Cảm
nghĩ của một du khách Việt Nam
sau chuyến viếng thăm nước Mỹ
Bạn
hỏi: sao đi Mỹ về im lặng thế, không thấy viết gì?
Thật ra từ đầu năm tới giờ hình như tôi chưa viết được gì ưng ý… Quá nhiều điều
phải suy nghĩ, phải liên tưởng, phải hiểu, bạc tóc mà vẫn thấy mình ngơ ngác…
Tôi đi Mỹ trong một tâm trạng nhạy cảm đến mức gần như căng thẳng. Nhờ vậy, tất
cả những gì mắt thấy tai nghe tim cảm nhận đã làm rung lên trong tôi những cung
bậc cảm xúc không dễ gì phai nhạt, tuy chỉ là những điều rất đỗi bình thường.
Có lẽ
những gì tôi muốn kể về nước Mỹ chính là những điều bình thường!
Nước Mỹ đến với tôi đầu tiên từ những sân bay. Rộng lớn hiện đại an ninh chặt
chẽ, nhưng vẫn mang lại cảm giác thân thiện, nghiêm ngắn và sự yên tâm. Chuyến
bay quốc tế hay quốc nội thì thủ tục cũng như nhau, nhanh nhẹn và chu đáo, các
nhân viên kiên nhẫn giải thích giải đáp những câu hỏi thắc mắc khiếu nại của
hành khách với thái độ nhã nhặn và nghiêm túc mà không cần phải có “nụ cười
thường trực trên môi” như phong trào văn minh công sở ở nước ta (Người Việt
mình thích cười, ngay trong giao tiếp quan hệ làm việc cũng phải cười với nhau…
hình như trong giờ làm việc không thể có gương mặt bình thường nghiêm túc nhã
nhặn được, khi không cười thì chỉ có sự cáu kỉnh lạnh nhạt khó ưa?). Trong
chuyến bay từ DC về SF một vali hành lý của tôi bị kiểm tra mà tôi không hề
biết. Hai ngày sau cần đến mới mở ra thì thấy khóa bị cắt, bên trong đồ đạc có
dấu xáo trộn nhưng không mất gì cả (trong vali có iPad mini mua cho con gái,
đồng hồ mua cho ông xã và một số mỹ phẩm làm quà cho bạn). Ngay trên đồ đạc là
một tờ giấy in sẵn thông báo về việc kiểm tra hành lý, và cuối cùng xin lỗi đã
làm phiền hành khách. Thật ra nếu bay nội địa thì chẳng ai khóa vali hành lý
gửi cả, nhưng vì tôi bay về VN qua một chặng chuyển tiếp nên phải lấy của bạn
một cái khóa khác để khóa vali.
Ra
khỏi sân bay nước Mỹ đến với tôi bằng những con đường cao tốc 8 làn xe chạy vun
vút. Quanh những thành phố bao giờ cũng có làn đường dành cho xe chở 2 hoặc 3
người, khuyến khích đi chung xe, đỡ tắc đường giảm ô nhiễm môi trường. Vậy
nhưng làn đường này ngay cả giờ cao điểm cũng không nhiều xe chạy. Người Mỹ
thích độc lập tự do ngay cả trong việc sử dụng phương tiện giao thông, mặc dù ở
nhiều thành phố có hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo.
Đường tốt, xe nào chạy làn đường đó, giờ cao điểm chịu khó nhích từng chút. Có
mệt mỏi thì nhìn ra hai bên đường: cây xanh, thảm cỏ, bụi hoa… đều là loại
hoang dại nhưng được chăm chút cẩn thận mà trông vẫn tự nhiên. Những con đường
bê tông dài hàng trăm ngàn cây số khắp nơi tôi qua gần như đều song hành với
màu xanh của cây cỏ. Kể cả trên hoang mạc Nevada
cũng dày đặc những bụi xương rồng trổ bông nhiều màu sắc, trên những ngọn đồi
bát úp chồng lên nhau suốt vùng California
đã phủ lớp cỏ đầu xuân mới nhú. Đất đai rộng lớn, thiên nhiên hiện diện khắp
nơi càng cho ta cảm giác mênh mông của trời của đất. Tầm mắt hun hút theo con
đường, tầm mắt ngút ngàn hoang mạc, bờ biển, bình nguyên, trung du… Tự do phóng
tầm mắt khắp nơi thấy mình to lớn hơn, tự do hơn, và tự chủ hơn.
