Tổng Thống Trump tại Nhà Trắng hôm 6/5/2020
Tổng thống Donald Trump mô tả đại dịch virus corona là "cuộc tấn công kinh khủng nhất" nhằm vào Hoa Kỳ từ trước đến nay, và hướng thẳng sự chỉ trích về phía Trung cộng.
Ông Trump nói rằng trận dịch đã tấn công nước Mỹ nặng nề hơn cả vụ ném bom Trân Châu Cảng của Nhật Bản trong Thế chiến II, hay vụ khủng bố 11/9 hai thập niên trước.
Chính quyền của ông đang cân nhắc các hành động nhằm vào Trung cộng để trừng phạt việc đã xử lý (kém) trong thời gian đầu của tình trạng khẩn cấp toàn cầu này.
Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng Hoa Kỳ muốn đánh lạc hướng dư luận nhằm tránh bị chỉ trích về cách mà Washington đối phó với đại dịch.
Kể từ khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán của Trung cộng vào tháng 12/2019, virus corona được xác nhận đã lây nhiễm cho 1,2 triệu người Mỹ, làm chết hơn 74.000 người.
Tổng thống Trump nói gì?
Phát biểu với báo giới tại Phòng Bầu dục hôm thứ Tư, ông Trump nói: "Chúng ta đã trải qua cuộc tấn công tồi tệ nhất đối với đất nước này, đây là cuộc tấn công kinh khủng nhất mà chúng ta từng chứng kiến.''
"Nó tồi tệ hơn cả Trân Châu Cảng, tồi tệ hơn vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới. Chưa bao giờ có một cuộc tấn công như thế.''
"Và điều đó đáng lẽ đã không bao giờ xảy ra. Lẽ ra virus đã được ngăn chặn từ nguồn. Lẽ ra nó đã được chặn từ Trung cộng. Đáng lẽ nó phải được chặn ngay từ nguồn chứ. Nhưng đã không có điều đó."
Số liệu người tử vong vì virus corona ở Mỹ
Sau đó khi một phóng viên hỏi liệu Tổng thống có thấy đại dịch là một hành động chiến tranh thực sự hay không, ông Trump cho rằng đại dịch là kẻ thù của nước Mỹ, chứ không phải Trung cộng.
"Tôi xem kẻ thù vô hình [virus corona] là một cuộc chiến," ông nói. "Tôi không thích cách mà virus lây lan đến đây, đáng lẽ ra nó đã được chặn lại, nhưng không, tôi xem kẻ thù vô hình như là một cuộc chiến."
Những ai trong chính quyền Trump chỉ trích TC?
Sự rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh đã được nhấn mạnh hơn vào hôm thứ Tư khi Ngoại trưởng Mike Pompeo lại một lần nữa nhằm vào Trung cộng, cáo buộc họ che đậy sự bùng phát.
Ông Pompeo đã bị mắc kẹt bởi cáo buộc vô căn cứ rằng có "bằng chứng to lớn" về việc virus corona được nuôi trong phòng thí nghiệm Trung cộng, ngay cả khi chính ông thừa nhận vẫn không chắc chắn về nguồn gốc của nó.
"Những phát biểu đó đều đúng," nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói. "Chúng tôi không có sự chắc chắn nhưng có bằng chứng quan trọng cho thấy nó đến từ một phòng thí nghiệm."
Truyền thông nhà nước Trung cộng cáo buộc ông nói dối.
Một trong những chuyên gia y tế công cộng có uy tín nhất của Hoa Kỳ từng nói rằng có bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy virus không được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Tiến sĩ Anthony Fauci, một thành viên ban đặc nhiệm chống virus corona của ông Trump, cho biết hôm thứ Hai rằng virus dường như đã "tiến hóa trong tự nhiên và sau đó lây lan ra qua các loài sinh vật".
Tại sao Mỹ đổ lỗi cho Trung cộng?
Tổng thống Trump đang đứng trước chiến dịch tái tranh cử khó khăn vào tháng 11, nhưng nền kinh tế Mỹ vốn một thời sôi động - và là chỗ ăn điểm của ông - hiện đang trong tình trạng hôn mê do đại dịch virus corona.
Một cuộc khảo sát ý kiến của Pew hồi tháng trước cho thấy hai phần ba dân Mỹ, một con số kỷ lục, coi Trung cộng là mối bất lợi. Tuy nhiên, gần như có cùng con số người được hỏi nói rằng họ tin ông Trump đã hành động quá chậm để ngăn chặn đại dịch.
Khi nhận thấy nỗ lực chống dịch của mình đang bị chỉ trích, Tổng thống Trump bắt đầu dán nhãn dịch bệnh là "virus Trung cộng", nhưng rồi ông đã thay đổi cách định danh virus sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình.
Cả ông Trump và đối thủ tiềm năng bên phía đảng Dân chủ, Joe Biden, dường như đang nhanh chóng khai thác tâm lý ghét Trung cộng để phục vụ cho mục tiêu bầu cử, khi mỗi người đều cáo buộc người kia quá khờ khạo trước đối thủ cạnh tranh kinh tế chính của Mỹ.
Khi virus corona bắt đầu lây lan trên diện rộng ở Mỹ vào tháng 1, ông Trump đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung cộng, được gọi nôm na là thỏa ước ngừng bắn trong cuộc chiến thuế quan. Hy vọng của tổng thống Mỹ về việc đạt được thỏa thuận giai đoạn hai toàn diện hơn hiện đang ở tình trạng bế tắc do đại dịch.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.