Hắn cũng ca ngợi ‘cách mạng’ hết mình, nhưng hắn chỉ ca ngợi cái tài nhịn đói của họ, một “hạt gạo cắn làm tư”, tài chịu mưa bom B52 của đế quốc Mỹ đổ lên đầu, hắn còn ca ngợi thêm tài lãnh đạo của đảng rằng, dù có “đốt cháy cả Trường Sơn”, dù hy sinh cả chục thế hệ thanh niên, cũng quyết đánh cho đến thắng lợi cuối cùng.
Hắn nói: “Chúng ta cứ thí mạng cùi, thì đế quốc nào cũng thua, huống chi là bọn ngụy quyền”.
Hắn ăn nói cách đó, làm nhiều cán bộ trong cơ quan có muốn phê bình, chỉ trích nó, mà không được, vì hắn ca ngợi cách mạng, chứ không nói xấu. Có người bảo rằng, hắn có ba ông cậu, một ông là Ủy Viên Trung Ương Đảng, trưởng ban tổ chức. Ông nầy là một thứ siêu tổng thống, cả ông Tổng Bí Thư Đảng cũng phải nể nang. Hai ông kia cũng cầm đầu những cơ quan chính yếu. Họ còn đồn thêm, bố nó đi làm cách mạng, hình như là Bí Thư Tỉnh Ủy nào đó. Nhưng cũng có người nói rằng bố nó bị Việt Cộng chặt đầu. Không ai biết chính xác. Mấy anh chị cán bộ miền Bắc cũng ngán nó, thật hay giả chưa biết, nhưng cứ sợ trước đi, cho chắc ăn, yên thân. Sợ là cái ám ảnh lớn số một của những người có kinh nghiệm sống dưới chế độ Cộng sản.
Đến cái Tết thứ ba, kể từ ngày chiến tranh chấm dứt. Toàn thể công ty bỏ dở công việc, xúm lại xem giết bò ăn tất niên. Người công nhân giáng búa tạ vào đầu con bò gầy guộc. “Bốp”. Con bò lao đao, cái đầu gục xuống, rồi gượng lên, cố kéo sợi dây buộc qua mũi, để chạy thoát, nhưng vô vọng. Nhiều bà ôm mặt thét lên sợ hãi. Sống ở thành phố, họ chưa bao giờ thấy được cảnh giết trâu bò. Cái đầu con bò đưa qua đưa lại, như đang chơi trò đùa với người công nhân cầm búa, anh cứ dáng búa lên, mà chưa bổ xuống vì ngại đánh trật. Thằng Khỉ gió cười ha hả nói: “À, con bò nầy phản cách mạng, ngoan cố, không chịu chết cho rồi. Cố sống dai, thiếu lập trường vô sản”.
Mấy chị cán bộ quay lại nhìn thằng Khỉ Gió với ánh mắt giận hờn, hậm hực. Những người khác thì cười thích thú lắm. Người công nhân cầm búa tạ, bổ tới tấp, bổ liên tục lên cái đầu con bò, làm nhiều bà, nhiều cô “dân ngụy” la lên bất nhẫn. Một cô thét to: “Thôi, thôi! Khiếp quá, ăn uống chi mà ác vậy?”
Thằng Khỉ Gió cười hô hố: “Thôi sao được? Nhân dân ta đang phát huy cách mạng tính mà.”
Mấy bà mấy cô từ miền Bắc vào tiếp thu miền Nam, thì thản nhiên, bình tĩnh. Có lẽ họ đã quen nhìn thấy cảnh hạ bò, giết heo. Cuối cùng con bò sụm xuống, nằm xuôi chân trên nền đất.
Thằng Khỉ Gió lại la lên: “Có thế chứ! Bây giờ nó đã giác ngộ cách mạng rồi đó.”
Một người cầm con dao lách vào cổ bò, máu phun xối xả vào cái thau nhôm. Mấy chị cán bộ xúm lại, bưng thau uống máu ừng ực. Máu dính đầy mồm, đầy mũi, và đưa tay quẹt. Thằng Khỉ gió lại la lớn: “Ma-cà-rồng bà con ơi. Ma-cà-rồng hút máu”
Mấy chị cán bộ nói: “Uống đi, máu tươi bổ huyết. Ăn tiết canh cũng vậy thôi”
Mấy cô nhỏ tuổi kêu lên khe khẽ trong cổ họng vì ghê tởm. Một anh cán bộ trầm giọng nói: “Mấy cô nầy còn có tác phong tư sản. Chưa chịu đói thì còn làm bộ tịch, còn õng ẹo, chê bai. Để rồi xem, thời gian nữa mới biết đá, vàng.”
