Mỗi vị tổng thống đó đều được người dân Mỹ chứng nhận hai lần (tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai) - điều mà Biden chưa có. Và khi Tổng thống Biden, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tuần tới, bày tỏ lòng kính trọng đối với ông Carter, người cũng đắc cử một nhiệm kỳ, thật khó để không chỉ ra những điểm tương đồng.
"Nhiều người nghĩ rằng ông thuộc về một thời đại cũ, nhưng thực tế thì ông là người nhìn xa trông rộng," Biden nói về ông Carter.
Vị tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh đến những thành tựu của ông Carter trong việc thúc đẩy dân quyền, hòa bình và hạn chế vũ khí hạt nhân cũng như những nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường.
Vài ngày trước đó, Biden đã nói về di sản của mình và cách lịch sử nhìn nhận ông.
"Tôi hy vọng lịch sử sẽ ghi nhận rằng tôi đã có kế hoạch khôi phục nền kinh tế và tái lập vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới," ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
"Và tôi mong lịch sử sẽ công nhận rằng tôi đã làm điều đó một cách trung thực và chính trực; rằng tôi đã nói những gì mà mình nghĩ."
Liệu lịch sử có làm như thế hay không vẫn là chủ đề thảo luận sôi nổi - nhưng ông rời Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ gần mức thấp nhất trong nhiệm kỳ. Chỉ có 39% có cái nhìn tích cực về ông, theo khảo sát mới nhất của Gallup, giảm đáng kể so với mức 57% khi ông bắt đầu nhiệm kỳ.
Tuần tới, đối thủ mà ông từng đánh bại vào năm 2020 sẽ trở lại nắm quyền, ắt hẳn sẽ khiến ông cảm thấy đây là một cái kết buồn cho nhiệm kỳ của mình.
Biden đã đạt những thành tựu nhất định: khéo léo đưa luật về đầu tư và cơ sở hạ tầng phức tạp thông qua Quốc hội với đa số phiếu trong một kết quả sít sao, củng cố và mở rộng NATO và bổ nhiệm một số lượng đáng kể thẩm phán với đa dạng gốc gác vào tòa án liên bang. Nhưng cho đến hiện tại, các thành tựu đang bị lu mờ.
Vị trí của ông trong lịch sử là một thời kỳ Dân chủ tạm thời giữa hai nhiệm kỳ ông Trump. Thời kỳ Dân chủ này dường như là một biến động nhỏ hơn là một sự thay đổi lớn.
"Ông ấy muốn di sản của mình là giải cứu người dân khỏi Trump," tác giả và chiến lược gia Dân chủ Susan Estrich nhận định.
"Nhưng thật đáng buồn, đối với ông ấy, di sản của ông lại chính là Trump. Ông ấy là cầu nối từ Trump 1.0 đến Trump 2.0."
Mọi chuyện đã có thể không xảy ra như thế. Một số sự kiện đã ảnh hưởng tới Biden và nhóm của ông - một số nằm trong tầm kiểm soát và một số thì không.
Tuy nhiên, một số sự kiện giáng đòn mạnh nhất thì đáng lẽ đã hoàn toàn dự báo được, và thực tế là đã được báo, nhưng dường như vị tổng thống và chính quyền ông vẫn bất ngờ.
Họ đã trả giá đắt vì điều đó.
Từ hỗn loạn Kabul đến những 'bước đi sai lầm' đầu tiên
Việc rút quân đã được đàm phán trong những tháng cuối cùng của chính quyền Trump, nhưng Biden đã ủng hộ điều đó bất chấp cảnh báo từ một số cố vấn quân sự.
Những dự báo khủng khiếp đó đã được xác thực khi Kabul rơi vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn.
Đến cuối tháng 8/2021, tỷ lệ ủng hộ cho Biden mà Gallup khảo sát đã giảm xuống dưới 50% lần đầu tiên con số mà ông sẽ không bao giờ đạt được nữa trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Trong nước, tình hình đối với tổng thống cũng không mấy khả quan. Tính tới mùa hè năm đó, lạm phát Mỹ đã vượt quá 5% lần đầu tiên sau 30 năm.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết bà tin rằng mức tăng đột biến này là "tạm thời". Biden cũng gọi đó là "tạm thời". Một số người ngoài nội các, đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Tài chính Larry Summers của chính quyền Obama, lại nghĩ khác.
Đến thời điểm lạm phát đạt đỉnh một năm sau đó, ở mức 9,1% vào tháng 6/2022, cả bà Yellen lẫn Biden mới thừa nhận họ đã tính toán sai.
