Nằm ngay giữa Vùng Đại Đồng Bằng của Mỹ, khu vực xung quanh thành phố Pittsburg, bang Kansas, trải rộng như một thảo nguyên rộng lớn.
Ở đây, gió thổi lạnh thấu xương vào mùa đông; mặt trời làm khô nẻ đất vào mùa hè; và các chủ trang trại, nông dân và người dân ở cộng đồng 20.000 dân này tụ tập để xem các trận bóng bầu dục mỗi tối thứ Sáu tại trường trung học địa phương.
Theo tất cả những gì được kể lại, thị trấn trước đây từng là mỏ than này khá yên tĩnh - cho đến khi chủ đề gà rán nổi lên.
Theo tất cả những gì được kể lại, thị trấn trước đây từng là mỏ than này khá yên tĩnh - cho đến khi chủ đề gà rán nổi lên.
Sự nguy hiểm của mỏ than
Trong hơn 80 năm qua, thành phố khiêm tốn này đã trở thành một trong những tâm điểm của món gà rán Mỹ, và mọi thứ bắt đầu khi hai người phụ nữ mở các quán gà rán cách nhau chừng 100 mét trên cùng một con đường - do đó đã mở ra cuộc ganh đua địa phương mà đến nay vẫn còn sục sôi và tóe lửa.
Bốn thế hệ sau, con cháu của họ vẫn sử dụng công thức nấu ăn của họ để duy trì di sản họ để lại, và theo nhiều cách, việc những người phụ nữ này là ai và bằng cách nào những miếng gà chiên giòn của họ làm cho Pittsburg nổi sóng đã cho biết rất nhiều điều về trái tim và lịch sử của Miền Trung nước Mỹ.
Các đồng bằng xung quanh Pittsburg luôn là nơi có trữ lượng lớn than. Những cục đá đen tuyền này đã từng dồi dào đến nỗi trên mặt đất cũng có. Thổ dân Osage vốn từng sống ở đây gọi chúng là 'đá đen tạo lửa' và họ đã trao đổi chúng với những người định cư da trắng.
Những người thợ mỏ đầu tiên đã đến đây vào năm 1866, chỉ một năm sau khi Cuộc Nội chiến Mỹ kết thúc.
Đào các trụ sâu và đập vỡ các khối than là công việc nguy hiểm, cực khổ đến oằn lưng. Chẳng mấy chốc, các thông báo đã lan truyền khắp châu Âu để kêu gọi người nhập cư đến làm việc ở Pittsburg và Hạt Crawford lân cận.
Vào thời đỉnh điểm sản xuất than ở đây vào năm 1914, hơn 12.000 thợ mỏ và gia đình của họ đã xem Hạt Crawford là nhà, và vùng nông thôn với khoảng 55.000 dân này đã sản xuất hơn một phần ba than của nước Mỹ.
Một trong những gia đình định cư ở đây là nhà Rehak, vốn đã đi đường biển từ Áo vào đầu Thế kỷ 20, mang theo đứa con gái sơ sinh của họ, Annie. Khi còn là thiếu nữ, Annie đã kết hôn với Charles Pichler. Đôi vợ chồng này có ba đứa con và mua một căn nhà dưới bóng mỏ than ngay bên ngoài Pittsburg nơi Charles làm việc.
Những làn sóng người nhập cư từ châu Âu đổ tới Kansas, vùng đất quanh Pittsburg vốn từng có thời sản xuất ra hơn một phần ba tổng sản lượng than nước Mỹ
Vào giữa ca làm việc của Charles một ngày vào tháng 3/1933, tiếng còi ở khu mỏ vang lên bốn lần, báo hiệu đã xảy ra một vụ tai nạn. Charles đã bị một chiếc xe chở than đâm trên đường rày của khu mỏ. Chân phải của ông đã bị cắt lìa tại chỗ và chân trái của ông bị thương nặng.
Vào thời điểm đó, không có chuyện bảo hiểm hay bồi thường thương tật cho công nhân, và Annie buộc phải một thân một mình kiếm tiền nuôi gia đình năm người giữa cơn Đại Khủng hoảng ở Mỹ.
Tìm đường sống
Để gia đình không bị đói, Annie bắt đầu bán giăm bông và bánh mì kẹp thịt bê với giá vài xu cho những công nhân mỏ đi ngang trước nhà.
Bọn đàn ông ăn dưới bóng mát cây bạch dương và cây phong bên ngoài ngôi nhà trắng nhỏ của nhà Pichler, cách nhà phụ không xa, và uống rượu tự ngâm của Annie mà bà bán với giá 0,25 đô la cho khoảng hai lít.
