Thursday, January 9, 2025

Pulau Bidong: Trại Tị Nạn Cộng Sản sau Chiến Tranh Việt Nam

 image

Quần đảo Bidong bao gồm sáu hòn đảo lớn nhỏ. Bidong là hòn đảo lớn nhất (diện tích khoảng 260 ha). Bidong là một trong những hòn đảo có phong cảnh đẹp và hoang sơ vào thời đó. Với số lượng lớn thuyền nhân đổ bộ lên đảo, vào tháng 8 năm 1978, chính phủ liên bang Mã Lai đã ‘mượn’ hòn đảo này từ chính quyền bang Terengganu cho phép dùng đảo Bidong làm trại tị nạn cho thuyền nhân Việt Nam. Bidong có diện tích một km vuông và nằm ngoài khơi bờ biển Terengganu, Malaysia trên Biển Đông. Đảo Bidong trong tầm nhìn được từ thị trấn ven biển Merang.


Vào tháng 5 năm 1975, chiếc thuyền đầu tiên với 47 người tị nạn đã đến Malaysia từ Việt Nam. Họ được gọi là “thuyền nhân”. Tuy nhiên vào thời đó số thuyền nhân chạy trốn khỏi Việt Nam tương đối ít cho mãi đến năm 1978, đảo Bidong mới được chính thức mở làm trại tị nạn vào ngày 8 tháng 8 năm 1978 với 121 người Việt tị nạn. Sức chứa của trại là vào khoảng 4.500. Sáu trăm người tị nạn khác đã đến vào tháng 8, và sau đó liên tiếp xuất hiện những chiếc thuyền từ Việt Nam là chuyện gần như hàng ngày. Đến tháng 1 năm 1979, trại Bidong có hơn 18.000 người Việt Nam trên đảo. Và đến tháng 6 năm 1979, nó được cho là nơi đông dân tị nạn nhất trên thế giới với khoảng 40.000 người tị nạn chen chúc trong một khu vực mặt bằng chỉ rộng hơn một sân bóng đá.


image

Vào thời điểm trại tị nạn Bidong bị đóng cửa vào ngày 30 tháng 10 năm 1991, có khoảng 250.000 người Việt tị nạn đã đặt chân hoặc cư trú trong trại này. Sau khi trại đóng cửa, những người tị nạn còn lại bị buộc hồi hương trở về Việt Nam. Những thuyền nhân tị nạn phản đối gay gắt việc họ bị cưỡng bức hồi hương. Tổng cộng hơn 9.000 người Việt Nam đã buộc hồi hương từ năm 1991 đến ngày 28 tháng 8 năm 2005 khi những người tị nạn cuối cùng rời Malaysia về Việt Nam. Năm 1999, hòn đảo Bidong được mở cửa cho du lịch. Hòn đảo bây giờ đã lấy lại được vẻ đẹp nguyên sơ trước đây và thu hút nhiều người từng là người tị nạn cộng sản đã đến thăm lại ngôi nhà cũ nơi mà họ từng lưu trú.


image

Vào cuối những năm 70, Pulau Bidong cũng là nơi sinh sống của những người Campuchia, những người đã cố gắng chạy trốn chế độ Khmer Đỏ, người Việt gốc Hoa, những người cố gắng đào thoát khỏi chính quyền Cộng Sản Việt Nam.


Trại tị nạn Bidong chính thức đóng cửa bằng buổi lễ tiễn đưa những thuyền nhân Việt Nam vào ngày 30 tháng 10 năm 1991. Sau đó đảo Bidong chính thức được giao lại cho chính quyền bang Terengganu. Đảo sau đó vẫn bị cấm đối đi lại cho đến mãi năm 1999 thì mới được mở cho công chúng và du khách.


