Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra loạt đòn công kích chưa từng có đối với Trung cộng, trong đó nêu ra nhiều vấn đề từ theo dõi cho tới vi phạm sự tự do của Hong Kong, đồng thời tuyên bố các biện pháp phản ứng có thể đẩy quan hệ Mỹ-Trung vào chỗ khủng hoảng.
"Họ đánh cắp từ nước Mỹ không giống như bất cứ nước nào từng làm trước đây" - ông Trump nói về Trung cộng, phàn nàn rằng Bắc Kinh "tập kích các nhà máy của chúng ta" và "rút ruột" ngành công nghiệp Mỹ, thêm rằng Bắc Kinh sẽ là bên mà ông chống đối đến cùng trong những tháng còn lại của chiến dịch tái tranh cử của ông.
Tổng thống Trump đã tham gia cuộc họp báo chiều ngày 29/5 (giờ Mỹ) tại Vườn Hồng trong lúc con số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ đã cán mốc 100.000, và giữa lúc các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra ở Minneapolis sau cái chết của một người Mỹ gốc Phi lúc bị cảnh sát thẩm vấn. Nhưng thay vì nhắc tới những vấn đề trên, ông Trump chỉ tập trung vào việc mô tả Bắc Kinh như một mối đe dọa.
Tổng thống Trump chỉ trích Trung cộng vì "theo dõi để đánh cắp bí mật công nghiệp của chúng ta", tuyên bố các bước đi nhằm bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ khỏi những hoạt động tài chính của Trung cộng, và cáo buộc Bắc Kinh "tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Thái Bình Dương", đe dọa tự do hàng hải.
Lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích Bắc Kinh vì thông qua một dự luật an ninh quốc gia gây xói mòn quyền tự trị của Hong Kong. Ông nói Mỹ sẽ tước hiện trạng đặc biệt trong thương mại của Hong Kong và áp đặt những hạn chế đối với thành phố này tương tự như với Trung cộng. Ông còn nêu cụ thể rằng Mỹ sẽ hủy bỏ các biện pháp chính sách đặc biệt về dẫn độ, thương mại, du lịch và hải quan đối với Hong Kong.
Thêm vào đó, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bất chấp đại dịch COVID-19 vẫn đang cướp đi nhiều sinh mạng, nói rằng Trung cộng đã "kiểm soát hoàn toàn" tổ chức 194 gồm thành viên này. Ông nói Trung cộng đã gây sức ép với WHO để "đánh lừa thế giới" về nguồn gốc đại dịch, thêm rằng nguồn ngân sách Mỹ dành cho tổ chức này sẽ được chuyển sang "những nhu cầu y tế công toàn cầu cấp thiết khác".
Tổng thống Mỹ nói rằng đất nước ông sẽ đưa ra hành động trên nhiều mặt trận khác, trong đó bao gồm cấm "một số công dân nhất định của Trung cộng" tới Mỹ và trừng phạt các quan chức ở Trung cộng, Hong Kong vì có vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc làm xói mòn sự tự do của Hong Kong.
"Khủng hoảng toàn diện"
Hong Kong sẽ bị Mỹ tước bỏ hiện trạng đặc biệt không chỉ trong thương mại mà nhiều lĩnh vực khác
"Quan hệ Mỹ-Trung đang trong cuộc khủng hoảng toàn diện" - Richard Fontaine, Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), nhận định - "Bắc Kinh sẽ có phản ứng trước các biện pháp mà chính quyền (Trump) đưa ra đối với vấn đề Hong Kong, và rồi trái bóng lại ở phần sân của Mỹ. Mọi chuyện sẽ xấu đi".
Tuyên bố chưa từng có tiền lệ của ông Trump nhằm vào hàng loạt vấn đề đang căng thẳng với Trung cộng, trong đó có thương mại, viễn thông, truyền thông, thị thực cho sinh viên, Biển Đông, COVID-19 và mới đây nhất là quyền tự trị của Hong Kong.
"Trong tuần này, Trung cộng đã đơn phương áp đặt quyền quản lý đối với an ninh Hong Kong" - ông Trump nói, gọi đây là hành động "vi phạm trắng trợn các cam kết của Bắc Kinh đối với Liên hiệp Vương quốc Anh".
Kết quả là, ông Trump nói Hong Kong "giờ không còn có đủ quyền tự trị để được hưởng cách ứng xử đặc biệt mà chúng tôi đã trao" và chính quyền của ông sẽ "bắt đầu tiến trình tiêu hủy chính sách trao cho Hong Kong cách ứng xử đặc biệt".
