Sau 13 năm nội chiến, các lực lượng dân quân đối lập ở Syria nhận thấy thời cơ làm lung lay chiếc ghế quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad đã tới, và chừng sáu tháng trước, họ trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch tổng tấn công và nhận được sự đồng thuận ngầm từ Ankara, theo hai nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.
Chỉ với hai tuần phát động, chiến dịch nhanh chóng đạt được mục tiêu ban đầu – giành quyền kiểm soát Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria – và khiến hầu hết mọi người bất ngờ.
Từ đó, chỉ trong vòng hơn một tuần, liên minh quân nổi dậy tiến tới Damascus và đặt dấu chấm hết cho năm thập kỷ cai trị của gia đình Assad.
Thành công thần tốc của chiến dịch này có thể nói là nhờ "thiên thời": Quân đội của Assad kiệt quệ và rệu rã; các đồng minh chính như Iran và Hezbollah bị suy yếu trầm trọng do xung đột với Israel; và Nga, nhà viện trợ quân sự chính, bị phân tâm và thoái chí.
Theo các nguồn tin, gồm một nhà ngoại giao trong khu vực và một thành viên của quân nổi dậy, lực lượng nổi dậy sẽ không thể tiến công nếu không báo trước với Thổ Nhĩ Kỳ - vốn luôn là bên hậu thuẫn chính cho phe đối lập ở Syria từ những ngày đầu chiến sự.
Thổ Nhĩ Kỳ có triển khai binh lính ở tây bắc Syria và hỗ trợ cho một vài lực lượng nổi dậy dự định tham gia chiến dịch, trong đó có cánh Quân đội Quốc gia Syria (SNA). Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ coi nhóm chủ lực trong liên minh này, Hayat Tahrir al-Sham (HTS), là một tổ chức khủng bố.
Theo nhà ngoại giao nói trên, kế hoạch táo bạo của phe nổi dậy là con đẻ của HTS và thủ lĩnh của nhóm là Ahmed al-Sharaa (được biết tới nhiều hơn với cái tên Abu Mohammed al-Jolani).
Washington, châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ coi Abu Mohammed al-Jolani là một phần tử khủng bố do ông này từng có mối liên kết với al Qaeda.
Dù vậy, trong suốt thập kỷ vừa rồi, HTS, từng được biết tới là Mặt trận Nusra, đã tìm cách cải thiện hình ảnh trong khi điều hành một nhà nước bán chính thức tập trung ở Idlib.
Tại đây, nhóm này đã thu thuế các hoạt động thương mại và từ người dân, theo các chuyên gia.
Chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, do thỏa thuận với Nga năm 2020 về giảm leo thang chiến sự ở tây bắc Syria, từ lâu đã phản đối một cuộc tấn công lớn của phe nổi dậy, lo ngại điều đó thể dẫn tới một làn sóng tị nạn mới tràn qua biên giới nước mình.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin, hồi đầu năm nay, phe nổi dậy nhận thấy lập trường của Ankara đối với Assad trở nên căng thẳng, sau khi ông Assad nhiều lần từ chối những đề xuất của ông Erdogan trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị nhằm phá thế bế tắc quân sự kéo dài khiến Syria bị chia cắt giữa chính quyền Assad và một liên minh các nhóm nổi dậy có sự hậu thuẫn từ các thế lực nước ngoài.
Nguồn tin từ phe nổi dậy Syria nói rằng lực lượng này đã chia sẻ kế hoạch chi tiết với Thổ Nhĩ Kỳ, sau những nỗ lực của Ankara hợp tác với Assad thất bại.
Thông điệp là: "Con đường đó trong nhiều năm qua không hiệu quả – vậy hãy thử đi theo con đường của chúng tôi. Anh chẳng cần phải làm gì cả, miễn đừng can thiệp là được."
