Thursday, December 5, 2024

Kế hoạch của Trump về cuộc chiến ở Ukraine: Nhượng đất, từ bỏ gia nhập NATO

 BM

Theo phân tích của Reuters đối với tuyên bố của các cố vấn này cũng như các cuộc phỏng vấn của những người thân cận của ông Trump, các đề xuất này có thể buộc Ukraine phải nhượng lại một phần đất khá lớn cho Nga.


Những đề xuất của ba cố vấn chủ chốt, bao gồm cả đặc phái viên Nga-Ukraine sắp tới của ông Trump - tướng Lục quân ba sao đã nghỉ hưu Keith Kellogg - có một số điểm chung, chẳng hạn như từ chối yêu cầu gia nhập NATO của Ukraine.


Các cố vấn của ông Trump sẽ tìm cách ép Moscow và Kyiv đàm phán bằng chiến lược cây gậy và củ cà rốt (phạt và thưởng), trong đó nếu Ukraine không đồng ý đàm phán thì Mỹ sẽ cắt viện trợ quân sự, còn nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối thì sẽ tăng viện trợ cho Kyiv.


BM

Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba năm trong vòng 24 giờ sau lễ nhậm chức ngày 20/1/2025, thậm chí có thể sớm hơn, nhưng vẫn chưa nói ông sẽ làm như thế nào.


Các nhà phân tích và cựu quan chức an ninh quốc gia của Mỹ bày tỏ hoài nghi chuyện ông Trump có thể thực hiện tuyên bố đó vì tính phức tạp của cuộc xung đột.


Tuy nhiên, xét tổng thể, các tuyên bố từ cố vấn phần nào cho thấy tiềm năng trong kế hoạch hòa bình của ông Trump.


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực và lãnh thổ mất ngày một nhiều, đã bóng gió nói rằng ông có thể sẵn sàng đàm phán.


Mặc dù vẫn giữ ý định gia nhập NATO, tuy nhiên, trong tuần này, ông Zelensky nói rằng Ukraine phải tìm giải pháp ngoại giao để giành lại một số vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.


Nhưng ông Trump có thể nhận thấy ông Putin không muốn tham gia vì Nga đã đẩy người Ukraine ở thế yếu, nên có thể đạt được nhiều hơn bằng cách tiếp tục chiếm thêm lãnh thổ, theo các nhà phân tích và cựu quan chức Mỹ, "Putin đang không vội", Eugene Rumer, cựu chuyên gia phân tích tình báo hàng đầu của Mỹ về Nga hiện đang làm việc cho tổ chức Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định.


Ông Rumer nói rằng nhà lãnh đạo Nga dường như không muốn từ bỏ các điều kiện của mình để đổi lấy một lệnh ngừng bắn và đàm phán, bao gồm cả việc Ukraine từ bỏ việc gia nhập NATO và giao nộp bốn tỉnh mà ông Putin tuyên bố là một phần của Nga nhưng không kiểm soát hoàn toàn - một yêu cầu mà Kyiv bác bỏ.


BM

Ông Rumer dự báo Tổng thống Putin có thể sẽ chờ thời, chiếm đóng nhiều lãnh thổ hơn và chờ xem ông Trump có thể đưa ra điều kiện nhượng bộ gì để đưa ông vào bàn đàm phán.


Reuters đưa tin vào tháng Năm rằng ông Putin sẵn sàng ngưng chiến bằng một lệnh ngừng bắn nếu các phần lãnh thổ Nga chiếm khi đó được công nhận, nhưng sẽ tiếp tục chiến đấu nếu Kyiv và phương Tây không đồng tình.


Nga đã kiểm soát toàn bộ Crimea, sau khi đơn phương chiếm giữ vùng đất này từ Ukraine hồi năm 2014 và rồi từ đó chiếm khoảng 80% vùng Donbas - bao gồm thành phố tỉnh Donetsk và tỉnh Luhansk - cũng như hơn 70% tỉnh Zaporizhzhia và tỉnh Kherson, và một phần nhỏ của các tỉnh Mykolaiv, Kharkiv.


