Vào đầu tháng 10 năm nay, tôi trở lại thành phố Memphis, nhưng đó không phải là đích đến của chuyến đi. Memphis có phi trường chỉ cách Tu Viện Mộc Lan khoảng hơn một tiếng lái xe. UH, một cô bạn đồng tu đã từng cùng học với một vị thầy, cùng sinh hoạt trong một nhóm Phật tử ở Quận Cam California được chấp nhận vào ni đoàn, làm lễ xuống tóc xuất gia tại Mộc Lan. Tôi cùng một nhóm bạn nhận lời mời đến dự sự kiện trọng đại của một đời người này.
Tu Viện Mộc Lan nằm ở thị trấn nhỏ Batesville thuộc tiểu bang Mississippi, là một trong ba tu viện theo Pháp Môn Làng Mai của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh ở Hoa Kỳ, cùng với Tu Viện Lộc Uyển ở Nam California và Tu Viện Bích Nham ở New York. Từ Memphis xuôi theo xa lộ liên bang 55 về hướng Nam, rồi đi vào những con đường mòn nhỏ xuyên qua những cánh rừng xanh ngắt, chúng tôi đến Mộc Lan lúc trời đã sụp tối. Để lại Memphis những cảm xúc âm nhạc, đón nhận sự bình yên của chốn thiền môn nằm tĩnh mịch giữa rừng cây, với tháp chuông trước lối vào là cột mốc để khách phương xa nhận diện mình “đã về, đã tới”. UH ra đón, chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng. Đã hơn hai năm rồi mới gặp lại, kể từ ngày UH về Mộc Lan bắt đầu thời gian thử thách trước khi được chính thức nhận vào ni đoàn.
Buổi lễ xuất gia của UH và một sư cô nữa được tổ chức vào sáng sớm hôm sau. Có khoảng hơn 100 Phật tử tham dự, Mỹ có, Việt có. Mọi người ngồi thiền tại chánh điện từ 5:30 giờ sáng, 7 giờ nghi lễ bắt đầu. Không khí trang nghiêm, thanh tịnh mà vẫn nhẹ nhàng. “Sự im lặng hùng tráng” như cách mà Thiền Sư Nhất Hạnh mô tả. Sau nghi thức xuống tóc, hai vị xin xuất gia thọ 10 giới sa di ni, nhận y áo, nhận pháp danh. Người bạn đạo UH ngày nào nay nhận pháp danh là Tâm Hải Minh, pháp tự là Chân Dũng Hạnh, chính thức gia nhập tăng đoàn có chiều dài lịch sử hơn 25 thế kỷ của Đức Phật…
Giây phút gây xúc động nhất của buổi lễ là thời điểm cạo tóc của hai vị sa di ni mới. Tôi nhớ như in bài kệ:
Hai vị nữ sa di quỳ, cầm nhang, miệng niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, trong khi được các sư cô khác cắt tóc của mình. Không phải “cắt tóc”, dùng chữ “xẻn tóc” có lẽ đúng hơn. Tóc- một trong những biểu tượng cái đẹp của người phụ nữ- bị xẻn dứt khoát, từng lọn rơi xuống sàn chánh điện. Đó là sự buông bỏ, đoạn tuyệt. Những vướng bận của kiếp người nay quyết rũ bỏ. Cả hai vị với gương mặt thanh thản, nhưng nước mắt vẫn ràn rụa. Những người thân có mặt xung quanh, không ai cầm được nước mắt. Thật khó mà diễn tả được cảm xúc của những giọt nước mắt của từng người vào thời điểm đó. Mỗi người khóc có thể trong những tâm trạng khác nhau, nhưng chắc chắn không phải do khổ đau. Khóc vì cảm động. Khóc vì chứng kiến giây phút thiêng liêng của một đời người. Riêng tôi rơi lệ vì cảm phục dũng khí của người em pháp hữu năm nào, nay đã thanh thản rũ sạch những luyến ái thế gian, điều mà tôi chưa thể làm được trong kiếp này.