Các
thành phố Mỹ tôi đến mang lại ấn tượng về quy hoạch đô thị thật khoa học, chính
vì vậy mà nó đẹp, cái đẹp của sự giản dị và hợp lý. Những con đường trong thành
phố đều có bảng tên đường, bảng hướng dẫn làn đường treo ở độ cao phù hợp cho
người ngồi trên xe hơi nhìn thấy, đủ lớn để từ xa đã đọc được, đủ khoảng cách
để hướng dẫn xe quẹo phải trái hay quay đầu xe, ở các giao lộ đều có làn đường
cho xe quẹo phải. Đèn giao thông vẫn còn nhiều cái cổ lỗ, cột điện vẫn bằng gỗ
với hàng dây điện đen chăng dọc suốt đường (ngay ở Mỹ cũng đâu đã “ngầm hoá”
hết được đường điện). Nhưng tất cả sạch sẽ gọn gàng, dù cũ kỹ nhưng vẫn được
chăm nom bảo quản. Lòng đường sạch sẽ, lề đường và những bức tường phủ kín hoa
lá, cây xanh, cứ vài con đường lại thấy một công viên nhỏ hay vườn hoa, bãi cỏ,
ngày nắng ấm luôn có những bà mẹ đẩy xe đưa con đến chơi, trẻ em ở trường học
gần đấy mỗi khi tan học cũng được bố mẹ cho ra đây chạy nhảy vui chơi trước khi
về nhà. Bộ mặt đô thị mang lại cảm giác cuộc sống nơi đây quá đỗi bình yên.
Có lẽ tôi thích nhất là những ngôi nhà trong thành phố. Ngoài New
York là với vô vàn toà nhà kính nhiều màu cao chọc trời, Las Vegas cả ngày lẫn đêm
rực rỡ ánh đèn và sắc màu của những trò chơi đen đỏ… Các thành phố tôi qua
dường như có một quy định ngầm: Ở mỗi khu vực kiến trúc nhà cửa thường cùng một
kiểu: giống nhau cả hình dáng, chất liệu xây dựng và bố trí mặt tiền. Mới nhìn
cảnh quan khu phố có vẻ đơn điệu vì hầu hết các kiểu nhà hình thức và quy mô
trông khiêm tốn, một trệt một lầu hoặc có thêm tầng lửng. Nhà nào cũng có vườn
trồng hoa, vài cây cao, đặt ghế xích đu hoặc trồng cột chơi bóng rổ cho trẻ em.
Không nhà nào bề ngoài trông nổi bật hơn so với xung quanh, dù có thể nội thất
sang trọng. Nhìn những ngôi nhà này đã thấy sự bình đẳng trong cộng đồng và tôn
trọng con người. Trong những ngôi nhà tôi có dịp đến, khác với cấu trúc nhà ở
Việt Nam, nhà Mỹ thường nhỏ so với diện tích đất, trong nhà phòng khách lớn
nhất vì còn là nơi sinh hoạt của gia đình, kế đến bếp đồng thời là phòng ăn,
các phòng ngủ nhỏ, nhà vệ sinh cũng nhỏ vừa đủ dùng. Tính thực tế của người Mỹ
khá rõ, không phô trương ở những nơi không cần thiết. Mỗi ngôi nhà tính theo số
phòng ngủ để biết lớn hay nhỏ, có thể định giá trị ngôi nhà. Tất nhiên, những
khu nhà của các triệu phú tỷ phú Mỹ thì khác, rất khác. Khác thế nào thì tôi…
không thể nói được, vì chưa tận mắt nhìn thấy chưa bước vào, ngoài việc nhìn
thấy trên phim ảnh, như nhiều người khác.
