Trong thời gian đầu dịch virus corona, với nhiều người thì đi siêu thị như thể lạc vào một cơn ác mộng.
Bạn bước vào trong siêu thị, thấy người xếp hàng tính tiền thành hàng dài gấp ba ngày thường, và nhận ra rằng bạn không phải là người duy nhất cảm thấy cần phải mua đồ tích trữ.
Chen vai cạnh những người mua hàng khác qua khu vực mua mỳ ống hoặc khu vực hàng đông lạnh, và cảm thấy bị sốc khi đến những khu vực hàng hóa mà mọi kệ hàng đều trống rỗng.
Khi tin tức về bệnh Covid-19 bắt đầu được thế giới quan tâm, những cửa hàng thực phẩm, vốn thường đầy ắp hàng hóa như ta mong muốn, đã nhanh chóng trống rỗng vì mọi người vội vã đi mua hàng tích trữ trong hoảng loạn, như giấy vệ sinh, nước, cơm, đậu, mì ống, bánh mì và hàng đông lạnh.
Hình ảnh trên mạng khoảng cuối tháng Một là những kệ hàng trống rỗng, khiến người mua hàng xếp hàng từ trước giờ cửa hàng mở cửa và mua sạch những món thiết yếu trên các siêu thị trên mạng như Amazon Fresh.
So với cùng tuần đó trong năm 2019, con số bán ra ở Hoa Kỳ với mặt hàng đậu khô tăng 37%, với gạo tăng 25% và mì ống tăng 10%.
Sang đến tháng Tư, mọi người vẫn tiếp tục mua hàng với số lượng lớn, các hệ thống cửa hàng thực phẩm đã bắt đầu có hành động.
Các cửa hàng bán lẻ đã liên minh với nhà sản xuất, nhân viên kho bãi và nhân viên vận hành hệ thống cung ứng để đáp ứng nhu cầu tăng cao đột ngột.
Nhưng ngay cả giữa thời bất an, và dù có tình trạng khan hiếm hàng xảy ra, thì các chuyên gia trong hệ thống thực phẩm vẫn đang tìm cách trấn an chúng ta không rơi vào nỗi sợ cùng cực của người mua hàng: đó là nỗi sợ hệ thống cung ứng thực phẩm bị quá tải có thể dẫn tới tình trạng thiếu thức ăn.
"Tôi hoàn toàn có thể hiểu được lo ngại của mọi người. Bất cứ khi nào họ đến cửa hàng thực phẩm, trước đây họ thường thấy có đủ mọi thứ… nhưng căn bản là, khi nghĩ về hệ thống sản xuất và phân phối hàng thực phẩm, thì hiện thời thực phẩm đang được sản xuất với khối lượng lớn," Lowell Randel, phó chủ tịch Liên minh Chuỗi hàng Đông lạnh Toàn cầu (GCCA) ở Hoa Kỳ, cho biết.
Khủng hoảng như virus corona tiết lộ nhiều điều về hệ thống thực phẩm. Thay vì làm lộ ra điểm yếu của hệ thống, thì thực ra nó tiết lộ sự linh hoạt và sức mạnh của hệ thống này khi phải chịu áp lực.
Hệ thống cung ứng phụ thuộc vào cơ chế liên kết nhiều ngành công nghiệp được thiết kế nhằm thích nghi khi có thảm họa tự nhiên xảy ra - hoặc khi các mảng trong thực phẩm cần xoay trục khi có sự tăng vọt về sản lượng sản phẩm theo mùa. Nói cách khác, chúng ta đã từng trải qua tình huống này trước đây.
Khối lượng thực phẩm được tích trữ trong kho của nhà xưởng và các cửa hàng thực phẩm vào bất kỳ thời điểm nào cũng đạt lượng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong bốn tháng
"Lần này có chút khác biệt vì nó kéo dài và xảy ra ở khắp nơi… [nhưng] khi một cơn bão ập đến một quốc gia, hành vi tiêu dùng cũng tương tự hệt như [bây giờ]," Fred Boehler, giám đốc điều hành của công ty chuỗi cung ứng có trụ sở tại Mỹ, Americold Logistics, cho biết.
