Tại một vùng ngoại ô yên tĩnh của thị trấn Port Talbot, Xứ Wales, các nhân viên di trú đang kiếm một phụ nữ Việt Nam trẻ tuổi bận bộ đồ thể thao màu hồng.
Chỉ vài phút trước, cô ấy đang sơn móng chân cho một khách hàng trong một tiệm nail đông đúc, nhưng khi các nhân viên thực thi pháp luật đột kích vào thì cô đã kịp thoát ra phía sau.
Người phụ nữ này đã được phát hiện trong một tòa nhà gần đó và khai cô đã nhập cảnh vào Vương quốc Anh bất hợp pháp bằng thuyền nhỏ cách đây vài năm.
"Lao động bất hợp pháp là một vấn đề lớn đối với chúng tôi hiện nay," Richard Johnson, người đứng đầu bộ phận Thực thi Tuân thủ Nhập cư của Bộ Nội vụ cho Wales và Tây Nam nước Anh, nói.
"Không chỉ là các tiệm làm móng mà còn tất cả các ngành nghề vực khác - xây dựng, bán vape (thuốc lá điện tử), cắt tóc, nhà hàng, bán đồ ăn mang đi," ông nói.
Lực lượng thực thi pháp luật đã tiến hành các cuộc đột kích vào các tiệm nail và cửa hàng tiện lợi bị nghi ngờ tuyển dụng người lao động bất hợp pháp trên khắp miền nam xứ Wales, một phần của Chiến dịch Tornado - một sáng kiến toàn quốc nhằm giải quyết tình trạng lao động bất hợp pháp.
Khi các sĩ quan mặc đồng phục đến các cơ sở khác, cảnh tượng cũng tương tự như ở Port Talbot - mọi người nhanh chóng tháo khẩu trang và giả vờ như họ không làm việc ở đó, còn các doanh nghiệp phủ nhận việc tuyển dụng họ.
Bộ Nội vụ cho biết đã tăng cường các cuộc đột kích này trên toàn Vương quốc Anh trong năm nay, thực hiện 3.188 cuộc kiểm tra, với 2.299 vụ bắt giữ trong khoảng thời gian từ ngày 5/7 đến ngày 31/10. Cùng kỳ năm trước có 2.371 cuộc kiểm tra với 1.836 vụ bắt giữ.
"Nếu một chủ lao động thuê một lao động bất hợp pháp hiện tại, họ có thể bị phạt 45.000 bảng Anh (gần 1,5 tỷ đồng) cho mỗi lao động bất hợp pháp và nếu tái phạm, mức phạt có thể lên tới 60.000 bảng Anh (hơn 1,9 tỷ đồng)," ông Johnson cho biết.
Trong tuần diễn ra Chiến dịch Tornado, tổng hình phạt lên tới 4 triệu bảng Anh đã được áp dụng cho hơn 50 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những khoản tiền phạt lớn này vẫn không đủ để ngăn chặn tất cả mọi người.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động với trong tình trạng cảnh giác cao độ, với các bài đăng trên các nhóm Facebook của người Việt Nam cảnh báo về các cuộc đột kích. Những người khác cung cấp dịch vụ nhằm theo dõi hành động của các nhân viên thực thi pháp luật.
"quanh Cardiff, "Bộ Nội vụ và cơ quan thuế đi kiểm tra. Né gấp và để ý giờ làm," trích một bài đăng.
BBC News cũng đã tìm thấy hàng trăm bài đăng của những người công khai tuyên bố họ đang ở nước này bất hợp pháp và đang tìm việc làm tại các tiệm nail.
Đóng giả là thợ làm nail người Việt Nam có tay nghề cao ở Vương quốc Anh nhưng không có thị thực, một thành viên trong nhóm đã gọi điện đến hơn chục tiệm làm nail để xem họ có nhận cô làm việc không.
Trong vòng một giờ, họ nhận được hai lời mời làm việc.
Các chủ lao động dường như quan tâm nhiều hơn đến việc kỹ thuật viên có thể làm được công việc hay không hơn là việc họ có giấy tờ để làm việc hợp pháp hay không.