Pulau Bidong_Hải đảo bị lãng quên


image

Pulau Bidong có một lịch sử khác thường từ một trại tị nạn, hải đảo này đã âm thầm trở nên một địa điểm thăm viếng cho các du khách cựu thuyền nhân. Đó là điều ghi nhận được Bộ Trưởng Văn Hóa, Thanh Niên và Du Lịch, Datuk Paduka Abdul Kadir Sheikh Fadzir trình trước Quốc Hội hôm thứ Tư vừa qua. Tuy vậy, vẫn chưa có một điều nào được thực hiện để bảo tồn trại tị nạn cũ, một thời đông đảo. Phóng viên Meng Yew Choong.


Lần trở lại Bidong, tôi được nhắc nhở lần nữa về sức mạnh của thiên nhiên và những thuyền nhân chúng tôi đã may mắn đến cỡ nào, sống sót qua chuyến hải hành dài, trên một con thuyền mong manh dài 10,5 mét chứa 61 người. Tôi nhớ đến những người đàn ông Mã Lai da ngăm đen, quấn sà rông (sarong) đi trên hai chiếc thuyền, đã rất tử tế cho chúng tôi nước uống và thực phẩm. Đúng thế, tôi đã gặp lại họ trong chuyến viếng thăm tháng Ba vừa qua. Họ là những vị anh hùng, những thiên thần trong tim và tôi sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của họ. Cũng trong chuyến đi này, tôi muốn nói, hầu hết tất cả đều là những người tốt. Một ấn tượng đẹp đẽ khi biết rằng, có những người không quen biết hoặc chưa từng gặp vẫn mở rộng vòng tay giúp đỡ cho chúng tôi tạm trú. Daniel Nguyễn, cựu thuyền nhân Pulau Bidong.


Daniel Nguyễn là một trong số 1,6 triệu người Việt Nam, từ năm 1975 đến cuối thập niên 1980s, đã làm một cuộc hành trình đầy nguy hiểm, băng qua biển Nam Hải tìm tự do. Gần 255 ngàn người tị nạn đã đến được bờ biển Mã Lai và đa số được đưa đến hải đảo Pulau Bidong thuộc Terengganu.


image

Nhưng tên Bidong nghe rất xa lạ trong thế hệ trẻ người Mã Lai sau này. Một người bạn học của tôi, đã gần 30 tuổi đời vẫn chưa hề nghe nói đến hải đảo này. Một số ít người khác, sự hiểu biết của họ rất mơ hồ, không hoàn toàn biết rõ những chuyện xảy ra trên hải đảo rộng 260 mẫu.


Nói sơ qua về lịch sử, đợt thuyền nhân (danh từ thường dùng để gọi những người tị nạn bằng thuyền) đầu tiên rời bỏ miền nam Việt Nam, sau khi cộng sản miền bắc chiếm được thủ đô Saigon năm 1975. Đến năm 1978, tình hình Việt Nam trở nên bết khi người Trung Hoa xâm lăng khu vực phía bắc Việt Nam, gây nên sự nghi kỵ nhóm thiểu số người Việt gốc Hoa. Trong khi tài sản của họ bị chính quyền tịch thâu, việc làm ăn buôn bán của họ gần như bị chận đứng, nhiều người Hoa đã mua “giấy thông hành” ra khỏi nước, trả bằng vàng để được an toàn ra đi.


image

Và từ đó, đưa đến một phong trào di cư khổng lồ của người Việt Nam, trên những chiếc thuyền mong manh, vượt đại dương đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Đó cũng là phương tiện để Daniel Nguyễn đến Pulau Bidong.


Ông ta đến bờ biển Mã Lai vào buổi tối hôm 14 tháng Tư năm 1980, và hai ngày sau được đưa đến đảo Pulau Bidong. Bẩy tháng sau, Daniel Nguyễn giã từ hải đảo để đi định cư tại Hoa Kỳ.