Mô thức hành vi có thể tương tự, nhưng khi nhu cầu về thực phẩm bị nhân lên nhiều lần đến quy mô chưa từng có tiền lệ khắp cả nước, thì rất nhiều xưởng sản xuất phải chuyển qua chế độ "hoạt động hết công suất", là tình trạng tăng hết công suất sản xuất thường chỉ dành cho tình huống khẩn cấp như đại dịch lần này.
Thích nghi theo sự thay đổi nhu cầu của người đi mua sắm trong đại dịch Covid-19 thực sự là nhiệm vụ nặng nề, nhưng các chuyên gia đồng tình rằng động thái như vậy là tốt và vẫn nằm trong sự kiểm soát của hệ thống - và không gây ra tình trạng báo động.
Bóp chặt quả bóng
Theo Boehler, sự hiểu nhầm về tình trạng của chuỗi cung ứng thực phẩm đó là người ta cho rằng hiện chuỗi này đã bị kéo căng quá mức đến mức vỡ trận.
Nhưng để hiểu về sự bí ẩn của những kệ hàng trống rỗng, đầu tiên bạn phải nhìn trở lên nguồn, bắt nguồn từ các nhà kho cho đến tận siêu thị.
Vào bất cứ thời điểm nào, "các cửa hàng thực phẩm của chúng tôi cũng lưu kho sẵn tại chỗ lượng hàng tương đương 20-30 ngày phục vụ trong cửa hàng," Boehler cho biết.
Các cửa hàng nhận lượng sản phẩm lưu kho này từ "trung tâm phân phối bán lẻ" tại địa phương, nơi nhân viên phân loại các sản phẩm và sắp xếp các đơn hàng cụ thể rồi chuyển phát đi - những trung tâm này cũng có lượng hàng trong kho khoảng 30 ngày.
"Vậy là có khoảng lượng sản phẩm cho 60 ngày sẵn trong kho. Tất cả đều là sở hữu thuộc cửa hàng bán lẻ đó."
Quay trở lại với một nút thắt khác tên "trung tâm phân phối cấp vùng"được đặt ở các thành phố chính, là nơi cung ứng cho các trung tâm bán lẻ địa phương.
Bạn đoán xem: lại có thêm lượng sản phẩm lưu kho cho 30 ngày nữa.
Cuối cùng, ta đến với các cơ sở sản xuất nằm trực tiếp bên cạnh xưởng sản xuất và đóng gói các loại thực phẩm. Họ đưa những sản phẩm đang nóng khỏi dây chuyền, lưu trữ để vận chuyển ra khỏi trung tâm cấp vùng. Lại có thêm lượng sản phẩm đủ cho 30 ngày nữa được tích trữ tại đây.
Bốn nút thắt trong chuỗi cung ứng tổng thể luôn luôn sở hữu khoảng bốn tháng thực phẩm, luôn sẵn sàng và chờ được vận chuyển đi, chờ đặt hàng, chờ chuyển phát đi và tích trữ.
Trong một thế giới không có đại dịch và thảm họa, hệ thống thực phẩm thường sẽ chia phần sản phẩm trong kho ra giữa các cửa hàng bán lẻ (ví dụ như siêu thị) và các dịch vụ ăn uống (như nhà hàng và quán bar).
Nhưng khi các biện pháp khẩn cấp được áp dụng trong ba tuần qua để giảm thiểu virus lây lan, thì những quốc gia như Ý, Tây Ban Nha, Pháp và nhiều nơi ở Hoa Kỳ đã buộc nhà hàng đóng cửa.
Một số xưởng sản xuất đã chuyển sang chế độ "hết công suất" - là tình trạng tăng tốc độ sản xuất lên mức tối đa, đây là chế độ thường được dành cho tình huống khẩn cấp.
"Dịch vụ ăn uống thường chiếm khoảng 50%, nay khu vực này chiếm khoảng 10%," Boehler chia sẻ.
Thực phẩm trước đây thường được đưa đến nhà hàng, thì nay nằm trong nhà kho, trong khi đơn hàng cho các nhà kho bán lẻ đồng thời tăng lên. Những cơ sở này vẫn tiếp tục chuyển đi số lượng thực phẩm như cũ, nhưng đơn hàng của họ đã chuyển hẳn sang mảng bán lẻ.
