Okonomiyaki has been called "the Japanese pizza" or "the Japanese pancake"
Vào một buổi chiều lạnh mùa xuân khoảng một thập niên trước, tôi cùng vợ, Angeles, đi bộ dọc theo sông Tenma ở Hiroshima, tìm một chỗ nào đó để vào ăn.
Cực kỳ đói và lạnh sau một ngày đi dạo, chúng tôi thèm món gì đó nóng, ngon lành và no bụng nhưng không tốn nhiều tiền.
Chúng tôi chỉ mới ở Nhật Bản vài ngày, vì vậy đi ăn ở ngoài vẫn là việc hàng ngày như thể Alice chui xuống hang thỏ và lọt vào thế giới thần tiên ẩm thực.
Chúng tôi thấy bức mành vải noren màu xanh đậm treo bên ngoài một cửa hiệu nhỏ, dấu hiệu cho thấy nơi này có mở cửa, nên bước vào.
Bên trong không gian nhỏ hẹp chỉ có chưa tới chục bàn ăn nhỏ và bốn ghế ngồi trống. Chủ tiệm là một phụ nữ với gương mặt tràn ngập vui vẻ, bà mở lời chào mừng "irasshaimase" và ra hiệu cho chúng tôi ngồi ở "bar" - là chiếc bàn vuông có chảo nóng lớn.
Tiếng Nhật của chúng tôi khi ấy vẫn còn rất sơ đẳng, vì vậy chúng tôi chỉ nói "hai" (vâng) và "onegaishimasu" (cảm ơn hoặc vui lòng) để đáp lại bất kỳ câu nào bà chủ nói, và hy vọng sẽ được ăn món ngon.
Bà đổ ra hai đĩa bột đầy trên chảo nóng, trải đều chúng thành hai hình tròn bự nằm cạnh nhau. Sau đó bà xếp một ít bắp cải bự cỡ núi Phú Sĩ lên mặt bánh, sau đó là một nắm giá đậu và vài miếng mỡ thịt heo mỏng. Kế tiếp, khi rau chín khô dần, bà đặt hai nhúm mì ramen lớn kế bên.
Sau vài phút, bà khéo léo lật bánh, đặt mỗi chiếc bánh lên trên một nhúm mì. Đó là nghệ thuật trình bày ẩm thực, một bức điêu khắc ăn được dần hình thành trước mắt chúng tôi.
Món ăn trông có vẻ ngon và mùi hương thơm ngon. Nhưng bà vẫn chưa làm xong. Bà đập hai quả trứng trên bần nướng, trải đều mỗi quả thành kích cỡ to như chiếc bánh.
Cuối cùng, bà đặt chiếc bánh lên trên quả trứng, và trang trí cả khối núi bằng cách rắc nhiều hành lá thái nhỏ, sợi cá ngừ khô và rong biển nori lên trên.
Trao cho chúng tôi vài chai sốt, một chai mayonnaise và một chai sốt màu nâu có hương vị tuyệt vời, bà ra hiệu cho chúng tôi bắt đầu ăn với câu nói nhiệt thành "itadakimasu!" (chúc ngon miệng).
Dù trải qua quá khứ khủng khiếp, Hiroshima đã tái sinh trở thành nơi hòa bình và thịnh vượng
Đó là lần đầu tiên chúng tôi thử món bánh xèo okonomiyaki huyền thoại, một trải nghiệm mà chúng tôi sẽ gặp lại nhiều lần qua các năm tháng sau đó, khi Hiroshima trở thành nhà của chúng tôi.
Món này được gọi là "bánh pizza Nhật" hay "bánh kếp Nhật", nhưng những so sánh như vậy không thể hiện được trải nghiệm tuyệt vời khi ăn bánh okonomiyaki.
London có món lươn nấu đông. Valencia có món cơm thập cẩm. New Orleans có món súp hải sản gumbo. Và Hiroshima có món bánh xèo okonomiyaki - món ăn định danh của thành phố.
Okonomiyaki là món ăn phổ biến khắp Nhật Bản, đặc biệt là vùng Kansai, nơi có Osaka, Kyoto và Kobe, và ở Hiroshima, khoảng 300km xuôi xuống vùng duyên hải Biển Nội hải từ Osaka.
Nhưng vùng Hiroshima có một điểm khiến nơi này nổi tiếng: đó là nơi đây có nhiều nhà hàng okonomiyaki tính trên đầu người cao hơn bất cứ vùng nào khác ở Nhật; có khoảng hơn 2.000 nhà hàng như vậy trong thành phố Hiroshima.
Okonominura (nghĩa là làng Okonomi) nằm trong trung tâm thành phố Hiroshima, là một mê cung bốn tầng lầu, có hơn 25 nhà hàng bán bánh xèo okonomiyaki, mỗi tiệm có một cách chế biến món này riêng biệt.
