"Đại dịch đã để lại những sang chấn thứ cấp, nhưng chúng không được nhìn thấy," nhà hoạt động xã hội 34 tuổi Quách Tinh chia sẻ. "Điều đó khiến tôi vô cùng bức bối."
Ngày 23/1/2020, Vũ Hán trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới bước vào lệnh phong tỏa Covid-19. Mười một triệu cư dân của siêu đô thị này bị buộc phải ở trong nhà, trong đó có Quách Tinh.
Cô đã chứng kiến các doanh nghiệp phá sản, đau khổ lan rộng, và chính quyền lạm dụng quyền lực khắp nơi. "Những điều này không bao giờ được bàn luận sau lệnh phong tỏa. Mọi người phải tự nuốt lấy đau khổ."
Lệnh phong tỏa kéo dài 76 ngày này đánh dấu một khởi đầu của sự cô lập toàn cầu vì đại dịch. Đối với giới trẻ Vũ Hán, đây là một bước ngoặt định hình cuộc sống của họ cho đến tận ngày nay.
"Năm năm là một khoảng thời gian ngắn trong lịch sử, nhưng lại rất quan trọng đối với người trẻ," Giáo sư Dali Yang từ Đại học Chicago nhận xét. "Là nơi khởi nguồn của đại dịch, nhiều người ở Vũ Hán vẫn mang trong mình nỗi sợ hãi kéo dài."
Cơn bão bất ngờ
Câu chuyện bắt đầu vào đêm giao thừa năm 2019, khi Ủy ban Y tế Vũ Hán công bố 27 ca nhiễm đầu tiên do một loại virus chưa được xác định.
Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng về việc lây truyền từ người sang người và các bệnh viện bị quá tải, chính quyền địa phương vẫn tuyên bố rằng tình hình "có thể phòng ngừa và kiểm soát được." Họ thậm chí còn tổ chức một bữa tiệc trang trọng với sự tham gia của 10.000 gia đình, đồng thời bịt miệng các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo.
Thông điệp bình thản từ chính quyền đã che đậy nguy cơ ngày càng gia tăng. Khi Quách Tinh nhận thấy thuốc cảm biến mất khỏi các kệ hàng, cô không chú ý lắm. "Tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ đi xa đến vậy," cô nói.
Người dân tiếp tục chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, không hay biết về cuộc khủng hoảng đang tới gần. "Tôi nghe tin đồn về lệnh phong tỏa, nhưng vẫn đi ăn lẩu với bạn bè," Lật Tử, 24 tuổi (không phải tên thật), kể lại. "Chúng tôi không nghĩ đó là vấn đề lớn."
"Mẹ tôi thậm chí còn suýt vào chợ Hải sản Hoa Nam để mua đồ ăn. Chỉ nhờ tài xế taxi bảo rằng có chuyện gì đó lạ ở đó, bà mới quyết định đi nơi khác."
Các quan chức y tế sau đó truy tìm các ca đầu tiên tại chợ Hải sản Hoa Nam, nơi được cho là có bán động vật hoang dã.
Vào lúc 2:30 sáng ngày 23/1 giờ địa phương, chỉ hai ngày trước Tết Nguyên đán, Bắc Kinh bất ngờ ra lệnh phong tỏa toàn bộ Vũ Hán. Trong vòng ba tháng, thành phố báo cáo gần 3.900 ca tử vong, mặc dù nhiều người tin rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều.
Lưu Đình, một người Đài Loan 33 tuổi làm việc tại Vũ Hán, đã tận mắt chứng kiến cái giá phải trả về con người.
"Các nhà hỏa táng đều quá tải, không có xe cấp cứu. Thi thể phải để ở nhà trong nhiều ngày," cô nhớ lại. "Cuối cùng, khi có người đến mang đi, không ai trong gia đình được phép đi theo đến nhà hỏa táng." Giống như rất nhiều người khác, họ chết trong cô độc.
