Tên thật là Trần Triết, sinh năm 1938 ở Thành Đô, Tứ Xuyên, bà được gia đình đưa sang Đài Loan khi chính quyền Trung Hoa Dân quốc thua trận trong nội chiến Quốc Cộng.
Nổi tiếng trong giới văn học tình cảm, lãng mạn dùng tiếng Hoa cũng như ở Nam Việt Nam thời VNCH trước 1975 và trên cả nước Việt Nam sau này, phải đến năm 1988 bà Quỳnh Dao mới lần đầu thăm Bắc Kinh.
Có thể nào số phận không nơi nương tựa và tình yêu không được đáp trả nhưng luôn có ước mộng hạnh phúc viên mãn truyền thống xuất hiện nhiều trong văn của bà, phần nào cũng phản ánh mối tâm tư của thế hệ người Trung Hoa ở ba xứ sở: Hương Cảng, Đài Loan và Trung cộng, gọi là Lưỡng ngạn, bị chia cắt bởi chiến tranh và chính trị.
Quỳnh Dao và mối quan hệ khó khăn với Đại Lục
Tuy thế, cũng có đánh giá ở Đài Loan rằng văn ngôn tình của Quỳnh Dao chịu ảnh hưởng của văn sĩ Anh Charlotte Brontë (1816-1855).
Quan hệ của bà Quỳnh Dao với nước Trung cộng thời sau Khai phóng hóa ra lúc nào cũng luôn thuận buồm xuôi gió. Từ 1989, bà trở thành tác giả Đài Loan đầu tiên có phim chuyển thể từ truyện của mình ở CHND Trung Hoa. Không chỉ vậy, bà trở về đại lục, giao lưu với văn nghệ sĩ Trung cộng và tham gia biên kịch nhiều bộ phim nổi tiếng dựa trên truyện và sách của bà. Nhưng năm 1994, bà công khai gửi thư cho đài truyền hình tỉnh Hồ Nam, Trung cộng cáo buộc họ đã dùng một nhà văn khác “đánh cắp nhiều đoạn” trong truyện của bà để dựng một phim tình cảm lãng mạn, phim Mai Hoa Lạc.
Không chỉ thế, bà còn lên án nạn “ăn cắp bản quyền tràn lan” ở Trung cộng trong nghệ thuật và điện ảnh. Được vinh danh là “nữ hoàng của phim bộ Trung Hoa”, ý kiến trên của bà rất có ảnh hưởng ở Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, nhưng bị phía Trung cộng bác bỏ.
Tin bà qua đời chỉ được trang Hoàn cầu Thời báo của Trung cộng đăng rất ngắn gọn cùng nội dung thư tuyệt mệnh và video, mà không nhắc gì đến các vấn đề khác.
Tiếng nói cho luật trợ tử
Ở Đài Loan, ngoài chuyện về các cuộc hôn nhân khá phức tạp của nữ sĩ Quỳnh Dao, người ta còn nói đến tiếng nói của bà ủng hộ cho người tàn tật, và cách chăm sóc bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, không còn hy vọng phục hồi. Chẳng hạn văn của bà thường có người câm điếc, người mù, bị tàn phế. Còn từ 2019, sau khi người chồng thứ hai, ông Bình Hâm Đào, qua đời vì bệnh mất trí nhớ, và đến lúc cuối đời cần phải cho ăn bằng ống, bà Quỳnh Dao lên tiếng về nhu cầu giúp con người sống và chết một cách có nhân phẩm.
Ở các nước Âu Mỹ, đây là vấn đề luật trợ tử, giúp người ta chết một cách có nhân phẩm, nhưng trong văn hóa Trung Hoa, đây không phải là chuyện dễ dàng được chấp nhận về luân lý. Tuy thế, nhờ sự lên tiếng của bà, Đài Loan đã chấp nhận trợ giúp người bị bệnh hiểm nghèo, không qua khỏi, được sang Thụy Sĩ để chọn cái chết được bác sĩ hỗ trợ. Nay thì nữ sĩ Quỳnh Dao đã tự chọn cách vĩnh biệt cuộc đời mà bà nói là “đã bừng sáng trọn vẹn”.
“Tôi đã sống và chưa bao giờ để cuộc sống này thất vọng”, Quỳnh Dao để lại lời vĩnh biệt cho hàng triệu người hâm mộ ở châu Á.
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.