"Đây giống như bóp một quả bong bóng vậy," ông giải thích thêm. "Ít dịch vụ ăn uống hơn, bán lẻ nhiều hơn."
Cơ chế sản xuất
Để theo kịp với nhu cầu mua hàng thực phẩm tăng từ 25-25%, các nhà sản xuất đang dựa vào các quy trình thay thế nhưng đáng tin cậy, được thiết kế để kiểm soát khi thị trường biến động.
Một số các cơ sở sản xuất và vận tải đã tăng giờ hoạt động đến mức tối đa và tung ra càng nhiều thực phẩm càng tốt.
Một nhà máy sản xuất bột mì ở Hertfordshire, Anh Quốc đã thuê đủ nhân viên để chuyển từ vận hành năm ngày mỗi tuần sang bảy ngày mỗi tuần. Điều này cho phép công ty sản xuất thêm 350.000 túi bột mỗi tuần, Joe Arturo Garza-Reyes, lãnh đạo Trung tâm Cải tiến Chuỗi Cung ứng từ Đại học Derby, cho biết.
Một cơ chế khác, thường được sử dụng song song với việc kéo dài thời gian vận hành, đó là cắt giảm các loại sản phẩm đa dạng - đánh đổi số lượng loại mặt hàng để tập trung vào khối lượng hàng sản xuất ra.
Những công ty sản xuất mì ống chẳng hạn, có thể tạm ngưng các kiểu và kích cỡ sợi mì để chuyển sang sản xuất một sản phẩm cốt lõi duy nhất, Garza-Reyes giải thích.
Hệ thống siêu thị Tesco của Anh Quốc đang cung cấp khối lượng sữa, bánh mì, gạo và mì ống nhiều gấp đôi thông thường, trong khi đó họ cũng đơn giản hóa các đơn hàng lại, ví dụ như tập trung vào các sản phẩm sữa loại hai và bốn pint [1 pint tương đương 0,57 lít].
Các nhà sản xuất cũng có thể tăng cường năng suất bằng cách thuê các công ty trong nước hay quốc tế sản xuất một số sản phẩm của họ. "Điều này tương tự với những gì chính phủ Anh Quốc đang làm, bằng cách thuê các bệnh viện tư nhân để tăng cường năng suất cho Hệ thống Y tế Công (NHS)," Garza-Reyes nói.
Nhưng trong lúc hầu hết các công ty đều có khả năng tăng cường sản xuất quyết liệt, thì hiệu ứng của việc tăng vọt nhu cầu mua thực phẩm thực ra lại khiêm tốn hơn nhiều.
Steve Gonzalez, nhà sáng lập công ty sản xuất mì ống hữu cơ Sfoglini, vốn sản xuất khoảng 2.700kg mì ống mỗi ngày, đã thấy sự gia tăng bất thường trong doanh số bán hàng vì người mua bắt đầu dọn sạch kệ hàng.
Thông thường ông đặt một hoặc hai xe tải bột semonila mỗi tháng để sản xuất mì ống trong xưởng sản xuất tại New York, và sau đó sản phẩm sẽ bán tại siêu thị Whole Foods, Stop & Shop và một số nhà bán lẻ khác.
Trong tháng Ba, ông đã phải đặt hàng ba xe tải - không có vấn đề gì cho một công ty có khả năng thích ứng nhanh như Sfoglini.
Hiệu ứng 'kệ hàng trống rỗng' sẽ kết thúc khi khách hàng đã có đủ sản phẩm trong nhà kho, đến mức việc mua tích trữ là hông còn cần thiết nữa.
"Trào lưu tích trữ quá nhanh," Gonzalez cho biết. Dù vậy, "không ai phát hoảng. Giá cả vẫn như cũ."
Các nhà cung cấp của ông vẫn chưa thấy bất cứ khó khăn nào, và các loại ngũ cốc dùng làm bột mà ông mua vẫn được lưu kho an toàn ở các nhà kho silo giữa các đợt thu hoạch hai lần mỗi năm.
Chỉ tốn khoảng hai tuần từ thời gian xay bột đến thời gian mì ống Sfoglini có mặt trên kệ hàng, ông nói, vì vậy những thay đổi ở công ty ông - dù khá nhỏ - cũng đã được điều chỉnh nhanh chóng.
