Cách gói bánh Chưng ngày Tết: Đơn giản _ Ngon đúng chuẩn Truyền Thống
Tại sao cần có bánh chưng ngày Tết?
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những loại bánh truyền thống để đón chào năm mới với những ý nghĩa đặc biệt. Và Việt Nam cũng thế, chúng ta có bánh chưng là 1 trong 10 món ăn ngày Tết đặc trưng, đặc biệt là đối với người dân miền Bắc còn bánh tét là loại bánh không thể thiếu của dân miền Nam.
Và không phải cứ tự nhiên mà 2 loại bánh này lại trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu vào mỗi dịp Tết. Đặc biệt là bánh chưng, phía sau chiếc bánh là cả một câu chuyện ý nghĩa đã có từ thời xa xưa. Tuy nhiên, câu chuyện về ý nghĩa bánh chưng ngày Tết thì chắc bạn nào cũng đã biết rồi đúng không nhỉ?
Ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết
Bánh chưng dạng hình vuông với ý nghĩa là bầu trời, đây là món quà của hoàng tử Lang Liêu dâng tặng vua cha nhân dịp sinh thần với tất cả tấm lòng hiếu thuận.
Không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo mà chiếc bánh này càng có ý nghĩa hơn khi được làm nên từ những nguyên liệu đặc trưng của người Việt như gạo nếp, thịt heo, đậu xanh,…
Và việc nấu bánh chưng ngày Tết để cúng tổ tiên cũng sẽ góp phần thể hiện lòng thành, sự hiếu thuận của con cháu đối với ông bà tổ tiên.
Cứ mỗi dịp Tết thì nhà nhà đều tất bật chuẩn bị nguyên liệu, cùng nhau sum vầy để gói bánh, ngồi bên nhau sẻ chia và kể nhau nghe những câu chuyện vui buồn của năm qua khi ngồi canh lửa cho bánh chín.
Và với những khoảnh khắc như thế thì bánh chưng lại mang thêm nhiều ý nghĩa. Chiếc bánh chưng ngày Tết trở thành một miền ký ức không chỉ ở tuổi thơ mà còn là hình ảnh để những người con xa quê nhớ về mỗi dịp Tết đến.
Nguyên liệu gói bánh chưng ngày Tết
Bánh chưng ngày Tết tuy mang nhiều ý nghĩa và là món ăn luôn có mặt trong mâm cúng tất niên hay những bữa cơm hằng ngày của các gia đình Việt. Thế nhưng nguyên liệu cần chuẩn bị hay cách gói cũng như cách nấu bánh chưng ngày Tết lại không hề phức tạp.
Tất cả nguyên liệu và dụng cụ bạn cần chuẩn bị cần có:
Nguyên liệu để gói 5 chiếc bánh chưng ngày Tết
Nguyên liệu để gói bánh chưng ngày tết
Khi chọn thịt heo ba chỉ, bạn lưu ý chọn thịt mềm, có cả da, thịt và một lớp mỡ mỏng. Bạn chọn loại mỡ mỏng để bánh không bị bóng dầu và quá mềm nhé.
Nhưng nếu bạn là người không thích ăn mỡ thì có thể chọn thịt heo ở phần vai để gói bánh chưng ngày Tết cũng vẫn được nhé. Và lưu ý dù chọn loại thịt nào thì cũng đừng chọn loại quá nạc vì như thế bánh sau khi luộc sẽ rất cứng và ngon ngon đâu đấy.
· 1 bó lạt tre mềm
· Khuôn tre để gói bánh chưng
· 1 cái nồi lớn để luộc bánh
· Than hoặc củi
Ngày xưa thì có thể gói bánh chưng ngày Tết sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn. Thế nhưng ngày nay, chúng ta có khuôn để gói bánh chưng thì cách gói bánh chưng lại trở nên khá đơn đã và dễ thực hiện.
Khuôn gói bánh chưng bạn có thể mua được khá dễ dàng ở nhiều nơi như chợ truyền thống hay mua online trên các trang thương mại điện tử.
Tuy nguyên liệu dễ tìm dễ mua nhưng đôi khi cuối năm quá bận rộn thì dành chút thời gian để dạo quanh chợ và mua đủ nguyên liệu cũng là một thử thách.
Cách gói bánh chưng ngày Tết
Khi nguyên liệu đã có sẵn thì bắt tay ngay vào làm bánh thôi bạn. Công đoạn đầu tiên cần thực hiện dù là nấu ăn bất kỳ món nào chính là sơ chế.