Hơn cả một kế hoạch


BM

Tính đến tuần trước, ông Trump vẫn chưa triệu tập một đội ngũ chủ chốt để vạch ra kế hoạch hòa bình. Thay vào đó, một số cố vấn đã trao đổi ý tưởng với nhau tại các diễn đàn công khai và đôi khi trao đổi với ông Trump, theo lời bốn cố vấn giấu tên nói với Reuters.


Rốt cuộc thì một thỏa thuận hòa bình có thể sẽ phụ thuộc vào sự tham gia trực tiếp giữa các ông Trump, Putin và Zelensky, các cố vấn đánh giá.


Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng "không thể bình luận về các tuyên bố riêng lẻ nếu không biết kế hoạch tổng thể".


Người phát ngôn của ông Trump, Karoline Leavitt nhấn mạnh tổng thống đắc cử đã nói ông "sẽ làm những gì cần thiết để khôi phục hòa bình và tái thiết sức mạnh và khả năng răn đe của Mỹ trên trường thế giới".


Một đại diện của ông Trump đã không trả lời ngay câu hỏi tiếp theo về việc liệu tổng thống đắc cử vẫn có kế hoạch giải quyết xung đột trong vòng một ngày sau khi nhậm chức hay không.


Một cựu quan chức an ninh quốc gia của ông Trump tham gia vào quá trình chuyển giao cho biết có ba đề xuất chính: phác thảo của tướng Kellogg, một đề xuất từ Phó Tổng thống đắc cử JD Vance và một đề xuất khác do Richard Grenell, cựu quyền giám đốc tình báo của ông Trump, đưa ra.


BM

Kế hoạch của ông Kellogg, do cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Fred Fleitz soạn và trình lên ông Trump vào đầu năm nay, đề nghị đóng băng các chiến tuyến hiện này.


Cả ông Kellogg và ông Fleitz đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Kế hoạch của họ được Reuters đưa tin đầu tiên.


Theo các đề xuất, ông Trump sẽ cung cấp thêm vũ khí của Mỹ cho Kyiv chỉ khi họ đồng ý đàm phán hòa bình, đồng thời cảnh báo Moscow rằng Mỹ sẽ tăng viện trợ cho Ukraine nếu Nga từ chối đàm phán. Việc gia nhập NATO của Ukraine sẽ bị trì hoãn.


Ukraine cũng sẽ được Mỹ cung cấp các biện pháp đảm bảo an ninh, có thể bao gồm việc tăng cường nguồn cung cấp vũ khí sau khi đạt được thỏa thuận.


Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Sáu với Times Radio - một đài phát thanh của Anh - Sebastian Gorka, một trong những cố vấn sắp tới của ông Trump, cho hay vị tổng thống đắc cử đã nói với mình rằng ông sẽ buộc Putin phải đàm phán bằng cách đe dọa sẽ chuyển vũ khí đến Ukraine với quy mô chưa từng có nếu ông Putin từ chối.


Khi Reuters gọi điện thoại để phỏng vấn, ông Gorka nói hãng tin này là "tin rác" và từ chối giải thích thêm.


Phó Tổng thống đắc cử JD Vance - vị thượng nghị sĩ Mỹ đã phản đối viện trợ cho Ukraine - đưa ra một kế hoạch riêng hồi tháng Chín.


Ông nói với người dẫn chương trình podcast Shawn Ryan của Mỹ rằng một thỏa thuận có khả năng sẽ bao gồm một khu phi quân sự tại các chiến tuyến hiện tại, nơi sẽ được "phòng thủ nghiêm ngặt" để ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiếp theo của Nga. Đề xuất của ông cũng phủ nhận tư cách thành viên NATO của Kyiv.


Các đại diện của Vance đã ngăn ông bình luận và ông vẫn chưa đưa ra thêm thông tin chi tiết.


Grenell, cựu đại sứ của ông Trump tại Đức, ủng hộ việc thành lập "các khu tự trị" ở miền đông Ukraine trong một cuộc phỏng vấn bàn tròn của Bloomberg hồi tháng Bảy nhưng không giải thích thêm. Ông cũng cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO không nằm trong lợi ích của Mỹ.


Grenell không trả lời yêu cầu bình luận, và vẫn chưa có vị trí trong chính quyền mới dù vẫn được ông Trump tham vấn về các vấn đề của châu Âu, theo lời một cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của ông Trump chia sẻ với Reuters.


