Ở Nhật Bản, khi nhiều nơi tại nước này công bố tình trạng khẩn cấp, người dân đã có cách phản ứng với đại dịch Covid-19 thật độc đáo: đó là chia sẻ hình ảnh trên mạng về một sinh vật kỳ bí trông giống nàng tiên cá, với niềm tin nó sẽ giúp họ ngăn cản dịch bệnh.
Hầu như đã bị lãng quên qua nhiều thế hệ, Amabie, như nó thường được gọi, là một yokai đem lại điều lành (yokai có nghĩa là một nhóm các linh hồn siêu nhiên nổi tiếng trong truyện cổ Nhật Bản).
Amabie lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1846.
Chuyện kể rằng có một viên quan đi điều tra về chuyện có ánh sáng xanh bí ẩn trong đáy nước ở tỉnh Higo trước đây (ngày nay là hạt Kumamoto).
Khi đến nơi, ông thấy một sinh vật tỏa sáng màu xanh lục với vảy cá, tóc dài, chân giống hình dạng ba cái đuôi cá và có mỏ khoằm trồi lên khỏi mặt biển.
Amabie tự giới thiệu với viên quan và dự đoán hai điều: Nhật Bản sẽ được mùa màng bội thu trong sáu năm kế tiếp, và một đại dịch sẽ tàn phá đất nước này. Tuy nhiên, sinh vật người cá bí ẩn này nói rằng để có thể ngăn chặn dịch bệnh, người dân nên vẽ hình ảnh của nó và chia sẻ cho càng nhiều người càng tốt.
Khi Amabie lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1846, hình ảnh của nó in trên một bản in từ gỗ giống nó được xuất bản trên một tờ báo địa phương, và hình ảnh này nhanh chóng được lan truyền
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ này sau đó đã được đăng tải trên báo tại địa phương, đi kèm với bản in từ tranh khắc gỗ một hình ảnh giống với Amabie, nó nhanh chóng lan tỏa khắp Nhật Bản.
Trong gần 174 năm qua, Amabie không phổ biến cho lắm. Nhưng khi virus corona quét qua Nhật Bản, hình ảnh của nó gần đây xuất hiện trở lại trên mạng xã hội, mang lại hi vọng rằng những người chia sẻ bức hình sẽ giúp đại dịch này chấm dứt.
"Amabie có thể được coi như một dạng meme [biểu tượng văn hóa phổ biến] của Thời Edo (từ 1603 -1868)," Victoria Rahbar, một nghiên cứu sinh thạc sĩ từ trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Stanford, nói. "Amabie nói mọi người hãy vẽ hình ảnh [của nó] và rồi lan truyền hình ảnh đó trên mạng để tránh dịch bệnh."
Khi dịch Covid-19 quét qua Nhật Bản, sinh vật huyền bí có hình dạng hơi giống người cá này đã được xuất hiện trở lại, với hi vọng ngăn cản được dịch bệnh
Theo xu hướng tìm kiếm trên Google, hình ảnh linh hồn yokai bí ẩn này đã xuất hiện hồi đầu tháng Ba và sự phổ biến của nó từ đó đã lan rộng khắp năm châu lục, với hashtag #AMABIEchallenge giờ đây xuất hiện trong tiếng Anh.
Thêm vào đó, hàng chục ngàn bức tranh, hình vẽ và hình vẽ lại điều chỉnh theo ý thích cá nhân về Amabie đã xuất hiện trên Instagram và Twitter, mọi người ở Nhật bắt đầu bán khẩu trang và nước rửa tay sát trùng có hình ảnh Amabie.
Một họa sĩ vẽ minh hoạ từng vẽ hình ảnh giống với Amabie ở một bên của chiếc xe tải đầu kéo đã đăng hình ảnh nó lên Twitter, và cho biết: "Tôi đi du lịch khắp đất nước với [hàng hóa] và Amabie để cầu nguyện cho bệnh dịch qua đi."
Những người khác tin vào Amabie thì làm món sushi Amabie có thể ăn được, và nướng bánh quy hình Amabie.
Linh hồn yokai này được thêu trên vải, thổi làm bóng bay và được sản xuất thành dạng huy hiệu có bán ở các máy bán huy hiệu phổ biến khắp Nhật Bản (còn gọi là gachapon).
Mọi người thậm chí còn cho thú cưng ăn mặc theo hình dạng của linh hồn từ đại dương này.
Trong vài tuần qua, hình ảnh Amabie đã xuất hiện dưới dạng các hình vẽ đầy màu sắc, được làm thành món ăn sushi và thêu trên vải
Dù linh hồn yokai có thể là quái vật hay quỷ dữ, nhưng ngày nay những linh hồn trong truyện cổ này được mọi người khắp Nhật Bản yêu thích.
Một số linh hồn, như Amabie, sở hữu sức mạnh của tình thương. Những linh hồn khác có thể chuyển đổi hình dạng, và rất nhiều trong số chúng thường được xây dựng với hình dáng kỳ dị và câu chuyện kể đi kèm tỉ mỉ.
Có câu chuyện về karakasa kozo, một chiếc dù một mắt nhảy lò cò có thể len lỏi vào và liếm mọi người. Hay câu chuyện về Biwa bokuboku, một chiếc sáo tự chơi nhạc trên đường phố để xin tiền, và tofu kozo, nhân vật mặc kimono theo kiểu cậu bé, nổi tiếng vì theo mọi người về nhà và cho họ đậu hũ.
