Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung cộng, Việt Nam và thế giới.
Trung cộng Đại lục (*)
Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung cộng (NHC) sáng 12/3 công bố số ca nhiễm tại Trung cộng chỉ tăng thêm 18 trường hợp, lên 80.796 ca; số ca tử vong tăng thêm 11 trường hợp, lên 3.169 người. Đây là con số thấp nhất của nước này trong vòng hơn 2 tháng qua.
Chính quyền Bắc Kinh hôm 11/3 tuyên bố tất cả người nước ngoài tới thành phố sẽ bị cách ly 14 ngày. Quy định trước đó chỉ yêu cầu cách ly đối với các cá nhân từ những quốc gia có nguy cơ cao gồm Ý, Iran, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cùng ngày, Bắc Kinh ghi nhận 6 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán ở những người trở về từ Ý và Mỹ, theo truyền thông nhà nước.
(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung cộng. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung cộng công bố.
Thế giới
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch.
WHO đã tuyên bố dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) là đại dịch. Số ca nhiễm bên ngoài Trung cộng đại lục đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua.
Thế giới 24h qua có thêm Honduras, Bờ Biển Ngà, Cuba, Polynesia thuộc Pháp và đảo Reunion (nằm ở Ấn Độ Dương nhưng thuộc Pháp) là những nước lần đầu công bố có ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch lên 124 + 1 du thuyền Diamond Princess. Toàn thế giới đã có hơn 126.000 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong.
Thế giới 24h qua cũng có thêm hơn 7.300 ca nhiễm mới và ít nhất 337 ca tử vong mới, con số cao kỷ lục kể từ đầu dịch. Trong đó, riêng châu Âu đã có tới 4.994 ca nhiễm mới, chiếm 70% tổng số ca nhiễm mới của toàn thế giới.
Thế giới đã có 8 nước nằm trong Danh sách các nước có trên 1.000 ca nhiễm (G8 1000+), gồm Trung cộng, Ý, Hàn Quốc, Iran, Đức, Pháp, và Tây Ban Nha và Mỹ. Một số nước đang dần tiến về nhóm này gồm Thuỵ Sĩ, Nhật, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Thuỵ Điển.
Châu Âu trong 24h qua đã có thêm nhiều quốc gia có thêm ca tử vong do dịch bệnh, bao gồm Albania (ca đầu tiên), Anh (thêm 2 ca), Bỉ (3 ca đầu tiên), Bulgaria (ca đầu tiên), Đức (thêm 1 ca), Hà Lan (thêm 1 ca), Ireland (ca đầu tiên), Pháp (thêm 15 ca), Tây Ban Nha (thêm 19 ca), Thuỵ Điển (ca đầu tiên), Thuỵ Sĩ (thêm 1 ca), và Ý (thêm 196 ca).
Ý: Trong 24h qua, Ý tăng tới 2.313 ca nhiễm mới và 196 ca tử vong mới, con số cao chưa từng có kể từ đầu dịch và cũng là tỷ lệ tăng cao nhất thế giới, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.462 ca và tổng số ca tử vong lên 827 ca, tỷ lệ tử vong hiện đã lên tới 6,6%, cao nhất thế giới. Hiện Ý đã phong tỏa toàn bộ đất nước, động thái cứng rắn chưa từng có trong lịch sử hiện đại của quốc gia này. Nhà chức trách đã cấm tất cả sự kiện công cộng, đóng cửa trường học, khu vực công cộng, bao gồm bảo tàng, rạp chiếu phim, đình chỉ các hoạt động tôn giáo, gồm đám tang và đám cưới.
Đức: có 343 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.908 và tổng số ca tử vong lên 3. Thủ tướng Đức cho biết ưu tiên của nước này hiện nay là làm chậm sự lây lan của virus. Bà cũng nói các nhà khoa học tin rằng 60-70% người dân sẽ nhiễm bệnh. Đức đã bắt đầu áp dụng quy trình kiểm duyệt đối với các đơn hàng xuất khẩu thiết bị y tế trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng cao.