Vị cố vấn này cho biết Grenell là một trong số ít người tham dự cuộc họp vào tháng Chín tại New York giữa ông Trump và ông Zelensky.


Có thể bị đảo ngược


BM

Một số đề xuất trong bản kế hoạch này có thể bị ông Zelensky phản đối vì ông đã đưa việc gia nhập NATO vào "Kế hoạch Chiến thắng" của riêng mình. Các đồng minh châu Âu và một số nhà lập pháp Mỹ cũng có thể phản đối những đề xuất đó, theo các nhà phân tích và cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ.


Tuần trước, ngoại trưởng Ukraine đã gửi một lá thư cho các đối tác NATO, thúc giục - các bên đưa ra lời mời gia nhập tại cuộc họp của các ngoại trưởng vào ngày 3/12.


Một số đồng minh châu Âu đã bày tỏ mong muốn tăng cường viện trợ cho Ukraine và Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang tiếp tục viện trợ vũ khí. Điều đó có thể khiến ông Trump mất đi một số đòn bẩy để thúc Kyiv bước vào bàn đàm phán.


Kế hoạch Kellogg, xoay quanh việc tăng viện trợ cho Ukraine nếu Putin không ngồi vào bàn đàm phán, có thể gặp phải sự phản đối tại Quốc hội khi một số đồng minh thân cận nhất của ông Trump tại đây phản đối viện trợ quân sự bổ sung cho quốc gia Đông Âu này.


Rumer, cựu sĩ quan tình báo Mỹ, bình luận:

"Tôi cho rằng vẫn chưa có bất kỳ ai đưa ra được bất kỳ bản kế hoạch thực tế nào để chấm dứt chuyện này."


Quân Ukraine kiệt quệ trên đất Nga nhận lệnh bám trụ chờ ông Trump


BM

Giọng điệu tiêu cực, thậm chí có phần giận dữ.


“Tình hình ngày càng tệ.”


“Chúng tôi không hiểu mục đích là gì. Lãnh thổ của chúng ta không phải ở đây.”


Gần bốn tháng sau khi Ukraine phát động đòn tấn công chớp nhoáng vào vùng Kursk của Nga, tin nhắn giữa binh lính chiến đấu ở đó vẽ lên một bức tranh ảm đạm về cuộc chiến họ không thực sự hiểu cùng với nỗi sợ thua cuộc.


Chúng tôi đã liên lạc qua Telegram với một vài binh sĩ đang đóng quân ở Kursk, một người trong số họ vừa rời khỏi đó.


Chúng tôi đã đồng ý không tiết lộ danh tính của họ. Tất cả tên người trong bài viết đều là giả.


Họ nói về thời tiết khắc nghiệt và việc thiếu ngủ triền miên do những cuộc oanh tạc liên hồi của Nga, trong đó bao gồm cả những cuộc tấn công kinh hoàng bằng loại bom lượn 3.000 kg.


Họ cũng đang phải rút lui, với việc quân Nga đang dần giành lại lãnh thổ.


“Xu hướng này sẽ tiếp diễn,” Pavlo viết vào ngày 26/11.


“Chỉ là vấn đề thời gian thôi.”


BM

Pavlo nói về sự kiệt quệ cùng cực, tình trạng thiếu luân chuyển quân và việc các đơn vị chủ yếu là đàn ông trung niên được điều động trực tiếp từ các mặt trận khác có rất ít hoặc không có thời gian nghỉ ngơi.


Việc binh lính phàn nàn – về chỉ huy, mệnh lệnh hay thiếu thốn trang bị - là điều bình thường. Đó là điều binh lính thường làm khi tình hình khó khăn.


Dưới áp lực khổng lồ từ quân địch và mùa đông đang đến, nghe thấy những lời tích cực mới là điều lạ.


Tuy vậy, những tin nhắn mà chúng tôi nhận được gần như ảm đạm y như nhau, gợi ý rằng cốt lõi vấn đề nằm ở động lực.


Một vài người trong số họ băn khoăn rằng liệu mục đích ban đầu của chiến dịch này – phân tán lực lượng của Nga khỏi mặt trận phía đông Ukraine – có đạt được hay không.