Hadi Al-Bahra, lãnh đạo phe đối lập Syria ở nước ngoài được quốc tế công nhận, nói với Reuters vào tuần trước rằng HTS và SNA lên kế hoạch "sơ bộ" với nhau trước chiến dịch và đã đồng thuận "đạt được hợp tác và tránh xung đột với nhau".
Ông nói thêm rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã theo dõi hoạt động và nội dung thảo luận của những nhóm vũ trang.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói ở Doha (Qatar) hôm Chủ nhật rằng nỗ lực tiếp cận ông Assad của Tổng thống Erdogan trong vài tháng qua đã thất bại và Thổ Nhĩ Kỳ "đã biết có điều gì đó đang tới".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Nuh Yilmaz, trong một hội thảo về các vấn đề Trung Đông tại Bahrain hôm Chủ nhật, khẳng định Ankara không đứng sau hay đồng tình với chiến dịch này, đồng thời nhấn mạnh rằng họ lo ngại về tình trạng bất ổn.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ không trả lời trực tiếp những câu hỏi từ Reuters về việc liệu có tồn tại một sự đồng thuận giữa HTS và Ankara về chiến dịch tại Aleppo hay không.
Trả lời câu hỏi về nhận thức của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc chuẩn bị của chiến dịch, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng HTS "không nhận lệnh hay chỉ đạo từ chúng tôi và cũng không phối hợp tác chiến với chúng tôi."
Người này nói rằng "theo cách hiểu đó" nếu cho rằng chiến dịch tại Aleppo được tiến hành với sự đồng ý hay bật đèn xanh từ Thổ Nhĩ Kỳ thì là không đúng.
MIT, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, không phản hồi đề nghị bình luận của Reuters ngay lập tức.
Mong manh
Phe nổi dậy Syria tấn công Assad vào lúc ông suy yếu nhất.
Bị phân tán với những cuộc chiến ở nơi khác, đồng minh quân sự của ông Assad (gồm Nga, Iran và nhóm Hezbollah ở Lebanon) đã không thể huy động đủ hỏa lực cần thiết như trong nhiều năm qua.
Lực lượng vũ trang yếu kém của Syria đã không thể kháng cự.
Một nguồn tin từ chính quyền nói với Reuters rằng xe tăng và máy bay không có nhiên liệu vận hành do nạn tham nhũng và cướp bóc – một minh chứng cho sự suy kiệt nghiêm trọng của nhà nước Syria.
Trong hai năm qua, nhuệ khí trong quân đội đã xuống dốc nghiêm trọng, theo nguồn tin ẩn danh do sợ bị trả thù.
Ông Aron Lund, một thành viên của Viện nghiên cứu Century International chuyên về Trung Đông, nhận định rằng liên minh nổi dậy do HTS dẫn đầu có sức mạnh và sự thống nhất lớn hơn bất kỳ lực lượng nổi dậy nào từng tham chiến trước đây, "và phần lớn điều đó là nhờ công của Abu Mohammed al-Jolani."
Tuy nhiên, ông nói rằng yếu tố then chốt là sự suy yếu của chính quyền Syria.
"Sau khi mất Aleppo như vậy, lực lượng của Assad đã không thể phục hồi và và quân nổi dậy càng tấn công thì quân chính phủ ngày càng yếu đi," ông nói.
Tốc độ tiến công của phe nổi dậy – chiếm được Hama vào ngày 5/12 và Homs khoảng ngày 8/12 và chiếm được luôn thủ đô Damascus cùng ngày – vượt xa mọi dự đoán.
"Cơ hội là có, nhưng không ai ngờ chính quyền sụp đổ nhanh đến vậy. Mọi người đều nghĩ sẽ có giao chiến," ông Bassam Al-Kuwatli, Chủ tịch Đảng Tự do Syria – một nhóm đối lập nhỏ có trụ sở ngoài Syria, nhận định.