Mặc dầu điều kiện sinh sống trên đảo không được đầy đủ nhưng Pulau Bidong là một nơi dung thân cho những ai trốn tránh sự đàn áp của chế độ cộng sản, vào thời điểm đó. “Nhìn lại, thời gian tôi trải qua nơi trại tị nạn Pulau Bidong là một giai đoạn đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi. Chúng tôi đã phải làm việc rất cực nhọc, nhưng nghĩ lại đó là thời gian xúc động tình người”. Đó là câu trả lời của Daniel Nguyễn qua điện thư (email).


image

Từng chiếc thuyền con chở người tị nạn đến bờ biển Mã Lai, bỗng dưng gia tăng nhanh chóng như nước lũ làm cho các cơ quan thiện nguyện phải yêu cầu Liên Hiệp Quốc cũng như chính quyền Mã Lai giúp đỡ. Trong tháng Tám năm 1978, chính quyền Mã Lai lập trại tị nạn Pulau Bidong ngăn cách với công chúng. Vào lúc cao điểm, có đến 40 ngàn người tị nạn tạo nên một Saigon nhỏ với những kiến trúc bằng gỗ và kẽm. Từ đất liền Mã Lai có thể nhìn thấy đèn trên đảo, ngoại trừ giờ giới nghiêm (11 giờ 30 đêm đến 6 giờ sáng).


Giới thẩm quyền, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tài trợ trại tị nạn, trong khi hội Red Crescent (hình lưỡi liềm – như hội Hồng Thập Tự) người Mã Lai lo việc điều hành trại tị nạn. Họ xây dựng trong trại một trung tâm hành chánh, một trường học, một nhà thương và một thư viện. Họ cũng để cho người tị nạn mở quán hàng buôn bán trong trại. Những người tị nạn nhiều đức tin, xây dựng thêm một ngôi chùa và một nhà thờ mà vẫn còn đứng vững cho đến ngày nay.


image

Năm 1989, chính quyền Việt Nam đồng ý cho người tị nạn hồi hương, chấm dứt câu chuyện tị nạn, vấn đề thuyền nhân. Đến năm 1991, đảo Pulau Bidong không còn được dùng làm trại tị nạn, chính quyền trung ương Mã Lai trả lại cho chính quyền Terengganu. Tuy nhiên quy chế (khu vực cấm) vẫn dây dưa đến năm 1999. Ngay cả du khách đến thăm viếng vẫn không được phép chụp ảnh và hải đảo có cảnh sát, binh sĩ Mã Lai canh gác.


Khi phóng viên báo chí, tờ “The Star’s WeekEnder” đến thăm Pulau Bidong trong tháng Sáu năm 1999, gần hết các kiến trúc trên đảo đã bị xụp đổ hoặc cây cối che phủ. Lúc tôi đến, vấn đề mục rữa trở nên bết, tôi bị sụp xuống sàn gỗ đang hư hại của nhà thờ.


imageimage

Nếu thiên nhiên “bỏ qua” một kiến trúc nào đó, việc trộm cắp chắc chắn sẽ không tha. Kẻ trộm làm hư hại rất nhiều những đồ vật mang tính chất lịch sử hoặc có giá trị trong kỹ nghệ du lịch, sau năm 1999 khi PSA (có lẽ là một đảng phái chính trị) thắng cử trong tháng Mười Một năm 1999.


Theo lời một ngư dân địa phương, không còn lính canh gác nữa (Rela) sau năm 1999. “Chính quyền PSA không muốn trả lương cho họ”. Sau đó nhiều kiến trúc trong trại tị nạn đã bị tháo gỡ và nhiều cái khác bị thiêu đốt (hai cái trong tháng Ba vừa qua).


Kiến trúc lớn làm trung tâm hành chánh đã bị tháo hết ván gỗ, chỉ còn lại nền xi măng. Tất cả những dụng cụ để lại trong xưởng dạy nghề đều bị đập phá. Sự hư hại lan qua mấy bức tượng trong chùa hay trong nhà thờ.


