Hành động đó không chỉ là để đón nhận ánh nắng mùa thu đang nhạt phai trên thành phố Avignon cổ kính ở miền nam nước Pháp, mà còn là một chỉ dấu cho thấy bà Pelicot đã vượt qua một cột mốc quan trọng.
Đó là một trong hàng loạt cột mốc trong hành trình chậm rãi và đau đớn của bà: từ một người bà bình dị, sau đó thành nạn nhân bị cưỡng hiếp với những ám ảnh tủi hổ, rồi một nhân chứng lo sợ trong phòng xử án, và cuối cùng trở thành biểu tượng thế giới cho lòng can đảm và sự bất khuất.
"Bà ấy từng đeo cặp kính râm để che đi đôi mắt… để bảo vệ sự riêng tư của bản thân," luật sư bào chữa Stéphane Babonneau chia sẻ. Stéphane là vị luật sư trẻ tuổi đã đồng hành cùng bà Pelicot suốt hai năm qua trong vụ kiện chống lại chồng cũ, ông Dominique, cùng 50 người đàn ông khác với cáo buộc cưỡng hiếp bà.
"Nhưng quan trọng là khi bà ấy cảm thấy không cần phải bảo vệ bản thân nữa. Bà ấy không cần kính râm nữa," ông Babonneau lý giải, nhấn mạnh rằng giây phút đó đánh dấu sự biến chuyển chậm rãi của một người " chân thật… vô cùng khiêm tốn" mà khi bắt đầu phiên tòa có một tâm trạng "cực kỳ lo lắng", bị sốc trước sự chú ý của công chúng và vẫn cảm thấy "xấu hổ về những gì đã xảy tới với mình".
Nhưng ông Babonneau, được sự đồng ý của thân chủ, hé lộ thêm thông tin về cách bà Pelicot xử sự tại tòa, cũng như cách bà chậm rãi và trình tự xây lại đời mình, cũng như, trong một chừng mực nào đó, tìm lại sự yên bình cho tâm trí.
Một khoảnh khắc khác – một cột mốc khác – hiện ra.
Khoảnh khắc ấy là hồi tháng Năm.
Ông Babonneau và đồng nghiệp Antoine Camus, đang rà soát đống tư liệu gồm hơn 20.000 video và hình ảnh ghê rợn mà cảnh sát phát hiện vào năm 2020 trong ổ cứng máy tính của ông Dominique Pelicot.
Một công việc kinh khủng. Những video này "hết sức kinh tởm", ông Babonneau nói. Nhưng âm thanh mới là thứ dường như còn đáng sợ hơn.
"Có thể nghe thấy tiếng ngáy của bà Pelicot… nghe thấy tiếng bà ấy thở. Ám ảnh hơn nữa là tiếng bà ấy bị ngạt thở khi một vài người đàn ông lạm dụng bà. Âm thanh là bằng chứng rất quan trọng."
Ông Babonneau biết rằng nếu không có những video này, "khả năng cao là sẽ không có phiên tòa hay vụ án nào".
Bà Pelicot cũng hiểu điều đó, vì thế cũng thật dễ hiểu và thông cảm cho việc bà quyết định tránh xem lại bất kỳ đoạn ghi hình nào nhằm giữ chút trong sạch cho tâm trí.
Thay vào đó, một ngày nọ, ông Babonneau nhớ lại, bà bình thản nói: "Giờ tôi đã sẵn sàng."
Rồi, bà ngồi với hai vị luật sư trong văn phòng, cả hai người đảo qua một vài video, giải thích những người đàn ông đó là ai và bà sẽ thấy họ làm gì với cơ thể của bà.
Rồi ông Babonneau ấn nút chạy video, khung cảnh phòng ngủ của bà Pelicot trong căn nhà nhỏ của hai vợ chồng ở ngôi làng Mazan, xuất hiện trên màn hình.
Bà Pelicot yên lặng, chăm chú theo dõi.
Rốt cục bà cũng cất tiếng, một cách nhỏ nhẹ, "Sao hắn ta có thể làm vậy chứ?" - câu nói bà lặp lại nhiều lần những ngày sau đó.
Rồi một lát sau, bà để ý tới thời điểm ghi hình của một video.
"Đấy là buổi tối sinh nhật tôi."
"Mọi việc diễn ra trên giường của con gái tôi. Trong ngôi nhà bên bờ biển của nó."
