Bà Phương Phương viết về tất cả mọi thứ, từ những thách thức của cuộc sống hàng ngày đến tác động tâm sinh lý do bị cô lập bắt buộc.
Một cuốn nhật ký của nữ tác giả người Trung cộng từng đoạt giải thưởng văn học, ghi lại cuộc sống của bà ở Vũ Hán trong những ngày đầu đại dịch virus corona hiện đã được dịch sang tiếng Anh.
Bà Phương Phương bắt đầu đăng các bài viết online về trải nghiệm của bà trong thành phố Vũ Hán vào tháng Giêng, khi vụ dịch vẫn được coi là một cuộc khủng hoảng cấp địa phương.
Các trang nhật ký của người phụ nữ 65 tuổi này đã được rất nhiều người đọc, cung cấp cho hàng triệu người ở Trung cộng một cái nhìn hiếm hoi về thành phố nơi virus xuất hiện lần đầu tiên.
Đầu năm nay, Vũ Hán đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới bước vào tình trạng phong tỏa hoàn toàn ở quy mô chưa từng thấy. Thành phố về cơ bản đã bị chia cắt khỏi không chỉ Trung cộng, mà cả phần còn lại của thế giới.
Khi lệnh phong tỏa tiếp tục, sự nổi tiếng của Phương Phương tăng lên. Các nhà xuất bản sau đó tuyên bố rằng họ sẽ tập hợp các bài nhật ký của bà và xuất bản chúng bằng nhiều ngôn ngữ.
Nhưng khi Phương Phương ngày càng được quốc tế công nhận thì việc này cũng đi kèm với thay đổi trong cách bà được nhìn nhận ở Trung cộng - nhiều người tức giận vì bài viết của bà, thậm chí coi bà là kẻ phản bội.
Phương Phương viết gì trong nhật ký?
Vào cuối tháng Giêng, sau khi Trung cộng áp đặt lệnh phong tỏa ở Vũ Hán, Phương Phương - tên thật là Fang Fang - đã bắt đầu ghi lại các sự kiện trong thành phố này trên trang mạng xã hội Trung cộng Weibo.
Trong các bài nhật ký của mình, bà viết về tất cả mọi thứ, từ những thách thức của cuộc sống hàng ngày đến tác động tâm sinh lý do bị bắt buộc phải cô lập.
Nhà xuất bản HarperCollins nói rằng bà "đã lên tiếng cho những nỗi sợ hãi, thất vọng, tức giận và hy vọng của hàng triệu đồng bào của mình".
Họ lưu ý rằng bà "cũng lên tiếng chống lại sự bất công xã hội, lạm quyền và các vấn đề khác cản trở việc đối phó với dịch bệnh và khiến bản thân bị lôi kéo vào các cuộc tranh luận trực tuyến vì nó".
Trong một bài chuyên mục do bà viết đăng trên tờ Thời báo Chủ nhật, Phương Phương kể chi tiết về một lần đi đón con gái từ sân bay.
"Hầu như không có xe hơi hay người đi bộ trên đường phố. Vài ngày đó là lúc hoảng loạn và sợ hãi dâng cao trong thành phố. Cả hai chúng tôi đều đeo khẩu trang", bà nói.
Nhờ đâu nhật ký này thu hút sự chú ý từ quốc tế?
Trong thời gian mà tin tức được sàng lọc chặt chẽ và các hãng tin độc lập còn khan hiếm, Phương Phương nhanh chóng nổi lên như một nguồn thông tin đáng tin cậy, được củng cố bởi nền tảng là một nhà văn nổi tiếng của bà.
"Đất nước này cần những nhà văn có lương tâm như bạn. Công chúng đã mất niềm tin với phần lớn các phương tiện truyền thông chính thức,'' một người dùng trên Weibo nói, theo trang tin The Independent.
Danh tiếng của bà, cũng như các bài viết của bà, nhanh chóng lan rộng và không lâu sau tìm được đường ra khỏi Trung cộng.
Tại sao Trung cộng chỉ trích bà?
