể nào tin được khi số tiền trong đó là ‘âm’
$4.96.” Nhã Lan nhớ lại.
Nhờ
em trai chở đến Commerce Casino theo lời mách bảo, và cô đã nhìn thấy chồng
mình ngồi rất đường hoàng trong phòng VIP của sòng bài như thế. Đó là năm 1993.
Vũng
lầy đầu tiên
XNV Nhã Lan, "Tôi và
các con đã không thắng nổi ma lực của sòng bài, không thắng nổi suy nghĩ điên
rồ của người chồng muốn ăn thua với sòng bài, muốn thắng được sòng bài.”
Không
thừa nhận là mình đánh bài mà chỉ “bàn công việc với khách,” người đàn ông này
còn giải thích với vợ về việc lấy sạch tiền trong ngân hàng là vì “Anh đang làm
một cú làm ăn lớn nên phải rút hết tiền ra. Làm xong vụ này thì Lan không cần
phải đi làm nữa, chỉ đi học, đi du lịch thôi.”
Nhã
Lan một mực tin vào lời nói dối của chồng. Đó cũng là thời gian cô bị mất việc
ở hãng McDonnell Douglas, nên ban ngày Nhã Lan đi học y tá, chiều về trông nom
quán cà phê nhạc do chồng cô sang nhượng lại “nhưng hơn cả năm trời coi lại sổ
sách không có lấy được đồng nào đem về.”
Từ
lúc này, có những ngày chồng cô không về nhà.
“Thời
ấy không có cell phone, chỉ có 'beeper' thôi. Tôi nhắn thì anh gọi lại nói rằng
phải chở khách đi coi nhà ở San Diego ,
bận rộn nên ở lại.” Nhã Lan cho biết quả thực lúc đó chồng cô cũng có làm nghề
địa ốc, làm thuế.
Cô
kể, “Có một ngày từ quán cà phê trở về, tôi thấy tủ quần áo chất đầy tiền,
những tờ tiền $100 cuộn lại, nhiều vô cùng. Không biết tiền ở đâu, tôi cũng
không dám nói với ai, ‘beeper’hỏi nhưng không thấy anh trả lời.”
“Thiệt
tình lúc đó tôi vẫn không nghĩ rằng chồng mình đánh bạc mà chỉ sợ anh buôn bán
ma túy thôi, nhất là khi thấy tiền cất trong tủ quần áo mà không bỏ vào ngân
hàng.” Nhã Lan tiếp tục. “Thế nhưng hai ngày sau đi làm về thì lại thấy không
còn tiền ở nhà nữa. Tất cả biến mất hết. Tim tôi lại giật thon thót. Ra nhà
bank coi thì cũng không thấy có tiền, ngoại trừ tiền thất nghiệp của tôi.”
Sau
này, trong một lần tình cờ, Nhã Lan được một người quen, cũng là một người ghiện
bài bạc, cho biết số tiền đó là do chồng cô thắng một trận lớn đến cả $50,000.
Mang
trong lòng nỗi hoài nghi càng lúc càng lớn nhưng cô không thể nào gặp được
chồng để hỏi cho ra lẽ. Một đêm, sau khi đóng cửa tiệm cà phê, nhìn thấy chồng
ở nhà “trong dáng vẻ mệt mỏi rã rời và cần nghỉ ngơi,” Nhã Lan xin nghỉ học
ngày hôm sau để “ở nhà hỏi chuyện cho ra lẽ vì không làm sao tôi gặp anh được
hết.”
Sau
khi thuyết phục để chồng “nói thật chuyện gì đã xảy ra” thì cô được biết “anh
đã thua hết tiền rồi
và lý do anh đi miệt mài như vậy là để tìm đúng số tiền
$120,000 về trả lại cho Lan. Anh sợ vợ con sẽ bỏ anh.”
Bàng
hoàng trước sự thật đó, nhưng người phụ nữ luôn tin vào tình yêu lãng mạn này
vẫn khuyên chồng “Hãy quên số tiền đó đi! Hãy đi vào hãng tìm việc làm, dù
lương thật thấp cũng được, nhưng công việc bận rộn sẽ không cho mình có thời gian
rảnh rỗi để nghĩ đến chuyện đi đánh bài nữa.”
Cô
nhớ lại, “Anh đau khổ, anh khóc, anh hứa hẹn, anh ở nhà, lại chở con đi học, đi
chơi, nấu ăn cho vợ. Khi không đi đánh bài, anh là một con người khác hẳn, một
người chồng tốt, một người bố rất mực thương con, lo cho con.”
Và
đó chính là một trong những lý do khiến Nhã Lan kéo dài cuộc hôn nhân cho đến
cuối năm 2000, sau 7 năm khám phá ra chồng mê cờ bạc.