Ông Babonneau vẫn nhớ nỗi phẫn uất khôn nguôi của bà Pelicot, nhưng cũng để ý rằng bà không hề khóc, và với sự giúp sức của một vài chuyên gia, bà đã "tạo ra được một khoảng cách ấn tượng giữa những gì bà đang xem với sức khỏe tinh thần của bản thân."
Hai luật sư nhìn nhận khoảnh khắc này là "bài kiểm tra cuối cùng" cho thấy thân chủ của họ đã phục hồi được "một trạng thái cân bằng" sau bốn năm kể từ ngày 4/11/2020 – ngày mà bà được kể về hành động của chồng và cũng là khi "thế giới của bà tan vỡ".
Giờ thì bà đã sẵn sàng đối mặt với sự khắc nghiệt của một phiên tòa công khai.
Pelicot muốn xem những đoạn ghi hình để biết danh tính của những người đàn ông này, và để khỏa lấp những khoảng trống ký ức – hệ quả sau nhiều năm bị chồng đánh thuốc.
"Có nhiều phần ký ức đã hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí của bà ấy," ông Babonneau giải thích.
Cũng chính mối bận tâm thiết thực này đã dẫn tới việc bà lựa chọn một phiên tòa công khai và thúc đẩy việc trình chiếu những video đó được tại tòa.
Chắc chắn khi đó cơn giận của bà đã vượt ngưỡng. Nhưng lúc ấy, bà không có ý định thay đổi thế giới.
Bà đơn thuần lo lắng về việc phải trải qua hàng tháng trời trong một phòng xử án kín đầy ắp những kẻ đã lạm dụng bà. Bà cho rằng một phiên tòa công khai sẽ bớt đáng sợ hơn.
Ngày đầu của phiên tòa vẫn rất đáng sợ. Bà Pelicot xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên với cặp kính râm. Sau đó mọi chuyện còn tệ hơn.
Bước lên những bậc thang dẫn vào tòa án, ông Babonneau nhận ra sau lớp khẩu trang là một vài gương mặt đàn ông bị cáo buộc.
Nhưng tới lúc khuỷu tay huých vào nhau khi cùng chen qua rào chắn an ninh, bà Pelicot mới dần nhận ra những kẻ đó đang đứng quanh mình.
"Điều đó rất căng thẳng cho bà ấy. Bà ấy hơi ngạc nhiên sao mọi chuyện có vẻ bình thường tới vậy," ông Babonneau hồi tưởng.
Rồi giây phút đó cũng tới – lần đầu sau bốn năm – ánh mắt của bà Pelicot và ông Dominique giao nhau trong phòng xử án chật chội. Vị trí ngồi của họ khiến việc đó không thể tránh khỏi.
"Tôi để ý thỉnh thoảng họ lại nhìn nhau," ông Babonneau kể.
Bà Pelicot từng nhiều lần nói với đội ngũ của mình về nỗi lo của bản thân và cách bà có thể phản ứng với cuộc chạm mặt đầu tiên đó.
Giờ chúng ta đã biết rằng trong lúc đưa ra lời khai tại tòa, ông Dominique Pelicot đã thú nhận mọi tội lỗi và cầu xin gia đình tha thứ.
Chúng ta cũng biết rằng bà Gisèle Pelicot vẫn chưa tha thứ cho ông ta.
"Hẳn là không rồi. Bà ấy không thể tha thứ cho ông ta," ông Babonneau nhận định.
Cặp đôi này một thời từng yêu nhau đậm sâu. Họ đã cưới nhau được 50 năm. Trong phòng xử án, ông Babonneau có thể khẳng định, hai người không thể hoàn toàn gạt bỏ quá khứ sang một bên.
Vậy, vị luật sư đã thấy gì trong những lần trao ánh mắt đó?
Như thể họ đang nói là "nhìn chúng ta xem," ông Babonneau nói.
Ông cảm thấy dường như họ đang trao đổi với nhau, và chia sẻ với nhau cảm giác hoài nghi.
Như thể, trong thoáng chốc, họ trở thành người bàng quan quan sát nỗi đau của hai kẻ xa lạ.
"Sao chúng ta lại ra nông nỗi này cơ chứ?"
Trong phiên tòa, những luật sư biện hộ của những người đàn ông bị cáo buộc đưa ra lập luận rằng việc bà Pelicot không khóc và giữ được vẻ điềm đạm lại chính là minh chứng ngụ ý bà đồng lõa với cảnh bị lạm dụng của bản thân, hoặc bà cảm thấy thông cảm cho ông Dominique Pelicot.