Một cô lên giọng đáp: “Đã đói vàng con mắt ra rồi, chứ chưa đói đâu! Khoai, sắn, bo bo, bột mì, cháo lỏng, đủ hết rồi!“
“Đói như thế, có nghĩa lý gì, chưa thể gọi là đói được.”
Một chị khác, nói giọng mỉa mai: “Đúng vậy, được ăn độn đã là ấm no, hạnh phúc lắm rồi đó.”
Con bò nầy bị giết chết cho toàn công nhân viên của công ty ăn Tết. Từ đầu năm, phòng tài vụ đã tự động trừ lương mỗi người, để mua chung con bò, nuôi cho lớn mà ăn tất niên. Ngày mới mua về, cái mông con bò tròn trịa, láng mềm. Thằng Khỉ Gió thường nói nhỏ: “Con bò nầy có cái mông đẹp nhất công ty, không có cô nào, bà nào mà sánh bằng. Đẹp nhất là cô Hoa, cái mông cũng thua xa mông bò.”
Nó nói tào lao vậy, mà ai cũng công nhận là đúng. Sau hơn nửa năm thấm nhuần cách mạng, cái bụng con bò thót lại, xương sườn nổi lên rõ rệt dưới làn da, có thể đếm được mà không sót cái nào. Cái mông đẹp đẽ ngày trước, nay lồi lõm trơ xương, khốn khổ. Bây giờ thằng Khỉ Gió gặp ai cũng thì thầm: “Cách mạng tiêu điều cho đến cả cái mông bò”. Nhiều người nghe nó nói khoái tai, nhưng lại sợ sệt.
Một anh cán bộ nói lớn cho mọi người cùng nghe: “Một con bò mà mấy trăm người ăn, thì mỗi người được mấy miếng? Ngoài Bắc mỗi lần Tết, mỗi người mua được hai chục ký thịt. Nhà chừng năm người, thì mua được cả trăm ki-lô, ăn mới đủ."
Thằng Khỉ Gió nghe vậy, hỏi thẳng: “Cọp hay sao mà ăn thịt nhiều vậy? Ở miền Nam, ngày chưa được ‘giải phóng’, phải ăn độn toàn thịt gà, thịt heo, bò, và phải ăn cháo...cháo...bào ngư.”
Đám đông cười ầm ỉ, anh cán bộ đỏ mặt, một người nạt thằng Khỉ Gió như để vớt vát, cho anh cán bộ đỡ thẹn thùng: “Mầy ăn nói bậy bạ quá. Uống bao nhiêu viên thuốc liều vậy?”
“Em cùi rồi, đâu có sợ lở. Vã lại có người nạp thuốc súng vào mồm, nổ điếc tai quá, em phản pháo lại một quả nhè nhẹ chơi.”
Con bò được mổ ra, chia cho các phòng trong công ty, để cùng liên hoan, chào mừng một năm đạt thành tích. Cuối năm, phòng kế hoạch của công ty cố rặn óc, tưởng tượng ra thành tích mà báo cáo lên sở, lên thành. Trưởng phòng kế hoạch là một chị kỹ sư kinh tế xây dựng, tốt nghiệp tại miền Bắc. Chị chỉ thị cho thằng Khỉ Gió soạn thảo bản báo cáo thành tích cuối năm, dựa theo các báo cáo hoàn tất công tác của các công trường đưa về. Khi thảo xong, đưa cho chị trưởng phòng đọc, càng đọc, thì cái mặt chị càng nhăn nhúm, méo mó. Chị toát mồ hôi và gằn giọng: “Viết báo cáo thành tích như thế nầy, thì đi tù cả đám. Nầy, anh cứ làm theo lời tôi, công trường nào hoàn tất dược chừng hai chục, ba chục phần trăm, thì báo cáo bảy tám chục, mà hoàn tất được bảy tám chục, thì báo cáo một trăm phần trăm. Có thế mới là cái ưu việt của xã hội chủ nghĩa.”
Thằng Khỉ Gió hỏi thêm: “Còn những công trường chưa khởi công thì sao?”
“Anh cứ báo cáo hoàn tất bốn năm chục phần trăm cho tôi.”