Tình
yêu mãnh liệt "thua" ma lực của sòng bài
Sau
khi biết chồng nghiện bài bạc, cùng những điều nghe được từ bạn bè quen biết,
Nhã Lan quyết tâm phải bằng mọi cách “hoán cải, kéo chồng trở về.”
Nhã
Lan tâm sự, “Khi đó, tôi tin vào tình yêu mãnh liệt của mình đối với chồng, tôi
tin vào lòng yêu quý bố của hai đứa con tôi sẽ giữ chân được chồng tôi.”
“Nhưng,
cuối cùng, tôi và các con đã không thắng nổi ma lực của sòng bài,” không thắng
nổi suy nghĩ điên rồ của người đàn ông “muốn ăn thua với sòng bài, muốn thắng
được sòng bài.”
Gần
một năm rưỡi, Nhã Lan cứ phải sáng đi học, chiều lại trông quán cà phê kiếm
thêm thu nhập, tối về đi khắp các sòng bài Commerce, Bicylce, Nordmandie, rồi Hollywood Park để tìm chồng.
“Đứa
con gái lớn của tôi khi đó suốt ngày mặc cái áo thun bố mua cho vì 'đó là áo bố
mua và con mặc để đỡ nhớ bố.' Nó lại viết những mẩu giấy nhỏ 'Chúa ơi ngôi sao
nào tìm bố về cho con?' rồi bảo 'mẹ cầm cái này đưa cho bố, nói tụi con nhớ
bố.'” Cô nói trong nước mắt.
Nhã
Lan nhớ lại, “Thật ra anh đánh có lúc thắng có lúc thua, nhưng tiền trong
checking, trong saving đều hết sạch sẽ. Những lúc thua bạc trở về, cũng có khi
bị xã hội đen đánh bầm tím mặt, anh khóc, anh ân hận, anh muốn có ai chặt tay
anh đi để không còn có thể đánh bài nữa. Những lúc anh như thế, cả nhà vui lắm,
vì các con tôi rất thương anh. Nhìn anh ở nhà chăm sóc các con, tôi thầm nghĩ
giá cứ như thế thì lâu lâu anh đi đánh một trận vài trăm đồng rồi về tôi cũng
chấp nhận.”
Thế
nhưng!
“Chỉ
chừng một tuần, khi tiếng 'bíp bíp' từ beeper vang lên là anh lại đi. Có lần
anh chở con bé đi học bơi, rồi nói với nó là anh đi mua kẹo cho nó nhưng anh
quên nó luôn để đi đánh bài biền biệt cả tuần, cả tháng.”
“Có
đêm anh trở về, mắt anh long lên sồng sọc, tôi nghĩ anh không còn là anh nữa mà
con ma cờ bạc đã nhập vào anh. Đó là những đêm tôi mất ngủ. Và các con tôi cũng
không ngủ.” Người xướng ngôn viên quen thuộc với nhiều khán thính giả ưu ái
tiếp tục câu chuyện khi màn đêm đã xuống.
Ma
lực của sòng bài, của những tiếng xúc xắc, của những lần thắng bạc có sức mê
hoặc và quyến rũ lạ lùng.
Từng
vướng vào vòng lao lý khi FBI điều tra một đường dây “gian lận thẻ tín dụng của
người Á Châu,” phải đi học lớp cai nghiện cờ bạc, phải ra vào trình diện cảnh
sát, phải đeo còng điện tử ở chân... thế nhưng nỗi ngại ngùng, sợ hãi đó dường
như đều biến mất khi con nghiện bài trỗi lên.
Cô
nhớ, “Có lần tôi bế con bé nhỏ, chân không mang dép, chạy theo níu áo anh lại,
năn nỉ anh đừng đi nhưng anh vẫn nhất định đi nói là để mang tiền về trả lại
cho tôi. Có lúc anh cầm dao rượt tôi chạy trong garage. Có lần anh vung tay hất
tôi để anh đi khiến mắt tôi sưng bầm mà tôi vẫn không dám đi bệnh viện vì sợ
cảnh sát sẽ hỏi. Tôi không bao giờ muốn anh bị bắt.”
Thậm
chí có lần căn bệnh suy thận của Nhã Lan trở nên trầm trọng, bác sĩ yêu cầu cô
phải vô bệnh viện để theo dõi bệnh tình. Vậy mà, “Ngày tôi về, dù đã dặn dò
trước nhưng anh vẫn mải miết ngồi trên sòng bài mà quên đón tôi. Chưa hết, vừa
vào đến nhà thì điện thoại từ ngân hàng cũng gọi về báo cho biết có hai tấm
check rút số tiền $10,000 ký tên chồng tôi. Sau đó, khi chứng từ ngân hàng gửi
về, tôi biết ngay trong đêm tối tôi vào bệnh viện, anh đã đi đến sòng bài để
đánh bạc và thua tiếp.” Nhã Lan chua chát.
