Chuyến đi hôm đó là chuyến khởi hành đầu năm, ngày mồng 4 Tết. Không nhớ năm Chó hay là năm Heo gì đó... Giữa Tuất với Hợi, tôi cứ lộn hoài. Mà suy theo cái chuyện này, thì chó hay heo cũng đều hợp cả.
Xe tôi "đề ba" rất sớm, hành khách trên 30 người. Còn là ngày Tết - hồi đó mình ăn Tết suốt tháng giêng - nên ai ăn mặc cũng bảnh bao lắm. Phần tôi ngoài cái quần đen bằng lãnh Mỹ-A, áo bà ba lụa Tân Châu trắng, còn khoác một cái áo "vest" nỉ xanh nước biển, đội mũ "Phờ-lê-sê" màu xám lợt, mang đôi bốt-tin đen bóng, phì phèo xì gà. Ngày thường thì tôi mang guốc lái xe cho đỡ nóng chân. Đa số là các thương gia ở Nam Vang, rảnh rỗi ngày xuân trở về thăm quê, một ông nghe nói là công chức bự, mập mạp, ôm cái cặp da phồng cứng, và một ông đeo kiếng trắng gọng vàng, côm-lê chững chạc, hút cái ống vố to kềnh, có vẻ là đại trí thức. Khoảng 12 người đàn ông và trên 20 người đàn bà sang trọng với 3 đứa nhỏ ở tuổi bồng ẵm, nói cười vui vẻ, giống hệt như xe đám cưới đầu xuân.
Còn cách biên giới khoảng 5 cây số thì trời rạng sáng. Tôi vừa cho xe chạy vào một vùng rậm rạp, hai bên là rừng, thì thấy mấy người lố nhố giữa đường. Tôi liền bóp còi, cái còi hồi đó giống như quả bóng cao su, to hơn một trái cam sành cỡ lớn trong có lưỡi gà, gắn gầm tay lái, bóp đầy cả tay nghe kêu từng tiếng khá to ồm ộp như tiếng của ễnh ương mẹ gặp trời mưa lớn.
Nghe còi, đám người không muốn dãn ra nên tôi phải lo rà thắng cho xe chậm lại. Đến gần nhìn thấy bọn họ tôi bỗng đâm hoảng, muốn vọt lẹ luôn nhưng lại không dám, đành phải thắng gấp. Chết mẹ mình rồi, gặp phải bọn cướp! Gần đây nghe nói có bọn cướp cùng băng với Đơn Hùng Tín từng ngang dọc vùng biển Hồ tách xuống ở mạn biên giới dựa chỗ lằn ranh hai nước để chạy qua chạy lại cho dễ ẩn náu. Người ta nói rằng tên đầu nậu này trước kia là một công tử nhà giàu, học hành đàng hoàng, nhưng sau ăn chơi luông tuồng, cờ bạc, hút sách, đĩ bợm, nên bị gia đình từ bỏ rồi đi ăn cướp. Trên con đường đời mà không vững vàng tay lái, không biết rà thắng kịp thời thì lao xuống hố, đó là cái chắc. Một tiếng quát to:
- Tất cả xuống xe mau lên! Không thì tao bắn bể sọ!
Mọi người thất sắc, riu ríu bước xuống. Tên đầu nậu với bộ ria mép, đầu tóc bờm xờm xõa xuống bờ vai, vận đồ màu sẫm, tay cầm súng ngắn đứng trước đầu xe ra lệnh cho đám thủ hạ chừng 5-6 đứa. Bọn này có thằng cầm dao, có thằng cầm súng - chắc là súng giả - nhưng ở trong tay của kẻ quyền lực thì thật với giả nhiều khi là một.
Trong lúc vài tên lên xe hối hả gom các hành lý vào những bao bố thì bọn ở dưới xục xạo trong túi quần áo từng người, móc hết bạc tiền.
Tên đầu nậu nói, gằng giọng:
- Tết này bọn tao thì đói thắt ruột còn bọn tụi bây thì no nứt niềng lại còn rong chơi sướng thấy mồ tổ. Đừng có kêu ca gì nghen. Lo về làm ăn, bốc hốt kiếm bạc, nay mai có dịp gặp lại tao sẽ mượn thêm để xài.
Rồi gã quát hỏi đồng bọn:
- Xong chưa?
- Thưa đại ca, xong!
