Các lệnh trừng phạt của Mỹ, được áp dụng thông qua Bộ Tài chính và công bố đồng thời thông qua Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc, nhằm giảm nguồn thu từ sản xuất năng lượng của Nga và nhắm vào hai nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas.
Những đối tượng bị trừng phạt bao gồm hơn 200 tổ chức và cá nhân liên quan đến ngành năng lượng của Nga, bao gồm các nhà giao dịch dầu của Nga, các nhà cung cấp dịch vụ dầu khí tại Nga và các quan chức năng lượng Nga. Mỹ cũng đã chỉ định 180 tàu chở dầu là “tài sản bị phong tỏa”. Nhiều tàu trong số này là một phần của “đội tàu bóng tối” của Nga vốn được sử dụng để vận chuyển dầu Nga một cách lén lút trên toàn cầu.
Trong tuyên bố phát đi từ Tòa Bạch Ốc, phó cố vấn an ninh quốc gia Daleep Singh cho biết: “Những biện pháp này sẽ cùng nhau rút hàng tỷ đô la mỗi tháng từ quỹ chiến tranh của Kremlin và, bằng cách đó, làm gia tăng chi phí và rủi ro đối với Moscow trong việc tiếp tục cuộc chiến vô nghĩa của họ.”
Tương tự, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi hôm 10/1 thông báo rằng Tokyo sẽ phong tỏa tài sản của 33 tổ chức và 12 cá nhân, bao gồm một công dân Triều Tiên, theo luật ngoại hối và thương mại của quốc gia này.
Ngoài ra, 53 tổ chức từ Nga, Trung cộng và các quốc gia khác cũng bị áp dụng lệnh cấm xuất khẩu và các biện pháp khác. Chánh Văn phòng Nội các cho biết Nhật Bản thực hiện các hành động này để đáp lại sự hỗ trợ của Triều Tiên đối với nỗ lực chiến tranh của Nga và việc Nga sử dụng các nước thứ ba để tránh các chế tài trước đó.
Trên mạng xã hội X, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bày tỏ sự biết ơn và gọi cả hai biện pháp này là “một đòn giáng mạnh” vào khả năng của Nga trong việc tiến hành chiến tranh.
Ông cho rằng các biện pháp của Nhật sẽ giúp “giới hạn quyền tiếp cận của Nga đối với các vi mạch điện tử quan trọng và tạo ra thêm các rào cản cho việc sản xuất phi đạn và máy bay không người lái.” Vẫn theo ông Zelenskyy, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành sản xuất dầu của Nga sẽ làm gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng của Nga.
“Những hành động như vậy gửi một thông điệp rõ ràng: Những kẻ tội phạm phải trả giá cho tội ác của chúng,” ông Zelenskyy nói. “Càng ít doanh thu mà Nga kiếm được từ dầu và các nguồn năng lượng khác, thì hòa bình sẽ càng sớm được phục hồi.”
Trong cuộc họp báo hôm 10/1, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói rằng với các lệnh trừng phạt này, chính quyền Biden sắp mãn nhiệm đang cố gắng “để lại di sản độc hại nhất có thể khi nói đến quan hệ song phương” giữa Nga và Mỹ.
Đề cập đến một vòng viện trợ quân sự mới được Mỹ và các đồng minh châu Âu trong Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine phê duyệt hôm 9/1, ông Peskov cũng cáo buộc chính quyền Biden sắp mãn nhiệm đang cố gắng duy trì chiến tranh ở Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 9/1 loan báo rằng Mỹ sẽ cung cấp thêm 500 triệu đô la viện trợ quân sự cho Ukraine.
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với ngành năng lượng của Nga
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hôm 10/1 tuyên bố sẽ mở rộng lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng cực kỳ quan trọng của Nga, hé lộ nỗ lực mới nhằm gây tổn hại cho Moscow vì cuộc chiến kéo dài gần 3 năm ở Ukraine khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị lên nhậm chức và đã tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột.
Chính quyền sắp mãn nhiệm của Đảng Dân chủ coi lệnh cấm vận mới là những biện pháp trừng phạt quan trọng nhất từ trước đến nay đối với ngành dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Moscow, vốn là động lực thúc đẩy nền kinh tế của Nga. Các quan chức cho biết lệnh cấm vận, nhằm trừng phạt các thực thể kinh doanh với người Nga, có khả năng khiến nền kinh tế Nga thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi tháng.
Hơn 180 tàu chở dầu bị nghi ngờ là một phần của đội tàu bí mật được Điện Kremlin sử dụng để trốn tránh lệnh trừng phạt dầu mỏ, cũng như các thương nhân, công ty dịch vụ mỏ dầu và quan chức năng lượng Nga đều bị lệnh trừng phạt mới nhắm tới. Theo Bộ Tài chính, một số tàu bị nhắm mục tiêu cũng bị nghi ngờ vận chuyển dầu của Iran, là nước cũng bị trừng phạt.