Boston là thành phố tôi
thích nhất. Cảnh quan như một thành phố Tây Âu thời cận đại, những khối nhà
vuông vắn gạch đỏ đằm thắm, những ngôi nhà 1, 2 lầu với bậc tam cấp bên cạnh
những khung cửa sổ sơn trắng êm đềm. Hoa mùa xuân nở khắp nơi, sắc hồng thắm
trắng tinh khôi giữa xanh ngát lá. Boston
còn là một thành phố trẻ bởi hàng trăm ngàn sinh viên của nhiều quốc gia đang
học ở đây. Bước chân ra đường là cảm nhận được sức sống mới mỗi ngày từ những
bước chân sinh viên nối nhau trên đường, trên xe bus, trong metro… Ngày tôi đến
Boston đang chuẩn
bị cho dịp Lễ tốt nghiệp của các trường đại học nổi tiếng ở đây. Hàng chục ngàn
phụ huynh sẽ đến đây tham dự buổi Lễ long trọng này.
Ở nước Mỹ có thể nhìn thấy người xếp hàng khắp nơi: đi taxi, mua hàng, lên xe
bus, làm thủ tục sân bay, đi ăn trưa ăn chiều ăn tối xếp hàng chờ có chỗ trống,
mua cà phê và đồ ăn nhanh “to go”, kể cả đi vệ sinh nếu quá “bức xúc” cũng đừng
mong chen ngang. Ai bảo chỉ có xã hội chủ nghĩa mới Xếp Hàng Cả Ngày? Qua nước
Mỹ bạn phải làm quen và “chịu đựng” việc xếp hàng trật tự thôi, vì chỉ cần bạn
chen ngang là lập tức có người nhắc nhở bạn ngay. Nếu bạn không biết đọc tiếng
Anh thì đã có ký hiệu chỉ dẫn rõ ràng. Bạn không tuân thủ thì ý thức bạn quá
kém, và như vậy bạn không xứng đáng nhận được ánh mắt tôn trọng của mọi người.
Ai cũng có công việc cần, quỹ thời gian ai cũng như ai, xếp hàng là tôn trọng
mình và tôn trọng người khác, đơn giản là như vậy.
Khi tôi đến nước Mỹ vào xuân. Phía Tây đã có những ngày nắng nóng. Mọi người
trút bỏ quần áo mùa đông để khoác lên mình trang phục mùa hè, giản đơn, tiện
dụng. Ngoài phố các cô gái khoe chân trần vai trần phơi nắng ấm. Dép kẹp, giày
thể thao là hai loại phổ biến. Trang phục đơn giản có vẻ “bụi” và thực dụng.
Trong các trường đại học cũng vậy, sinh viên ăn mặc nghiêm túc có, “bụi đời”
cũng có luôn. Nhưng phong thái ai cũng tự tin, thoải mái. Giống như Sài Gòn, ít
ai để ý đến quần áo của bạn nhưng ngày thường đi trên phố không khéo thì mớ
quần áo giày dép đắt tiền sẽ làm cho bạn mất đi sự tự tin vì sự “chỉn chu” của
mình.
Các thành phố Mỹ cũng gặp vấn nạn về nơi đậu xe, tuy không quá khó khăn nhưng
vào giờ cao điểm hay ở những nơi công cộng, trung tâm mua sắm vào ngày cuối
tuần thì tìm được một chỗ đậu xe thật sự là một kỳ công. Nhưng không một người
bình thường nào đậu xe vào chỗ dành cho người khuyết tật, dù chỗ đó để trống
rất lâu, dù phải đi vòng vèo mấy tầng hầm cũng chưa tìm được chỗ. Những cách
hành xử theo quy tắc chung của xã hội, của cộng đồng như vậy được duy trì như
là đạo đức, vì được củng cố bằng luật pháp, quy định và xử phạt nghiêm minh.
