Nhưng có ít người đã nghĩ tới chuyện ngay trước khi nhậm chức, ông đã bóng gió về việc dùng vũ lực để mở rộng lãnh thổ Mỹ như việc kiểm soát Greenland và Kênh đào Panama hay sử dụng sức mạnh kinh tế để sáp nhập Canada.
Nhiều người cũng không lường được rằng người giàu nhất thế giới Elon Musk - người đã quyên góp tới 259 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ông Trump - lại can thiệp mạnh mẽ vào chính trường châu Âu, gọi Thủ tướng Anh Keir Starmer là "ác quỷ", ủng hộ đảng cực hữu Alternative für Deutschland (AfD), một đảng phản đối một châu Âu thống nhất và phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ngay cả khi các mối đe dọa đó chỉ là lời nói suông, thì việc bắt nạt các đồng minh này sẽ làm suy yếu phương Tây theo ba cách.
Thứ nhất, việc ông Trump đe dọa Greenland và Canada - cả hai đều là thành viên NATO - sẽ tạo ra sự ngờ vực trong liên minh vốn là nền tảng của an ninh phương Tây kể từ Thế chiến II.
Thứ hai, các mối đe dọa về vũ lực quân sự của ông Trump - ngay cả khi ông không nghiêm túc về điều đó - thì cũng làm yếu đi lập luận chống lại cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Mỹ và các đồng minh vốn đã lập luận mạnh mẽ rằng các cường quốc không có quyền chiếm đoạt một phần đất đai của nước láng giềng. Giờ đây, khi ông Trump đe dọa sẽ làm điều tương tự, ông ấy không có bất kỳ nguyên tắc nào để phản đối việc xây dựng đế chế của Tổng thống Nga Putin hoặc cuộc xâm lược Đài Loan tiềm tàng của Trung cộng.
Thứ ba, sự can thiệp của tỷ phú Musk có thể đã giúp AfD giành được thêm nhiều sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc tổng tuyển cử của Đức vào tháng tới. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Pháp, quốc gia cũng đang bất ổn chính trị, cũng thu hút sự chú ý của vị tỷ phú này.
Ông Musk có quyền lực không chỉ từ sự giàu có và quyền kiểm soát nền tảng truyền thông xã hội X, mà còn từ ảnh hưởng của ông đối với Tổng thống đắc cử Trump và vai trò của ông trong chính quyền mới với tư cách là đồng lãnh đạo của một bộ phận có nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu chính phủ.
Nếu ông chủ Tesla chuyển hướng chính trị sang cực hữu ở bất kỳ quốc gia lớn nào ở châu Âu, lục địa này sẽ trở nên chia rẽ hơn vào đúng thời điểm mà họ cần đoàn kết lại để tăng cường phòng thủ và cải thiện khả năng cạnh tranh.
Chương trình nghị sự của ông Trump
Canada rõ ràng sẽ không trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Cũng khó có khả năng ông Trump tiến hành xâm lược Greenland hay Panama. Nhưng bên cạnh thông điệp gây mất ổn định của ông ta, rằng sức mạnh là lẽ phải, các đồng minh không thể phớt lờ những lời đe dọa. Tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ có lẽ đang phô trương sức mạnh vì ông muốn đàm phán lại mối quan hệ của Mỹ với các nước láng giềng quan trọng.
Ông Trump có ba yêu cầu lớn đối với Canada: chi tiêu quốc phòng cao hơn, hiện đang ở mức 1,4% sản lượng kinh tế và thấp hơn mục tiêu 2% của NATO; kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn để ngăn chặn buôn bán ma túy; và chấm dứt thặng dư thương mại của nước này với Mỹ - đạt 8,2 tỷ đô la vào tháng 11/2024.
Sau khi Thủ tướng Justin Trudeau từ chức vào tuần trước, ông Trump đang ở vị thế thuận lợi để đạt được ít nhất hai mục tiêu đầu tiên của mình. Lãnh đạo phe Bảo thủ đối lập Pierre Poilievre, người được cho là ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc bầu cử năm nay, đã hứa sẽ chi tiêu quân sự nhiều hơn và tăng cường an ninh biên giới.
