Chiều ngày 5/12, báo chí đưa tin Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội "đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc cấp bằng Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sĩ cho 12 quân nhân hy sinh khi diễn tập tác chiến phòng thủ."
Đến buổi tối, báo điện tử Chính phủ cho biết Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho 12 quân nhân Quân khu 7, thuộc Bộ Quốc phòng.
Trước đó, ngày 4/12, Bộ Quốc phòng thông báo có "12 đồng chí mất tích".
Như vậy, với việc Chính phủ Việt Nam cấp bằng "Tổ quốc ghi công", có thể khẳng định cả 12 quân nhân trên đã tử vong trong vụ nổ.
Cuộc diễn tập quy mô lớn
Theo thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng, cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 7 là hoạt động quân sự quy mô lớn, tiến hành từ ngày 1 đến ngày 4/12, với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang và địa phương trên địa bàn Quân khu 7 và nhiều quân chủng, binh chủng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Cuộc diễn tập được tiến hành qua 3 giai đoạn: Chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị tác chiến phòng thủ và thực hành tác chiến phòng thủ với 7 vấn đề huấn luyện cơ bản.
Tầm quan trọng của sự kiện này còn thể hiện ở việc các tướng lĩnh cấp cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham dự, chỉ đạo.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã phát biểu chỉ đạo trong buổi khai mạc.
Trưởng ban chỉ đạo diễn tập là Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Một số tướng lĩnh làm phó trưởng ban chỉ đạo diễn tập gồm: Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Trung tướng Phạm Trường Sơn và Trung tướng Trương Thiên Tô.
Bộ Quốc phòng hiện có hai đại tướng và cả hai đều có mặt trong buổi diễn tập. Bên cạnh đó còn có hai thượng tướng và hai trung tướng nằm trong ban chỉ đạo diễn tập.
Theo thông tin ban đầu từ Bộ Quốc phòng được Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lại, tai nạn xảy ra vào tối 2/12.
Tới ngày 3/12, trên mạng xã hội bắt đầu lan truyền thông tin một số quân nhân tử nạn trong cuộc diễn tập.
Tuy nhiên, tới tận tối khuya ngày 4/12, Thông Tấn Xã Việt Nam mới đưa tin chính thức về vụ việc, với nội dung rất ngắn, dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng.
Vào thời điểm đêm 4/12, báo chí chính thống dẫn lời Bộ Quốc phòng xác định 12 quân nhân "mất tích" và "đã tìm thấy phần lớn thi thể" chứ chưa chính thức khẳng định 12 người đã tử nạn.
Báo chí tại Việt Nam đều gọi vụ việc này là "vụ việc mất an toàn trong diễn tập tại Quân khu 7".
Đến ngày 5/12, báo chí mới bắt đầu dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng về việc "cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 12 quân nhân hy sinh".
Trong thời bình, việc 12 quân nhân tử nạn trong một cuộc diễn tập là sự việc hết sức nghiêm trọng, là tổn thất rất lớn về người, nhất là trong một cuộc diễn tập có sự chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo cấp cao nhất từ Bộ Quốc phòng.
Báo chí khi đưa tin về vụ tai nạn này đều viết thông tin giống nhau, dẫn nguồn Bộ Quốc phòng hoặc Thông Tấn Xã Việt Nam, với thông tin rất ngắn gọn, cho thấy việc đưa tin được kiểm soát, kiểm duyệt rất chặt chẽ.
Sau sự vụ, báo Quân khu 7 đã xóa bài viết về buổi khai mạc diễn tập ngày 1/12.
Nhiều dấu hỏi về nguyên nhân
Vụ việc gây tổn thất lớn về người trong thời bình này đã gây chấn động xã hội. Nhiều người bày tỏ lòng tiếc thương, gửi lời chia sẻ với gia đình, ca ngợi sự hi sinh của các chiến sĩ.
Bên cạnh những lời chia buồn này, không ít người nhấn mạnh yêu cầu phải điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nổ.
Thông báo của Thông Tấn Xã Việt Nam về vụ việc như sau:
"Tại Trường bắn Quốc gia khu vực 3 (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), vào lúc 20 giờ 27 phút ngày 2/12/2024, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thuốc nổ ra vị trí tập kết, thì trời mưa to, sấm sét, tổ công tác gồm một số quân nhân thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7 tạm dừng, nghỉ giải lao. Đột nhiên, khối thuốc nổ phát nổ làm nhiều quân nhân thương vong."
"Nguyên nhân ban đầu xác định là sét đánh vào kíp nổ gây kích nổ kíp nổ bằng điện làm khối thuốc phát nổ."
Theo danh sách công bố, những người tử vong hầu hết là hạ sĩ quan, mang hàm trung sĩ và thượng sĩ, cho thấy đa phần là người trẻ. Tất cả 12 quân nhân đều thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7.
Theo báo Quân khu 7, Tiểu đoàn 17 thuộc Sư đoàn 5 là tiểu đoàn công binh, có tiền thân là Tiểu đoàn Công binh 25.
Tiểu đoàn này có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng các công trình chiến đấu bảo đảm cho sư đoàn, được biên chế 3 đại đội gồm: Đại đội 1 phụ trách công trình; Đại đội 2 phụ trách xây dựng cầu đường, vượt sông và Đại đội 3 cơ động vật cản.
Đơn vị này cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen như huấn luyện chuyên ngành, rà phá bom mìn, vật nổ; phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thi công các công trình quốc phòng.
Theo bài viết trên báo Tây Ninh vào ngày 16/9/2024, Tiểu đoàn 17 Công binh là đơn vị "luôn giữ vững thành tích đơn vị huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".
Cụ thể, kết quả kiểm tra nhiều năm qua luôn đạt 100% yêu cầu, trong đó 80-85% khá, giỏi; 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp; 90% cán bộ đại đội, 80% cán bộ trung đội huấn luyện khá, giỏi.
100% tiểu đội trưởng sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị. Trình độ tổ chức chỉ huy, khả năng cơ động của cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng cao.
Với thành tích như vậy, việc xảy ra sự cố lớn cướp đi 12 sinh mạng của quân nhân là điều khó lý giải.
Một số người từng công tác trong quân đội chia sẻ rằng khi vận chuyển, bảo quản thuốc nổ thì phải tách rời kíp nổ, không bao giờ gắn kíp sẵn. Việc gắn kíp chỉ được thực hiện khi có lệnh sử dụng tại tuyến bắn trước khi tiến vào trận địa.
Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển, các vũ khí thường ở trong tình trạng niêm phong nên dù có xảy ra mưa gió, sét đánh trúng, địa hình bất lợi cũng khó dẫn đến việc phát nổ đột ngột.
Do đó, nguyên nhân xoay quanh vụ tai nạn vẫn còn để lại nhiều điểm cần làm rõ, để nếu có sai sót về công tác triển khai, chỉ đạo, vi phạm kỷ luật quân sự thì cần xử lý.
Theo giới thiệu của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 là tổ chức quân sự theo vùng lãnh thổ, được thành lập ngày 10/12/1945, bao gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Tây Ninh.
Hiện nay, quân khu này bao gồm TP HCM và các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An và Tây Ninh.
Trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đặt tại quận Tân Bình, TP HCM, cách không xa sân bay Tân Sơn Nhất.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.