Mức lương giờ thay đổi tùy theo trình độ kinh nghiệm - với kỹ năng cơ bản, một người có thể kiếm được khoảng 30 bảng mỗi ngày, trong khi các kỹ thuật viên có kinh nghiệm thì có thể kiếm được đến 160 bảng mỗi ngày.
Các doanh nghiệp khác nói mình không nhận nhân viên không có giấy tờ vì "quá rủi ro".
Hơn 30.000 người đã vượt qua eo biển Manche bằng thuyền nhỏ trong năm nay, đưa Việt Nam thành nhóm xếp thứ tư - sau Afghanistan, Iran và Syria - với 3.307 lượt đến trong năm 2024, tính tới đến tháng Chín.
Nhiều người di cư Việt Nam kể với BBC rằng họ đến Vương quốc Anh để tìm kiếm việc làm do các doanh nghiệp thất bại và nợ nần ở quê nhà. Các chuyên gia cho rằng bước đầu tiên của họ thường là tiếp cận châu Âu bằng cách tận dụng hệ thống thị thực lao động hợp pháp ở Hungary và các nước Đông Âu khác.
Các chuyên gia nói với BBC News rằng nhiều người làm việc bất hợp pháp trong các tiệm nail là nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại.
"Những người vượt qua eo biển Manche vào Vương quốc Anh thường phải trả giá khi bị tống tiền hoặc bị bóc lột dưới một số hình thức lao động cưỡng bức hoặc tội phạm nào đó sau khi đến nơi," Jamie Fookes từ Tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế bình luận.
Trong quá trình nghiên cứu, BBC đã trò chuyện với nhiều người làm việc trong nền kinh tế ngầm. Một người đàn ông ở Birmingham làm việc tại một nhà hàng từ 9 giờ sáng đến 23 giờ, bảy ngày một tuần và được cho ở cùng một ngôi nhà với những người lao động bất hợp pháp khác.
Một thanh niên khác khoảng 20 tuổi đã đến Vương quốc Anh bằng thuyền nhỏ và trả khoảng 16.000 bảng Anh (hơn 515 triệu đồng tỉ giá hiện nay) cho bên buôn người để thực hiện chuyến đi.
Khi BBC gặp anh này - BBC gọi là Nam để bảo vệ danh tính - anh đang mang theo tất cả đồ đạc của mình gom vào một chiếc túi nhỏ, màu đen, và đang lang thang khắp Vương quốc Anh suốt mấy tuần qua.
"Tôi đang gặp tình cảnh khó khăn. Thất nghiệp. Không có chỗ ở. Tôi phải nhờ bạn bè cho tôi ở nhờ," anh nói.
Khi mới đến Vương quốc Anh, Nam kể anh đã làm việc tại các trang trại cần sa, nhưng sau đó chuyển sang công việc ít nguy hiểm hơn trong các tiệm nail sau khi bị cướp.
Anh cũng nói rằng khi đến Vương quốc Anh, phía buôn người nói với mình rằng "có rất nhiều cơ hội và điều kiện sống tốt".
"Khi đến đây, tôi nhận ra đó không phải là sự thật."
Giờ đây, chuyện kiếm việc đang trở nên khó khăn hơn, theo lời Nam.
"Tôi thấy mọi thứ dễ dàng hơn lúc tôi mới đến để tìm việc làm trong các tiệm làm móng hoặc nhà hàng ... Tuy nhiên, vì có quá nhiều người đến Vương quốc Anh gần đây nên chuyện tìm việc đã trở nên khó khăn hơn nhiều."
Nam hiện muốn trở về Việt Nam.
"Dự định của tôi bây giờ là tìm được một công việc để bắt đầu cuộc sống mới ổn định hơn nhằm có thể làm việc và trả nợ."
Patrick Clahane, Divya Talwar, Khue Luu
***
Phim ‘Nailed It’ và giấc mơ Mỹ xuyên thế hệ của người Việt
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.