Doanh nghiệp này lao đao ngay từ khi ra mắt vào tháng 10, với việc các nhà đầu tư có vẻ nghi ngại về triển vọng và các điều khoản của nó.
Tuy nhiên, WLF có một yếu tố tương đối hứa hẹn: cơ hội làm ăn với một công ty có hợp tác với Donald Trump và được chính vị tổng thống đắc cử quảng bá.
Khoản đầu tư của ông Sun đã giúp WLF đạt ngưỡng có thể giúp ông Trump bắt đầu thu được lợi nhuận từ doanh nghiệp này.
Ông Sun, hiện đang đối mặt với các cáo buộc lừa đảo ở Mỹ liên quan đến hoạt động kinh doanh crypto của chính ông ta, không trả lời những câu hỏi về lý do ông quan tâm đến các loại token (tài sản kỹ thuật số) vốn không thể giao dịch được.
Nhưng động thái mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các chuyên gia về đạo đức của chính phủ, những người coi đây là dấu hiệu cho thấy quy mô kinh doanh ngày càng lớn của ông Trump đã khiến việc những cá nhân muốn tác động tới chính sách của Mỹ có thể "chuyển tiền" cho ông Trump dễ dàng hơn bao giờ hết.
"Khả năng xảy ra xung đột lợi ích gia tăng đáng kể cùng với quy mô đế chế kinh doanh của ông ấy," ông Richard Painter, cựu trưởng cố vấn đạo đức ở Nhà Trắng dưới thời chính quyền George W. Bush, nhận xét.
Đội ngũ của ông Trump bác bỏ những lo ngại này.
Trong nhiệm kỳ đầu, "Tổng thống Trump đã tự tách mình khỏi đế chế bất động sản trị giá hàng tỷ đô la để tranh cử và từ chối nhận lương chính phủ," bà Karoline Leavitt, người phát ngôn của ông Trump, nói.
"Không giống như phần lớn chính trị gia, Tổng thống Trump không tham gia vào chính trường để trục lợi – ông ấy chiến đấu vì ông ấy yêu người dân của đất nước này và vì muốn làm nước Mỹ vĩ đại trở lại."
Tuy nhiên, trong khi đang chuẩn bị quay lại Nhà Trắng, ông Trump không có nhiều hành động đáp lại những lo ngại về khả năng xảy ra tham nhũng, hoặc những dấu hiệu của việc đó.
Những cơ hội mới
Ông Trump trước đây đã từng đối mặt với những nghi vấn về xung đột lợi ích.
Trong nhiệm kỳ đầu, khách sạn Trump International ở Washington DC đã trở thành một biểu trưng của vấn đề này khi nó trở thành nơi quen thuộc để những nhà vận động hành lang, nhà ngoại giao nước ngoài và đồng minh của ông Trump tới thuê phòng và tiêu tiền.
Một số nhà phê bình cho rằng khách sạn này đã tạo ra một cách thức để ông Trump hưởng lợi gián tiếp từ chức vụ tổng thống.
Ông từng phải đối mặt với những cáo buộc và vụ kiện cho rằng ông vi phạm điều cấm theo Hiến pháp Mỹ về việc nhận thù lao từ nước ngoài – hoặc hưởng lợi tài chính từ chức vụ tổng thống.
Tuy nhiên, một vài chuyên gia cho rằng việc đế chế của ông Trump lớn mạnh hơn - hiện giờ bao gồm một công ty đại chúng truyền thông xã hội, một công ty tiền mã hóa và cả những mối liên hệ với một giải golf do Ả Rập Xê Út hậu thuẫn – khiến bất kỳ ai muốn lấy lòng ông đều có thể chuyển tiền một cách kín đáo hơn, với số lượng lớn hơn nhiều.
"Quy mô lớn hơn, mọi chuyện dễ dàng hơn," ông Michael Ohlrogge đánh giá. Ông Ohlrogge là giáo sư luật tại Đại học New York và đã nghiên cứu công ty Trump Media, đơn vị vận hành Truth Social và góp phần vào khối tài sản 6 tỷ USD của ông Trump.
"Bạn chỉ có thể đặt được rất nhiều phòng khách sạn."
Còn ví dụ như trên Truth Social, Giáo sư Ohlrogge nói, một chính phủ hoặc doanh nghiệp nước ngoài có thể đặt mua quảng cáo để thuyết phục các nhà đầu tư rằng công ty này đang phát triển, từ đó khiến giá cổ phiếu tăng vọt.
Dù Trump Media đang có giá trị thị trường hơn 7 tỷ USD, nhưng tới nay hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy có việc như vậy diễn ra.
Công ty này báo cáo doanh thu quảng cáo chưa tới 5 triệu USD trong năm nay.
Tuy nhiên, xét tới hiệu ứng "khuếch đại" của thị trường chứng khoán, Giáo sư Ohlrogge cho rằng khoản chi không cần quá lớn để có thể dẫn tới khoản tăng doanh thu đáng kể cho ông Trump, người sở hữu hơn 50% cổ phần của Trump Media.
'Lập trường ủng hộ tiền mã hóa của ông Trump
Đây không những là ngành ông tham gia nhiều trên danh nghĩa cá nhân mà còn là lĩnh vực ông đã hứa sẽ ủng hộ một khi trở lại Nhà Trắng.
