Saturday, August 3, 2013

Bệnh nhớ nhà

image
Đi du học là khi bạn và gia đình chấp nhận một con đường đòi hỏi bạn phải bước đi độc lập, nhưng không phải đơn độc

image
Đối với những ai đã đi làm thì quả thực mùa hè chắc chẳng có nhiều sự khác biệt với các thời điểm khác trong năm. Nhưng đối với những ai còn đi học, nhất là các bạn du học sinh, thì mùa hè quả đúng là kỳ nghỉ trong mơ. Dù sao thì cũng không thể nằm mơ mãi được mà cuối cùng cũng phải tỉnh giấc thôi…Thời điểm này là thời điểm gần đến lúc mà các bạn sắp phải tỉnh giấc để chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới. Sẽ có người háo hức, sẽ có người lo sợ, cũng có người chẳng cảm thấy gì…Nghĩ đi nghĩ lại thì Cá thấy nếu ai háo hức thì cứ để người ta háo hức và Cá sẽ không nói thêm gì nhiều để các bạn tự khám phá, tự trải nghiệm. Còn những ai chẳng cảm thấy gì thì có lẽ vì người ta đã quá quen với cảnh đi đi về về qua nhiều nơi như thế này rồi. Cho nên, Cá thấy Cá chỉ cần chia sẻ một chút với những người đang lo sợ cho cuộc hành trình sắp tới mà thôi. Nghe chắc cũng hợp lý phải không các bạn nhỉ?

image
Sẽ có những lúc bạn cảm thấy mình như thế này
Không phải ai sinh ra cũng đã được trời phú cho bản tính thích nghi tốt. Mà cho dù thích nghi tốt đến mấy thì cho dù là Cá hay là bạn, cũng có cảm xúc, và sẽ có lúc cảm thấy yếu đuối khi không có gia đình ở bên. Chẳng có nơi nào tốt hơn nhà mình cả…và khi đi du học, chuyện nhớ nhà – homesick – là điều không tránh khỏi. Còn nhớ khi Cá mới sang Mỹ, Cá chẳng nghĩ được gì nhiều. Lúc đó cũng chẳng biết là khi đi du học sẽ gặp phải chuyện gì. Nói thật là chỉ có đi du học thì Cá mới biết tới cái khái niệm nhớ nhà với homesick đó. Nhưng bản thân Cá lúc đó thì lại không bị những ‘cơn’ nhớ nhà hành hạ dữ dội lắm…Có lẽ là vì tính Cá vô tư, hay quên (Cá Vàng hình như nghe nói trí nhớ chỉ có 10 giây thôi thì phải!), nhưng lại ham học hỏi mà ham vui nữa, cho nên lúc mới đặt chân sang Mỹ, bị cảnh đường phố đại lộ, xa lộ rộng lớn, thoáng đãng, sạch đẹp làm hấp dẫn, nên lúc nào mà thấy cái gì mới lạ là thấy phấn khích lắm.

image
Khi bắt đầu đi học, Cá lại tiếp tục bị bất ngờ bởi hàng loạt những điều mới lạ. Từ những cái nhỏ xíu như việc đang đi sóc chạy cái roẹt qua chân, hay việc mùa hè ở Mỹ trời sáng chưng cho đến khoảng 8:30 tối, hoặc ‘bí quyết’ mở tủ khóa cá nhân ở trường (locker), đến những cái to tát hơn là chuyện chọn môn học, chuyện ăn uống, chuyện đi lại, cũng đều làm Cá cảm thấy rất lạ và khoái chí.

image 
Một vài tuần đầu trôi qua, khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo của nó, và Cá cũng đã học được những điều cơ bản, thì Cá lại tiếp tục làm cho mình bận rộn bằng cách tham gia các hoạt động tình nguyện trong cộng đồng. Nào thì đi phát kẹo cho trẻ con đợt Halloween, nào thì đi phát đồ ăn miễn phí cho những người vô gia cư trong đợt Lễ Tạ Ơn, rồi thì đi diễu hành trong đợt Giáng Sinh v..v…Cá thấy mình lúc nào cũng bận rộn và thực sự không còn thời gian để nhớ nhà hay buồn.

image
Một tuần, Cá chỉ lên nói chuyện với gia đình một lần khoảng hai tiếng là hết. Thời gian còn lại, Cá cũng chỉ thỉnh thoảng lên mạng để cập nhật tình hình bạn bè, hỏi thăm qua lại…Cá thực sự không biết tới khái niệm nhớ nhà, nhớ gia đình cho đến khi kỳ nghỉ đông bắt đầu.