Dù ông Trump có thể mong muốn kiểm soát Kênh đào Panama, ông có thể sẽ nhượng bộ, theo nhận định của Jay Truesdale, giám đốc điều hành của TDI - công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại Mỹ.
Các mục tiêu của vị tổng thống đắc cử có thể bao gồm thay đổi quyền của CK Hutchison, công ty có trụ sở ở Hồng Kông quản lý các cửa vào Caribe và Thái Bình Dương của tuyến đường thủy qua Kênh đào Panama này, để tránh mọi rủi ro mà Trung cộng có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của công ty; và giảm phí mà các tàu của Mỹ phải trả khi đi qua.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với trường hợp Greenland. Ông Trump có thể mở rộng các căn cứ quân sự của Mỹ tại Greenland và tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng lãnh thổ này, bao gồm cả đất hiếm, thay vì sáp nhập.
Đan Mạch, quốc gia có chủ quyền đối với hòn đảo lớn nhất thế giới, đã nói rõ rằng họ sẽ hoan nghênh sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ vì Nga và Trung cộng đã gia tăng hoạt động ở Bắc Cực.
Thêm vào đó, nếu 57.000 cư dân Greenland bỏ phiếu giành độc lập, vì họ có quyền, thì ông Trump có thể sử dụng phương pháp cả củ cà rốt và cây gậy (thưởng và phạt) để đạt được các mục tiêu ít tham vọng hơn này.
Dù ông Trump sẽ không có vinh quang của việc lấy về cho Mỹ một vùng lãnh thổ khổng lồ, nhưng Mỹ sẽ có những lợi ích chiến lược nhất định.
Chương trình nghị sự của Elon Musk
Trong khi đó, mong muốn thay đổi bản đồ chính trị châu Âu của ông Musk dường như có thật. Vị tỷ phú công nghệ này cũng có nhiều mối quan tâm thương mại - từ khám phá không gian đến xe điện Tesla và mạng xã hội.
Ông ấy có thể tận dụng ảnh hưởng chính trị của mình để thúc đẩy các doanh nghiệp của mình - cho dù để giành được hợp đồng hay có được những quy định thuận lợi - và sau đó lại sử dụng sức mạnh kinh tế để củng cố quyền lực.
Elon Musk cũng có thể đang chơi dài hạn. Ông chỉ mới 53 tuổi, trong khi ông Trump đã 78 tuổi.
Ông ấy có thể trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong chính trị và kinh doanh toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới. Tất nhiên, ảnh hưởng của doanh nhân này sẽ giảm đi đáng kể nếu ông và ông Trump bất đồng.
Dù rằng vì tổng thống đắc cử đã từng sa thải các trợ lý trong quá khứ, Elon Musk lại không phải một người làm thuê. Bên cạnh đó, ông Trump cho đến nay vẫn thường khen ngợi tỷ phú Musk và chỉ tuần trước còn nói ông Musk "rất thông minh".
Cả hai người đàn ông này dường như đang tận hưởng quyền lực mới có của họ. Họ có thể tạo ra những làn sóng mạnh mẽ bằng cách chà đạp lên các chuẩn mực quốc tế và những phép tắc ngoại giao. Họ cũng nhận thấy rằng việc bắt nạt bạn bè của Mỹ dễ dàng hơn là đối đầu với các đối thủ truyền kiếp của nước này.
Điều này sẽ làm tổn hại đến quyền lực của Mỹ về lâu dài. Mạng lưới đồng minh và sự ủng hộ pháp quyền của Mỹ vốn là một nguồn sức mạnh của quốc gia này.
Các đồng minh của Mỹ có thể cần tăng tốc thuyết phục ông Trump về sự nguy hiểm khi bắt nạt bạn bè nước Mỹ. Họ có thể nói rằng mối đe dọa chính của Mỹ vẫn là Trung cộng và việc để Nga chiến thắng ở Ukraine sẽ là một đòn mạnh giáng vào quyền lực và uy tín của Mỹ.
Có lẽ vị tổng tư lệnh sắp tới của Mỹ sẽ lắng nghe. Nhưng ở thời điểm hiện tại, cả Bắc Kinh và Moscow đều có thể hài lòng trước cách mà nhiệm kỳ Trump 2.0 đang định hình.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.