Mệnh lệnh hiện tại là bám trụ tại vùng đất nhỏ này của Nga tới khi Mỹ có tổng thống và chính sách mới vào cuối tháng 1/2025, họ thuật lại.


“Nhiệm vụ chính của chúng tôi là giữ lại được càng nhiều lãnh thổ càng tốt, cho tới khi ông Trump nhậm chức và các cuộc đàm phán bắt đầu,” Pavlo chia sẻ.


“Mục đích là để sau này đem ra đổi lấy một thứ gì đó. Chẳng ai biết sẽ là thứ gì.”


Vào lúc gần hết tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gợi ý rằng cả hai phe đều để ý tới sự thay đổi của bộ máy chính quyền Mỹ.


“Tôi chắc rằng ông ta Putin muốn đẩy chúng tôi ra khỏi Kursk trước ngày 20/1,” ông nói.


“Ông ta rất muốn thể hiện rằng mình kiểm soát được tình hình. Nhưng ông ta không kiểm soát được tình hình.”


Nhằm giúp Ukraine kháng cự trước đòn phản công của Nga tại Kursk, Mỹ, Anh và Pháp đều đã cho phép Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công những mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.


Có vẻ điều này không giúp tăng thêm nhuệ khí.


“Chẳng ai ngồi trong mấy con hào lạnh cóng rồi cầu mong có tên lửa cả,” Pavlo nói.


“Chúng tôi sống và chiến đấu ở đây, ngay lúc này. Tên lửa bay ở nơi nào đó chẳng ai biết được.”


BM

“Chúng tôi không nói về tên lửa,” Myroslav cho hay.


“Trong hầm trú ẩn, chúng tôi nói về gia đình và việc luân chuyển quân. Về những điều đơn giản.”


Đối với Ukraine, bước tiến chậm rãi nhưng dai dẳng của Nga ở miền đông Ukraine càng nhấn mạnh tính cần thiết của việc bám trụ tại Kursk.


Chỉ trong tháng 10, ước tính Nga đã chiếm được 500 km vuông lãnh thổ Ukraine – mức cao nhất Nga chiếm được trong một tháng kể từ khi cuộc tấn công toàn diện nổ ra vào năm 2022.


Trái lại, Ukraine đã mất đi 40% diện tích đất họ từng chiếm được ở Kursk vào tháng Tám.


“Điểm mấu chốt không phải là chiếm được mà là giữ được,” Vadym nói, “và chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc đó.”


BM

Dù có những mất mát, Vadym nghĩ rằng chiến dịch ở Kursk vẫn tối quan trọng.


“Nó đã giúp phân tán một phần lực lượng của Nga khỏi vùng Zaporizhzhia và Kharkiv,” anh nói.


Nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, một vài binh sĩ nói rằng họ cảm thấy mình không nên ở đây, rằng chiến đấu ở mặt trận phía đông của Ukraine quan trọng hơn là ở khu vực chiếm đóng được của Nga.


“Đáng lẽ chúng tôi nên ở đó ở phía đông Ukraine, không phải ở đây, trên đất của người ta,” Pavlo nói.


“Chúng tôi không cần những cánh rừng Kursk này, nơi chúng tôi đã mất rất nhiều đồng đội.”


Dù trong nhiều tuần qua có thông tin binh lính Triều Tiên, lên tới 10.000 người, đã được điều tới Kursk để tham gia phản công cùng Nga, những binh sĩ mà chúng tôi bắt chuyện chưa hề giáp mặt với lính Triều Tiên.


“Tôi chưa nhìn hay nghe thấy bất cứ điều gì về lính Triều Tiên, dù là người sống hay kẻ đã chết,” Vadym trả lời khi chúng tôi hỏi về những thông tin trên.


Quân đội Ukraine đã công bố những đoạn ghi âm mà họ nói rằng là những cuộc liên lạc vô tuyến của binh lính Triều Tiên.


Binh lính Ukraine nói rằng họ được lệnh tìm cách bắt giữ một lính Triều Tiên làm tù nhân, tốt nhất là có giấy tờ tùy thân.


Họ nói về các giải thưởng – những chiếc drone hoặc tăng thời gian nghỉ - dành cho người nào bắt được một binh sĩ Triều Tiên.


