Những ngày này, nếu chúng ta mở TV để xem tin tức, chúng ta sẽ thấy nào là bắn giết, nào là chiến tranh đang còn lan tràn đó đây, nào là bao nhiêu tin tức được loan tải: tin tốt thì ít nhưng tin dữ, tin xấu thì loan truyền cùng khắp. Phải thành thật mà nói, thời đại này, hệ thống truyền thông đang ngự trị khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thôn quê cho đến tỉnh thành, và chỉ trong giây lát, tin tức thế giới được loan đi đến cho bao lớp người được nghe biết. Đó là nói đến việc truyền thông.
Ngược dòng thời gian, trước đây hơn hai ngàn năm, ông Gioan tiền hô đã loan báo tin Chúa Cứu Thế sẽ ra đời. Chúng ta hãy tưởng tượng xem. Ông đã kêu gọi bằng cách nào, vì thời đó làm gì có phương tiện truyền thông. Không có loa phóng thanh, không có Radio, Youtube không có một phương tiện nào khác, ngoài việc dùng “loa” bằng miệng. Vậy những lời kêu gọi đó làm sao đến được tai mọi người.
Dù vậy, những lời này cũng vang vọng đến muôn nơi và mãi mãi còn âm vang cho đến hôm nay: “Ông đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sa-i-a: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” [Luca 3:3-6]
Trở lai, chúng ta đang sống trong một thế giới truyền thông, ngày ngày chúng ta sẽ bưng đầu nhức óc bởi các đài cứ nhai nhải suốt ngày, cứ lập đi lập lại bằng ấy những tin tức nhằm tuyên truyền, nhằm đầu độc những tà thuyết xấu xa, những chính sách tệ hại hầu làm lung lạc, hư hỏng bao tâm hồn giới trẻ, những em bé thơ ngây. Các trường học là nơi đào tạo cho con người cách sống nhân bản, có tư cách, và cũng để truyền đạt một số những kiến thức hữu ích, giúp cho con giúp cho con người trưởng thành và thăng tiến trong cuộc sống và để làm việc trong một xã hội, trong một môi trường mà chúng ta đang sinh sống. Thế nhưng, như chúng ta đều biết, học đường ngày nay không còn là nơi đào tạo cho con người có nhân cách, mà là nơi nhồi sọ những tà thuyết, là nơi để đầu độc, giáo dục cho con em những hành động xấu xa, dâm ô, và lại còn cấm đoán, cản ngăn các bậc phụ huynh không được can dự vào!
Nhân nói về việc Gioan Tiền hô kêu gọi mọi người sám hối, quay về đường ngay nẻo chính, và chúng ta cũng nhận ra rằng, truyền thông luôn là con dao hai lưỡi: mặt tốt và mặt xấu. Giáo Hội ngày nay cũng từng kêu gọi mọi người con Chúa hãy biết lợi dụng truyền thông để rao truyền Lời Chúa cho mọi người, tùy nơi, tùy vùng, tùy quốc gia, đến khắp tận cùng trái đất. Quả vậy, có những nơi con người chưa nhận ra đâu là Lời Chúa được giảng rao, được truyền bá. Họ đang khát khao Lời Chúa. Họ cần Lời Chúa cho tâm linh cũng như thực phẩm cần cho thân xác mỗi ngày.
Hiện tại, có biết bao nhà truyền giáo thuộc các tu hội như: Maryknoll, Salesians, SVD, v.v. gồm nhiều linh mục, tu sĩ, đang lăn xả đến nhiều nơi trên thế giới để mang Lời Chúa đến cho mọi người. Tại quốc gia Đại Hàn, gia đình những người con Chúa đã cùng nhau, hằng năm đưa nhiều gia đình ngoài ràn chiên Chúa, trở thành những người con Chúa. Đây là điểm son của con dân Chúa tại một quốc gia có trên 52 triệu dân [1].
Có tiếng kêu trong rừng vắng, rằng: “hãy san những đồi cao và sửa lại những chỗ quanh co, uốn khúc để đón chờ Chúa đến.” Chúa đang đến gần kề… Và giờ đây, chúng ta hãy theo dõi bằng tâm tưởng, bằng đôi mắt vô hình và bằng cảm quan để thấy được những bước chân đi dưới trời đêm dẫm tuyết, đạp sương để tìm nơi trú ngụ trong khi màn đêm tối đang dần khuya.
NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐÊM
Vậy chúng ta cùng hình dung, có biến cố gì sắp xảy ra chăng, khi những ngày năm cùng tháng tận đang đến gần kề, và ai cũng thốt lên: “Một năm nữa lại sắp qua rồi!” Thời gian đến rồi thời gian đi, trong yên lặng mà không để lại một dấu vết gì, một âm vang gì. Dòng thời gian âm thầm trôi đi, trong khi đó, cuộc sống của con người cũng phải qua đi, qua đi cùng với thời gian, qua đi vì bệnh tật, chết chóc, qua đi bởi những hoàn cảnh khác nhau, và cũng bởi muôn ngàn lý do khác nhau. Còn chúng ta, những người còn sống thì sao? Chúng ta vẫn tiếp tục bước đi theo dòng đời, dù dòng đời có bằng phẳng hay khập khểnh hoặc có biết bao chướng ngại trước mắt cũng như những xáo trộn trong cuộc sống, trong một xã hội hiện thời với những đảo điên, bất trắc!
