Monday, August 26, 2013

Ý nghĩa bản án của Phương Uyên-Nguyên Kha

image
Trước những áp lực từ công luận và từ quốc tế, Việt Nam hôm 16/8 bất ngờ trả tự do cho sinh viên chống Trung Quốc Nguyễn Phương Uyên và giảm nửa án tù cho người bạn cùng hoạt động với Uyên là Đinh Nguyên Kha.
Trước đó 3 tháng, Uyên và Kha bị tuyên án lần lượt là 6 và 8 năm tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì rải truyền đơn, dán biểu ngữ chống Trung Quốc và phản đối tham nhũng, độc tài.

Sau phiên phúc thẩm ở Long An, Nguyễn Phương Uyên còn 3 năm tù treo và Đinh Nguyên Kha còn 4 năm tù giam.

Chuyện hiếm thấy này đã gây xôn xao công luận và làm hao tốn giấy mực của giới truyền thông, các blogger, và giới cổ võ dân chủ trong và ngoài nước.

Bản án của Uyên nói lên điều gì? Ý nghĩa bản án lịch sử này đối với người trẻ và với nhà cầm quyền Việt Nam ra sao?

Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay ghi nhận ý kiến giới trẻ trong nước qua bản án của Phương Uyên và Nguyên Kha, với sự tham gia của Quốc Quyết từ Nghệ An, Nam Nhi ở Sài Gòn, và Duy Hải tại An Giang.

Trà Mi: Từ sơ thẩm sang phúc thẩm được giảm án đáng kể là điều rất hy hữu tại Việt Nam. Bị can ‘không nhận tội’ vẫn được giảm án như trường hợp của Phương Uyên quả là điều chưa từng thấy trước nay ở các phiên tòa trong nước. Là những người quan tâm theo dõi vụ việc này, theo đánh giá và ghi nhận của các bạn, vì sao Phương Uyên không ‘nhận tội’ vẫn được giảm án?

Nam Nhi: Vụ này có liên quan đến chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang. Qua đó, vấn đề nhân quyền được Mỹ đặt cao, yêu cầu Việt Nam phải có những bước tích cực thì Mỹ mới có thể có những ưu tiên cho Việt Nam hơn, vấn đề nhân quyền Việt Nam và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Tôi nghĩ vụ Uyên có liên quan đến cái này.

Trà Mi: Nhi cho rằng nguyên do chủ yếu do áp lực ngoại giao. Còn anh ghi nhận của anh Hải ra sao?

Duy Hải: Tôi nghĩ 80% là do áp lực bên ngoài. 20% còn lại là do áp lực từ gia đình Uyên và trong nước. Vả lại, thái độ của Uyên rất cứng rắn.

Quốc Quyết: Thật ra tôi hết sức sững sờ về bản án này. Tôi cũng là một ngừơi quan sát và quen biết nhiều người bị xử về tội chính trị. Hầu hết các vụ án chính trị, người ta không dựa vào chứng cứ, sự tranh luận, hay lý lẽ ở phiên tòa, mà chủ yếu dựa vào thái độ. Một người bị tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ bảo vệ quan điểm của mình mà được giảm từ 6 năm tù giam xuống còn 3 năm tù treo như trường hợp Uyên là lần đầu tiên, khiến tôi rất ngạc nhiên. Còn về lý do, rất khó nói được vì cách hành xử của chính quyền thường chả có logic gì cả. Có thể do vào thời điểm đấy, các quan điểm thân phương Tây và áp lực từ phương Tây có hiệu quả.

Trà Mi: Nếu nói do áp lực, vì sao áp lực này chỉ có hiệu quả trong riêng trường hợp của Phương Uyên?

Duy Hải: Vì thực tế Phương Uyên rải truyền đơn chống Trung cộng khi họ đang lấn lướt Việt Nam. Mình là người dân mình phải lên tiếng. Uyên làm vậy dân chúng rất ủng hộ. Hôm phúc thẩm, tôi ở ngoài tòa án chứng kiến người dân rất ủng hộ Uyên, chẳng hạn như cuộc biểu tình bên ngoài tòa án.

