Chưa có lời chúc cho niềm vui và hạnh phúc nào mà nghe đau đáu, xốn xang đến vậy. Tất cả những người mà ông Chinh gửi lời chúc, đều được viết hoa. Chúng ta – tôi và các anh chị đã làm gì để được biết ơn và viết hoa như vậy, trong lời chúc bình an, mà phía sau nó là miên trường những xót xa ngậm ngùi?
Tôi nhớ có lần nói chuyện với bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, người chịu án tử tù treo suốt 16 năm qua. Lúc bà đang miên man kể những tình tiết oan trái của con mình, bỗng bất chợt bà gào lên như đang đứng giữa công đường, rồi giật mình, bà nói xin lỗi do không kiểm soát được tinh thần của mình. Những tờ biên lai của bưu điện xác nhận gửi đơn kêu oan của gia đình bà suốt bấy nhiêu năm, giờ có thể đóng thành thùng. Với một gia đình ở nông thôn, việc tự viết, hay ngồi nói để ai đó viết giùm, là những tâm tư thoi thóp hy vọng, và cũng không dễ dàng. Có lần bà nói, buổi sáng bà ra Hà Nội gửi đơn, buổi chiều khi nhân viên cơ quan đi đổ rác, bà tìm thấy cả lá đơn mang hy vọng của bà và người trong ngục tối, lẫn trong những thứ vứt đi đó.
Ông Tô Lâm có tuyên bố về một kỷ nguyên mới. Và dĩ nhiên, cái mới trong những nghĩ suy những nhà lãnh đạo, ắt phải là niềm vui cho con người, là hy vọng của đất nước. Nhưng kỷ nguyên mới có lẽ còn khó mà bước tới, nếu phía sau, bóng tối và những điều nhùng nhằng chưa giải quyết trọn tình trọn lý – như cái chết vẫn đang treo trên đầu những tử tù kêu oan vẫn còn đó.
Trong năm mới đến, tôi lại nghe như có lời chúc bình an của tử tù vẫn suốt một đời đòi minh bạch Lê Văn Mạnh (*), ở dưới nấm mồ. Một lời chúc lạnh lẽo trong cuộc đời đang rất rộn niềm vui.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án gay gắt việc Việt Nam hành quyết tử tù được cho là bị kết án oan Lê Văn Mạnh, một quyết định mà luật sư cho rằng có thể là “phép thử dư luận” của chính quyền nhưng gây phẫn nộ trong công luận.
Ông Mạnh bị tử hình bằng thuốc độc, một hình thức hành quyết đang bị thế giới lên án và kêu gọi bãi bỏ, hôm 22/9/2023. Gia đình ông Mạnh chỉ được thông báo việc ông đã bị hành quyết một ngày sau đó. Gia đình không được thăm gặp ông trong nhiều tháng trước khi ông bị tử hình vì tội “hiếp dâm” và “giết người”, một bản án mà họ cho là oan sai và đi kêu oan cho ông trong hơn 18 năm.
Ân xá Quốc tế cùng 4 tổ chức nhân quyền khác hôm 27/9 nói rằng họ “lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể được đối với việc hành quyết tùy tiện ông Lê Văn Mạnh”. Các tổ chức, bao gồm cả tổ chức bảo vệ nhân quyền People in Need có trụ sở ở Cộng hòa Czech, nói rằng ông Mạnh bị hành quyết chỉ 4 ngày sau khi gia đình ông nhận được thông báo từ tòa án tỉnh và không được thăm gặp gia đình lần cuối trước khi bị tử hình.
Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thông báo cho gia đình về quyết định thi hành án tử hình ông Mạnh hôm 18/9. Sau đó vào ngày 23/9, gia đình ông nhận được thông báo về việc ông đã bị hành quyết tại một địa điểm thi hành án ở Hòa Bình và được đưa về chôn ở một nghĩa trang ở TP Thanh Hóa.
“Thư thông báo gửi cho gia đình không đề cập đến ngày thi hành án tử hình và gia đình không có cơ hội được thăm gặp lần cuối – một các đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hèn hạ mà các cơ quan nhân quyền quốc tế đã nhiều lần lên án,” các tổ chức, trong đó có cả Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam (LIV) và Người Việt Ủng hộ sự Thay đổi (VAC), nói trong tuyên bố chung.
Các tổ chức này còn nói rằng ông Mạnh “bị xử tử bất chấp những cáo buộc đáng tin cậy rằng ông “đã bị công an đánh đập dã man và bị tra tấn nhằm lấy được ‘lời nhận tội’ để tòa án dựa vào đó để kết tội ông.”
Tuấn Khanh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.