Những kiểu làm bánh riêng biệt như thế chính là cốt lõi khiến món này nổi tiếng.
Bạn không thích thịt heo? Vậy hãy thử món này với hàu tươi vừa bắt tại địa phương. Bạn thích ăn chay hơn? Hãy gọi một đĩa với thịt làm từ đậu nành.
Trên đảo Miyajima, hòn đảo cách Vịnh Hiroshima 10 phút đi phà, có một vài nơi, như nhà hàng Yosakoi ngay trước cảng biển, có bán món anagoyaki: là bánh xèo okonomiyaki ăn với vài lát cá chình biển anago, là đặc sản của hòn đảo này.
Cách tiếp cận "tùy ý bạn" cũng khiến món okonomiyaki là chọn lựa hoàn hảo khi nấu ăn tại nhà, sử dụng bất cứ nguyên liệu nào bạn đang có sẵn hay món dư thừa trong tủ lạnh.
Một buổi tối, khi người bạn mời chúng tôi ghé nhà cô ăn tối với món okonomiyaki, cha cô đem đến hai con mực tươi vừa mới bắt, vậy là chúng trở thành thành phần chính trong món bánh.
Một sự cạnh tranh thân thiện giữa vùng Kansai và Hiroshima xuất phát từ câu hỏi nơi nào làm bánh xèo okonomiyaki ngon nhất.
Cả hai phong cách làm đều cho ra món có vị ngon tuyệt vời. Khác biệt cơ bản là cách làm theo kiểu Kansai trộn tất cả thành phần lại với nhau, trong khi cách làm ở Hiroshima là xếp các nguyên liệu theo từng lớp.
Hơn nữa, phiên bản món này ở Kansai không sử dụng mì. Đó là lý do nhiều lần chúng tôi nghe dân Hiroshima bình luận là món bánh xèo kiểu Kansai "chỉ là đồ ăn vặt".
Ngoài đặc tính vùng miền, cư dân Hiroshima còn có lý do khác để tự hào về món ăn địa phương của họ: Đây là món ăn khơi nguồn quá trình phục hưng của thành phố sau sự kiện bị đánh bom nguyên tử.
Hồi ban đầu, kiểu bánh xèo okonomiyaki Hiroshima xuất hiện từ giai đoạn trước Thế Chiến thứ Hai.
Được biết đến với cái tên "issen yōshoku" (có nghĩa là "món ăn Tây một xu", hay "món Tây một đồng"), đây chỉ đơn giản là bánh kếp mỏng có rắc hành lá xanh, cá khô sợi hoặc tôm, nhưng món này được trẻ em cực kỳ ưa thích.
Vào ngày 6/8/1945, một trái bom hạt nhân được thả xuống Hiroshima, ngay lập tức biến thành phố thành bình địa.
Sau sự kinh hoàng đó, những người sống sót đối mặt với tình trạng cực kỳ thiếu thốn thực phẩm và phải tìm cách sống qua ngày với bất cứ loại lương thực nào họ có thể tìm được.
Phiên bản bánh xèo Nhật okonomiyaki ở Hiroshima thường gồm có mì, và nguyên liệu được đổ thành nhiều lớp
Khi quá trình tái thiết thành phố tăng tốc, các xe bán hàng rong và cửa hàng bán đồ ăn rẻ tiền mọc lên khắp thành phố, bán món issen yoshoku.
Rất nhiều các xe bán hàng rong này tập trung ở khu vực Shintenchi ở trung tâm thành phố, nơi giờ đây là chỗ khu phức hợp ăn uống Okonomimura tọa lạc.
Người ta bắt đầu thêm vào đủ mọi thành phần món ăn có thể có, như bắp cải, trứng, mì ramen hoặc mì soba, và cả hải sản tươi sống tại địa phương để làm món issen yoshoku thành món ăn bổ dưỡng hơn, giúp người dân địa phương có đủ dinh dưỡng xây dựng lại cuộc sống, xây dựng lại thành phố.
Cách tiếp cận nhặt nhạnh và phối món mới mẻ này với các thành phần thực phẩm chính là điều khiến món ăn này có được cái tên mới phù hợp hơn: okonomiyaki, có nghĩa là "bất cứ gì bạn thích, nướng lên".
Vào cuối thập niên 1950, món ăn này đã trở nên phổ biến với tất cả các tầng lớp xã hội và độ tuổi, trở thành biểu tượng mến thương về sự hồi phục và sức sống của người dân địa phương.