Trà Mi: Anh Hải cho rằng áp lực có hiệu quả với trường hợp của Uyên vì hành động của cô được nhiều người ủng hộ. Nhưng cùng chung hành động với Uyên mà Đinh Nguyên Kha dù nhận tội vẫn tiếp tục bị giam 4 năm trong khi Uyên được hưởng án treo.  Các bạn hiểu điều này thế nào?

Quốc Quyết: Chị đặt câu hỏi rất hay. Thật ra chúng ta phải thừa nhận hành vi của cả hai em Uyên, Kha không cấu thành tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì về mọi mặt lý lẽ cho thấy họ chống đảng. Chống đảng là chống cơ quan, tổ chức, chứ không phải chống nhà nước. Không có luật nào gọi chống đảng là chống phà nhà nước cả. Rõ ràng về chứng cớ, cả hai em đều phải vô tội. Uyên bị xử án treo vẫn là có tội chứ không phải vô tội. Uyên kháng cáo kêu oan, không nhận mình có tội. Kha kháng cáo xin giảm nhẹ. Trong trường hợp của Uyên, theo tôi, có một tác động mang tính tâm linh. Trước phiên xử một ngày, tôi có đi thăm Uyên. Tôi nhìn thấy nét mặt Uyên sáng ngời. Tôi nghĩ có lẽ thời khắc của Uyên đã đến mà sức cản của những người thân Tàu cũng không thể cản nổi.

Trà Mi: Anh Quyết không thể giải thích bằng logic, khoa học với vụ án có nhiều tình tiết tréo ngoe này nên cho rằng có một quyền lực siêu nhiên. Còn anh Nhi, theo anh điều gì đã giúp sức cho chiến thắng của Phương Uyên?

Nam Nhi: Tôi cũng thấy rất bất ngờ. Trong các tù nhân chính trị, Uyên khá trẻ và là con gái. Không hiểu các yếu tố này có liên quan đến bản án treo hay không.

Trà Mi: Nếu nói tới các vụ án đựơc đặc biệt lưu ý, được thế giới quan tâm, có nhiều nhân vật có tiếng tăm được chú ý hơn Uyên, như blogger Điếu Cày chẳng hạn. Nhưng vì sao vụ án của Uyên là một điểm nhấn? Tại sao Phương Uyên được đặc biệt chiếu cố?

Quốc Quyết: Cũng có thể họ chợt nhận ra rằng họ đã xử Uyên và Kha ở sơ thẩm một cách quá đáng. Trí thức lên tiếng rất nhiều, rất nhiều những người có tên tuổi lên tiếng. Tuy nhiên, hành xử của kẻ độc tài thì cực kỳ khó đoán. Mình chỉ mong ngày càng có nhiều người trẻ dám dấn thân chống độc tài.

Trà Mi: Bản án của Phương Uyên nói lên điều gì trong mắt giới trẻ Việt Nam? Nó cho các bạn cái nhìn thế nào về pháp luật, công lý, công bằng tại Việt Nam?

Nam Nhi: Nhà nước đã có động thái khá lạ lùng, thể hiện áp lực của phương Tây, của người Việt trong và ngòai nước đã có thế để nhà nước buộc phải nghe theo. Đây là một bứơc ngoặt trong việc phản đối các hành vi của nhà nước về vấn đề nhân quyền. Đây là một dấu hiệu tích cực.

Duy Hải: Bản án này muốn chứng tỏ với thế giới rằng ở đây nó quan tâm đến nhân quyền, nhưng hiện tại ở Việt Nam này có biết bao nhiêu tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo. Giới trẻ như tụi em không tin những gì mấy ông này nói ra. Luật pháp mấy ông này đưa ra cũng tự mấy ổng tự vạch lưng cho người ta xem thôi. Em nản chế độ này lắm, không còn lời lẽ gì để nói hết. Đụng chuyện thì cứ làm tới thôi chứ không còn gì để nói nữa hết.

