Vào mùa xuân năm 2011, thời điểm các cuộc nổi dậy ở thế giới Ả Rập nổ ra, tình hình khác hẳn, khi người Syria đã cố gắng đón lấy một chút thứ phép màu cách mạng vốn đã cuốn trôi các tổng thống của Tunisia và Ai Cập, đồng thời đang đe dọa các nhà lãnh đạo kỳ cựu ở Libya và Yemen.
Ở thời điểm năm 2011, chế độ do Hafez al-Assad sáng lập và truyền lại cho con trai ông ta là Bashar al-Assad sau khi ông ta qua đời vào năm 2000 đã trở nên mục nát và suy đồi.
Tuy nhiên, hệ thống mà Hafez xây dựng vẫn giữ được phần lớn sức mạnh bạo tàn mà ông ta tin là cần thiết để kiểm soát Syria.
Assad cha đã giành lấy quyền lực ở một đất nước vốn dễ xảy ra các cuộc đảo chính và đã trao lại quyền lực cho con trai mình mà không gặp phải thách thức đáng kể nào.
Vào năm 2011, Bashar al-Assad đã dùng lại sách lược cũ của cha mình.
Ở thời điểm hiện nay nhìn lại thì thật khó mà tưởng tượng, nhưng lúc bấy giờ ông ta vẫn có được sự ủng hộ nhất định từ một bộ phận dân chúng Syria, nhiều hơn so với các nhà độc tài vốn đã bị quét sạch bởi những đám đông hô vang khẩu hiệu của năm đó: "Nhân dân muốn lật đổ chế độ."
Bashar al-Assad từng là người ủng hộ mạnh mẽ người Palestine, và Hezbollah trong cuộc chiến thành công của Hezbollah chống lại Israel vào năm 2006 tại Lebanon. Ông ta trẻ hơn các lãnh đạo Ả Rập khi đó, những người mà sau đó ít lâu đã bị phế truất.
Sau khi cha ông ta qua đời, Assad đã hứa hẹn cải cách. Năm 2011, một số người dân Syria vẫn muốn tin vào ông ta, hy vọng rằng các cuộc biểu tình sẽ là động lực thúc đẩy sự thay đổi mà ông ta từng hứa hẹn, cho đến khi ông ta ra lệnh cho binh lính bắn chết những người biểu tình ôn hòa ngay trên đường phố.
Một đại sứ Anh tại Syria từng nói với tôi rằng cách để hiểu chế độ Assad là xem các bộ phim về mafia, như Bố già. Những ai tuân phục sẽ được tưởng thưởng. Còn bất kỳ ai chống lại người đứng đầu gia đình hoặc các trợ thủ thân cận của ông ta đều sẽ bị loại trừ.
Trong trường hợp của Syria, điều đó có thể là treo cổ, xử bắn, hoặc giam giữ vô thời hạn trong các xà lim ngầm.
Giờ đây, chúng ta đang thấy những người bị giam giữ đó, gầy gò và xanh xao, lóa mắt trước ánh sáng bên ngoài, qua hình ảnh được quay lại bằng điện thoại của các chiến binh nổi dậy, những người đã phóng thích hàng ngàn người khỏi cảnh tù đày suốt nhiều năm.
Sự yếu kém của chế độ Assad, đến mức đã nhanh chóng sụp đổ như một túi giấy ướt, đã bị che đậy bởi hệ thống nhà tù đáng sợ và tàn bạo mà nó vẫn duy trì.
Quan điểm chung của cộng đồng quốc tế đều cho rằng Bashar al-Assad là một lãnh đạo yếu kém, phụ thuộc vào Nga và Iran, cai trị một quốc gia mà ông ta đã làm tan vỡ để duy trì quyền lực gia đình. Tuy nhiên, ông ta vẫn đủ mạnh để được coi là một thực tế ở Trung Đông, thậm chí còn có thể được xem là hữu ích.
