Dòng tộc họ Lưu ở Tam Bình
Họ Lưu có thể được xem là một dòng họ đặc biệt ở Tam Bình vì có gia phả, từ đường và hội khuyến học dòng họ. “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, từ đường ngày giỗ tổ chính là nơi những người trong họ cùng tề tựu để tăng mối thâm tình trong gia tộc, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn… Nhờ đó, con cháu tự hào về truyền thống ông cha, cố gắng cống hiến cho xứng đáng.
Thăm từ đường, xem gia phả
Một ngày cuối năm, chúng tôi men theo những con đường nhựa nhỏ về xã Tường Lộc (Tam Bình), những con đường ngoằn ngoèo đưa tới từ đường họ Lưu. Đường tuy hơi khó đi nhưng cứ hỏi thăm thì ai cũng biết. Đó là khoảng đất rộng rãi, có cửa rào đang khép hờ, cây bàng sừng sững trước hàng rào, bên trong là từ đường như một cái tháp, dãy nhà ăn, nhà của người giữ từ đường.
Mỗi bên của từ đường đều có 2 ngôi mộ được xây từ khi chưa có từ đường này. Các ngôi mộ đều có hình rùa. Ông Lưu Vĩnh Bình- Trưởng tộc- hướng về những ngôi mộ cổ hơn phía tay trái, cho biết: “Những ngôi mộ này được trùng tu, giữ nguyên hiện trạng cũ”.
Ông Lưu-Vĩnh-Lữ, đời thứ 9, Hội Trưởng Danh Dự xuất tiền mua lại mảnh đất Phần Mộ và cùng Ông Lưu-Vĩnh-Lịch Hội Trưởng trùng tu ; đồng thời xây cất Từ Đường.
Trong gia phả của dòng họ Lưu ghi:
Họ Lưu lập gia phả từ ông Thủy tổ rồi đến Cao tổ và đến thời điểm hiện nay là 13 đời. Trước năm 1760, có 3 anh em họ Lưu từ miền Trung vào miền Nam lập nghiệp, họ chia nhau đi 3 nơi là Bến Tre và Long Hồ, Tam Bình của tỉnh Vĩnh Long.
Người tên Lưu Văn Phụng (tự là Đức Loan) là thủy tổ dòng họ Lưu ở Tam Bình. Đây cũng chính là người được sắc phong thờ ở đình Tường Lộc hiện nay, trong sắc thần có ghi “Thôn chủ kỷ cương thần chủ”.
Từ đường là nơi tập trung bà con dòng họ
· Mùng 2 tết hàng năm được chọn làm ngày giỗ hội, cúng những người đã khuất
· Giỗ Thủy tổ vào mùng 10 tháng Giêng, giỗ Cao tổ 19- 20/6 âm lịch
Gia phả lúc đầu được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, qua thời gian, chiến tranh rồi lưu lạc, hiện nay có những bản trên máy tính, bản in, bảng gỗ đỏ chữ vàng. Hàng năm đến ngày giỗ tổ, trách nhiệm của những người trong họ là sinh con phải đến đăng ký.
Chỉ vào cây gia phả trong nhà mình, ông Lưu Vĩnh Bình giải thích: “Cây gia phả này rất dễ nhìn, từ ông thủy tổ chia ra các người con rồi những người con chia ra cháu chắt,…
Nhìn vào đây, những người họ Lưu sẽ biết mình đời thứ mấy, ông cố, ông sơ là ai…”.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.