Ứng cử viên gây tranh cãi của ông Trump chuẩn bị cho phiên điều trần đầy thách thức
Trong tuần này, các thượng nghị sĩ sẽ chất vấn một số đồng minh quan trọng của ông Donald Trump.
Đây là một phần của quy trình khắc nghiệt nhằm quyết định liệu ứng cử viên sẽ được nhận vào hay bị từ chối những vị trí mà tổng thống đắc cử đã đề cử cho họ.
Các phiên điều trần, mở màn vào thứ Ba 14/1, là lần đầu tiên các thượng nghĩ sĩ có cơ hội công khai đặt câu hỏi đối với những ứng cử viên gây tranh cãi mà ông Trump đề cử.
Sau đó, những ứng viên này cần nhận được lá phiếu xác nhận để chính thức có được chức vụ tương ứng.
Dù Đảng Cộng hòa của ông Trump đang nắm Thượng viện trong tay, chỉ cần ba thượng nghị sĩ bất đồng cũng đủ để một ứng viên đánh mất vị trí được đề cử.
Dưới đây là một số câu hỏi khó mà các ứng viên có thể sắp sửa phải đối mặt.
Pete Hegseth – chức Bộ trưởng Quốc phòng
Ông Pete Hegseth nằm trong số những người đầu tiên tham gia phiên điều trần này và dự kiến sẽ thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Vào ngày 14/1, người ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng dự kiến sẽ phải đối mặt với các câu hỏi liên quan đến việc thiếu kinh nghiệm quản trị, cáo buộc về việc uống rượu nhiều, cũng như quan điểm trước đây của ông về việc phản đối phụ nữ nắm giữ những vị trí chiến đấu trong quân đội.
Ông Hegseth cũng có thể bị hỏi về cáo buộc ông đã tấn công tình dục một phụ nữ vào năm 2017 trong một phòng khách sạn ở California.
Ông đã phủ nhận cáo buộc này, khẳng định rằng mối quan hệ dựa trên sự đồng thuận.
Cơ quan chức năng đã điều tra về cáo buộc này, nhưng ông Hegseth – người dẫn chương trình Fox News và cựu quân nhân – chưa bao giờ bị bắt hoặc buộc tội.
Ông Hegseth và người tố cáo, không công bố danh tính, sau đó đã có một thỏa thuận dàn xếp tài chính kín vào năm 2023.
Luật sư của ông Hegseth từng nói với AP rằng khoản thanh toán này là để ngăn chặn một vụ kiện vô căn cứ diễn ra.
Ông Trump vẫn kiên quyết bảo vệ lựa chọn của mình.
Thời gian gần đây, ông Hegseth cũng là một trong những ứng cử viên tích cực tiếp cận các thượng nghị sĩ để tăng khả năng nhận đủ phiếu thuận.
Kristi Noem – chức Bộ trưởng An ninh Nội địa
Tới ngày 15/1, tâm điểm chú ý sẽ là bà Noem – người có thể sẽ được giao phó thực hiện một trong những cam kết trọng tâm ông Trump từng đưa ra khi tranh cử - điều mà đội ngũ của ông mô tả là cuộc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Với tư cách là người được tổng thống đắc cử lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa, bà Noem có thể sẽ bị chất vấn về các phương án hậu cần để triển khai cam kết nói trên.
Theo các chuyên gia, một chương trình trục xuất quy mô lớn như đề xuất có thể sẽ gặp khó khăn về mặt hậu cần hoặc pháp lý.
Bà Noem cũng có thể phải đối mặt với những câu hỏi về những chính sách nhập cư tiềm năng khác, tỷ dụ như lời cam kết của ông Trump về việc chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh.
Bà là một người ủng hộ trung thành và nhiệt tình đối với những cam kết của tổng thống đắc cử. Điều này khá tương đồng với những ứng cử viên khác và những người được bổ nhiệm vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Marco Rubio – chức Ngoại trưởng
Người được chọn để dẫn dắt chính sách đối ngoại của ông Trump từng là người chất vấn trong một phiên điều trần phê chuẩn, cùng với một ứng cử viên ngoại trưởng do ông Trump đề cử.
Trong phiên điều trần năm 2017, ông đã chất vấn ông Rex Tillerson – thúc giục ông Tillerson gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một tội phạm chiến tranh, nhưng ông Tillerson đã từ chối làm vậy.
Nếu sự kiện đó là một chỉ báo cho thấy sự khác biệt quan điểm giữa ông Rubio và ông Trump – khi đó là đối thủ của nhau – hai người dường như đã có sự đồng thuận chặt chẽ hơn sau tám năm.
Giờ đây, ông Rubio là ứng cử viên cho một trong những vị trí được khao khát nhất trong chính quyền của ông Trump và dự kiến được phê chuẩn mà không gặp nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, vào ngày 15/1, các thượng nghị sĩ có thể kiểm tra lòng trung thành của ông bằng các câu hỏi về việc Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga như thế nào.