Tây Ban Nha: có 582 ca nhiễm mới và 19 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.277 và số ca tử vong lên 55. Hiện Tây Ban Nha có số ca nhiễm cao thứ 3 châu Âu và số ca tử vong cao thứ 2 châu Âu, chỉ sau Ý. Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha cho biết nước này đang cố gắng “tránh lặp lại kịch bản của Ý”. Tây Ban Nha đã cấm tất cả hoạt động có trên 1.000 người; các trận đấu của giải bóng đá La Liga sẽ diễn ra mà không có khán giả tham dự. Thủ đô Madrid cũng đã đóng cửa tất cả trường học trong 2 tuần, kể từ ngày 11/3.
Hungary đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch COVID-19 cho dù nước này mới có 13 ca nhiễm. Nước này đã ban bố lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Trung cộng, Hàn Quốc, Iran và Ý.
Anh có thêm 73 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 456. Chuyên gia tại Đại học London cảnh báo lây nhiễm virus corona ở Anh đang diễn ra tương tự mô hình bùng phát tại miền Bắc Ý và dự báo nước này sớm áp dụng chiến thuật phong tỏa.
Iran cũng là quốc gia có một ngày tang tóc nhất kể từ đầu dịch với 958 ca nhiễm mới và 63 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.000 và tổng số ca tử vong lên 354. Nhiều ý kiến cho rằng số người nhiễm bệnh thực tế tại Iran cao hơn nhiều so với số liệu được chính phủ công bố do Iran gặp nhiều khó khăn trong xét nghiệm, quản lý và kiểm soát sự lây lan của virus. Mới đây nhất, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri và hai bộ trưởng nội các Iran cũng được xác nhận nhiễm COVID-19, gồm Bộ trưởng Di sản văn hóa và Du lịch Ali Asghar Mounesan và Bộ trưởng Công nghiệp, Khai mỏ và Doanh nghiệp Reza Rahmani. 5 thành viên thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nước này, cùng một thành viên của lực lượng bán vũ trang Basij do Vệ binh Cách mạng hậu thuẫn, đã tử vong vì virus corona. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 10/3 tuyên bố các bác sĩ và y tá tử vong trong cuộc chiến chống virus corona sẽ được công nhận là người “tử vì đạo”.
Tại các quốc gia Trung Đông khác, virus corona cũng đang tiếp tục lan rộng. Nhà chức trách Bahrain cho biết số người nhiễm COVID-19 tại nước này là 195 ca, tăng 85 ca so với trước đó. Trong đó, 77 ca nhiễm virus corona là những người được Bahrain di tản từ Iran. Ả Rập Xê Út tăng thêm 25 ca; Israel tăng thêm 22 ca; Lebanon tăng thêm 9 ca.
Qatar: Số ca nhiễm của nước này tăng đột biến với 238 ca nhiễm mới so với ngày trước đó chỉ có 24 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 262. Nước này cho biết những ca nhiễm mới này đều được xác định từ số người đang được cách ly, do đó không ảnh hưởng đến cộng đồng. Qatar đã đóng cửa trường học, ngừng các sự kiện công cộng.
Hàn Quốc: Số ca nhiễm tại nước này tăng trở lại sau 5 ngày giảm liên tiếp, nâng tổng số người nhiễm lên 7.755, trong đó 60 người tử vong. Thêm 2 cụm lây nhiễm mới được phát hiện ở tổng đài Seoul và ở một lớp học Zumba, khiến các quan chức nước này vẫn thận trọng trước việc dịch bệnh có thể bùng phát mạnh trở lại.
Nhật Bản có thêm 52 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 639 và số ca tử vong lên 15.
Hồng Kông có thêm 6 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 126 ca nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’, trong đó có 1 ca là tiếp viên hàng không hãng Cathay Pacific và 5 người vừa trở về sau tour du lịch tại Ai Cập. Đặc khu này đã mở rộng lệnh hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Ý và một số vùng thuộc Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Nhật Bản.