Khi khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, Lưu phải đối mặt với một tình thế khó khăn. Khi Đài Bắc tổ chức các chuyến bay sơ tán, cô không thể đưa bạn gái - một công dân Trung cộng đại lục - đi cùng, bởi luật hôn nhân đồng giới của Đài Loan khi đó không áp dụng cho công dân đại lục.
"Tôi không thể bỏ bạn gái lại," cô nói.
Tình hình của họ ngày càng trở nên tuyệt vọng. Các quan chức đã niêm phong căn hộ của hai người bằng một thiết bị báo động ở cửa. Sau đó, họ bịt kín lối vào tòa nhà bằng các tấm kim loại, chỉ chừa lại một lỗ nhỏ để giao thực phẩm.
Lệnh phong tỏa đã gây ảnh hưởng nặng nề. Khi một cuộc biểu tình của cộng đồng gần đó biến thành bạo lực, Dương, bạn gái của Lưu, tuyệt vọng chỉ để chứng kiến cảnh tượng bên ngoài sau thời gian dài cách ly, đã cố gắng chui qua lỗ giao hàng và bị thương nặng ở mắt cá chân.
"Chúng tôi đến bệnh viện, nhưng không ai có thời gian xử lý vết thương của cô ấy," Lưu kể. "Chúng tôi tự băng bó vết thương."
'Không có nhân tính'
Những biện pháp phong tỏa khắc nghiệt là sự thức tỉnh chính trị cho nhiều người. Lật Tử, người trước đây chỉ dùng VPN để giải trí, bắt đầu khám phá các câu chuyện đáng lo ngại về hành vi sai trái của chính quyền.
"Một số quan chức hành xử như xã hội đen," anh nói, miêu tả cảnh các nhân viên công quyền xông vào nhà dân, đánh đập người già, và tịch thu các nguồn cung thực phẩm.
"Những người ủng hộ chính quyền nói rằng các biện pháp này cần thiết để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, nhưng tôi không thấy có chút nhân tính nào trong đó."
Căng thẳng giữa chính quyền và quyền cá nhân trở nên rõ ràng nhất trong trường hợp bi thảm của bác sĩ Lý Văn Lượng, người thổi còi đầu tiên về Covid-19.
Bác sĩ Lý Văn Lượng đã cố gắng cảnh báo các đồng nghiệp về một loại virus giống SARS vào cuối năm 2019, nhưng lại bị cảnh sát bịt miệng vì tội "lan truyền tin đồn." Cái chết của ông do chính virus này ở tuổi 34 đã tạo nên một bước ngoặt trong nhận thức của công chúng.
"Tôi vẫn nhớ cảm giác vừa tức giận vừa đau buồn," Lật Tử nói. "Ông ấy thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp của mình, nhưng lại bị phớt lờ và trừng phạt."
"Một bộ máy quan liêu ở mức ngạo mạn nhất. Điều đó khiến tôi cực kỳ phẫn nộ."
Trong khi sự tức giận của Lật Tử sôi sục, những người khác như Tống Ninh (không phải tên thật), một nhân viên công nghệ ở độ tuổi 30, lại nhìn nhận nó với một sự quen thuộc đến chán nản.
"Tôi nghĩ đó chính xác là điều sẽ xảy ra ở thời điểm đó," anh nói. "Đó là điều bình thường ở Trung cộng. Họ sẽ cố gắng kiểm soát dư luận trước tiên."
Bài đăng cuối cùng trên mạng xã hội của bác sĩ Lý đã trở thành "Bức Tường Than Khóc của Trung cộng," thu hút hơn một triệu bình luận bày tỏ đau buồn và bất mãn.
"Tôi nghĩ rằng với chính phủ Trung cộng, lệnh phong tỏa này là một thử nghiệm để thắt chặt sự kiểm soát," Quách Tinh nói. "Đó có lẽ là điều đáng sợ hơn cả."