Trà Mi: Một bản án đã giảm nhẹ so với mức sơ thẩm ban đầu mà anh Hải vẫn không có niềm tin vào công lý từ bản án này. Còn anh Quyết nghĩ sao về ý nghĩa của bản án lịch sử này đối với người dân?


Quốc Quyết: Không phải một bản án nhẹ mà mình thấy đựơc sự công mình, mà qua bản án ấy càng thấy được sự nhố nhăng, vô pháp luật, thích thì bắt, thích thì thả, thích thì xử nặng, thích thì xử nhẹ, không dựa theo một chứng cứ gì cả. Tôi thấy như họ bắt con dân mình làm con tin để  mặc cả, đổi chác với quốc tế chứ họ chả quan tâm gì đến luật pháp.

Trà Mi: Đối với nhà cầm quyền, theo các bạn, bản án này có ý nghĩa thế nào đối với những người cầm cân nảy mực tại Việt Nam?

Duy Hải: Đối với giới hữu trách đó là một bài học. Uyên là người Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu nước của người Việt Nam mà bị mấy ông bắt. Mấy ông cũng là người Việt Nam. Nói thật mấy ông có cảm thấy tự xấu hổ hay không khi xử một người yêu nước. Uyên đâu có tội gì đâu ngòai thể hiện lòng yêu nước, tinh thần chống Trung Quốc. Đáng lý việc này mấy ổng phải làm trứơc, chứ không phải đợi dân làm rồi bắt đem nhốt, rồi muốn kêu án mấy năm thì kêu, rồi muốn thả thì thả.

Trà Mi: Các bạn đọc được ý nghĩ gì từ nhà cầm quyền qua bản án Uyên-Kha?

Quốc Quyết: Có thể nhà cầm quyền nghĩ họ sẽ thành công trong việc dùng cách này, khi bắt một ai đó xử thật nặng, rồi nương tay tỏ ra cho quốc tế thấy đã cải thiện nhân quyền. Tôi hy vọng quốc tế phải nhìn rất tinh rằng không phải những thứ đấy là cải thiện nhân quyền. Chừng nào Việt Nam còn tù nhân lương tâm vì bày tỏ quan điểm chính kiến một cách ôn hòa mà lại bị bắt, thì chừng đó Việt Nam chưa thể gọi là cải thiện nhân quyền. Tôi nghĩ họ vẫn tiếp tục dùng bài kịch này, dùng con dân để mặc cả với phương Tây để đạt được mong muốn.

Trà Mi: Chiến thắng của Phương Uyên được nhiều người cho là chiến thắng của người yêu nước. Chiến thắng này có ý nghĩa thế nào trong mắt người trẻ trong nước?

Nam Nhi: Với tôi, hành động thả Uyên coi như nhà nước đã nhận, đã chịu nhượng bộ, đã chấp nhận mình sai.

Trà Mi: Câu hỏi đặt ra liệu bản án Phương Uyên có trở thành một tiền lệ hay chỉ là một bản án có một không hai trong một thời điểm ngoại giao-chính trị nhất định mà thôi. Ý kiến các bạn thế nào?

Duy Hải: Chiến thắng của Uyên là một thời khắc quan trọng. Mấy chục năm cộng sản cầm quyền, đây là lần đầu tiên mà họ giảm rất nhẹ cho một người yêu nước. Cách đây chừng 10 năm, bản án này phải từ 10-15 năm. Bản án này không làm giới trẻ tụi em sợ đi mà còn làm tăng lòng tin chống lại chính sách của nhà nước về nhân quyền, biên giới lãnh thổ, và tôn giáo. Không phải áp đặt lên bản án như vầy mà giới trẻ người ta sợ đâu.