Nhớ lại UH ngày xưa, một phụ nữ đã trải qua mọi nỗi buồn vui của thế gian. Một cô bạn thân kể lại rằng hồi trẻ, khi đi làm thành công, kiếm được nhiều tiền, UH cũng đi xe hạng sang, cũng xách túi da hàng hiệu. UT là người hát hay nhất trong nhóm Phật tử của chúng tôi, đã từng làm một CD đơn ca riêng cho mình. Rồi cũng có gia đình, có con. Rồi cũng trải qua những khổ đau thường có của đời người. Khác với người bình thường, UH luôn vượt qua những sóng gió của cuộc đời, những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần bằng một nghị lực đáng khâm phục.
Bạn bè kể lại rằng UH đã có ý nguyện xuất gia từ nhiều năm trước, dành nhiều thời gian ở trong chùa mỗi khi có thể. Chuẩn bị cho mình sẵn sàng, đợi cho đến ngày sinh nhật thứ 18 của cậu con trai độc nhất, UH mới nói chuyện với con, cho biết về dự định của mình, bàn thảo về tương lai của con, và có được sự đồng thuận giữa hai mẹ con.
Nhìn lại cả một tiến trình như vậy để thấy quyết định xuất gia của UH là một quyết định của trí tuệ, của ý chí chứ không phải từ cảm xúc nhất thời. Không bi lụy, không chạy trốn, mà là sự dũng cảm dám buông bỏ. Cảm nhận được chân lý Khổ Đế bằng kinh nghiệm của chính đời mình, UH tìm đến với Đạo vì biết đó là con đường thoát khổ rốt ráo nhất. Đi tu không phải là để tránh né những khó khăn, khổ đau của thế gian. Vào cửa thiền môn để có khả năng đối diện, vượt qua khổ đau bằng con đường Chánh Pháp.
Phật tử nào cũng được dạy về Khổ, Tập, Diệt, Đạo, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành người xuất gia. Cách đây chừng 5 năm, nhóm Phật tử của chúng tôi (cùng sinh hoạt với UH) có đủ duyên lành được Thầy tổ chức cho một khóa tu giao duyên. Một số bạn được làm thủ tục xuất gia đoản kỳ, cũng xuống tóc, cũng mặc y áo tăng đoàn trong vài ngày. Thầy bảo rằng chỉ cần như vậy cũng sẽ tạo ra một duyên lành lớn, để kiếp sau tiếp tục tinh tấn tìm đến Phật-Pháp-Tăng. Thầy đề nghị tôi xuất gia đoản kỳ. Tôi suy nghĩ kỹ, rồi trả lời là mình chưa sẵn sàng. Một phần là vì tôi thấy mình chưa xứng đáng để khoác áo cà sa, dù chỉ một giây phút. Tôi kính trọng hình ảnh một vị tăng khoác áo cà sa cũng như kính trọng cả tăng đoàn thời Đức Phật. Một phần là vì tôi biết mình vẫn chưa có đủ dũng cảm để lìa bỏ ái dục, một trong những chướng ngại lớn nhất của Phật tử trên con đường giải thoát. Vẫn biết những niềm đam mê của con người là vô thường, có rồi mất, là nguồn gốc của khổ đau. Nhưng cần phải có đủ dũng khí để đoạn tuyệt với những vui buồn của một kiếp người. Cần phải có nghị lực, và đủ duyên mới làm được.
Tôi chưa thể làm được trong kiếp này, nên càng cảm phục người bạn đồng tu của mình ngày nào, nay đã dũng cảm rũ bỏ ràng buộc luyến ái để thanh thản khoác lên người chiếc áo Phật. Pháp tự Chơn Dũng Hạnh thật là ý nghĩa, thể hiện đúng dũng khí, hạnh nguyện của người đạo hữu vừa chính thức gia nhập tăng đoàn của Đức Phật. Đạo Phật là đạo của Bi -Trí- Dũng. Chỉ có những người con Phật có đủ ba tố chất này mới có thể đi đến tận cùng con đường giải thoát.
Chia tay với sư cô Chơn Dũng Hạnh, tôi một mình đi theo con đường mòn của thiền viện để chuẩn bị trở về nhà. Ở bên đường, bên cạnh một góc rừng, tôi đọc được trên một tấm đá bia mấy câu thơ của Thiền Sư Nhất Hạnh. Thấm thía làm sao.
Doãn Hưng
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.