Ngôn sứ Daniel nói gì về thời kỳ này: “Đức Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ.” (Dan. 53:10) Cấp bách hơn, và còn khẩn thiết hơn, khi đọc những lời khuyên nhủ trong những ngày này của Thánh Phaolô trong thư gởi cho giáo đoàn Thêxalônica: “ Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao”, thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.”(1Thess 5:1-3).
Nơi khác, thánh sử Mác-cô, đã lại khuyến cáo: “Trong những ngày ấy, sau cơn gian nan lớn lao, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (Mc. 13: 24-26)
Trong khung cảnh một số điềm được báo trước về ngày thế mạc, giờ chúng ta hãy cùng hướng lòng trí về một sự việc khác sắp xảy ra. Chúng ta hãy theo dõi những bước chân đêm của bao khách trú, nay trở về nguyên quán, trong đó cũng có bóng dáng của hai Ông Bà Giuse-Maria.
Vậy sự việc thế nào? Đó là việc, dưới thời hoàng đế Augusto, ra sắc chỉ cho mọi dân đều phải trở về nguyên quán để khai lý lịch hộ tịch [Luke 2: 1-14]. Do đó, ông Giuse và Bà Maria, từ thành Nagiaret, phải trở về thành Bêlem, đường xa đi bộ, khoảng 150 cây số [2] để khai sổ bộ. Bởi thế, theo lệnh trên, mọi người tức tấp trở về nguyên quán. Riêng ông bà Giuse và Maria cũng vội vàng lên đường. Phần bà thì đang mang thai Chúa Giê-su. Ông Giuse thì đặt Bà ngồi trên lưng lừa, và ông dắt lừa đi. Khi đến Bêlem, người người nhốn nháo tìm nơi trú đêm. Riêng ông bà, vì gia cảnh nghèo, tiền đâu có để thuê quán trọ, khách sạn mà trú qua đêm. Dù vậy, Ông Bà cũng đã phải vất vả, ngược xuôi, cố tìm nơi trú ngụ. Có những bước chân bước đi nặng nề, trong đêm trường, giữa thời tiết giá lạnh. Đi đến đâu cũng bị người ta coi khinh, chê bai, vì dáng dấp Ông Bà chính là những người nghèo hèn!
Bên ngoài, thời tiết càng khắc nghiệt hơn. Từng cơn gió lạnh thổi vi vu đến rét run người. Tuyết càng rơi nhiều khiến những bước đi của Ông Bà càng khó khăn, vất vả, nặng nhọc hơn. Những bước chân đi trong đêm tối nặng nề của Mẹ Maria khi mang nặng Đấng Cứu Thế trong cung lòng mình. Lịch sử cứu độ nhân sinh sẽ được bắt đầu từ nay. Không tìm được chỗ trú nơi các quán trọ, buộc lòng Ông Bà phải đi tìm nơi trú tạm một nơi, bên ngoài thành. Đó là chỗ ở của chiên bò đang nằm, giữa cánh đồng hoang. Giờ lâm bồn đã đến, Bà Maria đành phải sinh hạ con mình nơi ấy, giữa cánh đồng không mông quạnh, không một liếp che, không một ánh đèn. Ông Giuse vội đi tìm mấy que củi khô đốt lên để sưởi ấm Chúa Con. Cùng lúc ấy, Ông Bà suy nghĩ trong lòng vì bao điều huyền nhiệm mà Thiên Chúa đang thực thi đối với nhân loại.
Huyền nhiệm, vì Thiên Chúa đã có chương trình cứu độ của Ngài, khi cho hai ông bà Giacaria và Elizabeth, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn cưu mang và sinh hạ Ông Gioan để sau này trở thành vị Gioan Tiền hô, loan báo tin mừng Đấng cứu độ sẽ ra đời, cứu chuộc nhân sinh khỏi vòng tội lỗi. Còn đối với cô Maria, tuy còn trong tuổi vị thành niên, dù chỉ mới đính hôn với Ông Giuse, chưa chính thức thành vợ thành chồng, nhưng lại có thai! Ở điểm này, như chúng ta đã biết, vì Ông Giuse là người công chính, nên không thể nhìn thấy cảnh cô Maria mang thai mà chưa chính thức chung sống với nhau. Do lý do đó, Ông Giuse định tâm bỏ Cô Maria cách kín đáo, nhưng rồi trong giấc mơ, Ông đã được ý Chúa cho biết, việc Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần, nên hãy đón nhận Maria về nhà mình,và từ bỏ ý định ly hôn. Thật là điều huyền nhiệm thay công trình của Thiên Chúa!
Để chấm dứt mấy dòng suy tư ngắn ngủi này, người viết xin trích lại đôi dòng nhạc, tuy đã xưa, nhưng thấy thấm thía trong lòng kẻ viết: “Trong chuồng bò nửa đêm tăm tối, Đấng Cứu Tinh đã ra đời. Trong chuồng bò nửa đêm tăm tối, Chúa sinh ra làm người. Noen, Noen trên trời vinh quang, khắp nhân thế hãy vui mừng..”
Hỡi con người hãy nghĩ suy điều này cho thật thẳm sâu khi đứng bên hình hài Giêsu với song thân của Người nơi máng rơm chiên bò. Chúa trời đất sinh nơi hang bò lừa. Thiên Chúa là Chúa trời đất lại muốn hạ thấp như phận tôi đòi, sinh ra làm người, và nay đang ở giữa chúng ta. Tâm tình này, cũng nói lên được ý nghĩa của người Việt nam chúng ta: “đi với bụt mặc áo cà sa. Đi với ma thì mặc áo giấy.” Còn chúng ta, sống trong chăn ấm nệm êm với biết bao thứ hưởng thụ?
Nguyễn Ngọc Thể
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.