Sơ chế nguyên liệu
Lá dong
Bạn chọn những lá đẹp và to, rửa sạch cả 2 mặt của lá và dùng khăn vải lau cho thật khô. Nếu lá dong được rửa càng kỹ thì bánh sẽ bảo quản được càng lâu và tránh được tình trạng bị mốc.
Tuy nhiên sống lá dong khá to và cứng nên sẽ cần dùng dao nhỏ, sắc bén để gọt bớt phần sống lá. Bạn thực hiện góc sống lá trước khi rửa sạch lá dong nhé. Lá dong chính là linh hồn của bánh chưng ngày Tết nên bạn chọn những lá đẹp để gói nhé.
Gạo nếp
Bạn vo sạch gạo nếp và sau đó ngâm với một khoảng ½ muỗng cà phê muối trong khoảng 12 giờ. Sau khi ngâm, bạn vớt gạo nếp ra và để ráo.
Nếu không ngâm với muối trước đó thì bạn có thể rắc muối vào nếp đã để ráo sau khi ngâm cũng được nhé.
Đậu xanh không vỏ
Cách sơ chế đậu xanh cũng khá tương tự với gạo nếp. Bạn cũng mang đậu xanh ngâm trong nước ấm. Vì ngâm trong nước ấm nên chỉ cần ngâm trong khoảng 2 – 3 tiếng là được.
Đậu xanh ngâm cho đến khi nở đều và mềm là được. Sau đó bạn lấy đậu ra một chiếc rổ để cho ráo nước.
Gạo nếp và đậu xanh sau khi đã sơ chế xong thì bạn chia sẵn thành thành 5 phần để tiện hơn khi gói bánh nhé.
Cách sơ chế đậu xanh cũng khá tương tự với gạo nếp. Bạn cũng mang đậu xanh ngâm trong nước ấm. Vì ngâm trong nước ấm nên chỉ cần ngâm trong khoảng 2 – 3 tiếng là được.
Đậu xanh ngâm cho đến khi nở đều và mềm là được. Sau đó bạn lấy đậu ra một chiếc rổ để cho ráo nước.
Gạo nếp và đậu xanh sau khi đã sơ chế xong thì bạn chia sẵn thành thành 5 phần để tiện hơn khi gói bánh nhé.
Thịt heo
Bạn cắt miếng dày khoảng 3cm rồi rửa sạch với nước và để cho ráo nước. Sau đó, bạn tiến hành ướp thịt với một ít hành tím, muối, tiêu và hạt nêm trong khoảng 2h để thịt thấm gia vị.
Lạt tre
Bạn ngâm lạt tre trong nước khoảng 8 tiếng để sợi lạt mềm và dễ buộc hơn khi gói bánh. Và nếu lạt tre bạn mua khá to thì sau khi ngâm bạn xé lạt thành các sợi nhỏ có chiều ngang khoảng 0.5 cm nhé.
Vì bánh được luộc và bảo quản trong thời gian dài nên khâu chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu để gói bánh chưng ngày Tết là vô cùng quan trọng.
Thế nên, bạn cần rửa lá, vo gạo, rửa đậu cho thật sạch, chỉ ướp thịt với muối, tiêu và hạt nêm chứ tuyệt đối không ướp với nước mắm để bánh không bị mau hỏng.
Gói bánh chưng ngày Tết
Khi các nguyên liệu đều đã được sơ chế thì chúng ta cùng bắt tay vào gói bánh nhé! bTaskee sẽ hướng dẫn bạn cách gói bánh chưng ngày Tết – 1 trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.
Xếp lá dong vào khuôn
Lá dong bạn cắt bỏ phần đầu và cuối của lá, phần giữa để lại có độ dài khoảng 30cm là được. Sau đó bạn tiến hành gấp đôi lá dong để tạo thành hình chữ nhật. Lưu ý gấp để lộ phần mặt xanh hơn của lá ra bên ngoài nhé.
Sau đó mở lá ra, lấy mép gấp ở giữa lá (nếp gấp vừa tạo) gấp vào sát sống lá để tạo thành khung lá đứng. Phần lá dư chồng lên nhau ở phía dưới bạn gấp ngược vào phía sống lá để mép tạo thành hình tam giác.
Tuy nhiên, trước khi xếp lá dong vào khuôn theo như cách gói bánh chưng ngày Tết thì bạn đặt vào khuôn lạt đã ngâm.