Kỳ nghỉ kéo dài hơn hai tuần.

image
Viết nhật ký cho dù là trên giấy hay trên máy đều có tác dụng khá bất ngờ đó bạn
Trong hai tuần đó, ngoài hôm giáng sinh và giao thừa đón năm mới, Cá chỉ loanh quanh trong nhà ôm tivi từ sáng tới tối. Một, hai ngày đầu thì sung sướng lắm vì suốt mấy tháng bận rộn, thời gian ngủ chỉ vừa đủ, còn bây giờ thì ngủ suốt mà chẳng lo quên làm gì cả. Nhưng đến ngày thứ ba và những ngày sau đó thì cơn ’ác mộng’ thực sự bắt đầu các bạn ạ. Sáng ngủ dậy, ăn, xem TV, ăn, xem TV, ăn, xem TV, đi ngủ. (Lúc đó Cá được khuyến khích là hạn chế dùng máy tính hay lên mạng vì yêu cầu của chương trình mà Cá đang tham gia lúc đó.) Ngày nào cũng lặp lại y như thế. Nhiều lúc chán xem TV thì Cá ra ngoài nặn người tuyết, đến lúc lạnh quá thì lại vào trong nhà, nhìn ra ngoài trời ngắm tuyết rơi dày đặc. Cảnh tượng lãng mạn y hệt trên phim. Đẹp thì đẹp nhưng thực sự đến lúc ấy, có lẽ vì cái lạnh mà Cá mới nhận ra bỗng nhiên mình nhớ nhà quá. Sau một hồi ngồi lâu, rảnh rỗi sinh nông nổi, Cá bỗng nhiên giật mình nhớ lại trong suốt một tháng trước, ban ngày thì không sao, nhưng cứ ban đêm suốt trong tháng ấy, ngày nào Cá cũng mơ thấy gia đình của Cá. Nhưng cũng vì ban ngày quá bận rộn nên lại không nhớ nhung gì hết…và kết cục đến khi rảnh rỗi thì mới tự dưng cảm thấy nhớ…Nhớ một cách da diết và thực sự chỉ muốn lên mạng đặt vé về ngay lập tức, cho dù chỉ có được về một ngày mà thôi. Lúc mới đầu thì nghĩ chắc sẽ qua nhanh thôi, nhưng về sau nỗi nhớ dày vò Cá càng ngày càng khủng khiếp. Không chịu nổi, Cá quyết định…

…chạy đi viết nhật ký.

image
Nghe thì sẽ có nhiều người cho rằng lãng xẹt. Nhưng tin Cá đi, khi bạn sống tại thời điểm mà không có việc gì để làm và ở một nơi mà chỉ có mình bạn đối mặt, giải quyết mọi thứ, và không thể dựa dẫm vào ai, không thể chia sẻ cho ai vì người ta có nghe cũng không thực sự hiểu và đồng cảm với bạn được, thì viết nhật ký lại thành một cách giải tỏa khá tốt. Và đó là cách Cá đã chọn để vượt qua nỗi nhớ nhà.
Nhưng rồi, kỳ nghỉ cũng hết và Cá lại quay lại trường đi học. Mọi thứ lại vào guồng và cái nỗi nhớ ấy biến mất đi lúc nào không hay. (Hú vía!!)

image
Hôm trước, có bạn gửi email cho Cá bày tỏ sự lo lắng khi sắp phải xa nhà. Bạn nói rằng rào cản lớn nhất của bạn là có thể có đủ can đảm để vượt qua nỗi nhớ nhà hay không. Đọc email của bạn xong, Cá đã tự đặt nhiều câu hỏi cho mình…Mình có từng nhớ nhà không? Lúc đó mình vượt qua thế nào nhỉ? Mà lúc đó mình nhớ nhà bao lâu, vào lúc nào? v..v.. Sau hồi nghĩ ngợi lung tung rất lâu, Cá cũng chỉ ngẫm ra một điều, luôn luôn bận rộn là cách duy nhất để đối phó với ‘bệnh’ nhớ nhà. ‘Căn bệnh’ nguy hiểm này hay tấn công chúng ta khi chúng ta rảnh rỗi và ngồi nghĩ ngợi lung tung. Nếu như bạn lúc nào cũng bận rộn với những kế hoạch của mình, cộng thêm việc tìm được những người bạn mới, thì có lẽ cho dù có nhớ nhà, bạn cũng sẽ dễ dàng vượt qua nó thôi.