Theo Shizuka Kobara, nhân viên truyền thông tại Otafuku, nhà sản xuất hàng đầu có trụ sở tại Hiroshima chuyên làm nước sốt ăn bánh xèo okonomiyaki có vị ngọt, thì "Hiroshia đã phát triển cùng với bánh xèo okonomiyaki; món ăn xuất phát từ người dân và kể từ đó trở thành món ăn ưa thích của họ. Đây chính xác mà món quốc hồn quốc túy của người Hiroshima."
Nếu bạn từng đến Hiroshima, bạn sẽ ngửi thấy mùi bánh okonomiyaki, dù bạn chưa từng ăn thử món này.
Hiếm khi nào bạn có thể đi bộ qua một dãy phố mà không ngửi thấy mùi hương ấm áp, chào đón tỏa ra từ cửa hàng và cửa sổ quán ăn, thấm đẫm trong không khí vị ngọt ngào hạnh phúc của món ăn. Chỉ một luồng hương thơm tỏa ra đã có thể đẩy lùi sự buồn bã.
Bảo tàng Tưởng nhớ Hòa bình Hiroshima được tôn vinh là Di sản Văn hóa Thế giới Unesco vào năm 1996
Vậy thì, điều gì đã tạo ra món nước sốt thần kỳ này? Theo Kobara, "rất nhiều loại hoa quả, rau củ, gồm có cà chua, chà là, hành củ, táo và hơn 20 loại gia vị và ớt."
Ngày nay, nhiều nhà hàng cạnh tranh nhau trong ngành này, món bánh xèo okonomiyaki ở Hiroshima liên tục được cải tiến khi chủ tiệm nghĩ ra cách mới để thu hút khách hàng và làm cho món okonomiyaki dễ ăn hơn với khách nước ngoài.
Vào năm 2008, Otafuku khai trương Bảo tàng Trứng Gỗ Okonomiyaki, nơi du khách có thể tham quan xưởng sản xuất và bảo tàng, và học cách nấu món okonomiyaki.
Sau đó, đến năm 2018, họ mở studio dạy nấu ăn Trải nghiệm Okosta Okonomi kế bên nhà ga Hiroshima.
Với khẩu hiệu "Hạnh phúc Không Biên giới", Okosta chào đón người đến từ đủ mọi quốc gia muốn thử làm món bánh xèo okonomiyaki của riêng họ. Phiên bản món này làm chay và làm theo kiểu halal của người Hồi giáo cũng được giới thiệu.
Trong năm đầu tiên, 200.000 người đã ghé thăm studio, mà 20% là người nước ngoài.
Mục đích của Otafuku là "đóng góp vào xã hội vui tươi bằng sức khỏe, sự thịnh vượng và hạnh phúc thông qua ẩm thực," Kobara chia sẻ.
Nơi ăn món okonomiyaki yêu thích nhất cua chúng tôi là nhà hàng Tokugawa ở quận Heseka của Hiroshima.
Tòa nhà này cũng là nơi xứng đáng ghé thăm. Đó là một ngôi nhà gỗ lịch sử với mái ngói đen cuộn sóng, có từ hơn 140 năm trước vào đầu thời Minh Trị (1868-1912).
Trên Đảo Miyajima, món okonomiyaki thường ăn kèm với vài lát thịt cá chình biển
Người bồi bàn sẽ bưng ra các thành phần món ăn, bật chảo nướng tại bàn của bạn lên, và để bạn tự làm món okonomiyaki theo ý mình.
Nếu bạn thấy bối rối, chỉ cần nhấn nút là người nhân viên cực kỳ kiên nhẫn sẽ đến giúp bạn.
Nếu bạn không hứng thú ăn trực tiếp từ chảo nướng nóng hổi với xẻng xúc, hãy hỏi xin đũa và đĩa, hoặc thậm chí có thể gọi cả dao và nĩa.
Dù bạn chọn thế nào, thì nấu món này luôn là trải nghiệm vui chưa từng có. Đó cũng là cách rất xã hội để ăn cùng nhau, "ngồi quanh chảo nóng chuyện trò vui vẻ khi cùng nấu và ăn với nhau," như cách Kobara mô tả.
Khi các nhà hàng bánh xèo okonomiyaki mọc lên khắp nơi từ Barcelona đến Brisbane, món ăn tiêu biểu của thành phố Hiroshima đã chuẩn bị bước vào hàng ngũ cùng món sushi, đậu hũ, mì ramen và những món ẩm thực Nhật Bản khác được yêu thích và xuất khẩu đi nhiều nơi.
Vì vậy, khi bạn đến Hiroshima, hãy nhớ thử ăn món bánh xèo okonomiyaki thực sự với bất cứ thành phần nào bạn thích, và hãy dành cho trái tim mình một chút hạnh phúc kiểu Hiroshima.
Và hãy nhớ, bạn không chỉ ăn một món mà là bạn đang thưởng thức cả tâm hồn của thành phố này.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.