“Chị Dung ơi, tôi nghe các anh chị cách mạng có bản sao mấy trang sách cuội làm bí kíp xây dựng xã hội. Chị có thể cho tôi mượn đọc sơ qua, mà làm báo cáo chăng?”
Chị trưởng phòng ngơ ngác không hiểu ‘bí kíp’ là cái gì, và xưa nay, có lẽ cũng chưa nghe ai ăn nói liều mạng như vậy, nên tưởng Khỉ Gió nói điều nghiêm túc, bèn lục hồ sơ cũ, lấy tờ báo cáo năm trước, đưa cho Khỉ Gió, và bảo cứ dựa theo đó mà viết.
Thằng Khỉ Gió hay ăn nói vong mạng, anh em sợ có ngày ‘cách mạng’ bắt Khỉ Gió đi tù, nên càng cố bày ra một huyền thoại, nửa thực, nửa giả bao quanh cái lý lịch của Khỉ Gió. Một anh kỹ sư, bị giao nhiệm vụ viết báo cáo về "Sáng kiến cải tiến kỹ thuật", nghĩ mãi không biết viết gì, nhức đầu quá, anh đi quanh, ghé lại phòng kế hoạch nói với Khỉ Gió: “Tuần trước, tôi thấy anh ở trong nhà ông bí thư thành ủy đi ra. Ngồi trên ‘xe con’ của ông ấy. Anh đi đâu vậy? Có việc gì không?”
“Chắc anh thấy lầm tôi với ai đó. Không phải tôi đâu.”
“Làm sao mà lầm được, cái miệng anh cười, cái áo màu nâu nầy. Tôi đâu có lòa mắt.”
Chị trưởng phòng nhìn Khỉ Gió có vẻ e dè. Khỉ Gió thường bảo rằng, những người "cách mang" sống trong nghi ngờ, lo sợ thường trực, và luôn luôn giữ mồm giữ miệng, không dám nói đùa, sợ bị hiểu lầm mà mang vạ. Họ sợ cọp, cho nên thấy phân cọp cũng sợ, mình là phân dê, mà họ tưởng phân cọp, thì cứ để họ tưởng. Người khác, mà không có cái huyền thoại bao trùm chung quanh, thì chắc là bị bắt đi tù từ lâu rồi.
Tiệc liên hoan tất niên gồm có thịt bò kho ăn với bánh mì và cháo. Trước khi ăn, chị cán bộ trưởng phòng dặn nhỏ Khỉ Gió là đừng múc cháo đầy chén. Múc chừng một phần ba chén thôi, ăn thật mau, rồi múc thêm chén khác thật đầy. Như thế là ăn được hai chén. Khỉ Gió không nghe lời chị, múc một chén thật đầy cho ăn chắc, lỡ cháo hết, không còn mà múc chén thứ hai, uổng của. Trước khi mở màn cuộc liên hoan, anh cán bộ thủ trưởng đọc diễn văn, ca ngợi đảng cộng sản, ca ngợi xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, nên mới có được thành quả vẻ vang, là bữa tiệc hôm nay. Chị trưởng phòng chăm chú ăn, không nói một lời. Chị múc được chén cháo thứ hai. Chị trách Khỉ Gió: “Thế là anh chỉ được một chén thôi nhá. Tôi đã dặn kỹ mà anh không nghe.”
“Lấy một chén đầy cho ăn chắc chị ơi. Cuộc sống bấp bênh, ai biết chắc chuyện gì ở phút sau?”
Cả công ty đang ăn uống, cười đùa, chỉ có anh Trần đứng ngoài phòng nhìn vào nháy nhó. Anh thủ trưởng hỏi: “Sao anh không ăn?”
"Lâu ngày, ăn khoai sắn, không quen ăn thịt, sợ ăn vào đau bụng, phí của 'dzời' đi!"
Anh Trần ghé vào tai thằng Khỉ Gió mà thì thầm: “Không ăn cháo cọng”. Nhiều lần, anh Trần có nói với bạn bè rằng, muốn lên núi hái rau vi, bắt chước Bá Di, Thúc Tề ngày xưa.
Ăn xong, thì các anh các chị cãi nhau dữ dội về nửa ký thịt heo mà mỗi người được mua. Người chê toàn mỡ, kẻ chê bạng nhạng, da. Anh phó thủ trưởng công ty đòi kiểm tra, và xét những miếng thịt của các chị trong ban “vật tư” làm các chị tái mặt.