Tên trả lời có lẽ thuộc về cấp phó, mặt mũi dữ dằn, cũng cầm súng ngắn. Y toan quay đi bỗng nhìn cái ông có vẻ là đại trí thức, gật gù:
- Thằng này có bộ côm-lê ngon ta, tao mặc chắc vừa. Cởi lẹ lên mày!
Ông này bỗng nổi giận lên:
- Các người đã lột sạch tiền còn muốn gì nữa?
Tên cướp đáp lại, lạnh lùng:
- Tao muốn bộ đồ, hoặc cái mạng mày.
Rồi y chĩa súng lăm lăm tiến tới, lặng lẽ giật cái áo vét và ra dấu cho ông này cởi quần. Dĩ nhiên ông này ngoan ngoãn làm theo vì sợ khẩu súng, cho dù đó là súng giả. Ông công chức bự đứng bên bỗng dưng cất giọng run rẩy thúc giục người bạn đồng hành:
- Lẹ lẹ lên anh, kẻo mấy ổng giận.
Ông kia vừa cởi quần xong (thôi, thế là tốt đẹp) nghe nói, lại nổi sùng lên:
- Cái gì mà anh bảo lẹ? Chẳng lẽ còn muốn lột truồng tôi sao?
Cơn giận của ông có vẻ chính đáng nhưng không hợp thời. Bởi nghe nói thế, tên đầu nậu trợn mắt lên quát to:
- Lại còn thách thức nữa à? Thì lột truồng đi! Lột truồng tất cả cho bọn mày biết. Đứa nào chậm trễ thì ăn kẹo đồng!
Gã vung cây súng, tiến tới. Cả bọn thủ hạ hùng hổ xông vào bắt từng người một cởi hết áo quần. Phụ nữ sụp xuống van xin nhưng chúng không tha. Ông công chức bự và mấy thương gia cũng quỳ xuống lạy nhưng thật vô ích, vì những kẻ xấu không đủ khả năng rút lại ý kiến của mình. Giữa cảnh bàng hoàng như thế, bỗng có tiếng trẻ khóc thét.
Tên đầu nậu lại ra lệnh:
- Tha cho lũ trẻ, khỏi lột đồ chúng!
Rồi gã quay đi, nhìn về phía bên kia rừng như vọng về một hình ảnh trong quá khứ. Một phút, gã ra lệnh tiếp:
- Mụ nào có con, cho giữ lại cái quần lót!
Hồi đó thiên hạ chưa biết xài món xì-líp. Xì-líp được kể vào loại trang bị hiện đại. Một tên thủ hạ tiến lại gần gã:
- Thưa đại ca... Một mụ không có quần lót...
Vẫn không quay lại, gã nói một cách giận dữ khác thường:
- Thì hãy cho nó cái quần!
Mới biết, không mặc đồ lót có lúc cũng thuận lợi thực. Tôi mong cho sớm kết thúc cái màn thoát y bất đắc dĩ này để quay về lại Nam Vang, bỗng nghe đầu nậu quát bảo:
- Lên xe!
Chúng tôi ríu ríu leo lên, bây giờ không ai còn mặt mũi nào để nhìn nhau nữa. Dù không được sự sắp xếp nhưng theo phản ứng của những con người văn minh, trong trường hợp này tất cả đàn ông đều tự động lên các ghế trước, dành các băng sau cho phụ nữ ngồi. Tôi vừa nổ máy đã nghe đầu nậu ra lệnh:
- Cấm xe trở đầu! Đi tới!
Hẳn gã còn muốn đón xe từ Nam Vang xuống. Tôi rồ mạnh ga, rồi cho vọt đi, đầu óc hoang mang cùng cực trước tình thế này. Ông công chức bự và ông trí thức cùng lên ngồi ghế với tôi, và tôi không thể không nhìn thấy họ. Làm cho tai nạn hóa ra bi thảm một cách quái gở thế này là do lỗi ở hai ông. Nhưng phiền trách họ, ích gì? Họ cũng y hệt chúng tôi, là cũng trần truồng! Có lẽ họ chỉ hơn tôi chút ít về mặt tư thế, vì còn ngồi tréo mảy được - đó là khả năng tự che kín bớt phần nào về con người mình - nên còn cố giữ một vẻ đạo mạo hết sức buồn cười. Một ông trí thức mất kiếng và một ông công chức mất cặp, coi cũng buồn thảm như là con dê bị mất râu cằm.
