Bắt nguồn từ truyền thống bộ lạc cổ đại, theyyam ra đời trước Ấn Độ giáo nhưng lại có những yếu tố thần thoại của tôn giáo này.
Mỗi màn biểu diễn vừa là một màn trình diễn kịch nghệ vừa là một hành động sùng đạo, biến người biểu diễn thành hiện thân sống động của thần linh.
Những người biểu diễn, chủ yếu là nam giới ở Kerala và một phần của bang Karnataka lân cận, hóa thân thành thần qua trang phục cầu kỳ, nét vẽ mặt, điệu nhảy, múa câm và âm nhạc.
Hằng năm, có gần một ngàn màn biểu diễn theyyam được thực hiện trong các khuôn viên gia đình và địa điểm gần đền thờ ở khắp Kerala, thường được thực hiện bởi nam giới từ tầng lớp thấp và cộng đồng bộ lạc.
Những màn này thường được gọi là kịch lễ nghi do tính chất kịch tính mãnh liệt, với những hành động táo bạo như đi qua lửa, nhảy vào than hồng, tụng những câu chú thần bí và lời tiên tri.
Nhà lịch sử học KK Gopalakrishnan đã tôn vinh di sản của gia đình ông trong việc tổ chức theyyam và những truyền thống sôi động của nghi lễ này trong cuốn sách mới nhan đề Theyyam: An Insider’s Vision (Tạm dịch: Theyyam: Góc nhìn của người trong cuộc).
Những buổi lễ theyyam được tổ chức trong khuôn viên của ngôi nhà cổ đa thế hệ của tổ tiên ông Gopalakrishnan (ảnh trên) ở huyện Kasaragod.
Hàng trăm người tập trung để chiêm ngưỡng những màn trình diễn.
Mùa theyyam ở Kerala thường kéo dài từ tháng 10 tới tháng 4, trùng với thời điểm khi mùa gió mùa kết thúc và những tháng mùa đông.
Trong khoảng thời gian này, hàng loạt khu vực gần các đền thờ và tại các tư gia, đặc biệt là ở các huyện phía bắc Kerala như Kannur và Kasaragod, sẽ là nơi diễn ra các màn biểu diễn.
Chủ đề trong các buổi biểu diễn tại ngôi nhà của ông Gopalakrishnan bao gồm việc tôn vinh một vị tổ tiên được thần thánh hóa, bày tỏ lòng tôn kính đối với một vị thần chiến binh-thợ săn, và thờ phụng những linh hồn của hổ - biểu trưng của sức mạnh và sự bảo hộ.
Trước khi màn biểu diễn tôn vinh một nữ thần địa phương diễn ra, một nghi lễ sẽ được tiến hành trong khu rừng gần đó - nơi được tôn thờ là ngôi nhà ở trần thế của vị nữ thần.
Sau một buổi lễ cầu kỳ (ảnh trên), "linh hồn của nữ thần" được đưa về ngôi nhà.
Ông Gopalakrishnan là thành viên của cộng đồng Nambiar, một nhánh mẫu hệ của tầng lớp Nair. Trong cộng đồng này, người bác lớn tuổi nhất sẽ đứng ra phụ trách việc tổ chức nghi lễ.
Nếu người này không thể đảm đương trách nhiệm do tuổi cao sức yếu, người đàn ông cao tuổi kế tiếp sẽ thay thế.
Họ đảm bảo rằng truyền thống được tuân thủ, chuẩn bị cho các nghi lễ và giám sát công việc bên trong ngôi nhà.
“Họ rất được tôn trọng và là một phần không thể thiếu trong quá trình gìn giữ di sản gia đình," ông Gopalakrishnan nói.
Đôi lúc, người biểu diễn phải hứng chịu hậu quả thể xác từ những màn diễn táo bạo này, gồm việc bị bỏng hoặc thậm chí mất đi một chi.
“Lửa có vai trò quan trọng trong một số hình thức theyyam, tượng trưng cho sự thanh tẩy, năng lượng thần thánh và sức mạnh chuyển hóa của nghi lễ. Trong một vài màn biểu diễn, vũ công theyyam trực tiếp tương tác với lửa, đi xuyên qua lửa hoặc mang theo những cây đuốc bốc cháy, thể hiện sự bất khả chiến bại và siêu nhiên của thánh thần,” ông Gopalakrishnan cho biết.
“Việc dùng lửa bổ sung yếu tố kịch tích và mãnh liệt, gia tăng không khí tâm linh của màn biểu diễn và minh họa quyền năng của thần thánh đối với các lực lượng tự nhiên.”
Ở đây, người biểu diễn theyyam (ảnh trên) hóa thân thành Raktheswari, một hiện thân dữ dội của Kali, nữ thần hủy diệt trong Ấn Độ giáo.
Bà được miêu tả có một cơ thể đẫm máu, một biểu trưng mạnh mẽ của năng lượng nguyên sơ và sức mạnh hủy diệt.
Nghi lễ cuồng nhiệt này xoáy sâu vào những chủ đề như phép thuật, voodoo (tà thuật) và cơn thịnh nộ của thánh thần.
Qua trang phục cầu kỳ và điệu nhảy lễ nghi, màn biểu diễn dẫn truyền năng lượng mạnh mẽ của nữ thần Kali, cầu xin sự bảo hộ, công lý và thanh tẩy linh hồn.
Trang phục cầu kỳ, nét vẽ trên cơ thể cùng màu sắc sặc sỡ khiến sự hiện diện của thần thánh trở nên rõ rệt.
Trong ảnh trên, một người biểu diễn đang chỉnh lại trang phục nữ thần của mình, sửa sang vẻ ngoài qua một chiếc gương trước khi bắt đầu nghi lễ.
Sự biến hóa này vừa là một hành động sùng đạo vừa là sự chuẩn bị cho màn trình diễn mãnh liệt sắp diễn ra.
Từng diện mạo được kiến tạo cẩn trọng để đại diện cho vị thần được mô tả, thể hiện sự đa dạng và tỉ mỉ tạo nên sự khác biệt của nghệ thuật lễ nghi này. Một số màn diễn theyyam không cần vẽ mặt mà chỉ sử dụng mặt nạ.
Vị thần theyyam cá sấu cổ đại đang bò này tượng trưng cho sức mạnh của loài bò sát và được tôn thờ như một người bảo vệ trước những nguy hiểm từ chính loài vật này.
Trang phục cầu kỳ và chuyển động sống động làm nổi bật lên sự liên kết sâu sắc giữa con người và thiên nhiên.
Trong ảnh trên, một nữ tín đồ đang trút bỏ phiền muộn trước một vị thần theyyam, nhằm tìm kiếm sự an ủi và can thiệp của thần linh.
Khi bà cầu nguyện, không gian thiêng liêng trở thành một khoảnh khắc giải thoát tâm linh, nơi sự sùng đạo và yếu mềm quyện vào nhau.
Sudha G Tilak
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.