“Hoa Kỳ đang thực hiện hành động toàn diện chống lại nguồn thu chính của Nga nhằm tài trợ cho cuộc chiến tàn bạo và bất hợp pháp của nước này chống lại Ukraine”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói trong một tuyên bố. “Với những hành động ngày hôm nay, chúng tôi đang tăng cường rủi ro trừng phạt liên quan đến hoạt động thương mại dầu mỏ của Nga, bao gồm vận chuyển và tạo điều kiện tài chính để hỗ trợ xuất khẩu dầu của Nga”.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết hai công ty này sản xuất hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, trị giá 23 tỷ USD một năm. Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy cho biết rằng “doanh thu từ dầu mỏ là huyết mạch của nền kinh tế chiến tranh của Putin”.
“Việc đối đầu với các công ty dầu mỏ của Nga sẽ làm cạn kiệt ngân sách chiến tranh của Nga – và mỗi đồng rúp chúng ta lấy từ tay Putin đều giúp cứu sống người dân Ukraine,” ông nói.
Vương quốc Anh đã trừng phạt gần 100 tàu trong “hạm đội bí mật” vận chuyển dầu của Nga vì các đồng minh phương Tây của Ukraine đang tìm cách tăng áp lực kinh tế lên Moscow trước bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc chấm dứt chiến tranh.
Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết chính quyền Biden đã chọn thời điểm này – chỉ 10 ngày trước khi ông Biden rời nhiệm sở – để áp dụng các biện pháp dầu mỏ cứng rắn hơn vì lo ngại về thị trường dầu mỏ thế giới đã lắng xuống.
“Điều này thực sự dựa trên các điều kiện thị trường”, ông Kirby nói. “Và vì vậy, thời điểm này là thuận lợi cho quyết định này, và đó là lý do tại sao tổng thống đưa ra quyết định này”.
Bộ Ngoại giao cũng tuyên bố sẽ áp dụng lệnh cấm đi lại đối với 14 quan chức và giám đốc điều hành cấp cao của Rosatom, lệnh cấm này cũng ảnh hưởng đến các thành viên gia đình trực hệ của họ.
Các quan chức chính quyền Biden nói rằng chính quyền Trump cuối cùng sẽ quyết định có nên giữ nguyên hay hủy bỏ các lệnh trừng phạt mới.
Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của AP về các lệnh trừng phạt.
Khi được hỏi liệu chính quyền Biden có tham vấn với nhóm ông Trump sắp tới hay không, ông Kirby trả lời, “Chúng tôi luôn thông báo cho nhóm chuyển giao về các quyết định của mình, những gì chúng tôi đang làm và lý do tại sao chúng tôi làm như vậy ở mọi bước đi và mọi vấn đề quan trọng”.
Cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của ông Trump, Mike Waltz, đã viết trong một bài xã luận cho tờ Economist được xuất bản ngay trước Ngày bầu cử rằng Hoa Kỳ nên “sử dụng đòn bẩy kinh tế” để “đàn áp hoạt động bán dầu bất hợp pháp của Nga” nhằm đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin vào bàn đàm phán.
Trong khi đó, ông Trump nói với các phóng viên hôm 9/1 rằng ông Putin “muốn gặp mặt và chúng tôi đang sắp xếp”.
Mối quan hệ nồng ấm của ông Trump với ông Putin trong nhiều năm qua đã bị giám sát chặt chẽ. Tổng thống đắc cử của đảng Cộng hòa cũng đã phản đối chi phí viện trợ cho Kyiv, cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột khi ông trở lại văn phòng vào ngày 20/1.
Ông Trump đã tạo thêm một lớp nghi ngờ mới về sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong tương lai vào đầu tuần này khi ông tỏ ra thông cảm với lập trường của ông Putin rằng Ukraine không nên là một phần của NATO. Tổng thống đắc cử đã chỉ trích chính quyền Biden vì bày tỏ sự ủng hộ đối với tư cách thành viên sau này của Kyiv trong liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Điện Kremlin hôm 10/1 đã bác bỏ các lệnh trừng phạt mới trước thông báo dự kiến.
“Chúng tôi biết rằng chính quyền sẽ cố gắng để lại di sản khó khăn nhất có thể trong quan hệ song phương cho Trump và nhóm của ông ấy”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Theo các quan chức giấu tên, việc chỉ định này nằm trong thẩm quyền trừng phạt đã được phê duyệt trong cuộc xâm lược và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.
Các quan chức này nói rằng nếu chính quyền Trump có động thái hủy bỏ các lệnh trừng phạt, họ sẽ phải thông báo trước cho Quốc hội, nơi có khả năng bỏ phiếu phản đối động thái như vậy.
AP
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.