Philippines cũng có một ngày tăng mạnh với 16 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong mới. Như vậy đã có 2 ca tử vong ở Philippines.
Malaysia tăng thêm 20 ca nhiễm, lên 149 trường hợp.
Singapore tăng 12 ca nhiễm mới, lên 178 trường hợp.
Thái Lan có 6 ca nhiễm mới, trong đó có 2 trường hợp là nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế Bangkok và đã tiếp xúc với nhiều du khách trong thời gian trước khi được chẩn đoán. Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan thông báo sẽ tạm hoãn miễn thị thực cho người đến từ Hàn Quốc, Hong Kong và Ý.
Indonesia thông báo ca tử vong đầu tiên là 1 nữ bệnh nhân người Anh ở trên đảo Bali, trước đó đã có nhiều bệnh lý khác. Nước này hiện đang lo ngại lây nhiễm cộng đồng có thể đã xuất hiện khi tuần qua giới chức y tế nước này phát hiện một ca nhiễm chưa từng đến nơi bùng phát dịch và không có liên hệ với bất kỳ bệnh nhân nào xét nghiệm dương tính với virus. Đây cũng là ca nhiễm thứ 27 tại Indonesia.
Mỹ có thêm 323 ca nhiễm mới – con số tăng cao nhất kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.301 trường hợp. 8 ca tử vong mới cũng đã được xác nhận, nâng tổng số ca tử vong lên 38. Trong đó, bang Washington hiện đang có số ca nhiễm nhiều nhất, tiếp sau đó là bang New York, California, và Massachusetts. Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer và nhiều nghị sĩ khác đã kêu gọi Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với dịch bệnh. Ông Trump mới tuyên bố cấm toàn bộ các nước châu Âu (trừ Anh) nhập cảnh vào Mỹ trong 30 ngày tới đây để ngăn dịch lây lan, hiệu lực từ 13/3.
Diễn viên Mỹ Tom Hanks hôm 11/3 cho biết ông và vợ đã dương tính với virus corona.
Đài CBS (Mỹ) đã quyết định đóng cửa trụ sở của mình ở thành phố New York để khử trùng sau khi 2 nhân viên của hãng này được xác nhận nhiễm virus corona. Các hãng truyền thông lớn khác như Associated Press và NBC hôm 11/3 cũng đã công bố kế hoạch làm việc tại nhà. Những đơn vị truyền thông khác như Washington Post, New York Times và CNN đã khuyến khích hoặc cho phép nhân viên làm việc từ xa trong những ngày gần đây.
Việt Nam
Tính đến cuối ngày 11/3, Việt Nam xác nhận thêm 4 ca nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 39. Trong số 4 ca nhiễm mới, có 3 ca có liên quan đến bệnh nhân số 32 ở Bình Thuận, và 1 ca là nhân viên Điện Máy Xanh ở Đà Nẵng.
Bộ Y tế cũng chưa xác nhận ca 39 – một hướng dẫn viên du lịch ở Cầu Giấy, Hà Nội. Tối 11/3, Hà Nội đã phong tỏa ngõ 59/165 đường Cầu Giấy khi xác định bệnh nhân nghi nhiễm trên cư trú tại đây.
Việt Nam tạm dừng thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương cho 8 nước châu Âu, bao gồm: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha từ 0h ngày 12/3.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết có thêm 1 hành khách từng bay trên chuyến bay VN0054 dương tính với virus corona. Tuy nhiên người này hiện đã sang Campuchia và được xác nhận dương tính ở Campuchia. Qua rà soát, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết người này đã tiếp xúc với 56 người tại Việt Nam.
Theo quyết định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tối 11/3, người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính trên chuyến bay VN0054 cần cách ly trong 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Trong thời gian cách ly, cơ quan y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm, giám sát sức khỏe. Trường hợp âm tính vẫn cách ly hết 14 ngày. Còn người tiếp xúc với người tiếp xúc gần bệnh nhân sẽ phải cách ly tại nhà cho đến khi có xét nghiệm âm tính.
Bảo Minh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.