Quốc Quyết: Tôi trực tiếp chứng kiến không khí bên ngoài phiên tòa đấy và là một trong những người đầu tiên biết tin Uyên được án treo, được trả tự do tại tòa. Lúc đấy, xúc cảm tôi dâng trào, không phải là như giải phóng một con người mà như giải phóng cả dân tộc. Tôi biết khí phách của Uyên trứơc tòa bảo vệ quan điểm đến cùng. Bên ngòai phiên tòa, bố mẹ Uyên tỏ rõ cương quyết đấu tranh đến cùng, bảo vệ quan điểm của con mình. Rất chi là vui nhưng mình thấy rằng cuộc chiến đấu này còn rất dài. Đây chỉ là một chiến thắng rất nhỏ trong cuộc chiến dai dẳng. Sau phiên tòa lại thấy nghị định 72 bắt đầu tấn công những người yêu nứơc khác, những người đi tham dự phiên tòa của Uyên tiếp tục bị gây khó dễ. Chúng ta lại tiếp tục cuộc chiến mới còn trường kỳ.

Trà Mi:  Để chuyện hiếm thấy này có thể trở thành một tiền lệ, cần những yếu tố, điều kiện nào? Giới trẻ có thể góp phần ra sao?

Nam Nhi: Sau vụ này, chắc chắn người trẻ trong nước sẽ có lòng tin hơn, bớt đi áp lực, bớt đi sợ hãi, đấu tranh sẽ nhiều hơn nữa. Bây giờ nhiều người trẻ chẳng hiểu tình hình đất nứơc này đi tới đâu. Nhiều bạn học đại học với tôi khi hỏi đến họ cũng chẳng biết gì hết. Tôi nghĩ vấn đề đấu tranh sẽ còn khó khăn và còn dài, dài lắm. Để góp sức, giới trẻ cụ thể có thể chia sẻ thông tin, cần phát triển hơn những blogger của Việt Nam.

Duy Hải: Giới trẻ cần những việc làm như Phương Uyên, cần nhiều cuộc xuống đường biểu tình, phải làm mạnh tay hơn nữa đối với chế độ này.

Trà Mi: Nhiều người mừng vui trứơc kết quả phúc thẩm của Uyên vừa rồi. Đây có phải là một tín hiệu vui, một sự tiến bộ trong nền dân chủ tại Việt Nam?

Nam Nhi: Cái đó chưa thể nói trứơc được.

Quốc Quyết: Thấy rằng sự vận động một phần cũng có hiệu quả trong thời điểm này. Tôi chưa nghĩ đó là tín hiệu tốt cho tòan nền dân chủ Việt Nam. Tôi nghĩ giới trẻ bây giờ cần làm những chuyện cụ thể hơn ngoài chuyện chia sẻ thông tin trên Facebook. Phải trực tiếp đến chứng kiến, trực tiếp dấn thân hơn nữa. Chúng ta phải hiểu rằng không có kẻ cầm quyền nào tự buông quyền lực của mình trong khi quyền lợi trong tay. Cần phải có càng đông người đòi hỏi một cơ chế dân chủ hơn. Khi có cơ chế dân chủ, những người độc tài muốn độc tài cũng không được nữa.

Trà Mi: Từ bản án của Uyên, một lời gửi tới giới trẻ Việt Nam, các bạn sẽ nói gì?

Nam Nhi: Tôi khuyên các bạn trẻ hãy chịu khó đọc báo nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề của quốc gia.

Duy Hải: Các bạn trẻ mình phải dành rất nhiều thời gian quan tâm đến cuộc tranh đấu của những ngừơi tù lương tâm, những blogger, quan tâm đến đất nước để thấy được hiện trạng của đất nứơc, thấy được chế độ này như thế nào. Hãy làm xuất phát từ lương tâm của một người Việt Nam sống trong đất nước này, đang bị chế độ này đè đầu cỡi cổ.

Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc trao đổi nói về bản án của Phương Uyên-Nguyên Kha.

Aug 18, 2013
Vừa được trả tự do tại tòa phúc thẩm ở Long An chiều nay 16/08 (giờ Việt Nam), trong vòng tay vui mừng khôn tả của người thân, bạn bè và những người ủng hộ, đến tối sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã có mặt ở Saigon ...

