Các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) khiến các nhà bán lẻ có hoạt động kinh doanh trong khu vực như Inditex, H&M và Nike chịu trách nhiệm pháp lý về điều kiện làm việc tại các nhà cung cấp.
Nghĩa là các công ty này buộc phải đầu tư làm mát tại những cơ sở sản xuất mà họ nhập hàng.
Ở Hà Nội, TP HCM, Dhaka (Bangladesh), Phnom Penh (Campuchia) và Karachi (Pakistan), số ngày có nhiệt độ cao hơn 30,5 độ C trong giai đoạn 2020-2024 tăng tới 42% so với giai đoạn 2005-2009, theo các nhà nghiên cứu tại Viện Lao động Toàn cầu thuộc Đại học Cornell (Mỹ).
Trên ngưỡng nhiệt độ, Tổ chức Lao động Quốc tế khuyến nghị thời gian nghỉ ngơi nhiều bằng thời gian làm việc trong bất kỳ giờ nào để duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức an toàn.
Báo cáo của Đại học Cornell xác định chỉ ba nhà bán lẻ bao gồm Nike, Levi's và VF Corp đã có những quy định rõ ràng để bảo vệ công nhân trong chuỗi cung khỏi bị kiệt sức do nhiệt độ cao.
Các công ty đã được cảnh báo
"Chúng tôi đã nói chuyện với các nhãn hàng về vấn đề này từ lâu, và họ mới chỉ để tâm gần đây," Jason Judd, giám đốc điều hành tại Viện Lao động Toàn cầu của Đại học Cornell, nói.
"Nếu một thương hiệu hoặc nhà bán lẻ biết rằng nhiệt độ trong một khu vực sản xuất quá cao hoặc gây hại cho sức khỏe của người lao động, thì họ có nghĩa vụ phải giải quyết điều đó theo bộ quy tắc mới của EU," ông nói thêm.
Chỉ thị Thẩm định về Tính Bền vững của Doanh nghiệp mà EU thông qua đã có hiệu lực từ tháng 7/2024 và sẽ áp dụng cho các công ty lớn từ giữa năm 2027.
Các biện pháp làm mát các nhà máy có thể bao gồm cải thiện hệ thống thông gió và lắp đặt hệ thống làm mát bằng hơi nước, thay vì sử dụng điều hòa vốn không chỉ gây tốn nhiều năng lượng, kinh phí mà còn làm tăng lượng khí thải carbon của các nhà máy.
Một số chủ nhà máy có thể sẵn sàng tự mình thực hiện những khoản đầu tư như vậy vì nhiệt độ cao ảnh hưởng đáng kể đến năng suất nhưng các quy tắc của EU nhấn mạnh trách nhiệm của các thương hiệu trong việc giải quyết vấn đề này, ông Judd bình luận.
Báo cáo từ Đại học Cornell đề nghị các nhà bán lẻ, các thương hiệu đầu tư vào cải thiện tiền lương và các biện pháp bảo vệ sức khỏe người lao động để họ ít lo lắng hơn về việc mất việc khi phải nghỉ ngơi do nắng nóng.
Nghiên cứu của công ty quản lý tài sản đa quốc gia Schroders và Viện Lao động Toàn cầu vào năm 2023 chỉ ra rằng nắng nóng, lũ lụt có thể khiến Việt Nam, Bangladesh, Campuchia và Pakistan mất đi 65 tỷ USD tiền xuất khẩu hàng may mặc vào năm 2030.
Ngành dệt may Việt Nam
Theo số liệu từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong chín tháng đầu năm 2024 đạt 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023 với các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung cộng.
Tính tới hết tháng 10/2024, ngành may mặc đứng thứ tư trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước, theo Tổng cục Thống kê.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của ngành trong năm nay là khả thi vì giai đoạn cuối năm là cao điểm cho đơn hàng sản xuất cho các dịp Giáng sinh, năm mới.
Một bài viết trên trang web của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào giữa tháng 11/2024 nhận định rằng dù có nhiều kết quả khả quan, ngành dệt may trong nước đang chịu áp lực cạnh tranh lớn khi xuất khẩu sang thị trường các nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chẳng hạn, Việt Nam có chi phí lao động cao hơn so với Bangladesh cũng như chịu áp lực về các khoản bảo hiểm y tế, xã hội.
Trong khi Bangladesh được hưởng những ưu đãi thuế quan đặc biệt dành cho các nước kém phát triển, Việt Nam lại phải đáp ứng với những yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn và quy định khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị ở Bangladesh có thể tạo cơ hội để ngành may mặc Việt Nam mở rộng thị trường hơn nữa, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương thuộc Bộ Công thương.
***
Mưa đá ở Nghệ An chiều 01/05 2024
Mưa đá với kích thước 3-4cm tạo ra tiếng động lớn, một số chỗ đá phủ dày 2-3 cm trên mặt đất.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.