Lạt được đặt theo song song với các cạnh của khuôn gói bánh, mỗi chiều đặt 3 sợi lạt. Nhưng lưu ý bạn đặt sao cho đầu dây lạt dư ra ở 2 đầu là bằng nhau nhé.
Bạn xếp như thế cho cả 4 chiếc lá dong vì theo cách gói bánh chưng ngày này thì để làm được 1 chiếc bánh cần có 4 lá dong.
Sau khi xếp xong 4 lá thì bạn đặt mỗi lá vào mỗi góc của khuôn gói bánh chưng. Bạn nên xem kỹ phần đáy và đảm bảo rằng lá được phủ kín đáy bánh nhé.
Cho nếp, đậu và thịt vào
Sau khi lá đã cố định vào khung thì bạn cho tiếp nếp đã chia sẵn vào và rải cho đều khắp đáy bánh. Tiếp đó bạn cho đậu xanh lên trên nếp nhưng không rải đều ra nhé, đậu xanh chỉ cần rải tập trung ở khoảng trung tâm bánh là được.
Tiếp đó, cho thịt lên phía trên theo chiều xéo (đường chéo của khuôn) để thịt có thể nằm đúng giữa bánh cũng như có thể tận dụng được chiều dài của đường chéo mà không làm cho thịt nằm quá gần phía vỏ bánh.
Rồi bạn cho tiếp 1 lớp đậu xanh lên trên thịt rồi lại thêm 1 lớp gạo nếp lên trên và cũng rải đều gạo nếp. Cuối cùng bạn dùng lá dong dư ở phía trên để gói lại.
Dùng lạt gói bánh
Dùng phần dây lạt dư ra đã đặt vào khuôn từ lúc đầu để gói và cố định bánh lại. Tuy nhiên bạn không nên gói quá chặt vì khi luộc bánh sẽ nở ra nữa đấy. Nếu buộc quá chặt thì bánh sẽ nở không đều, chỗ to chỗ nhỏ và mất đi dạng hình vuông ban đầu.
Sau khi gói bánh xong mà vẫn dư độ dài sợi lạt thì bạn có thể cắt bỏ hoặc khéo léo dấu vào bánh để bánh được đẹp hơn. Còn đối với lá ding nếu dư thì nên cắt bỏ nhé.
Như vậy là bTaskee đã hoàn thành việc hướng dẫn bạn cách làm bánh chưng ngày Tết rồi đấy. Tiếp theo chúng ta chỉ cần kiên nhẫn nấu bánh chưng thêm vài giờ nữa là đã có bánh để ăn vào Tết này rồi.
Luộc bánh chưng ngày Tết
Bạn đặt bánh chưng vào theo chiều đứng vào một cái nồi và cho nước vào ngập bánh. Tiến hành luộc bánh trong liên tục 8 tiếng.
Trong quá trình luộc, bạn phải canh lửa và canh nước để khi nước sắp cạn thì thêm nước vào để đảm bảo bánh luôn ngập nước thì bánh sẽ chín đều và nếp khi ăn không bị cứng.
Khi luộc bánh chưng ngày Tết thì bạn nên luộc bằng than hoặc củi để lửa nhỏ vừa, bánh chín từ từ thì sẽ ngon hơn rất nhiều.
Vì là bánh được gói từ nguyên liệu chính là nếp và được nấu trong nhiều giờ liền nên khi sau khi bánh chín, bạn phải rửa lại bánh với nước cho sạch phần nhựa tiết ra từ nếp phía bên ngoài vỏ. Như vậy thì bánh sẽ bảo quản được lâu hơn.
Gói bằng lá dong không tạo khuôn
Chuẩn bị:
· Gạo nếp
· Đậu xanh
· Thịt heo
· 3 cái lá dong lớn
· 4 cọng dây lạt buộc
Các bước thực hiện
Xếp lá
Khi mua lá dong về, bạn rửa sạch với nước rồi dùng khăn sạch lau khô. Tiếp đó, dùng dao cắt phần sống lá, nhưng không không cắt sâu quá sẽ vào đến thịt lá, làm rách lá nhé.
Tiếp theo, bạn úp mặt xanh đậm của 1 lá dong xuống theo chiều dọc. Với 2 lá dong còn lại, bạn ngửa mặt xanh đậm lên và đặt theo chiều ngang, xếp sao cho lá trên chồng lên một nửa lá phía dưới.