Jun 12, 2013
Án tù tổng cộng 14 năm dành cho hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên về tội danh 'tuyên truyền chống nhà nước' vì rải truyền đơn, dán biểu ngữ kêu gọi 'chống Trung Quốc xâm lược' và phản đối đảng ...

May 17, 2013
Nguyễn Phương Uyên: "Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì ...

Oct 24, 2012
Nguyễn Phương Uyên được giao phó làm nhiệm vụ phó nhòm cho diễn biến hôm đó. Như chúng tôi đã đưa tin là Công An biết rất rõ việc làm phát tán truyền đơn của tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước từ tháng 6 năm 2012 nhưng ...

Aug 20, 2013
Vương Các là sinh viên trường Luật ở Sài Gòn, anh đã có mặt trong ngày xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, hôm thứ sáu, 16.08.2013. Anh ghi nhận: image. 1. Một bác chạy xích lô, đầu đã bạc trắng ...

May 23, 2013
Tìm đọc trên các tờ báo ở trong nước bản tin về phiên tòa xử hai sinh viên Ðinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, thấy mấy báo này đều không đăng tên họ của các vị quan tòa cũng như tên người biện lý buộc tội.

May 30, 2013
Nguyễn Phương Uyên bị kết án sáu năm tù giam và ba năm quản chế chỉ vì “tội” tuyên truyền chống lại Trung Quốc và nhà nước Việt Nam. Bằng chứng là một số truyền đơn, và quan trọng nhất, hai biểu ngữ được viết bằng ...

Nov 04, 2012
Qua sự việc của Phương Uyên, nếu nhìn dưới lăng kính theo dõi một trò chơi chính trị thì có thể thấy hình ảnh sự bế tắc của nhiều tổ chức chính trị đối lập trong các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng vào đời sống chính trị tại ...

Nov 02, 2012
Lá thư do nhóm nhân sỹ trí thức soạn thảo để chuyển lên Chủ tịch nước yêu cầu trả tự do cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên, người bị bắt hôm 14/10 vừa qua, đến nay đã thu được 144 chữ ký. Lá thư đề ngày 30/10 cũng ...

Nov 09, 2012
Ngày hôm sau nữa, tại Long An, công an mở họp báo về 'tội trạng' của sinh viên Nguyễn Phương Uyên và đồng sự là Đinh Nguyên Kha. 'Tuyên truyền chống nhà nước' ở Việt Nam không phải là chuyện gì mới, nhưng dồn ...