Ông có kế hoạch gỡ bỏ các quy định quản lý và có ý tưởng xây dựng một "quỹ dự trữ Bitcoin quốc gia" để chính phủ Mỹ tích trữ loại tiền điện tử này.
"Một trong những vấn đề quan trọng nhất cần được xác định trong vài năm tới là cách thức quản lý crypto," bà Virginia Canter, trưởng cố vấn đạo đức tại tổ chức phi đảng phái Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức ở Washington (CREW), đánh giá.
"Hiện tại, ông ấy là một nhân tố hoạt động tích cực trong thị trường crypto. Cách thức quản lý nó [có thể] ảnh hưởng tới tài sản cá nhân và lập trường của ông ấy."
Ông Nik Bhatia, nhà sáng lập của Bitcoin Layer - một doanh nghiệp ủng hộ việc đầu tư vào Bitcoin, nhận định sẽ là một sai lầm nếu cho rằng quan điểm của ông Trump về crypto xuất phát đơn thuần từ lợi ích tài chính cá nhân.
"Tôi không nghĩ tư lợi thúc đẩy những động thái ấy. Tôi thấy chúng đại diện cho ý chí của cử tri," ông nói.
Dù vậy, ông nói thêm: "Tôi nghĩ có lẽ sẽ có xung đột lợi ích khi quan điểm ủng hộ tiền mã hóa của Trump đem về lợi ích cho công ty của ông ấy."
Mới đây, ông Trump đã tuyên bố sẽ bổ nhiệm ông Paul Atkins, người từng vận động hành lang cho ngành tiền mã hóa, làm chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC).
Nhiều người cho rằng ông Atkins sẽ nới lỏng việc kiểm soát của SEC, vốn chịu trách nhiệm giám sát các công ty đại chúng như Trump Media trong các vấn đề về lừa đảo và giao dịch nội gián.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, SEC đã có một cuộc truy quét mạnh đối với ngành công nghiệp tiền mã hóa.
Năm ngoái, ông Sun, nhà đầu tư của World Liberty Financial, đã vướng vào cuộc truy quét của SEC, sau khi cơ quan này cáo buộc ông và doanh nghiệp của ông không đăng ký đầy đủ với chính phủ khi bán một số tài sản kỹ thuật số, bên cạnh một số cáo buộc khác.
Dưới thời lãnh đạo mới, cơ quan này có thể sẽ bãi bỏ vụ việc trên, theo ông John Coffee, giáo sư tại Trường Luật Columbia và là một chuyên gia luật chứng khoán.
"Một đặc điểm nổi bật của ông Atkins là việc không thích thực thi pháp luật và muốn hạn chế mạnh mẽ phạm vi các vụ kiện mà SEC đảm đương," ông nói.
Khi đưa ra thông báo về khoản đầu tư vào tháng trước, ông Sun không đả động gì tới đơn khiếu nại của SEC – thứ mà ông từng nói là thiếu căn cứ - nhưng có nhắc tới quan điểm của ông Trump về crypto.
"Mỹ đang trở thành trung tâm blockchain (công nghệ chuỗi khối), và Bitcoin nợ @realDonaldTrump điều đó!," ông viết trên mạng xã hội X.
"TRON cam kết làm nước Mỹ vĩ đại trở lại và dẫn đầu đổi mới sáng tạo. Cùng tiến lên nào!"
Ít rào cản hơn
Dù Hiến pháp Mỹ, trên lý thuyết, cấm tổng thống nhận quà từ chính phủ nước ngoài trong thời gian tại chức, Tòa án Tối cao từng bác bỏ hai vụ kiện trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump liên quan đến xung đột lợi ích tiềm tàng.
Mùa hè năm ngoái, trong một vụ liên quan tới ông Trump, tòa này đã phán quyết rằng tổng thống có quyền miễn trừ rộng rãi khỏi việc bị truy tố hình sự trong thời gian tại nhiệm.
Trong quá khứ, ông Trump đã lập luận rằng việc kinh doanh của ông thực chất đã bị tổn hại khi ông đảm đương chức vụ tổng thống, khi những đối tác lo ngại về tranh cãi xung quanh ông đã quyết định cắt đứt quan hệ kinh doanh, cộng với việc ông phải đối mặt với các cuộc điều tra và kiện tụng.
Hiện tại, khi đang chuẩn bị quay lại Nhà Trắng, ông Trump chưa tiết lộ bất kỳ một kế hoạch đạo đức nào, như lệ thường, và hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ nhượng bộ trước những lo ngại liên quan.
Ông đã cam kết tiếp tục nắm giữ lượng cổ phần trong Trump Media, tiếp tục quảng bá các sản phẩm thương hiệu Trump và cho các dự án như World Liberty Financial mượn danh nghĩa.
Câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông vẫn là nơi mà những người giàu có sẵn sàng chi tiền để trở thành thành viên và có thể tiếp cận tổng thống, với rất ít hoặc gần như không có sự minh bạch nào.
Các chuyên gia đạo đức lo ngại rằng ông Trump đã tạo ra một tiền lệ khó có thể đảo ngược.
"Ông Trump đã nhận ra rằng ông có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, bởi vì ông ấy đã chiến thắng," ông Painter nói. "Các tổng thống tương lai sẽ nhìn vào điều này và nghĩ rằng, 'Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn'."
Kayla Epstein & Natalie Sherman
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.