Trong những ngày cuối cùng trước khi lực lượng nổi dậy khởi binh từ Idlib, có nhiều thông tin cho thấy Mỹ, Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang cố gắng tách Syria của Assad ra khỏi Iran.
Israel đã tiến hành các cuộc không kích ngày càng mạnh vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria, những nơi họ cho rằng là một phần của chuỗi cung ứng vũ khí mà Iran sử dụng để chuyển đến Hezbollah ở Lebanon.
Cuộc tấn công của Israel tại Lebanon đã giáng những đòn nặng nề vào Hezbollah, với mục tiêu ngăn chặn tổ chức này hồi phục. Đồng thời, UAE và Mỹ đã tìm cách đưa ra các động lực để Assad phá vỡ liên minh với Tehran, bao gồm việc nới lỏng lệnh trừng phạt và cho phép ông ta tiếp tục nỗ lực phục hồi quan hệ quốc tế.
Cả Benjamin Netanyahu và Joe Biden đều lên tiếng kể công sau sự sụp đổ của chế độ Assad, và điều này không phải là không có cơ sở. Thiệt hại mà Israel gây ra cho Hezbollah và Iran bằng vũ khí và sự hỗ trợ liên tục của Mỹ, cùng với việc Biden cung cấp vũ khí cho Ukraine, đã khiến các đồng minh thân thiết nhất của Assad không thể hoặc không muốn cứu ông ta.
Tuy nhiên, việc họ vẫn xem Assad như một phần trong chiến lược kiềm chế và làm suy yếu Iran cho đến vài ngày trước khi ông ta bị lật đổ cho thấy họ chưa bao giờ nghĩ rằng ông ta chỉ còn vài ngày nữa là phải chạy trốn sang Nga trong đêm.
Họ đã góp phần vào sự sụp đổ của ông ta, nhưng phần lớn là do tình cờ hơn là một chiến lược có tính toán kỹ lưỡng.
Sự sụp đổ của chế độ Assad có thể đã chặt đứt chuỗi cung ứng của Iran, nếu những người cầm quyền mới ở Syria đi đến quyết định rằng các thỏa thuận với các bên khác sẽ hữu ích hơn liên minh với Iran.
Mọi bên đều đang suy nghĩ rất nhiều về những gì sẽ đến tiếp theo và vẫn còn quá sớm để rút ra kết luận chắc chắn.
Người Syria, các láng giềng của họ và cả thế giới hiện đang đối mặt với một trận động đất địa chính trị nữa, lớn nhất trong chuỗi sự kiện nổ ra theo sau các cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái. Có thể đây không phải là trận động đất cuối cùng.
Iran đang chứng kiến sự sụp đổ chung cuộc của các trụ cột chính trong mạng lưới mà họ gọi là "trục kháng chiến". Các thành phần quan trọng nhất của trục này đã bị biến đổi; Hezbollah bị tổn hại nặng nề và chế độ Assad đã tiêu vong.
Các nhà lãnh đạo Iran có thể muốn thực hiện các gợi ý mà họ từng đưa ra về khả năng đàm phán với Donald Trump khi ông ta nhậm chức. Hoặc sự trần trụi chiến lược mới của Iran có thể khiến họ đưa ra quyết định định mệnh là biến uranium đã được làm giàu cao thành vũ khí hạt nhân.
Người Syria có mọi lý do để vui mừng. Trong những năm sau 2011, dưới chế độ áp bức và bạo tàn của Assad, ông ta và các trợ thủ vẫn có thể tìm được những chiến binh nam giới sẵn sàng chiến đấu.
Nhiều binh sĩ mà tôi gặp ở các chiến tuyến đã nói với tôi rằng Assad là một lựa chọn tốt hơn so với các phần tử cực đoan thánh chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuy nhiên, vào năm 2024, đối mặt với một lực lượng nổi dậy được tổ chức tốt với tuyên bố là những người quốc gia chủ nghĩa, Hồi giáo nhưng không còn là thánh chiến, những người lính nghĩa vụ miễn cưỡng của Assad đã từ chối chiến đấu, vứt bỏ quân phục và trở về nhà.