Tuy nhiên, người Mỹ không quên hoặc tha thứ. Mặc dù con số lạm phát hàng tháng đã giảm xuống dưới 3% vào mùa hè năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế ổn định và Mỹ đã vượt trội hơn các quốc gia công nghiệp khác trên thế giới, cử tri vẫn tiếp tục có cái nhìn bi quan về nền kinh tế.
Các vấn đề khác cũng đi theo mô típ này: chính quyền Biden đã phản ứng chậm chạp trước sự gia tăng đột biến của làn sóng di cư không giấy tờ tại biên giới Mỹ-Mexico hậu Covid.
Và dường như chính quyền ông đã bất ngờ trước tác động nặng nề mà chương trình do Đảng Cộng hòa hậu thuẫn nhằm di dời người di cư đến các thành phố phía bắc do Đảng Dân chủ điều hành sẽ gây ra cho các dịch vụ công ở xa biên giới.
Tình trạng thiếu hụt xét nghiệm Covid và sữa bột trẻ em, giá trứng tăng cao, đảo ngược phán quyết về quyền phá thai Roe v Wade và các cuộc chiến ở Ukraine, Gaza - mỗi khi chính quyền Biden đang giải quyết một vấn đề không lường trước thì lại có vấn đề khác xuất hiện.
Trên thực tế, những thách thức này rất đáng sợ chúng đã hạ gục các nhà lãnh đạo đương nhiệm ở các chính quyền dân chủ trên toàn thế giới.
Nhưng đối với Biden và Đảng Dân chủ, với mong muốn chứng minh rằng họ là đối trọng đáng gờm và hiệu quả không chỉ với ông Trump mà còn với các chế độ độc tài toàn cầu, thì rủi ro là rất lớn.
'Ông già có trí nhớ kém'
Khi tất cả những điều này xảy ra, phản ứng từ chính quyền đôi khi lại hoàn toàn lạc điệu.
Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình về việc tăng sản lượng dầu ở Mỹ để giảm giá xăng vào tháng 11/2021, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm đã đáp lại bằng một tràng cười.
"Thật buồn cười," bà nói.
"Giá mà tôi có cây đũa thần".
Biden - người từng được coi là một nhà hùng biện và diễn thuyết tài năng - dường như mất khả năng kết nối với người dân Mỹ hơn trước. Những dấu hiệu tuổi tác của ông cũng rõ rệt hơn.
"Khi xem Biden phát biểu, tôi tự thốt lên rằng trời ơi, đây là một con người khác," một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, người từng phục vụ trong những năm đầu của chính quyền Biden, trả lời với điều kiện giấu tên.
"Có thể khi tôi còn ở Nhà Trắng mỗi ngày thì tôi đã không nhận ra sự khác biệt."
Robert Hur, một cố vấn đặc biệt được bổ nhiệm để điều tra cách Biden xử lý các tài liệu mật, đã gọi tổng thống là "một ông già có trí nhớ kém", gây ra một loạt sự lo lắng trong số đảng viên Dân chủ.
Tương tác của tổng thống với giới truyền thông đã bị cắt giảm và những lần xuất hiện trước công chúng của ông được lên kịch bản chặt chẽ. Những sai sót và vấp váp trong lời nói của ông đã trở thành mồi cho các cuộc tấn công từ phía Cộng hòa. Nhưng Biden ông vẫn tiếp tục quyết tâm tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.
Nhân sự của Biden: Vòng tròn thân cận của Biden
Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, Biden đã vây quanh mình bằng những người lão luyện trong chính phủ.
Ngoại trưởng Antony Blinken, là một trong những cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Biden kể từ những ngày ông còn ở Thượng viện.
Merrick Garland, một thẩm phán tòa phúc thẩm lỗi lạc và là người được Barack Obama lựa chọn vào Tòa án Tối cao năm 2016 thì được Biden chọn làm tổng chưởng lý.
Bà Janet Yellen, người mà Biden bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng tài chính, trước đây đã từng làm chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang.
Trong Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã chọn Ron Klain người đã làm việc trong các chính quyền tổng thống của đảng Dân chủ trong nhiều thập kỷ làm chánh văn phòng. Mike Donilon, một cựu nhân viên khác của Biden, đảm nhận vai trò cố vấn cấp cao.
Nhóm này đặc biệt thành công trong việc quản lý đa số mong manh tại Hạ viện và Thượng viện, giành những chiến thắng sớm về mặt lập pháp ngay cả khi phải đối mặt với sự phản kháng đồng nhất của Đảng Cộng hòa và sự do dự từ những người trung dung trong chính đảng của Biden.
"Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" của Biden, được thông qua chỉ hai tháng sau khi ông nhậm chức, bao gồm gần 2.000 tỷ đô la chi tiêu mới của chính phủ. Kế hoạch này mở rộng trợ cấp chăm sóc sức khỏe và tài trợ cho việc phân phối vắc xin phòng Covid và chương trình thanh toán giúp giảm một nửa tình trạng nghèo đói ở trẻ em xuống còn 5%.
Cuối năm đó, Đảng Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa đã cùng nhau thông qua dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm 1.000 tỷ đô la chi tiêu mới cho giao thông, năng lượng sạch, nước, băng thông rộng và các chương trình xây dựng khác.
Những người khác cũng ủng hộ, đánh dấu một chương trình nghị sự lập pháp mà ít tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên nào trong thời hiện đại có thể sánh kịp - nhưng nó đi kèm với những gì mà một số nhà phê bình coi là một sai lầm nghiêm trọng.
Brent Cebul, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Pennsylvania, lập luận rằng những nỗ lực của Biden quá tập trung vào việc thay đổi các chính sách vốn phải mất nhiều năm để chuyển thành lợi ích kinh tế cho người lao động Mỹ có mức thu nhập trung bình.
"Tôi nghĩ rằng mốc thời gian liên quan đến những đạo luật lớn đó không đồng bộ với những yêu cầu cấp bách trong cuộc bầu cử tổng thống," ông đánh giá.
Tổng thống Biden sẽ phục vụ tốt hơn nếu tìm ra cách mang lại những lợi ích hữu hình cho cử tri nhanh hơn - một quan điểm mà chính Biden đã bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên báo.
'Đấu đá nội bộ và sự thất vọng' ngay từ bên trong
Nhóm của ông cũng tỏ ra kém năng lực hơn khi thành công không được đo lường bằng luật ban hành mà bằng sự cạnh tranh trong thông điệp hàng ngày với phe đối lập chính trị ngày càng quyết đoán.
Một quan chức cấp cao của Biden nhận xét rằng nhóm Nhà Trắng đã quyết đoán hơn vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông.
"Khi mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn và bạn mất đi cảm giác hoàn thành những công việc lớn, điều đó có thể dẫn đến đấu đá nội bộ và sự thất vọng," họ thừa nhận, đồng thời nói thêm rằng họ cảm thấy rằng vòng tròn xung quanh Biden trở nên cô lập hơn khi áp lực gia tăng.
Sau hai năm tạm dừng, các đối thủ chính trị của ông đã tiến hành điều tra, tổ chức các phiên điều trần (về việc rút quân khỏi Afghanistan, các giao dịch kinh doanh của gia đình Biden và nhiều vấn đề khác) và vào tháng 9/2023, họ chính thức khởi xướng một cuộc điều tra luận tội tổng thống. Trong khi đó, sự chấp thuận của công chúng đối với Biden vẫn ở mức thấp trong biên độ 40%.
Ông Cebul nhận định rằng nhiệm kỳ tổng thống Biden nên được chia thành hai nửa. Nửa đầu tiên hoàn thiện hơn. Nửa thứ hai ít tập trung hơn.
"Biden cảm thấy rằng Hoa Kỳ đang hoạt động kinh tế vĩ mô khá tốt khiến ông và các cố vấn của mình không để mắt đến thực tế rằng nhiều người Mỹ vẫn đang khổ sở."
Một chiến dịch tranh cử bị bao vây
Vào ngày 25/4/2023, Biden đã chính thức tuyên bố ứng cử tổng thống với một video cảnh báo rằng "những kẻ cực đoan" của ông Trump đang đe dọa nước Mỹ.
Trong những tháng tiếp theo, ông đưa ra nhiều cảnh báo hơn về mối nguy hiểm mà ông Trump gây ra cho nền dân chủ Mỹ. Ông quảng bá cho kế hoạch kinh tế của mình - sử dụng nhãn hiệu "Bidenomics" (nền kinh tế Biden) - và chỉ ra cách lạm phát đang giảm trong khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng.
Tôi đã đi cùng Biden đến Chicago, bang Illinois vào tháng 6/2023, nơi ông tổ chức tiệc mời các nhà tài trợ giàu có và có bài phát biểu về nền kinh tế tại một bưu điện lịch sử ở trung tâm thành phố.
"Bidenomics là về tương lai," ông nói.