Việc bị cảnh sát phạt cũng… bình thường, không phải bình thường vì vi phạm
thường xuyên mà ai cũng hiểu mình đã phạm luật thì bị phạt là đương nhiên, mất
tiền, mất thời gian đi nộp phạt… để lần sau nhớ đừng tái phạm. Không thấy ai tức
tối hay ấm ức vì bị phạt (ở mình, bị phạt nhiều khi ấm ức tức tối vì sĩ diện,
vì mất tiền cho người phạt, chứ không phải vì bị oan). Lại nói, ngoài đường,
nơi công cộng hầu như ít thấy bóng dáng cảnh sát, nhưng có việc gì bất thường
xảy ra là thấy mấy ảnh xuất hiện liền, giải quyết một cách tự tin, nhanh chóng
và chuyên nghiệp. Mỗi người là một cá nhân nhưng cũng là một phần hữu cơ của xã
hội. Luật pháp và những quy tắc dành cho tất cả nhưng cũng vì một con người cụ
thể. Do đó mọi người đều yên tâm và tin rằng, khi cần mình sẽ nhận được giúp đỡ
tận tâm của người có chức trách và sự chia sẻ của cộng đồng.
Hai tháng đã qua từ ngày tôi đặt chân xuống phi trường LAX, nước Mỹ vốn rất xa
lạ với tôi trở nên gần gũi hơn chỉ sau ba tuần vội vã lướt qua. Và cái gì còn
lại trong tôi nhiều nhất? Không phải là những sôi động hiện đại làm choáng ngợp
của một nước Mỹ giàu có mà là cuộc sống bình yên từ tất cả những điều bình
thường và giản dị. Nhưng khi đi trên đường phố Boston nơi đã xảy ra vụ đánh bom
khủng khiếp một tháng trước, tôi không thể không tự hỏi, tại sao nước Mỹ vẫn
xảy ra những vụ xả súng đánh bom điên cuồng vào những người vô tội? Vì sao phim
Mỹ hay miêu tả những tội ác khủng khiếp, thảm hoạ khôn lường? Vẫn biết ở các
thành phố lớn đằng sau những tòa nhà chọc trời, đằng sau sang trọng xa hoa,
đằng sau cuộc sống bình thản đang diễn ra trước mắt… luôn là những khu ổ chuột,
xóm “nhà lá”, những đường phố tệ nạn và tội ác diễn ra hàng ngày. Sự phân hoá
xã hội như một quy luật bù trừ, khoảng cách giàu nghèo ở nước Mỹ nằm ở hai cực
cách xa nhau, chúng ta chỉ mới nhìn thấy một phần nhỏ của khoảng giữa. Còn có
nhiều “cuộc sống” khác nữa của nước Mỹ mà người chỉ “đi qua” như tôi khó có thể
biết hết.
Tôi không biết “khen – chê” nước Mỹ như nhiều
người (lần đầu đi Mỹ về) đã viết, bởi vì ở đâu chẳng có điều tốt và cái xấu.
Tất cả những gì làm tôi có cái nhìn mới hơn, khác hơn về nước Mỹ là từ những
điều bình dị hàng ngày. Như những ngôi nhà có hàng rào thấp sơn trắng mà tôi đã
nhìn thấy khắp nơi, như góc phố hiên nhà đầy hoa lá, như con đường chạy giữa
hai hàng cây xanh phía trên là bầu trời xanh thắm, giữa ruộng nho bạt ngàn lấp
lánh ánh mặt trời buổi bình minh hay giữa hoang mạc trong mặt trời đỏ ối buổi
chiều tà… Cuộc sống mà tôi thấy ở nước Mỹ là gương mặt bình yên trong muôn mặt
đời thường ở xứ sở mà nhiều người đã ước mơ một lần được đến, được sống, như
ước mơ di trú đến chốn Thiên đường sau ngày giã từ cõi tạm.
Nhưng ngay cả Thiên đường cũng luôn có Địa ngục song hành, nếu không, mấy ai
biết giá trị của hạnh phúc nơi Thiên đường?
Sài Gòn, hai tháng sau ngày đến nước Mỹ, 7/5 – 7/7/2013
Nguyễn
Thị Hậu
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.