Ông Trump coi việc đó như một gánh nặng đối với nguồn lực của Mỹ - một quan điểm có thể xung đột với lập trường đối ngoại diều hâu của Rubio.
Howard Lutnick – chức Bộ trưởng Thương mại
Một ứng cử viên khác có thể sẽ phải đối mặt với bài kiểm tra lòng trung thành trong phiên điều trần của Thượng viện (chưa có lịch) là một trong số những quan chức sẽ chịu trách nhiệm thực thi các chính sách thuế quan sâu rộng của ông Trump.
Tổng thống đắc cử đã đe dọa áp thuế lên nhiều loại hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ - bao gồm một số loại hàng từ những đối tác thương mại hàng đầu – trên danh nghĩa bảo về việc làm cho người Mỹ.
Ông Lutnick, một tỷ phú và là Giám đốc điều hành của công ty tài chính Cantor Fitzgerald, đã ủng hộ đề xuất nói trên - dù điều này mâu thuẫn với quan điểm của một số người khác trong ngành của ông và cả một số chuyên gia kinh tế hàng đầu.
Khả năng cao là ông Lutnick sẽ đối mặt với những câu hỏi thẳng thừng về sự ảnh hưởng của mức thuế sâu rộng mới đối với nền kinh tế Mỹ và người tiêu dùng trong nước.
Tulsi Gabbard - chức Giám đốc Tình báo Quốc gia
Ứng cử viên mà ông Trump đề cử cho chức vụ giám đốc tình báo quốc gia có thể sẽ phải đối mặt với những câu hỏi từ cả hai chính đảng về những tuyên bố trong quá khứ liên quan tới đối thủ của Mỹ là Nga và Syria.
Bà Gabbard, một cựu quân nhân khác, thường xuyên phản đối chủ nghĩa đối ngoại can thiệp của Mỹ.
Vào năm 2017, khi là một nữ hạ nghị sĩ, bà Gabbard đã gặp tổng thống Syria khi đó là ông Bashar al-Assad và bày tỏ sự nghi ngờ đối với những thông tin tình báo nói rằng ông Assad sử dụng vũ khí hóa học chết chóc.
Năm năm sau đó, khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine, bà đã chỉ trích NATO và lặp lại một tuyên bố của Điện Kremlin rằng có các phòng thí nghiệm sinh học do Mỹ tài trợ ở Ukraine.
Bà Gabbard từng nói tới mức độ quan trọng của việc đối thoại với các quốc gia như Nga.
Có thông tin rằng đảng Dân chủ đang trì hoãn phiên điều trần của bà cho đến khi các cuộc kiểm tra lý lịch được hoàn tất.
Robert F Kennedy Jr – chức Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh
Là một trong những lựa chọn bất thường nhất của ông Trump, tương tự bà Gabbard, ông Kennedy thực ra đã bắt đầu cuộc đời chính trị từ Đảng Dân chủ.
Sau đó, ông chuyển sang ủng hộ ông Trump và phần thưởng là lời đề cử lần này.
Ông không có bằng cấp trong ngành y, điều có thể khiến ông gặp phải những câu hỏi khó từ cả hai phe trong hệ thống chính trị Mỹ.
Những phát ngôn trước đây của ông về những thông tin khoa học đã kiểm chứng cũng có thể bị soi xét.
Ông cũng có nhiều câu nói mà đã bị bác bỏ rộng rãi về tác hại của vắc-xin, nhưng phủ nhận mình không phải người phản đối vắc-xin.
Về các vấn đề khác - như việc giám sát phụ gia thực phẩm – ông Kennedy lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn.
Kash Patel – chức Giám đốc FBI
Một số người phê bình lựa chọn của ông Trump cho chức vụ lãnh đạo FBI, nghi ngờ ông Patel không đủ khả năng điều hành cơ quan thực thi pháp luật chính của Mỹ.
Một số người khác lo rằng ông Patel có thể tận dụng vị trí này để trả thù các đối thủ của ông Trump.
"Chúng tôi sẽ trừng phạt những người trong giới truyền thông đã nói dối về công dân Mỹ, những người đã giúp Joe Biden gian lận cuộc bầu cử tổng thống," ông Patel từng nói, đồng thời viện dẫn một tuyên bố vô căn cứ của ông Trump về cuộc bầu cử năm 2020.
Mặc dù các cựu quan chức từ lực lượng thực thi pháp luật nghi ngờ khả năng lãnh đạo của ông Patel, việc ông ấy có kinh nghiệm làm luật sư và từng đảm nhiệm nhiều chức vụ an ninh quốc gia đã khiến ông nhận được những lời khen người từ đội ngũ của ông Trump và một số đảng viên Cộng hòa.
Ông Patel đã công khai bày tỏ mục tiêu cải tổ mạnh mẽ cách thức vận hành của FBI, bao gồm việc thanh lọc một số nhân sự cấp cao của cơ quan này.
James FitzGerald
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.