Còn tôi, với chức năng phải một chân đạp ga, một chân giữ số, tôi đành phơi bày hơi quá lộ liệu về cơ thể mình. Nghề nghiệp luôn luôn quyết định cho cách giới thiệu con người chúng ta ngoài xã hội. Quả thực tôi chưa bao giờ dự liệu có lúc lại phải trình làng trong tư thế này. Riêng tôi, với nền giáo dục đã được hưởng thụ từ cha ông mình, tôi không bao giờ quay nhìn lại sau, dầu chỉ một lần, và lúc nổ máy để cho xe chạy tôi đã bẻ kiếng chiếu hậu sụp xuống cho khỏi vô tình nhìn thấy phía sau. Con người ít nhiều vẫn có khuynh hướng về sự tò mò một cách bất lương, và tốt hơn hết là nên dẹp bỏ mọi thứ điều kiện giúp khuynh hướng ấy tồn tại. Nhưng dầu không được quan sát rộng khắp, chỉ cần xuyên qua hai ông cùng ngồi băng trước, tôi cũng đoán hiểu được tình trạng chung. Thật không có một tiếng nào chính xác để mà đặt tên cho tình huống này. Thiếu vắng quần áo, ông trí thức lớn chỉ là bộ xương lép kẹp, bên cạnh ông công chức bự là một khối mỡ nhão nhề. Văn minh con người trước hết hẳn là văn minh bao bì. Nhiều món sản phẩm được nghe quảng cáo rầm rộ,đến khi cởi bỏ bao bì chỉ là một thực tại hết sức nản lòng.
Bây giờ tôi không biết mình phải nên chạy chậm hay là chạy mau. Quần áo cũng có quan hệ đến cả tốc độ. Thà là ăn mặc bảnh bao, phóng xe vi vút, coi nó ra trò. Còn như thế này... thật là khác gì một bọn sinh vật nào đó từ nơi xa lạ lạc xuống địa cầu, tò mò chiếm đoạt một chiếc xe đò để thử du xuân trong một đoạn trường. Nhưng rồi sau đó họ có thể biến mất đi trong cõi không gian vô tận, còn lũ chúng tôi sẽ phải lưu diễn về sự trần truồng này giữa người thiên hạ như thế nào đây?
Tôi cũng tự hỏi những người trong xe đang có tâm trạng ra sao, họ đang tự cười hay đang khóc thầm? Có lẽ họ đều nhận thấy cuộc đời không phải luôn luôn diễn tiến một cách khôn ngoan, nghiêm túc, mà vẫn có thể dẫn dắt chúng ta đến những tình huống lạ thường, thậm chí là quái dị nữa. Như thế, kẻ biết điều nhất là phải an ủi lấy mình vì đã chấp nhận làm những hành khách trong một chuyến xe... định mệnh. Riêng tôi là người lao động xưa nay, sống đời hiền lành, tôi chỉ tìm riêng cho mình được mỗi kết luận, là không nên chạm tự ái những người quyền lực. Đó là ông quan, ông tòa, ông thầy, ông cảnh sát, ông chủ báo, ông chủ nợ, kể luôn các loại thủ trưởng và cả ông tướng cướp nữa. Chạm vào tự ái của họ có thể ta bị lột truồng như chơi, nghĩa là bị trả ngược về điểm khởi đầu. Và như vậy đó, tất cả những người hiền lương có chút suy nghĩ trên thế gian này, thảy đều có thể đồng ý rằng cái quyền lực chân chính - thực sự chân chính - phải là quyền lực không có tự ái.
Khi xe chậm lại, tới gần ngã chợ Châu Đốc, tôi nghe tiếng nói vang từ băng sau:
- Anh Sáu! Coi có chỗ tiệm nào bán đồ cũ thì dừng lại nghen!
Giọng nói của chị Tư Lành, chỗ bạn hàng quen. Chị là chủ vựa trái cây ở chợ Nam Vang.
- Chị định mua chịu được sao?
Giọng chị rành rọt:
- Khỏi lo. Lúc thấy bọn cướp tôi đã nhét liền dưới ghế được một xấp bạc, bọn nó lên xe lo quơ gấp đồ hành lý, dễ gì mà thấy. Mua ít đồ cũ cho bà con dùng đi anh Sáu ơi!
Không phải trong đời chúng ta đều được nhiều lần nghe những câu nói quí giá vào loại như thế. Câu nói giải tỏa nỗi lo âu chính đè nặng lòng mình, câu nói thiết thực bổ cứu cho một thực trạng ê chề, đủ đầy ý nghĩa đùm bọc của kẻ sớm biết lo xa, giúp cho mỗi người như tìm thấy lại giá trị của mình.