Xếp nhân và gói lá
Bạn cho các nguyên liệu vào lần lượt theo thứ tự như sau: dàn đều 1 lớp gạo nếp,1 lớp đậu xanh,1 lớp thịt heo, 1 lớp đậu xanh và cuối cùng cho 1 lớp gạo nếp.
Đầu tiên bạn gập hai mép chiếc lá đặt dọc vào dùng tay gấp và cuộn các mép lá vào sát nếp để cố định nhân bánh.
Một tay giữ mép vừa gấp, một tay gập 1 bên của phần lá đặt ngang, dựng bánh lên, giữ chặt và thổ bánh xuống mặt bàn nhiều lần để phần nếp được dàn đều. Tương tự, bạn cũng gấp phần lá thừa của 1 bên còn lại vào cho gọn.
Buộc dây lạt
Đặt bánh nằm ngang trên mặt bàn,đồng thời chuẩn bị 4 sợi dây để gói bánh. Dùng 1 dây lạt luồn xuống dưới bên phải của bánh, vòng qua bánh rồi xoắn 2 đầu dây lại với nhau. Luồn 1 đầu dây vào sợi dây lạt nằm ngang trên mặt bánh để cố định dây lạt. Thực hiện tương tự với 3 dây còn lại.
Luộc bánh
Bạn đem bánh chưng xếp lần lượt vào trong nồi theo chiều thẳng đứng, tiếp tục đổ nước sao cho nước ngập quá mặt bánh một chút.
Trong khi bạn luộc bánh, nếu bạn thấy nước cạn thì có thể đổ thêm nước sôi vào cho ngập mặt bánh và đun tiếp để bánh chín đều hơn.
Gói bánh chưng bằng lá chuối và bìa carton
Chuẩn bị nguyên liệu
· Gạo nếp
· Đậu xanh
· Thịt heo
· Lá dứa
· 3 lá chuối
· 1 hộp carton
· 1 dây nilon dài 2.5m
Các bước thực hiện
Cắt hộp carton
Chọn 1 hộp carton dày thì khuôn sẽ cứng cáp hơn bạn nhé. Tùy theo độ to, nhỏ của chiếc bánh chưng bạn chọn hộp carton to hay nhỏ tùy chọn. Trong bài hôm nay sẽ sử dụng hộp có kích cỡ vuông 9*9 cm và chiều cao 5.5cm.
Cắt lá và xếp lá
Dùng khăn sạch lau lá chuối, sau đó đem lá đi phơi nắng gắt tầm 10 – 15 phút cho lá héo bớt.
Cắt lá theo chiều dọc thành 6 miếng lớn có chiều ngang là 9cm (cùng kích thước với hộp carton), chiều dài 30 – 35 cm và 4 miếng nhỏ có chiều ngang là 5.5cm (cùng kích thước với chiều cao của hộp).
Sau đó bạn luồn 4 chiếc lá vào 4 cạnh của khuôn, sao cho khi luồn xong thì các phần lá cũng bằng nhau. Có nghĩa sau khi mỗi chiếc lá luồn vào khuôn bạn kéo cho cân bằng để phần dưới khuôn làm đáy, phần trên để gói đỉnh.
Tiếp đến 2 chiếc lá còn lại bạn cho vào phía trong khuôn để lót tạo thành bề mặt đáy, 1 lá chiều dọc, 1 lá chiều ngang rồi dựng đứng lên (như hình).
Xếp nhân và gói bánh
Dàn đều các nguyên liệu vào khuôn bánh lần lượt theo thứ tự như sau: 1 lớp gạo nếp,1 lớp đậu xanh,1 lớp thịt heo, 1 lớp đậu xanh và cuối cùng là 1 lớp gạo nếp. Dùng muỗng để nén nếp xuống cho các nguyên liệu dính chặt với nhau nhé.
Sau khi làm đầy phần nhân, bạn gấp thứ tự 2 chiếc lá dựng đứng vào bên trong. Sau đó 4 chiếc lá ở cạnh bạn gấp vào phía trong. Đầu tiên là gấp phần lá thành hình tam giác, rồi đẩy vào bên trong. Tương tự bạn làm với 3 chiếc lá còn lại, phần lá nào dư bạn sử dụng kéo cắt bỏ.
Cuối cùng, bạn dùng 1 tay vừa giữ bánh, 1 tay kia nhẹ nhàng nhấc hộp carton lên.
Buộc dây
Để bánh chưng vuông vắn, khi luộc không bị rớt nhân ra bên ngoài, bạn cần phải biết buộc dây nilon đúng cách.