Năm nay, mỗi người được mua nửa phong pháo nhỏ. Người ta đoán, nhà nước đã “kiểm kê” được của một tiệm nào đó, nên bán cho nhân viên xài chơi. Danh từ "kiểm kê" vào thời nầy, được hiểu đồng nghĩa với tước đoạt, tịch thu. Có lần thằng Khỉ Gió nói với chị trưởng phòng rằng: "Chiếc xe đạp của tôi được kẻ gian kiểm kê rồi, cho nên phải đi làm bằng xe lam".
Nói xong nó cười hề hề. Thế rồi lần họp công đoàn, thằng Khỉ Gió bị một anh đang phấn đấu để vào "đoàn" đặt vấn đề, và đòi "phê bình xây dựng".
Tết năm đó, thằng Khỉ Gió bắt thăm, nhằm phiên trực gác đêm 30 Tết. Phải ngủ lại cơ quan. Khỉ Gió đâu có e ngại gì, nó nói ngủ nhà, hay ngủ tại sở, cũng thế thôi. Khỉ Gió chẳng có vợ con gì mà lo. Nó nói, bên ngoài cổng cơ quan, thì đã có bảo vệ canh gác, bên trên lầu, thì có mấy hộ của cán bộ ở, mà nếu có ai muốn vào đây phá hoại, thì cũng là "phe ta" cả. Khỉ Gió ôm mền, chiếu, và cuốn truyện nhan đề là “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng vào nằm đọc. Hai buổi tối liên tiếp theo sau đó, Khỉ Gió tình nguyện gác thay cho những người kế tiếp. Sau đó anh Trần biết được chuyện tình nguyện của Khỉ Gió, anh sợ nó có âm mưu gì, làm điều dại dột rồi lỡ bị bắt, không được gì mà thêm khổ thân. Anh khuyên nó. Nó thú thật với anh, là ba đêm liên tiếp, chị cán bộ trên lầu mò xuống, ăn nằm với nó.
Nó kể rằng, đêm đầu tiên, chị xuống nói chuyện, rồi pha trà bưng xuống mời. Chị nói chuyện, và xưng là tự xưng là “mình”. Thấy chị cũng trắng trẻo, có da có thịt, không xấu, nó sinh tà ý. Thấy hai con mắt của chị long lanh, toát ra đầy thèm muốn, nó kêu đùa là “mình ơi”. Thế là chị chồm đến, ôm lấy nó. Nó không dám đồng tình, mà cũng không dám xô chị ra. Hắn rên rĩ nho nhỏ: “Thằng chồng của chị nó xuống đây bắn nát đầu óc tôi ra. Tôi chưa muốn chết đâu.”
Chị thều thào: “Ông ấy đi cả tháng chưa về, bây giờ đang ở Sông Bé, mồng ba Tết mới về cơ.”
Khỉ Gió hỏi: “Thật không?”
Chị trả lời chắc nịch: “Thật chứ! Không thì tôi đâu dám xuống đây”.
Rồi chị đè thằng Khỉ Gió ra mà hành động, tham lam, vồ vập, hối hả. Thằng Khỉ Gió chợt nhớ lại một đoạn trong cuốn truyện Số Đỏ mà hắn đang đọc, hắn bắt chước nhân vật trong tiểu thuyết, thều thào kêu nho nhỏ: “Bớ ông Cẩm ơi! ‘Kíu’ con với, ‘kíu’ con với!”.
Chị cán bộ đánh vào nó, nói: “Khỉ nào. Vui thế nầy, ‘kíu’ cái nỗi gì?”.
Hắn còn nói: “Thế là tôi đã dâng cả cái trinh tiết của tôi lên cho cách mạng rồi. Mất cái trinh tiết đi, sau nầy làm sao mà lấy vợ được? Bắt đền ‘mình’ đó.”
Chị cán bộ cười rinh rích.
Nhờ đi công trường xa, giờ giấc không bị kiểm soát chặt chẽ, thằng Khỉ Gió móc nối được tổ chức vượt biên, và thuyền qua đến Phi Luật Tân, cũng vào đúng kỳ Tết năm kế. Hắn ăn Tết trong trại tị nạn, và thấy sung sướng, vui vẻ hơn cái tết nào cả, vì tương lai tự do đang mở ra trước mắt.
Tràm Cà Mau
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.