"Bà tôi không bao giờ nói nhiều về khoảng thời gian đó, nhưng nó phải nói là rất khó khăn," Anthony Pichler, cháu trai của Annie nói. "Nhưng bà cũng rất kiên cường, và đó là lý do tại sao chúng tôi được như ngày nay."
Trong thời Đại Suy thoái, Annie Pichler buộc phải tìm kế sinh nhai để một mình bươn chải nuôi con cái, cho nên bà bắt đầu bán món gà rán
Năm 1934, khi đang tìm cách để phát triển công việc kinh doanh, bà để ý những con gà thả rông trước sân nhà, và Annie bắt đầu bán gà rán.
Bà vặt cổ gà, nhanh chóng làm sạch, chặt chúng thành từng miếng và chiên gà trên bếp than nóng trong gian bếp nhỏ của bà.
Vào mỗi thứ Bảy, Annie chuyển đồ đạc khỏi phòng khách của gia đình và đặt một vài bàn cho thực khách ngồi ăn trong căn nhà nhỏ của họ. Bà cũng làm salad khoai tây, bắp cải trộn, ớt ngâm chua và cà chua xắt lát lấy từ vườn nhà để làm món ăn kèm, và hoàn chỉnh món ăn với lát bánh mì trắng. Đôi khi, khách nán lại và khiêu vũ cho đến nửa đêm về sáng.
Một ngày nọ không lâu sau khi bà Annie bắt đầu mở tiệm, một bác sĩ địa phương cũng là người hâm mộ tài nấu ăn của Annie đề nghị bà đặt tên cho tiệm ăn gia đình của bà là 'Chicken Annie's'. Cái tên đó đã dính chặt với tiệm ăn như dầu dính trên chảo kể từ đó.
Năm 1941, có một đôi vợ chồng nhập cư người Đức, Joe và Mary Zerngast, sống cách nhà Pichler một vài ngôi nhà.
Joe làm 'người khai hỏa' tại mỏ, tức là ông sẽ đi sâu vào trong mỏ, châm thuốc nổ và chạy ra ngoài trước khi nó phát nổ. Đó là một trong những công việc nguy hiểm nhất ở mỏ than, và sau 20 năm, 'lá phổi đen' (bệnh phổi của công nhân than) đã cắt ngắn sự nghiệp của ông, để Mary phải làm việc lo cho gia đình.
Đã 68 năm trôi qua kể từ khi Annie Pichler lần đầu tiên vặn cổ gà, quán Chicken Annie's vẫn là một địa chỉ tên tuổi ở Kansas
Nhà Zerngast cũng nuôi những con gà cục tác trong sân nhà, một cái chảo gang lớn và một cái lò than. Và cũng giống như Annie, Mary cũng rất giỏi nấu ăn. Vì vậy, cũng như nhà Pichler đã làm, nhà Zerngast dọn dẹp đồ đạc trong phòng khách nhỏ của họ, đặt bàn và bắt đầu bán gà rán với salad khoai tây và bắp cải.
"Tôi cần phải sống sót," Larry Zerngast, cháu trai của Mary, nhớ lại lời bà Mary nói với gia đình.
Lúc đầu, nhà Zerngast gọi tiệm ăn nhỏ của họ là 'Joe and Mary's'. Họ có một chiếc hộp nhạc trong phòng khách và, cũng giống như ở nhà bà Annie, mọi người thường khiêu vũ cho đến sáng sớm. Nếu dân địa phương đang say xỉn đến lúc nửa đêm muốn ăn gà rán, họ thường sẽ đập cửa và hét lên: "Gà, Mary! Gà, Mary!" (Chicken, Mary!). Bà Mary sẽ ra mở cửa, nhóm than và rán gà cho đến khi trời sáng - do đó, cái tên 'Chicken Mary's' đã ra đời từ đó.
Ăn nên làm ra
Ngay sau khi quán Chicken Annie ra mắt thì Mary Zerngast cũng bắt đầu bán món gà rán, tạo nên sự cạnh tranh vẫn còn âm ỉ cho đến tận bây giờ
Những ngôi nhà nhỏ của nhà Pichler và nhà Zerngast chẳng mấy chốc đã tấp nập thực khách ăn tối và khiêu vũ đến nỗi gia đình các bà đã phải dời đi để họ có thể dành toàn bộ ngôi nhà chỉ để làm nhà hàng mà thôi.
Lời đồn tiếp tục lan truyền về món gà rán ngon nhỏ dãi của hai nhà này sau Đệ nhị Thế chiến, và những tín đồ gà rán sẽ lái xe hàng giờ băng qua Kansas để ăn tối tại tiệm của Annie hoặc Mary - hoặc đôi khi, cả hai.