Mặc dù bao quanh là hệ thống giám sát, Quách đã tìm cách phản kháng. Cô gọi video cho bạn bè và phát động một chiến dịch chống bạo lực gia đình trong thời gian phong tỏa. Điều này sau đó dẫn đến "sự quấy rối từ cảnh sát," nhưng cô không muốn tiết lộ chi tiết.
"Lệnh phong tỏa không gây hại cho tôi," cô nói. "Chính sự lạm dụng công quyền đã gây ra điều đó."
Tác động lâu dài
Lệnh phong tỏa Vũ Hán kết thúc vào ngày 8/4/2020, nhưng mô hình này đã được nhân rộng trên khắp Trung cộng. Đất nước này duy trì chính sách "Zero Covid" nghiêm ngặt trong gần ba năm.
"Không ai trong chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ kéo dài như thế này," Lưu Đình nói. "Tất cả chúng tôi đều sốc."
Chính sách này sụp đổ khi các cuộc biểu tình toàn quốc - được gọi là biểu tình Giấy Trắng đã đem đến sự thay đổi vào tháng 12/2022. Được đặt tên theo những tờ giấy trắng tượng trưng cho sự kiểm duyệt, các cuộc biểu tình nổ ra sau vụ cháy gây chết người ở Tân Cương, nơi nhiều người tin rằng các hạn chế Covid đã khiến nạn nhân bị mắc kẹt.
Trong khi Bắc Kinh khẳng định rằng họ "đặt người dân lên hàng đầu," hậu quả của chính sách này đã để lại những vết thương trong lòng giới trẻ Trung cộng. Một số người, như các nhà hoạt động cùng nhóm với Quách, chọn cách sống lưu vong để thoát khỏi "sự quấy rối dai dẳng của công an."
Những người khác ở lại trong nước nhưng đối mặt với những thách thức mới, như tình trạng sa thải hàng loạt và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức kỷ lục vào năm 2023.
"Mọi thứ giờ đây đều rẻ hơn, nhưng không ai chi tiêu," Lật Tử nói. "Có một điều gì đó căn bản đã thay đổi, và chúng ta không thể quay lại được nữa."
Giáo sư Dali Yang từ Đại học Chicago cho rằng "thế hệ Covid" sẽ chịu tác động lâu dài. Sự cô lập kéo dài đã làm tổn hại kỹ năng xã hội và triển vọng nghề nghiệp khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học phải làm các công việc như lái xe taxi.
"Đây không chỉ là vấn đề tìm việc tại thời điểm hiện tại, mà có thể là ảnh hưởng cả đời," ông nói. "Họ không xây dựng được kỹ năng chuyên môn, và sự nghiệp của họ sẽ bị đình trệ."
"Cuối cùng, điều này có thể ảnh hưởng đến các quyết định lớn trong cuộc đời - từ kết hôn đến kế hoạch hóa gia đình."
Năm năm trôi qua, Giáo sư Yang cho rằng sự minh bạch là điều cần thiết để chữa lành chấn thương tập thể. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Bắc Kinh liên tục ngăn chặn dư luận về những gì thành phố Vũ Hán đã trải qua.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn tiếp tục gây áp lực lên Trung cộng để chia sẻ thông tin về nguồn gốc virus. Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đã hợp tác "sớm nhất có thể" và bác bỏ các cáo buộc "thao túng chính trị."
Những nỗ lực kiểm soát câu chuyện vẫn tiếp diễn trong biên giới Trung cộng. Nhà báo Trương Chiếm bị kết án bốn năm tù vì ghi lại đợt bùng phát dịch ở Vũ Hán. Bộ phim về phong tỏa của đạo diễn Lâu Diệp bị cấm chiếu ở Trung cộng, và dư luận trên mạng xã hội bị kiểm duyệt.
"Chính phủ đã trở nên tinh vi hơn trong việc đàn áp bất đồng," Lật Tử nói. "Và mọi người đã trở nên tê liệt trước bất công xã hội."