"Bidenomics chỉ là một cách khác để nói: Khôi phục giấc mơ Mỹ".
Ông Cebul tin rằng đó là một nước đi tệ hại.
"Việc ông ấy dành phần lớn mùa xuân và đầu mùa hè để nói về việc ông ấy là tổng thống kinh tế thành công nhất trong lịch sử hiện đại, thật sự rất lạc điệu," ông nói.
"Thông điệp không chỉ không đồng bộ mà ông ta còn là một người truyền tải tệ hại."
Ở Chicago, cũng như nhiều bài phát biểu khác của mình, đôi khi ông nói ngập ngừng. Đôi khi ông lẩm bẩm và bóp méo cú pháp.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, Biden đã nói với các trợ lý rằng ông tin mình là lựa chọn tốt nhất để đánh bại ông Trump rằng ông đã làm được điều đó một lần và ông sẽ làm được lần nữa. Và những trợ lý đó đã phản bác mạnh mẽ bất cứ khi nào có ai đó đặt câu hỏi về khả năng của Biden.
"Tôi không còn trẻ nữa, điều đó quá rõ ràng," tổng thống nói khi tranh cử.
"Nhưng mấu chốt là tôi hiểu cách hoàn thành mọi việc cho người dân Mỹ. "
Hamas, Hunter và những rào cản cuối cùng.
Vào mùa thu 2023, Biden lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác - sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, ông đã nhanh chóng cảnh báo Israel không nên phản ứng thái quá hoặc vượt giới hạn để đáp trả cuộc đổ máu.
Cùng lúc đó, Biden đang phải đối mặt với những rắc rối pháp lý ngày càng gia tăng của con trai mình là Hunter một phiên tòa xét xử và kết án vào tháng 6/2024 về tội sử dụng súng và, có lẽ đáng lo ngại hơn đối với tổng thống là một bản cáo trạng về các hành vi phạm pháp liên quan đến thuế trong các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của ông Hunter.
Việc phơi bày những bất hòa và nỗi đau trong gia đình ít nhất cũng là một sự xao lãng và hao mòn cảm xúc của tổng thống. Quyết định cuối cùng của ông là ân xá cho con trai mình, được đưa ra sau cuộc bầu cử, đã bị nhiều người, bao gồm một số đồng minh, lên án.
Cuối cùng, nỗ lực tranh cử tổng thống của Biden và nhiệm kỳ tổng thống của ông đã sụp đổ vào cuối tháng 6/2024 trên sân khấu ở Atlanta, bang Georgia trong cuộc tranh luận với ông Trump. Màn thể hiện lúng túng và đôi khi khó hiểu của ông đã giáng một đòn trí mạng vào chiến dịch tranh cử. Nó cũng dường như xác nhận các cuộc tấn công của phe Cộng hòa trước đó cũng như nỗi sợ của phe Dân chủ về tuổi tác của Biden.
Sau khi ông Trump phản ứng một cách thách thức trước một vụ ám sát bất thành và tổ chức một đại hội đảng toàn quốc thống nhất, rầm rộ vào giữa tháng 7/2024, Biden đã rút lui khỏi cuộc đua.
Chiến thắng của ông Trump trước bà Kamala Harris, người kế nhiệm được Biden đích thân lựa chọn, khiến cho phán quyết bầu cử cuối cùng về sự nghiệp chính trị kéo dài nửa thế kỷ của Biden mang đậm sự rũ bỏ và thất bại.
Di sản của Biden có thể là gì nếu ông đã rút lui sớm để "truyền ngọn đuốc" theo lời ông thay vì muốn nhiệm kỳ thứ hai?
"Chúng ta đáng lẽ nên có cuộc bầu cử sơ bộ," bà Estrich lập luận.
"Người kế nhiệm ông ấy sẽ có thời gian để chứng minh".
Chỉ trong đúng một tuần nữa, ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức và có khả năng sẽ bắt đầu phá bỏ phần lớn những gì Biden đã đạt được trong bốn năm qua. Mức độ hiệu quả của ông Trump trong quá trình này sẽ góp phần rất lớn vào việc định nghĩa di sản về lâu dài của Biden.
Vài tuần trước, tôi đã hỏi Tổng chưởng lý Garland rằng ông nghĩ lịch sử sẽ phán xét Biden và chính quyền này như thế nào.
"Tôi sẽ để các nhà sử học quyết định," ông trả lời.
Sau cùng thì đó là tất cả những gì Biden để lại.
Anthony Zurcher
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.