Kịch bản tốt nhất là người Syria, với sự giúp đỡ của các nước mạnh trong khu vực, sẽ tìm được một con đường để tạo ra không khí hòa giải dân tộc thời hậu chiến, thay vì một làn sóng cướp bóc và trả thù đẩy đất nước vào một cuộc chiến mới.
Abu Mohammad al-Jolani, thủ lĩnh của nhóm thắng cuộc HTS, đã kêu gọi các chiến binh của mình và tất cả các phe phái của Syria tôn trọng lẫn nhau.
Các chiến binh của ông ta đã lật đổ chế độ và ông ta là người gần nhất với vị thế của một nhà lãnh đạo trên thực tế tại Syria.
Tuy nhiên, Syria có hàng chục nhóm vũ trang khác không hẳn đồng tình với ông ta và sẽ muốn giành quyền kiểm soát ở lãnh địa của riêng họ. Tại miền nam Syria, các nhóm dân quân bộ tộc đã không công nhận quyền lực của gia đình Assad. Họ sẽ không tuân theo các mệnh lệnh mà họ không ưa từ cấu trúc mới ở Damascus.
Tại vùng sa mạc miền đông, Mỹ đã thấy một mối đe dọa lớn từ những tàn dư của nhóm Nhà nước Hồi giáo nên đã tiến hành các đợt không kích. Người Israel, lo lắng về khả năng hình thành một nhà nước Hồi giáo sát biên giới của mình, đang tấn công vào hạ tầng quân sự của quân đội Syria.
Có lẽ sẽ là tốt hơn nếu tìm cách biến Quân đội Syria Ả Rập cải cách trở thành một phần của giải pháp ở một đất nước thiếu luật pháp và trật tự. Quyết định liều lĩnh của Mỹ vào năm 2003 - giải thể quân đội Iraq - đã gây ra những hậu quả thảm khốc.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan có lẽ hài lòng với những gì ông ta thấy.
Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan đã làm nhiều hơn bất kỳ cường quốc nào khác để bảo vệ quyền tự trị của tỉnh Idlib, nơi HTS đã chuyển mình thành một lực lượng chiến đấu ở thời điểm Syria dường như đã rơi vào tình trạng đóng băng.
Erdogan có thể thấy ảnh hưởng của mình vươn đến biên giới Israel, vào thời điểm quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ đã bị nhiễm độc bởi chiến tranh ở Gaza.
Kịch bản tồi tệ nhất đối với người Syria là đất nước của họ sẽ rơi vào hoàn cảnh của hai chế độ độc tài Ả Rập khác, nơi đã chìm vào hỗn loạn bạo lực theo sau sự sụp đổ của các chế độ ở đó.
Đại tá Gaddafi của Libya và Saddam Hussein của Iraq đã bị lật đổ mà không có một sự thay thế sẵn có. Can thiệp quân sự thiếu cân nhắc từ bên ngoài đã góp phần tạo ra hai thảm họa này.
Khoảng trống mà các nhà độc tài để lại đã bị lấp đầy bởi các làn sóng cướp bóc, trả thù, giành quyền lực và nội chiến.
Người Syria đã không có quyền tự quyết định số phận của họ trong nhiều thế hệ. Cá nhân họ đã bị tước đoạt quyền đó bởi hai tổng thống nhà Assad và những người đi theo hai ông này. Đất nước Syria đã mất quyền tự quyết sau khi chiến tranh làm cho họ trở nên quá yếu nhược và các cường quốc nước ngoài đã lợi dụng để gia tăng và bảo vệ quyền lực của mình.
Người Syria hiện vẫn không có quyền tự quyết định cuộc sống của chính họ. Họ có thể có cơ hội tạo dựng một đất nước mới và tốt đẹp hơn nếu họ có quyền làm chủ cuộc đời mình.
Jeremy Bowen
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.