“Rất khó để kiếm được một lính Triều Tiên trong khu rừng tăm tối ở Kursk,” Pavlo mỉa mai.


“Đặc biệt là nếu hắn không ở đây.”


BM

Những cựu binh từng tham chiến trong các chiến dịch thất bại nhận thấy sự tương đồng trong chiến dịch Kursk.


Từ tháng 10/2023 tới tháng 7/2024, quân Ukraine đã cố bám trụ tại một vùng đất chiến lược ở Krynky, bên bờ trái sông Dnipro, cách thành phố Kherson được giải phóng khoảng 40km về phía thượng nguồn.


Khu vực này, ban đầu được dự kiến sẽ là bàn đạp cho các cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ do Nga chiếm giữ ở miền nam Ukraine, nhưng cuối cùng đã bị mất.


Chiến dịch nói trên tổn thất rất lớn. Lên tới 1.000 binh sĩ Ukraine được cho là đã chết hoặc mất tích.


Một số người bắt đầu coi đó là chiêu trò nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những trì trệ ở những nơi khác.


Họ lo rằng một viễn cảnh tương tự đang diễn ra ở Kursk.


“Ý tưởng tốt nhưng thực hiện kém,” Myroslav, một sĩ quan hải quân từng phục vụ tại Krynky và giờ là tại Kursk, nhận định.


“Hiệu ứng truyền thông, nhưng không có hiệu quả quân sự.”


BM

“Đó là khu vực duy nhất chúng ta Ukraine giữ được thế chủ động,” ông Serhiy Kuzan, thuộc Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine, nói với tôi.


Ông thừa nhận rằng quân đội Ukraine đang phải trải qua “tình thế vô cùng khó khăn” ở Kursk, nhưng nói rằng Nga đang phải tiêu tốn nguồn lực khổng lồ để đẩy lùi Ukraine – nguồn lực mà họ muốn sử dụng vào việc khác.


“Chúng ta giữ được mặt trận Kursk càng lâu càng tốt – với đầy đủ thiết bị, đạn dược, HIMARS và tất nhiên là cả vũ khí tầm xa để bắn phá hậu phương của họ,” ông nói.


Tại Kyiv, các chỉ huy cấp cao ủng hộ chiến dịch Kursk, lập luận rằng nó vẫn đem lại lợi ích về quân sự và chính trị.


“Tình hình đang làm Putin khó chịu,” một người bình luận, với điều kiện ẩn danh. “Ông ta đang hứng chịu những thất bại nặng nề ở đó.”


Khi được hỏi về việc quân đội Ukraine có thể cầm cự ở Kursk trong bao lâu, câu trả lời rất rõ ràng: “Chừng nào việc này còn khả thi về mặt quân sự.”


http://baomai.blogspot.com/
12 Việt cộng Quân khu 7 tử vong
Nữ văn sĩ lãng mạn Quỳnh Dao tự tử
CEO Brian Thompson sau vụ nổ súng gây tử vong
CEO UnitedHealthcare bị bắn chết bên ngoài khách sạn Manhattan
Vài suy nghĩ về văn hóa Bắc Kỳ
Những điều thú vị về Nhà thờ Đức Bà ở Paris
Sợ chính sách của ông Trump, một số di dân tìm cách hồi hương
Bi kịch của kẻ sát nhân - ‘không ai sinh ra đã ác’
Nợ đời một nửa, một nửa nợ ơn em
Trở Về Mái Trường Xưa
Những Sợi Tóc Bạc…
Quỹ đạo LEO của Địa Cầu ngày càng nhiều “Rác”
Cha và Con - Một Nơi Quay Về
Bể Mánh Hết Trơn
Thủy Quân Lục Chiến thanh toán băng đảng ở Texas theo kiểu Cao Bồi Viễn Tây
Vũ khí toàn cầu tăng nhờ chiến tranh và căng thẳng khu vực
Mexico chặn 2 đoàn di dân hướng đến Hoa Kỳ
Người biến thành thần
Trump dọa đánh thuế 100% nếu BRICS tìm cách thay thế đồng đô la
Biden ân xá con trai, mong dân Mỹ ‘hiểu cho quyết định này’

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.