Khi ngày càng có nhiều người đổ dồn đến tiệm của họ trong những năm 1960 và 70, hai bà đã phá sập ngôi nhà ban đầu của họ để mở rộng một lần nữa, xây dựng những nhà hàng hiện đại với nhà bếp chuyên nghiệp, có thể phục vụ khoảng 300 thay vì chỉ 30 thực khách.
"Bà ấy luôn nở nụ cười và sẽ chào đón khách hàng bằng tên của họ," bà Donna Lipoglav, cháu gái của Annie, nói. Bà nhớ lại rằng các nữ phục vụ ở tiệm của Annie luôn mặc váy trắng và tạp dề gọn gàng. "Bà tôi rất ngọt ngào và dịu dàng, và không, tôi không cho rằng bà sẽ hài lòng đồng ý cho tôi mặc chiếc áo ấm tôi đang mặc thế này đâu."
Mặc dù có công thức và món ăn kèm gần như y hệt nhau, nhưng Chicken Annie's và Chicken Mary's đã nhanh chóng nảy sinh sự cạnh tranh thân thiện, và người dân trong cộng đồng gắn kết chặt chẽ này phải chọn đứng về bên nào và cẩn thận với việc nhỡ có ai nhìn thấy họ bước vào nhà hàng nào.
Ngày nay, Donna Lipoglav dùng công thức chế biến món gà rán giống hệt như cách mà bà của bà đã làm tại quán Chicken Annie's Original
Những ký ức đầu tiên của Lipoglav là thời gian làm việc với bà mình, dọn bàn và phục vụ. Thỉnh thoảng, Annie sẽ kêu cháu gái đạp xe xuống tiệm Chicken Mary's để đếm xem trong bãi đỗ của họ có bao nhiêu xe. "Tôi nghĩ bà tôi cảnh giác trước những gì đang diễn ra," Lipoglav nói. "Bãi đỗ xe của chúng tôi lúc nào cũng ken đặc như ở chỗ quán Mary's."
Vào năm 1982, nhà Pichler đã cố gắng đổi tên cho con phố nhỏ chạy trước mặt cả hai tiệm là 'Đường Chicken Annie's'. Khi nhà Zerngast phản đối, vụ việc đã chiếm dòng tít báo trên toàn quốc với một bài viết bỡn cợt trên tờ The New Yorker có nhan đề 'Cuộc chiến gà rán'.
"Ông tôi Joe luôn nói: 'Đừng quay lưng lại với những người bên nhà Pichler, con không thể tin họ được đâu!'," Donna Zerngast, cháu gái của Mary, cười nói.
Khó biết ai hơn ai
Ngày nay, các gia tộc bán gà rán đầu tiên ở Pittsburg vẫn còn gắn bó với công việc này: Lipoglav đang điều hành Gà Chicken Annie's Chính hiệu, Larry Zerngast điều hành Chicken Mary's và Anthony Pichler điều hành Pichler's Chicken Annie's cùng với một đồng sở hữu thể không ngờ: Donna Zerngast, người hẳn là đã phớt lờ lời khuyên của ông nội Joe và kết hôn với một người thuộc nhà Pichler trong 54 năm qua.
Donna Zerngast đã phớt lờ lời khuyên của ông nội Joe và kết hôn với một người thuộc nhà Pichler trong 54 năm qua
Ngoài quy mô của các tòa nhà và việc họ không còn tự tay bẻ cổ gà nữa, cả ba chuỗi nhà hàng vẫn làm mọi thứ y như cách mà Annie và Mary đã làm trong thời thập niên 1930-40.
Mỗi tiệm vẫn nhào bột để chế biến gà, sau đó bọc gà trong lớp bột và muối chỉ vài phút trước khi chiên trong mỡ lợn. Chicken Mary's bỏ trứng và sữa trong bột nhào; trong khi Chicken Annie's Chính hiệu và Pichler's Chicken Annie's chỉ sử dụng trứng.
Đối với một người đến từ miền Trung Tây, gà rán ở cả hai tiệm Annie's và Mary's đều có lớp vỏ giòn, nhẹ và bên trong mềm, ngon. Nhưng người dân Pittsburgh biết sự khác biệt.
"Bạn có thể đặt đĩa gà rán của chúng tôi bên cạnh đĩa gà rán của họ và dân địa phương sẽ biết đĩa nào là của ai," Lana Brooks, vốn đã làm việc ở tiệm Chicken Mary's được 51 năm và cho rằng cả hai nhà đều sử dụng cùng một loại gia vị, chỉ là với liều lượng khác nhau.