Tuy nhiên vẫn có mấy kiến trúc tồn tại qua bao năm tháng. Quan trọng nhất là bức tượng người cha lôi kéo con gái mình lên từ nước biển. Bức tượng vẫn còn đứng vững như đón chào du khách. Ngoài bức tượng còn những tấm bia bằng xi măng, thuyền nhân ghi khắc như lời tạ ơn đấng Tối Cao đã cứu sống họ qua cuộc hành trình nguy hiểm, và cũng để tưởng niệm những thuyền nhân kém may mắn. Những bia đá cho những ai chết trên đảo.


imageimage

Những hư hại trên đảo không có nghĩa chính quyền địa phương không quan tâm đến việc bảo tồn trại tị nạn. Từ đầu năm 1992, một năm sau khi Pulau Bidong được trả lại cho chính quyền Terengganu, được biết chính quyền địa phương đã có dự án bảo trì trại tị nạn để thuyền nhân có thể trở về thăm viếng.


Điều đáng buồn là sau đó, chẳng ai nhắc đến dự án. Nhưng mới đây, câu chuyện Pulau Bidong và thuyền nhân như sống lại, viện bảo tàng Terengganu mở cuộc triển lãm kéo dài một tháng, trưng bày hình ảnh trại tị nạn. Theo lời phó giám đốc viện bảo tàng, Che Mohd Azmi Ngah, việc triển lãm để cho mọi người biết lịch sử hấp dẫn của đảo Pulau Bidong mà nhiều người Mã Lai không biết đến chuyện này.


image

“Kết cuộc, nhiều vật lưu niệm trên đảo đã bị lấy mất, phần lớn do các ngư dân địa phương. Hy vọng cuộc triển lãm sẽ nhiều người chú ý và chính quyền sẽ phải bảo vệ những gì còn lại của trại tị nạn”. Che Mohd nói thêm, từ đầu năm chính quyền địa phương đã có buổi hội thảo với các cơ quan trong vấn đề phát triển đảo Pulau Bidong.


Trong khi chính quyền địa phương hứng khởi về kỹ nghệ du lịch, hai câu hỏi được đặt ra: Du khách là những ai? Và ai sẽ lo việc bảo trì? Theo lời Alex Lee, giám đốc công ty du lịch Ping Anchorage Travel, văn phòng ở Terengganu, có vài nhóm muốn xây dựng kỹ nghệ du lịch trên đảo. “Tuy nhiên, tôi không đồng ý chuyện này, chính quyền địa phương nên bảo trì trại tị nạn như chính quyền tiểu bang California bảo quản khu phố xưa thời gian đi tìm vàng (gold rush).” Cũng theo ông Lee, lịch sử đảo Pulau Bidong rất lôi cuốn, tuy nhiên cần phải tu sửa, bảo trì trước.


Theo ông Nguyễn, ông ta tin rằng nhiều cựu thuyền nhân muốn quay trở về để thăm viếng. “Tuy nhiên còn nhiều khía cạnh khác. Nhiều người cho rằng những kỷ niệm “làm thuyền nhân” rất đau lòng để làm sống lại. Nhiều phụ nữ, con gái bị hải tặc cưỡng bức, đàn ông bị đánh đập, giết chết. Thêm sự sỉ nhục là một người tị nạn.”


image

Theo ông ta chuyến viếng thăm Pulau Bidong trong tháng Ba vừa qua là một chuyến đi hành hương, chuyện tinh thần cá nhân. “Cá nhân tôi muốn ở lại qua đêm nếu được phép. Khi các con tôi khôn lớn, tôi muốn đưa chúng đi thăm Pulau Bidong để chúng biết thêm về lịch sử gia đình mình”.


Ông Nguyễn thông cảm, sự tốn kém trong việc bảo trì trại tị nạn Pulau Bidong. Tuy nhiên sự hủy hoại gây cảm tưởng như mất mát một điều gì… Đó cũng là một phần của chúng tôi, một phần trong lịch sử Mã Lai.


BM

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.