Luồn 1/4 chiều dài sợi dây đi dưới đáy bánh, đặt dây lệch qua bên phải rồi xoắn 2 đầu dây lại với nhau.
Tiếp tục, luồn sợi dây dài đi dưới đáy bánh lên mặt trên bánh để tạo thành 1 đường song song với sợi dây đã buộc trước đó.
Cuối cùng, bạn giữ sợi dây dài quấn 1 đường quanh thân bánh, rồi cột vào với nhau để cố định là được.
Chỉ với 1 hộp bìa carton tưởng chừng như bỏ đi và 1 sợi dây, chúng ta đã khéo léo gói được 1 bánh chưng vuông vức và đẹp mắt bằng lá chuối rồi. Sau khi luộc, bánh vẫn giữ được dáng, vô cùng vuông vức luôn nhé.
Mẹo giúp nấu bánh chưng ngon
Sau khi bánh đã gói xong và mang đi nấu, bạn cần xếp một lớp lá dưới đáy nồi giúp bánh chưng không bị dính và không bị cháy.
Khi xếp bánh vào nồi bạn cần xếp chồng lên nhau giúp cố định bánh trong quá trình nấu tránh khi nước sôi làm bánh giao động làm bánh bị vỡ, không còn nguyên vẹn.
Điều chỉnh lửa vừa phải, liu riu trong quá trình nấu giúp bạn ngon hơn, chính đều hơn. Thay nước lạnh khi nấu bánh được nửa thời gian để bánh giữ được màu xanh tự nhiên của lá, trông bắt mắt và ngon hơn.
Cách cắt bánh chưng
· Bạn bóc lá ra khỏi bánh nhưng nhớ là giữ dây lạt lại nhé. Chọn 1 cọng lạt to sau đó tước ra làm 4 sợi: 2 sợi nhỏ và 2 sợi to hơn một chút.
· Tiếp theo bạn dùng dây lạt xếp chéo nhau trên mặt bánh: dùng 2 sợi lạt đặt vào 2 đầu góc này kéo sang đầu góc kia, 2 sợi lạt còn lại đặt hình chữ thập phần. Khi nào bạn thấy trên mặt bánh xuất hiện 8 hình cánh rẻ quạt là đúng.
· Lấy 1 cái đĩa đặt lên mặt bánh đã bóc vỏ và đặt dây, đồng thời lật ngược lại để bóc tiếp mặt bánh sau.
· Sau khi lật ngược lại, các bạn bóc hết sạch lá dong và bắt đầu cắt bánh bằng cách lần lượt cầm chéo hai đầu của mỗi sợi lạt rồi dùng sức từ từ kéo cắt qua thân bánh. Bạn chú ý nếu đặt dây to lên mặt bánh trước thì dùng dây lạt đó đầu tiên. Cầm 2 đầu dây kéo xéo vào nhau, xong kéo tiếp sợi thứ 2, hai sợi sau cũng kéo xéo như vậy.
Cách bảo quản bánh chưng sau khi nấu để không bị ôi thiu
Vì bánh có nếp nên sẽ rất dễ bị hư, ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Thế nên, đã vất vả học cách làm bánh chưng, vất vả học cách gói bánh, học cách nấu bánh chưng ngày Tết và ngồi nhiều giờ liền để canh bánh thì sau có thể để bánh bị hư được đúng không. bTaskee sẽ hướng dẫn bạn thêm về cách bảo quản bánh chưng ngày Tết nhé.
Treo bánh ở nơi thoáng mát để bánh được khô ráo hoàn toàn.
Ép bánh bằng vật nặng để bánh mịn và chặt hơn.
Với 2 cách này thì bạn có thể bảo quản bánh chưng được từ 7 đến 10 ngày ở điều kiện bên ngoài đấy. Bánh chưng ngày Tết khi được bảo quản ở điều kiện bình thường sẽ ngon hơn nhiều so với để vào tủ lạnh. Nhưng nếu thực sự gói quá nhiều và không ăn hết thì cho bánh chưng vào tủ lạnh cũng là một cách bảo quản tốt đấy.
Hy vọng qua bài viết này các bạn có thể biết được cách làm bánh chưng ngày Tết, hiểu hơn về ý nghĩa của bánh chưng và càng trân trọng hơn những chiếc bánh chưng ngày Tết cũng như những phút giây gia đình quây quần bên nhau để gói bánh chưng bạn nhé.
Trần Anh Tài
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.