Một quan chức Mỹ nói với điều kiện ẩn danh rằng dù Washington có biết về sự ủng hộ toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho phe nổi dậy, Mỹ không được thông báo về bất kỳ sự đồng thuận ngầm nào Thổ Nhĩ Kỳ dành cho chiến dịch tại Aleppo.
Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng phản hồi ngay yêu cầu bình luận của Reuters về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào ngày 8/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng việc Nga bỏ mặc Assad đã khiến ông này thua cuộc, nói thêm rằng Moscow ngay từ đầu đáng lẽ đã không nên bảo vệ Assad và đã mất hứng thú do cuộc chiến ở Ukraine mà Nga không bao giờ nên khởi xướng.
Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lưu ý tới vai trò của Israel trong việc làm suy yếu Hezbollah.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng Hezbollah đã rút nốt lực lượng của mình ra khỏi Syria vào hôm 7/12.
Hậu quả từ Gaza
Những nguồn tin hiểu về cách Hezbollah triển khai nhân lực nói rằng lực lượng này, vốn được Iran hậu thuẫn và đóng vai trò trụ cột giữ vững quyền lực cho ông Assad từ những ngày đầu chiến sự, đã rút phần lớn binh lính tinh nhuệ khỏi Syria trong năm qua để tham gia vào cuộc chiến với Israel – cuộc xung đột bùng nổ từ cuộc chiến ở Gaza.
Israel đã giáng những đòn nặng nề vào Hezbollah, đặc biệt sau khi chiến dịch tấn công vào tháng Chín của Israel đã tiêu diệt thủ lĩnh Hassan Nasrallah cùng nhiều chỉ huy và chiến binh của nhóm này.
Chiến dịch tiến công của phe nổi dậy Syria được tiến hành trùng với thời điểm lệnh ngừng bắn của cuộc xung đột tại Lebanon có hiệu lực - ngày 27/11.
Các nguồn thạo tin với Hezbollah cho biết nhóm này không muốn tham gia vào những trận chiến lớn tại Syria khi đang tập trung vào hành trình dài hồi phục sau những thiệt hại nặng nề.
Đối với liên minh nổi dậy, việc Hezbollah rút quân mang đến một cơ hội đắt giá.
"Chúng tôi chỉ muốn chiến đấu một trận sòng phẳng với chính quyền," nguồn tin thuộc phe nổi dậy Syria chia sẻ.
Sự sụp đổ của đế chế Assad giáng một đòn chí mạng vào tầm ảnh hưởng Iran tại Trung Đông, diễn ra chỉ ít lâu sau cái chết của Nasrallah, cùng những thiệt hại do Israel gây ra cho Hezbollah.
Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ giờ có vẻ như là nhân tố nước ngoài mạnh nhất ở Syria, với việc triển khai binh lính trên bộ và khả năng tiếp cận đến giới lãnh đạo phe nổi dậy.
Ngoài việc đảm bảo hồi hương người tị nạn Syria, Thổ Nhĩ Kỳ còn có mục tiêu kiềm chế sức mạnh của những nhóm người Kurd đang kiểm soát các khu vực rộng lớn ở đông bắc Syria và được Mỹ hậu thuẫn. Ankara coi họ là khủng bố.
Trong khuôn khổ chiến dịch ban đầu, lực lượng SNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực, bao gồm thành phố Tel Refaat, từ tay những lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.
Hôm 8/12, một nguồn tin từ an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phe nổi dậy đã tiến vào thành phố Manbij ở phía bắc Syria sau khi tiếp tục đẩy lùi lực lượng người Kurd.
"Ở đây, Thổ Nhĩ Kỳ là bên thắng cuộc ngoại bang lớn nhất. Erdogan hóa ra đã chọn đúng phe, hoặc ít nhất là bên thắng cuộc, của lịch sử vì lực lượng ủy nhiệm của mình ở Syria đã chiến thắng," ông Birol Baskan, một nhà khoa học chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và cựu học giả không thường trú thuộc Viện Trung Đông, đánh giá.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.