image
Một điều nữa mà Cá đã nghĩ rất lâu là không biết có nên nói hay không. Nhưng sau một hồi nhớ lại và so sánh những trải nghiệm của bản thân với những bạn du học sinh khác, Cá nghĩ Cá vẫn nên nói. Các bạn có thể cho là Cá ‘xui dại’ nhưng theo Cá, đây là một cách tốt để bạn có thể trở thành một con người độc lập hơn và thậm chí có thể miễn dịch khỏi chứng ‘nhớ nhà’ rất nhanh. Điều mà Cá đang nói tới đó là trong thời gian đầu mới xa nhà, hãy cố gắng hạn chế nói chuyện với gia đình, bố mẹ, bạn bè ở nhà ít nhất có thể. Lúc mới sang là lúc bạn sẽ trở nên yếu đuối nhất. Đồ ăn không hợp bạn phàn nàn với gia đình. Bạn không hiểu người bản địa nói gì, bạn kể với gia đình. Bạn không thích học môn này, không thích học môn kia, bạn nói với gia đình… Ngoài những vấn đề to lớn liên quan tới tài chính hay chuyện mua xe, thuê nhà chẳng hạn thì chắc chắn bạn sẽ phải tham khảo với gia đình, nhưng còn những chuyện nhỏ mà bạn hoàn toàn có thể làm gì đó để giải quyết thì Cá nghĩ bạn nên khoe với gia đình một khi bạn đã vượt qua nó thành công. Nói ra thì đúng là giải tỏa được cảm xúc nhất thời, nhưng về lâu dài thì nó lại không giúp bạn giải quyết được nhiều vấn đề. Nhất là khi bố mẹ bạn ở quá xa và thực sự không thể giúp đỡ bạn nhiều. Chỉ có bắt tay vào thực hiện và tự mình giải quyết nó thì bạn mới trở nên độc lập, mạnh mẽ, và quyết đoán hơn.

image
Có lẽ nhiều bậc phụ huynh cũng sẽ không đồng tình với Cá trong chuyện này vì người làm cha mẹ, ai cũng quan tâm và muốn biết tất tần tật về con cái mình khi chúng xa nhà. Lúc Cá mới xa nhà, bố mẹ cũng nhớ Cá rất nhiều, nhưng họ cũng đã chọn cách hạn chế nói chuyện, nhắn tin cho Cá để Cá có thể hoàn toàn sống và thích nghi với môi trường mới. Cá cũng đã làm tương tự để không bị phụ thuộc vào gia đình nữa.

image
Sau năm đầu xa nhà, khi trở về, bố mẹ Cá đã nói rằng du học không chỉ là chuyện học thêm nhiều kiến thức, mà còn là chuyện rèn luyện bản thân trở thành những con người cứng rắn và mạnh mẽ trong tính cách. Họ đã nói rằng điều mà họ làm như vậy là vì họ không muốn giải quyết thay Cá. Bên cạnh việc ủng hộ Cá bằng việc hoàn toàn tin tưởng vào Cá, họ chỉ đơn giản đưa ra những lời khuyên và để cho Cá tự lựa chọn cách giải quyết. Giờ nghĩ lại, Cá nghĩ họ đã làm đúng.

image
Nói chung, lời cuối cùng, Cá muốn nhắn với những ai hay bị nhớ nhà hoặc nhớ con rằng nếu nhớ thì hãy cứ nhớ, nhưng đừng để bị sick (ốm) nhé. Và hãy nhớ, đi du học là khi bạn và gia đình chấp nhận một con đường đòi hỏi bạn phải bước đi độc lập, nhưng không phải đơn độc.



Cá Vàng

image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.