Tống Ninh ghi nhận lệnh phong tỏa đã ngăn chặn tình trạng bệnh viện quá tải, nhưng vẫn bất mãn trước sự che đậy ban đầu của chính quyền. Giống như nhiều người khác, anh đã thôi hy vọng tìm được câu trả lời.
"Ở đây chúng tôi không có sự thật," anh nói. "Không phải dưới chế độ này. Đối với chính quyền, người dân không xứng đáng biết sự thật."
Martin Yip
132 tử vong _ Người nước ngoài sơ tán khỏi Vũ Hán |
3 điểm truyền thông vẫn mắc sai lầm về lý thuyết phòng thí nghiệm Vũ Hán |
910 người tử vong _ Thi thể vứt bỏ ra ngoài cửa nhà ở Vũ Hán? |
Bức thư đau lòng từ Vũ Hán của Lm. Sơn Nhân |
Các nạn nhân đáng chú ý tại Vũ Hán |
CẬP NHẬT _ diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán |
Chỉ 6% người Mỹ tử vong hoàn toàn do virus Vũ Hán |
Chưa tiết lộ về virus Vũ Hán của tình báo Hoa Kỳ khiến các nghị sĩ chú ý |
Coronavirus có bàn tay CIA hay bộ quốc phòng ở Vũ Hán? |
Đại sứ Trung cộng giải thích vì sao có nhiều bình tro ở Vũ Hán |
Đấu đá chính trị nội bộ tại Vũ Hán Trung cộng |
Đi tìm nguồn gốc 'virus Vũ Hán' |
Dịch viêm phổi Vũ Hán _ 41 ca tử vong; Úc xác nhận 4 ca nhiễm |
Dịch Vũ Hán là đòn cuối cùng để Hoa Kỳ bỏ sự phụ thuộc vào Trung cộng |
Đồ thị bịnh dịch Vũ Hán tại Mỹ |
Giải đáp thắc mắc về coronavirus Vũ Hán |
Giáo sư Đại học Harvard nói virus Vũ Hán là vô cùng nghiêm trọng |
Làm sao biết Vũ Hán bao nhiêu người bị Covid-19? |
Một năm sau đại dịch nghiêm trọng ở Vũ Hán |
Nguồn gốc Covid-19 từ phòng thí nghiệm Vũ Hán |
Nhạc sĩ nói về việc bỏ ''Vũ Hán'' khỏi lời bài 'Ghen Cô Vy' |
Nhật ký Covid-19 của nhà văn Phương Phương _ Vũ Hán |
Nhật ký Vũ Hán - sống một mình trong một thành phố vắng lặng |
Những câu hỏi về virus corona Vũ Hán |
Nước Úc 'thoát Trung' thời viêm phổi Vũ Hán |
Pháp đã cảnh báo Hoa Kỳ năm 2015 về phòng thí nghiệm Vũ Hán |
Thành phố ma ở Vũ Hán do dịch bệnh coronavirus |
Thế giới đang làm gì để chấm dứt dịch Vũ Hán |
Trung cộng từ chối cho chuyên gia Mỹ tới Vũ Hán |
Vì đâu người Vũ Hán ồ ạt tháo chạy trong tuyệt vọng trước đại dịch? |
Virus 2019-nCoV _ TC phong tỏa Vũ Hán, VN có 'hai ca ở VN |
Virus Vũ Hán bị nghi là sản phẩm của chương trình chiến tranh sinh học? |
Vũ Hán _ Tàu cộng làm ác gặp ác |
Vũ Hán chết nhiều _ thị trường chứng khoán giao động |
Vũ Hán có thể đã bị virus corona từ sớm qua ảnh vệ tinh |
Vũ Hán đang bị virus corona bóp nghẹt là trái tim của Trung cộng? |
Vũ Hán không thể dập tắt bao nghi vấn về vũ khí sinh học? |
Vũ Hán nhận thêm 40 lò hỏa táng di động |
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.