Hồi đó, chợ Châu Đốc còn vắng vẻ nên sự thu gom đồ cũ bắt phải đợi chờ. Tôi phải cho xe di động để tránh khỏi sự tò mò của những đám người chỉ chực vây quanh. Cảnh tượng chiếc xe lạ lùng như vậy ngàn năm dễ có một lần. Chính cũng nhờ thế người ta nhìn thấy đâm ra sững sốt, đỡ gây nên những ồn ào. Hình như do các chùa chiền Núi Sam ảnh hưởng, đa số bà con ở tại vùng này đều có tấm lòng mến đạo, và bọn chúng tôi dễ gợi cho họ ý niệm về một giáo phái tân kỳ vừa kịp hạ sơn hơn là một lũ chúng sinh vô phúc mới bị bọn cướp trấn lột.
Nhận được mớ đồ cũ xong, chị Tư trao hết số tiền giữ được, và tôi vội phóng xe đi. Cuộc phân phối y trang diễn ra một cách thật sự kỷ luật vì không có chuyện chen lấn, tranh giành. Cuối cùng kết quả như cuộc sổ số mà chị Tư Lành là thần định mệnh. Mọi người đón nhận phần mình theo cái phúc phận mà chị dành cho, qua mỗi gói vải từ sau ném tới. Tôi được một áo thun trắng với ba lỗ rách, một quần đùi xanh không có dây lưng. Đúng là y trang của một cầu thủ về vườn. Hồi ấy, dây thun không phải là chuyện dễ tìm, nhưng một tài xế đâu thiếu các sợi dây kẽm, dây đồng ở chỗ mình ngồi. Tôi vừa lái xe, vừa tròng quần vào rồi làm một cái mốc thép thâu hẹp lưng quần cho nó khỏi tụt những lúc xuống lên. Bởi vì, kể từ lúc ấy, con người có thể xoay trở nhiều chiều. Bao bì vẫn có khả năng định hướng cho các cử động.
Hai ông hàng xóm của tôi thì trời hại thật. Về phần bên dưới, mỗi ông nhận được một quần phụ nữ đen ố, điểm các mảnh vá và lại khá chật. Còn về bên trên thì ông công chức được một áo vest ca-rô có lẽ sản xuất từ thời Âu-Lạc, tròng vào cũn cỡn chưa đến nữa người - bởi lẽ sự mập của ông ra ngoài khá xa ni tấc quen thuộc ở trong đời sống. Phần ông trí thức, được chiếc áo xẩm, vào loại giẻ lau đã quá hạn kỳ.
Bây giờ đã có quần áo, mọi người có thể nhìn nhau và đủ tư thế để cười một cách thông cảm để xóa bớt sự ngượng ngập vừa qua. Rõ ràng không ai được mặc như mình chờ đợi, và cũng không có một nhà thời trang tài ba nào dám nghĩ tới những kiểu ăn mặc lạ lùng như vậy. Cuộc đời mãi mãi vẫn là một tay đạo diễn hết sức cừ khôi.
Sau tai nạn ấy, tôi có ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với tuyến đường nên bèn tìm cách chuyển về miền Tây, chạy ngã Cần Thơ - Sóc Trăng. Chừng 3 tháng sau, tôi nghe tên cướp bị bắn chết. Một cuộc phục kích phối hợp giữa cảnh sát Việt và Miên ở vùng biên giới đã xóa bỏ hẳn được băng nhóm ấy. Thực tình, tôi cảm thấy thương cho tên đã trấn lột mình. Có lẽ vì tôi nhớ lại y không lột đồ mấy đứa trẻ thơ, và y cũng biết tôn trọng - ở cái mức độ cướp bóc - những người làm mẹ. Con người có chút hiểu biết ở trong xử sự với người, dầu là kẻ cướp, vẫn làm cho ta động lòng.
Dầu sao đó cũng là một kỷ niệm khó quên. Tôi bảo nó thuộc năm Chó hay năm Heo là vậy đó, vì mình bị cướp quát nạt như đối với chó và còn bị lột trần truồng như heo.
Tôi góp lời với bác Sáu:
- Người ta vẫn nói "trần truồng như nhộng!"
- Ừ, thì như nhộng. Mà nhộng đầu xuân!
Bác bật cười lên ha hả, tiếng cười thay thế cho lời kết luận về câu chuyện cũ, của một thời xưa.
Vũ Hạnh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.