Chủ nghĩa quốc gia rất phổ biến trên mạng xã hội Trung cộng. Hàng ngàn cư dân mạng giận dữ sẵn sàng ngẩng cao đầu mỗi khi Trung cộng bị chỉ trích, làm nhục hoặc phải chịu một số hình thức xúc phạm từ nước ngoài. Và Phương Phương khác xa với nhà văn Trung cộng đầu tiên phải đối mặt với phản ứng dữ dội trên mạng.
Vũ Hán bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường sau nhiều tuần bị phong tỏa gắt gao
Trong trường hợp này, khi virus tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới, mọi người bắt đầu trở nên chỉ trích hơn đối với phản ứng của Trung cộng đối với dịch bệnh. Việc theo dõi kỹ lưỡng và chỉ trích nặng nề có nghĩa là nhiều người đã ở vào thế phòng thủ.
Chính trong bầu không khí này, người ta được nghe rằng các tác phẩm của Phương Phương sẽ được bán ở phương Tây.
Theo trang tin chuyên gia What's on Weibo, đây là lúc dư luận chỉ trích bà, sau khi biết được rằng "một phiên bản quốc tế cuốn nhật ký của bà đã được bán trước thông qua Amazon".
"Trong mắt nhiều người dùng Trung cộng, một bản dịch cuốn nhật ký của bà Phương Phương về vụ dịch ở Vũ Hán sẽ chỉ cung cấp cho đối thủ của Trung cộng nhiều đạn dược hơn", báo cáo viết.
Bà nhanh chóng được xem không phải là người mang sự thật mà thay vào đó là kẻ phản bội Trung cộng, với một số người nói rằng bà đang lợi dụng danh tiếng của mình - và thậm chí có thể là một bi kịch.
"Bà ấy đang nắm bắt thời gian khủng hoảng quốc gia này và tận dụng [nó]", một người dùng trên Weibo nói. "Điều này thật đáng khinh."
Sự tức giận đối với bà càng trở nên mãnh liệt bởi thực tế là cuốn sách được xuất bản bởi nhà xuất bản Hoa Kỳ HarperCollins - vào thời điểm Mỹ và Trung cộng đang ở trong một cuộc tranh cãi ngoại giao.
Truyền thông nhà nước Trung cộng cũng đã nói rất rõ quan điểm của họ đối với bà Phương Phương.
"Sự nổi tiếng toàn cầu của bà ấy được thúc đẩy bởi các hãng truyền thông nước ngoài đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nhiều người ở Trung cộng rằng nhà văn có thể đã trở thành một công cụ hữu ích khác để phương Tây phá hoại những nỗ lực của người dân Trung cộng", tờ Thời báo Hoàn cầu viết.
"Nhật ký của bà ấy chỉ phơi bày mặt tối ở Vũ Hán trong khi bỏ qua những nỗ lực mà người dân địa phương đã thực hiện và sự hỗ trợ được thực hiện trên toàn quốc."
Cuốn sách được đón nhận thế nào?
Thật khó để nói vì cuốn sách mới chỉ được xuất bản vào thứ Sáu tuần trước.
Thời báo New York đã ca ngợi sự trung thực thô mộc của cuốn sách, nói rằng "bà ấy có thể sống hiền lành trong thời gian phong tỏa, nhưng cô ấy viết những câu táo bạo".
Giới chức ở Vũ Hán đang tiến hành xét nghiệm ngiêm ngặt để phát hiện thêm các ca nhiễm virus corona
Một đánh giá của NPR cho biết cuốn nhật ký này là một "tài liệu về sự tầm thường, bi thảm và phi lý trong suốt 76 ngày bị phong tỏa của Vũ Hán", nhưng than thở rằng bản dịch sang tiếng Anh không thể "ghi lại sự đa chiều" như trong nhật ký bằng tiếng Trung của bà.
Tuy nhiên, trên Amazon, cuốn sách đã gặp phải một số đánh giá tiêu cực, một trong số này gọi cuốn sách là "thông tin hoàn toàn giả mạo".
Tuy nhiên, một người khác đã ca ngợi cuốn sách này, nói rằng cuốn nhật ký của bà "đã cung cấp một cửa sổ để nhìn xem cuộc sống diễn ra như thế nào trong một thành phố mà cả thế giới đang theo dõi".
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.