Nếu những quyết định của ông Trump có hiệu lực, nó sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt các thỏa thuận mà Mỹ hiện có với Hong Kong, bao gồm hiệp ước dẫn độ, hoạt động xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng... Mỹ cũng sẽ tước bỏ ưu tiên với Hong Kong trong lĩnh vực hải quan và du lịch.
Chad Bown, chuyên gia phân tích thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói rằng việc tước bỏ hiện trạng đặc biệt của Hong Kong và áp hàng rào thuế quan với thành phố này "sẽ chỉ gây ra rất ít ảnh hưởng tức thì" bởi trong năm 2019, lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Hong Kong có giá tổng giá trị dưới 5 tỷ USD.
Giới chuyên gia lo ngại rằng các biện pháp đáp trả của Trung cộng sẽ gây tầm ảnh hưởng lớn với doanh nghiệp Mỹ
Để so sánh, Mỹ nhập khẩu lượng hàng trị giá 452 tỷ USD từ Trung cộng trong năm 2019. Tuy nhiên, ông Bown chỉ ra rằng Bắc Kinh có thể đáp trả theo cách gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ.
"Trớ trêu thay, nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với thương mại nếu Trung cộng đáp trả bằng việc tăng cường quản lý chính sách thương mại của Hong Kong" - ông Bown nói - "Nếu Bắc Kinh bằng cách nào đó mở rộng hàng rào thuế quan để đáp trả, nó sẽ gây ảnh hưởng lớn, bởi Mỹ xuất khẩu lượng hàng trị giá tới 30 tỷ USD mỗi năm sang Hong Kong".
Một số cựu quan chức nói rằng cách phản ứng của ông Trump cuối cùng sẽ gây ảnh hưởng tới người dân Hong Kong.
"Những điều liên quan tới Hong Kong mà ông Trump đưa ra là trống rỗng và hãy chờ xem nó sẽ được thực thi với quy mô như thế nào" - Danny Russel, cựu Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, hiện là Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, nói - "Nhưng có điều chưa rõ là liệu việc gỡ bỏ hiện trạng đặc biệt của Hong Kong có tạo điều kiện tốt hơn cho người dân (Hong Kong) hay không".
Hành động "dũng cảm" và phù hợp
Sinh viên Trung cộng sẽ bị Mỹ hạn chế thị thực
Nhiều người khác lại hoan nghênh hành động của ông Trump.
"Cách phản ứng của Tổng thống với Hong Kong rất táo bạo và tôi nghĩ rằng nó phù hợp" - Fontaine, cựu quan chức Bộ Ngoại giao, nói - "Mỹ nên phản ứng trước thực tế là Bắc Kinh sắp tước bỏ hệ thống chính trị riêng biệt của Hong Kong".
Nhiều người cũng dự đoán rằng ông Trump sẽ tuyên bố áp đặt hạn chế đối với sinh viên Trung cộng du học ở Mỹ. Mỗi năm, có khoảng 350.000 sinh viên Trung cộng tới Mỹ theo học, và giới chức chính quyền Trump đã đánh tín hiệu rằng họ sẽ hạn chế thị thực sinh viên Trung cộng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm thứ Năm tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng ông Trump sẽ đưa ra "hàng loạt tuyên bố" liên quan tới Trung cộng "trong những ngày tới" và tiết lộ rằng hạn chế thị thực đối với sinh viên và các nghiên cứu sinh Trung cộng cũng nằm trong số đó.
Ngay sau bài phát biểu của ông Trump, Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên cáo ngừng tiếp nhận sinh viên và nghiên cứu sinh đến từ Trung cộng, có hiệu lực từ trưa thứ Hai (1/6) và duy trì hiệu lực cho tới khi được Tổng thống gỡ bỏ.
Chính quyền Trung cộng "sử dụng một số sinh viên Trung cộng, phần lớn là sinh viên đã tốt nghiệp và nghiên cứu sinh, làm người thu thập tài sản trí tuệ", tuyên cáo của Nhà Trắng có đoạn. Những sinh viên này "chịu rủi ro cao bị lợi dụng bởi chính quyền Trung cộng và gây ra mối quan ngại đặc biệt".
Để cho những sinh viên này đến Mỹ "học tập hay nghiên cứu sẽ gây tổn hại tới lợi ích của nước Mỹ"; tuyên cáo nói thêm.
Tuy nhiên, tuyên bố về hạn chế này cũng chỉ là một trong số những hành động mà ông Trump áp dụng với sinh viên và các thực thể khác của Trung cộng.
Năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố một số hạn chế thị thực đối với sinh viên Trung cộng theo học ngành hàng không, tự động hóa và sản xuất công nghệ cao - những lĩnh vực được xem là nhạy cảm đối với an ninh quốc gia.
Huyền Chi
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.