"Nạn nhân không khóc, hoặc khóc quá nhiều, thì thế nào cũng sẽ bị chỉ trích," ông Babonneau hơi bực dọc.
Dù đòn tấn công đó rõ ràng khiến bà Pelicot lo lắng, bà trấn an nhóm pháp lý của mình.
Có một lý giải đơn giản cho việc này.
Sẽ chẳng có lời công kích nào mà các luật sư đưa ra tại tòa có thể so bì được với khoảnh khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời bà – một ngày vào tháng 11 của năm 2020, khi một sĩ quan cảnh sát tiếp đón bà Pelicot tại Sở Cảnh sát Carpentras (Pháp) và cho bà xem những tấm hình đầu tiên mà các điều tra viên đã trích xuất từ ổ cứng của chồng bà.
"Cậu biết đó, tôi đã sống qua ngày 2/11/2020, nên bây giờ tôi sẵn sàng đối đầu với mọi thứ," ông Babonneau nhớ lại lời bà Pelicot.
Khi phiên tòa tiếp diễn, bà Gisèle Pelicot ngạc nhiên khi thấy sự quan tâm của công chúng và truyền thông không suy giảm như bà và nhóm của mình mường tượng.
Thay vào đó, bà bắt đầu nhận được thư, quà và những tràng pháo tay từ đám đông cổ vũ.
"Khi bắt đầu nhận được những lá thư, bà ấy cảm thấy kiểu như một trọng trách đối với những nạn nhân phải trải qua điều tương tự," ông Babonneau chia sẻ.
Bà dần hiểu ra đây là vụ án có một không hai – rằng bằng chứng video khiến mọi việc không còn là "lời của nạn nhân chống lại lời của nghi phạm", mà bà đang đứng trước một cơ hội hiếm hoi để "thay đổi xã hội".
"Tôi may mắn có bằng chứng trong tay. Tôi có chứng cứ, điều mà hiếm khi xảy ra trong các vụ án kiểu này. Vậy nên là tôi phải trải qua tất cả những điều này để đại diện cho tất cả những nạn nhân khác," bà nói với ông Babonneau.
Luật sư của bà một lần nữa để ý tới thái độ giản dị, thực chất của thân chủ.
Bà ấy không hề hứng thú với việc trở thành "một nhà hoạt động", mà đơn giản chỉ nghĩ rằng trải nghiệm của bản thân – bị đánh thuốc mà không hề hay biết – giờ đây có thể giúp những người phụ nữ khác nhận thức về vấn đề này, và chú ý hơn tới những dấu hiệu tiềm tàng cho việc lạm dụng tương tự.
Giá mà khi đó bà biết những điều mà cả nước Pháp bây giờ đang biết, có lẽ bà đã tự chấm dứt được bi kịch của bản thân.
Và những người phụ nữ khác bây giờ đã có thể làm điều tương tự.
Về tương lai, bà Pelicot có thể phá vỡ sự im lặng khi tham gia một vài cuộc phỏng vấn trong những tháng tới.
Nhưng bà đã nói rõ rằng mình muốn "vẫn là một cá nhân bình thường… bà muốn sống một cuộc đời bình dị."
Và dù bà có lẽ sẽ không bao giờ tha thứ cho người chồng cũ từng một thời "hoàn hảo" của mình, bà đã tìm được cách đối diện với kí ức về ông ta và níu giữ vào "những giây phút hạnh phúc" họ từng có với nhau.
Một số nhà tâm thần học cho rằng ông Dominique Pelicot là một kẻ tâm thần điển hình – một kẻ ái kỷ chức năng cao, không có khả năng đồng cảm, sống len lỏi giữa cuộc đời bí mật dơ bẩn và vai trò người đàn ông của gia đình nhằm tự thỏa mãn bản thân.
Bà Gisèle Pelicot nhìn nhận mọi thứ đơn giản hơn, chấp nhận ý kiến được đưa ra tại tòa về sự đa nhân cách.
Như cách ông Babonneau mô tả, "có hai người đàn ông bên trong Dominique Pelicot và bà ấy chỉ biết một người trong đó."
***
Hiếp dâm tập thể chấn động nước Pháp
Người mẹ và người bà năm nay 72 tuổi có mái tóc được tạo kiểu ngắn gọn gàng, bận váy đầy màu sắc cùng chiếc áo của thương hiệu Breton.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.