"Lợi ích đối với chúng tôi khi là doanh nghiệp nhỏ, đó là chúng tôi không phải con khủng long nặng nề, phát triển quá cỡ to lớn. Chúng tôi có thể điều chỉnh và xoay sở khi cần."
Các chiến lược này - từ những điều chỉnh nhanh chóng ở công ty quy mô nhỏ đến những đợt đại tu tổng quát trong những công ty lớn trong ngành - đã không gây ra sự căng thẳng trong chuỗi cung ứng thực phẩm, Randel từ GCCA cho biết.
Kết quả là hệ thống vẫn trong tầm kiểm soát với nhu cầu, dù ngay giữa cơn đại dịch.
Cần công nhân
Nguồn gốc thực sự của tình trạng kệ hàng trống rỗng nằm trong bản thân những cửa hàng bán lẻ.
"Nói cách khác, các siêu thị thực sự có sản phẩm trong nhà kho, nhưng họ không có đủ nhân viên để đưa sản phẩm lên kệ kịp với tốc độ mà người ta lấy hàng khỏi kệ," Garza-Reyes cho biết.
Để phản ứng với tình trạng này, những nhà bán lẻ chính khắp thế giới đã bắt đầu thuê nhân viên mới để lấp đầy khoảng trống.
Hệ thống siêu thị Aldi có trụ sở tại Mỹ đã thuê 5.000 nhân viên thời vụ và 4.000 nhân viên chính thức, và hệ thống siêu thị Albertons đang có kế hoạch thuê thêm 30.000 người.
Siêu thị Tesco ở Anh thông báo họ sẽ thuê thêm 20.000 nhân viên thời vụ và đã gia tăng việc chuyển phát sản phẩm từ trong kho để đáp ứng kịp nhu cầu.
Kroger, siêu thị bán lẻ lớn nhất tại Mỹ, đã giảm giờ hoạt động "để có thêm thời gian cho nhân viên nghỉ ngơi, dọn dẹp và tích trữ hàng," người phát ngôn của công ty cho biết.
Như vậy, mạng lưới các cửa hàng thực phẩm toàn cầu đang dần hồi phục sau cú sốc hệ thống ban đầu từ tình trạng mua hàng tích trữ khắp thế giới, thậm chí ngay cả ở những quốc gia bị virus gây ảnh hưởng mạnh nhất. "Hệ thống cung ứng thực phẩm vẫn đang tiếp tục vận hành. Bạn không nghe thấy tình trạng người chết đói ở Ý," Randel cho biết. "Các cửa hàng thực phẩm vẫn mở cửa và có thực phẩm."
Đỉnh điểm tích trữ
Garza-Reyes cho biết ông kỳ vọng hiện tượng "kệ hàng trống rỗng" nói chung sẽ chỉ là tạm thời, không chỉ nhờ vào việc các siêu thị linh hoạt hơn khi đáp ứng nhu cầu, mà còn vì "đến một điểm nào đó khi khách hàng đã mua đủ hàng như mì ống trong tủ đồ khô ở nhà thì họ sẽ không cần tích trữ thêm nữa."
Khi đạt đến đỉnh mức trên, và khi nỗ lực trong hệ thống cung ứng thực phẩm và cửa hàng thực phẩm bắt kịp với nhu cầu của người mua hàng trong đại dịch Covid-19, thì liệu một "sự bình thường mới" sẽ xuất hiện từ tổ chức hệ thống thực phẩm không?
Theo Boehler, có lẽ là không. Ông tin rằng ngoài sự chuyển đổi tạm thời trong lực lượng lao động, hệ thống cung ứng đã được xây dựng để chống chịu với nhiều khủng hoảng trong tương lai.
Người tiêu dùng có thể giúp giảm thiểu cơn sợ hãi của đám đông lo thiếu thực phẩm bằng cách đi mua sắm như thông thường, Caitlin Welsh, giám đốc Chương trình An ninh Lương thực Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Hoa Kỳ, cho biết. Nhân viên đơn giản là cần có thời gian để chưng thêm hàng lên kệ.
"Mọi người nên hít một hơi thở sâu, và đi mua sắm tối đa chỉ một hai lần mỗi tuần," bà chia sẻ. "Nếu bạn không tìm thấy món bạn cần, thì hãy quay lại vào hôm sau."
Peter Rubinstein
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.