"Tôi nghĩ rằng chìa khóa thành công ở cả hai nhà hàng là chúng tôi vẫn làm mọi thứ y hệt như cách mà Mary và Annie đã làm. Đó là một phần làm nên sự cuốn hút đối với các gia đình đã đến đây cả đời. Đó thuộc về di sản của cộng đồng chúng tôi."
Đã 79 năm kể từ khi mở cửa bán hàng lần đầu tiên, nhà hàng Chicken Mary's nay do Larry Zerngast và vợ điều hành, với món ăn nấu theo công thức của bà nội ông trước đây
Qua nhiều năm, Chicken Annie's và Chicken Mary's đã truyền cảm hứng cho ít nhất là chín tiệm gà rán gia truyền khác ở Hạt Crawford.
"Chúng tôi có những khách hàng rất trung thành, nhưng mỗi tuần, chúng tôi vẫn có những khách hàng đến từ khắp mọi miền đất nước bởi vì họ đã nghe nói về chúng tôi và gà rán ở nơi này của Kansas," Missy Pichler, thuộc thế hệ thứ tư của gia tộc Pichler vốn làm việc tại tiệm Chicken Annie's Chính hiệu và có cô con gái đang tuổi thiếu nữ cũng đang phục vụ bàn ở đó, cho biết.
Khách hàng trung thành
Cứ sau vài tháng, Steve và Melissa Pulis và các con trai họ lái xe khoảng hai giờ từ Springfield, Missouri, tới Pittsburg và đến ăn tại tiệm Chicken Mary's lần này thì lần sau sẽ đến ăn tại tiệm Chicken Annie's.
"Tôi thích gà của tiệm Annie's nhất, nhưng Steve lại thích gà của tiệm Mary's nhất," Melissa nói. "Nhưng đối với món rau trộn thì ngược lại. Tôi thực sự thích cách tiệm Mary's cho thêm tỏi vào. Nhưng Steve không chịu."
Ngày nay, cả ba nhà hàng đều tẩm bột và rán gà bằng mỡ lợn, giống như ngày trước Annie và Mary từng làm
Và đó là cách mọi việc diễn ra ở Hạt Crawford. Các gia đình ở đây bị chia phe trong cuộc tranh cãi về gà rán và các món ăn kèm.
Al Eshelbrenner lớn lên ở phía bắc Pittsburg và đã ăn gà rán trong gần 60 năm qua. Mặc dù thừa nhận rằng tiệm Chicken Mary's làm ngon, nhưng ông một mực cho rằng sự khác biệt nằm ở cách nêm nếm.
Ngày nay, ông vẫn duy trì lòng trung thành của bố mẹ và dẫn các cháu của mình đến tiệm Chicken Annie's. "Những người trong nhà sẽ đưa chúng tôi đến tiệm Chicken Annie's vào mỗi Chủ Nhật và tôi đã lớn lên như thế," Eshelbrenner nói.
"Mọi người không thực sự tranh luận về vấn đề này ở đây bởi vì chúng tôi tôn trọng rằng mọi người đều có sở thích, truyền thống gia đình của riêng họ."
Thật ra, nhà Eshelbrenner gắn bó với tiệm Chicken Annie's đến nỗi họ đặt nhà hàng nấu tiệc cho các buổi họp mặt Giáng Sinh gia đình của họ.
Ngày nay, Kansas vẫn còn bị chia rẽ về việc gà của Chicken Annie's hay của Chicken Mary's ngon hơn
"Tôi nghĩ salad khoai tây và bắp cải trộn là những món mà tôi thèm nhất," Kristian Walker, người sinh ra và lớn lên ở Pittsburg nhưng hiện đang sống ở Harrisburg, Pennsylvania, nói. Mặc dù không còn gia đình sống ở khu vực này nữa, nhưng ông từng lái xe năm tiếng đồng hồ khỏi chỗ của mình chỉ để có thể ăn gà rán cho bữa tối ở Pittsburg.
"Tôi đã gặp những người từ khắp mọi nơi trên đất nước. Ngay khi họ biết tôi đến từ Pittsburg, họ bắt đầu hỏi tôi về món gà rán tôi ưa thích nhất và kể về những lần họ có cơ hội được ăn," ông nói.
"Có thể chúng tôi không nổi tiếng thế giới, nhưng chắc chắn có rất nhiều người trên khắp thế giới biết về món gà rán của Hạt Crawford, Bang Kansas."
Diana Lambdin Meyer
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.