image
Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều ...
Tôi không phải dân Bắc!!!
Art: Cinemagraphs
Một màn kịch lố bịch: "Bắt học Mác"
Phim Elysium: Bối cảnh Trái Đất năm 2159
Điều tra về 'nô lệ' trẻ em ở Việt Nam
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ‘mổ xẻ’ Thanh Lam, Đàm Vĩnh H...
Anh quốc làm phim về Nguyễn Tường Vân
Bắt thêm người Việt ở Singapore vì ma túy
Một bài phân tích từ một cây bút Hà Nội
Franz Liszt – Cái chết của thiên tài
Bánh ống Sóc Trăng trong ký ức tuổi thơ
PhinDeli: Doanh nhân gốc Việt đi tìm “giấc mơ Mỹ”
Hàng Không Mẫu Hạm tối tân của HK trị giá 11.5 tỉ ...
Những điều tân du học sinh nên biết
Bạc Hy Lai nói vợ 'điên và dối trá'
Art: Thủy tinh
Quyền lực và chuyển đổi kinh tế
Trung tướng Đặng Quốc Bảo vừa nói gì ?
Ông giáo sư dạy Sử
Cướp ngân hàng
Obama nói gì sau khi gặp Chủ tịch Sang?
Tương lai bất định của cầu Long Biên
Cà phê chồn
Body art in Vietnam
5 loài chim được chọn làm "Quốc điểu"
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
New Inventions
Sự dẫy chết của văn hóa Việt
Chuyện tiếu lâm thời hiện đại
Vật liệu mới có thể làm biến đổi thế giới
Những cái chết lãng xẹt
Lập đảng mới: "Chồn Lùi"
Hàng hiếm
10 tiếng nói trong cuộc biểu tình ở Long An
Ca dao thời sản
Đài báo Việt Nam tự do làm hàng chợ?
Những triết lý về ly cà phê!
Sống ở thành phố thông minh
Nỗi hổ thẹn của báo chí nhà nước
Phương Uyên: Tôi yêu Tổ quốc
Cơ hội cuối cùng
Ni cô 'thay nâu sồng mặc quân phục'
Truy tìm Tên & Tài sản của các lãnh đạo CSVN
Người Việt cư trú bất hợp pháp ở Hoa Kỳ
Xin các Ông đừng dối trá và ngụy biện nữa
Báo chí nước ngoài bình về Nghị định 72 & Wikipedi...
Phép thử của Socrates
Đạo Hồ
Thứ nhất hậu duệ…
Cuộc chiến chia phần thị trường tiêu dùng Việt Nam...
Nhiều tấn tê tê bị tịch thu ở Việt Nam
Đài TQ nói về 'nhập khẩu' phụ nữ Việt
Ông Lý Quang Diệu nói về Trung Quốc
Tướng Cộng sản Trung Quốc dám nói rõ sự thật
Âm mưu diệt người Việt trên đất Việt của Cộng Sản ...
Người Việt ở lậu về ‘trại hè’ ở Moscow
Cộng sản Việt Nam và chiêu đánh đổ niềm tin tôn gi...
Canon, Nikon lao đao vì điện thoại thông minh
Nữ 'thầy bói' Anh chết ở Sài Gòn
Bí ẩn: một linh mục 'xuất hiện rồi biến mất'
Sến già nam
Chuyện “thả rông”
Tam giác quỷ !
Nước mận khô và chứng táo bón
Mục đích thật sự của Nghị định 72?
Tôi khát khao vào đảng
Trung Quốc tung 'đòn Tôn Tử' ở biển Đông
Chuyện của một phụ nữ nghiện đánh bài
Ai là người lập ra 36 phố phường Hà Nội?
The CIA Museum
Chuyên gia thực phẩm tranh luận về tương lai của t...
Vụ di dân Việt: Cảnh sát Nga 'tham nhũng'
Khu ăn chơi của Tây ở thành phố mang tên HCM
Tây bắt đầu thật sự sợ các “chú”
6 nhóm thực phẩm tốt cho người bệnh thấp khớp
Những điều bình thường ở nước Mỹ
Cô đơn và tội lỗi
Nhân Văn Giai Phẩm thứ hai
Khi nào phải đổ xăng cho xe?
Nhiệt độ nóng hơn gây thêm nhiều bệnh tật
Dân khí suy đồi và trách nhiệm con người
Những điều cần biết khi mua dầu olive
Nghị định 72 là 'nghị định tưng tưng'
Hai nhà cuối phố
Tờ 100 đô la mới sẽ lưu hành ngày 08.10.2013
Dự Luật Nhân quyền Việt Nam 2013
Người Mỹ nghĩ gì khi uống “Trà”
Những nhân vật nổi danh Thế Giới khẳng định về Cộn...
Bệnh nhớ nhà
Pháp luật và nghề mại dâm trên thế giới
Người biểu tình Việt Nam và Philippines sát cánh c...
Cấm tổng hợp tin qua mạng xã hội?
Phó Chủ tịch Đà Nẵng nói về mại dâm
Một câu chuyện bi thương làm cho ba triệu con tim ...
Dân chơi mà nhát hít!
Bi kịch từ người chồng nghiện đánh bài
Nữ võ sư Nguyễn Kim Anh đoạt giải Tae Kwon Do thế ...
Khai trương sòng bài Hồ Tràm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Cơ quan LHQ nhận tuyên bố 258
Cảnh sát Nga bắt 1200 người Việt
Cải tạo ngược

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.