Bi
kịch chồng chất bi kịch
XNV Nhã Lan, "Tôi muốn
câu chuyện này viết ra có thể khiến cho những ai mới thập thò đưa chân vào con
đường bài bạc đọc được và sẽ kịp dừng lại vì di hại của nó là không
lường."
Không
chỉ là chuyện Nhã Lan bắt đầu “nợ như chúa chổm” vì “anh mượn nợ hay cầm xe rồi
thì cứ đưa số điện thoại của tôi cho họ đòi” mà “cả gia đình đều xa lánh và từ
tôi vì họ nói tôi quá mê muội khi cứ níu kéo cuộc hôn nhân này.”
Tuy
nhiên, điều khiến Nhã Lan đau đớn nhất cho đến bây giờ, chính là những “di hại
để lại trên những đứa bé con.”
“Mẹ
mải miết đi làm, đi tìm bố, ở nhà con bé 9 tuổi phải tắm cho con bé 6 tuổi, tự
học một mình, thui thủi chơi với nhau, có khác gì những đứa trẻ mồ côi đâu.” Cô
nghẹn ngào.
Và
còn gì khiến người mẹ quặn lòng hơn khi chứng kiến cảnh con mình vào tiệm kem
chỉ chọn cây cà rem $1, trong lúc các anh chị em họ của nó mua mỗi ly kem với
giá $3-$4, và còn nói với em, “Mẹ hết tiền rồi, đừng đòi mẹ mua gì quá $1, mẹ
phải để dành tiền cứu bố.”
“Tôi
từng ước ao tôi sẽ là một người mẹ yêu con, thương con, tôi sẽ là người dạy con
tôi học, chơi với nó, ôm ấp vỗ về nó. Nhưng từ khi con bé lên 3 tuổi là tôi đã
không còn làm được những điều đó nữa. Chúng như cỏ dại mọc bên đường. Các con
lớn lên không trở thành những đứa trẻ nổi loạn và hư hỏng là một phép nhiệm
màu, là sự may mắn của tôi.”Trong đêm, tiếng của người mẹ tự vấn nghe điếng
lòng.
Cô
bật khóc, “Tôi đã không đóng tròn vai làm một người mẹ. Chúng thiếu cha và
thiếu luôn cả mẹ. Tôi chỉ muốn thách đố với sòng bài, muốn 'tận nhân lực tri
thiên mệnh' nhưng cuối cùng tôi phải nói với con tôi rằng 'mẹ không đủ sức để
mang bố về cho các con'.”
Nhã
Lan tâm sự, “Nếu quay trở lại, tôi cũng sẽ không ly dị anh liền, tôi vẫn cho
anh cơ hội và thời gian sửa đổi nhưng tôi sẽ biết dừng sớm hơn để dành thêm
thời gian lo cho hai con tôi.”
Năm
2000, khi chuẩn bị làm hồ sơ 'refinance” lại ngôi nhà, Nhã Lan mới biết mình là
một con nợ lớn của các ngân hàng và điểm tín dụng của cô xấu một cách tệ hại.
“Thì
ra là từ những năm trước đó, hết tiền hết bạc, anh đã dùng tên và số an sinh xã
hội của tôi để mở gần 20 thẻ tín dụng và cái nào cũng xài đến cạn kiệt mà nợ
không trả. Ngày đó tôi đi làm miệt mài không có thời gian ở nhà để mà kiểm tra
thư từ gửi đến. Anh lấy và cất hết.” Cô kể.
Không
còn lựa chọn nào khác, Nhã Lan quyết định ly dị với người đàn ông này, kết thúc
cuộc hôn nhân kéo dài 15 năm, với một nửa thời gian trong đó là bi kịch của một
người vợ có chồng nghiện bài bạc.
“Chồng
cũ của tôi có thể buồn vì nghĩ rằng tôi nói xấu anh nhưng tôi biết mình cần
phải nói để đừng ai bị rơi vào hoàn cảnh như thế. Con người khi đã rơi vào
nghiện cờ bạc đã không còn là con người bình thường nữa. Làm sao anh đổi được
ánh mắt của mọi người đối với anh?”
Hơn
10 năm chia tay với người chồng Nhã Lan từng yêu thương và tôn thờ, nhưng nỗi
đau ngày nào dường như vẫn còn nhiều lắm nơi một góc lòng cô, âm ỉ.
Bên
ngoài, trời vẫn còn chìm trong bóng tối, dù rằng đêm đã bước sang ngày mới...
Ngọc Lan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.