Linh hồn yokai có nguồn gốc từ Thời Edo, và mãi đến đầu Thế kỷ 20 nó vẫn còn phổ biến trên báo Nhật Bản. Chuyện tường thuật trên báo chí về việc có người nhìn thấy yokai ở địa phương thường được đăng tải như những sự kiện chấn động.
Trong lịch sử, mọi người thường sợ hãi yokai, nhưng trong những thế hệ gần đây, yokai đã được nhìn nhận ở hình thức thân thiện hơn.
Ở Nhật Bản, đôi khi yokai được coi là có vai trò tôn giáo - như kitsune (cáo) thường được thấy tại đền thờ Inari
"Yokai thường đóng vai trò giúp mọi người đón nhận những tình huống hay cảm xúc khó chịu. Chúng đôi khi có thể là một dạng van xả khi mọi việc xảy ra với quá nhiều áp lực," Hiroko Yoda, đồng tác giả của quyển sách "Yokai tấn công! - Cẩm nang sống sót khỏi quái vật Nhật Bản" (Yōkai Attack! The Japanese Monster Survival Guide), nói.
"Điều khiến chúng có sức nặng là lịch sử lâu dài của chúng. Yokai, dưới nhiều hình dạng và tên gọi, đã trở thành một phần của văn hóa Nhật Bản qua nhiều thế kỷ. Ngày nay, yokai thường xuất hiện dưới hình thức giải trí. Chúng thường được sử dụng làm nhân vật trong trò chơi điện tử, phim hoạt hình và truyện tranh."
Tương tự như sự trấn an mà linh vật nổi tiếng (mascot) Kumamon đem lại sau trận động đất ở Kumamoto hồi năm 2016, sự xuất hiện trở lại của Amabie đem lại cảm giác nhẹ nhõm trong thời gian đầy biến động này.
Có một cách giải thích, đó là vì đây là sự liên hệ giữa yokai trong xã hội Nhật Bản và Thần đạo của nước này.
Trong thực tế, yokai đóng vai trò tôn giáo không phải là ít. Chú cáo biến hình kitsune chẳng hạn, theo truyền thống được coi là người đưa tin của thần Inari trong Thần đạo, và tượng chú cáo được dùng để tô điểm cho những ngôi đền Thần đạo trên khắp Nhật Bản.
Sau trận động đất ở Kumamoto hồi năm 2016, hình ảnh linh vật Kumamon đã đem lại niềm an ủi cho người Nhật trong thời gian đau thương và bất an
"Linh hồn yokai mang ký ức lịch sử cho người dân Nhật Bản," Rahbar chia sẻ. "Chúng không tĩnh tại, với nhiều linh hồn mới sẽ xuất hiện tùy theo dịp nhờ vào việc ghi chép mới về chúng được những bậc thầy [về truyện tranh Nhật Bản] như Shigeru Mizuki thể hiện."
Hãng Mizuki Productions cũng đóng vai trò trong việc làm hồi sinh sự nổi tiếng của Amabie trong thời đại dịch.
Vào ngày 17/3, công ty đăng tải trên Twitter một hình vẽ Amabie với thông điệp "Cầu cho dịch bệnh thời nay qua mau," khiến những họa sĩ vẽ truyện tranh khác như Mari Okazaki đăng hình vẽ của họ với thông điệp tương tự về hy vọng đại dịch kết thúc.
"Có rất nhiều tin tức xấu hiện nay," Okazaki nói. "Tôi nghĩ là những người đọc các tin tức đó thì muốn tìm kiếm một chút cảm giác dễ chịu."
"Khi mọi người vẽ thì việc vẽ có xu hướng giúp họ bình tĩnh lại, cho nên người ta vẽ [Amabie] là để cho cả chính mình và cho những người khác nữa," Okazaki nói tiếp. "Nhiều họa sĩ đang tham gia cuộc vui, tôi nghĩ đó là điều tốt."
Bộ Sức Khỏe, Lao động và An sinh Xã hội Nhật Bản đã áp dụng hình ảnh Amabie trong chiến dịch an toàn cộng đồng chống virus corona
Bộ Sức Khỏe, Lao động và An sinh Xã hội Nhật Bản mới vừa đây cũng tham dự vào cơn cuồng Amabie mới mẻ.
Trong một hình ảnh đăng tải trên Twitter ngày 9/4, bộ này đã chia sẻ hình ảnh của linh hồn yokai nhắc lại cảm xúc nguồn gốc mà Amabie đem lại và khuyến khích mọi người "tránh để virus lây lan".
Amabie có thể chỉ là nhân vật giả tưởng, nhưng chia sẻ hình ảnh của nó là cách đem lại ánh sáng và sự chung tay trong thời gian mọi người kiếm tìm sự kết nối và hy vọng.
Okazaki miêu tả Amabie trong hình ảnh một sinh vật đầy màu sắc, mạnh mẽ trỗi dậy từ biển cả, che phủ nhân vật ma quỷ trong bóng tối lượn lờ ở hình nền.
"Có rất nhiều kiểu linh hồn yokai ở Nhật, từ dễ thương đến đáng sợ. Tôi nghĩ nhân vật tôi vẽ thể hiện trái tim tôi," Okazaki chia sẻ. "Đó là sự phóng chiếu cảm xúc của tôi - là cách của riêng tôi muốn bày tỏ thông điệp 'Xin hãy che chở cho mọi người.'"
Rebecca Saunders
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.