Đó là buổi sáng sớm ở Hong Kong. Khi tiếng ồn xe cộ và các loại phương tiện bắt đầu bận rộn ồn ã vang lên, thành phố quay trở lại với nhịp điệu thông thường của nó.
Nhưng giữa trung tâm của một trong những đô thị đông đúc nhất trên hành tinh này lại là khu vườn tĩnh lặng và yên ả đến bất ngờ - một ốc đảo nơi nhịp sống hẳn là chậm rãi hơn.
Nằm giữa Công viên Hong Kong, không gian xanh ngắt giữa trung tâm thành phố là vườn tập dành riêng cho môn Thái Cực quyền.
Được thiết kế với một sân trước là chỗ để tập luyện, có trang trí cây cảnh bonsai, nơi đây đem lại sự thanh bình dễ chịu đến ngạc nhiên trong một khu vực lẽ ra đầy những cao ốc và cuộc sống đô thị bận rộn.
Khu vườn thường xuyên có người đến tập, nếu không muốn nói là hàng ngày, bởi dân địa phương tập trung trong những công viên tương tự khắp thành phố, hầu hết vào buổi sáng, để tập luyện một môn võ có từ hàng thế kỷ trước.
Công viên Hong Kong có không gian xanh ngắt ngay giữa lòng thành phố
Ngay khi trời vừa sáng đã có một nhóm người tập Thái Cực quyền cùng với Võ sư Chu (Master Chow), lấy khu vườn làm không gian tập luyện. Họ tập các thế trong môn Thái Cực quyền - gồm một chuỗi các động tác uyển chuyển.
Với người quan sát bên ngoài, những chuyển động này trông thật nhẹ nhàng không tốn công sức. Người tập uốn lượn, di chuyển một cách thư thái từ động tác này sang động tác khác, toát ra sự bình tâm vốn không còn tồn tại trên những con đường đông đúc gần đó.
Người đi ngang qua đứng lại ngắm nhìn, trong khoảnh khắc được vỗ về bởi những động tác dù rất nhẹ nhàng, lại có sự biểu hiện cực kỳ mạnh mẽ.
"Mọi người nghĩ Thái Cực quyền chỉ toàn là mềm mỏng. Nhưng môn này có mọi thứ - từ sự nhẹ nhàng, bùng nổ, thanh nhã, tĩnh tại và đầy trí tuệ," võ sư Chu giải thích. "Có khoảng 1.000 từ để định nghĩa môn này, nhưng không có từ nào mô tả trọn vẹn về nó."
Thái Cực quyền là bộ môn võ thuật cổ truyền Trung cộng mà người ta tin rằng môn này bắt nguồn khoảng 400 năm trước, dưới thời nhà Minh.
Trần Vương Đình (1600-1680), vị quan võ người làng Trần Gia Câu ở tỉnh Hà Nam, lâu nay được coi là người đầu tiên sáng tạo và thực hành bộ môn Thái Cực quyền.
Sau khi cáo quan về ở ẩn, ông thảo ra Thái Cực quyền, thứ võ thuật đối kháng, để bảo vệ gia đình khỏi tay phường trộm cướp, đạo tặc.
Ông kết hợp kỹ năng của nhiều môn võ thuật với những yếu tố trong triết lý âm dương của Đạo Giáo - là ý tưởng cho rằng vạn vật đều có hai mặt đối lập hài hòa cùng nhau tạo thành tổng thể - cũng như các lý thuyết có trong Y học Cổ truyền Trung Hoa.
Ngày nay, người ta chủ yếu luyện tập Thái Cực quyền như một bộ môn thể thao có cường độ trung bình thấp kết hợp với thiền học, tỉnh thức cơ thể, kiểm soát hơi thở và tưởng tượng. Mục đích chính của môn này là giúp người ta sống lâu nhờ vào kiểm soát cơ thể và tâm trí.
Bộ môn cổ truyền này cực kỳ phổ biến ở khắp Trung cộng, nhưng được người Hong Kong đặc biệt yêu thích vì nó giúp giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe.
Với không gian sống cực kỳ nhỏ hẹp ở Hong Kong, thì đến công viên hoặc vườn Thái Cực quyền là cách tốt để đi ra không gian bên ngoài và đồng thời tập thể dục thêm một chút.
Hong Kong cũng có dân số già đi ngày càng nhanh - khoảng một phần ba cư dân nơi đây sẽ từ khoảng 65 tuổi trở lên vào năm 2038.
Những người cao tuổi trong thành phố được chính quyền khuyến khích tham gia các lớp tập thể dục vào buổi sáng, và thường sau đó có kèm theo uống trà hoặc ăn dim sum cùng võ sư hướng dẫn và bạn cùng tập.
Các lớp Thái Cực quyền không chỉ cổ vũ cho trào lưu vì sức khỏe, mà chúng còn giúp người già có cộng đồng và tránh tình trạng sống cô độc.
Một số chuyên gia chỉ ra tác dụng sức khỏe của môn Thái Cực quyền, cho rằng đó chính là lý do giúp tuổi thọ người Hong Kong tăng lên trong khoảng 50 năm qua.
Người Hong Kong có tuổi thọ cao nhất trên thế giới. Trung bình, phụ nữ trong thành phố này sống đến 87,6 năm và đàn ông có tuổi thọ trung bình 81,9, qua mặt những quốc gia như Nhật Bản và Ý, vốn nổi tiếng vì có tuổi thọ cao.
"Nghiên cứu trước đã chỉ ra rằng tuổi thọ tăng thêm có liên hệ với lối sống tích cực hơn của người già ngày nay," Aileen Chan, giáo sư từ Đại học Trung văn Hương Cảng, người chuyên nghiên cứu về môn Thái Cực quyền, cho biết.
"Thái Cực quyền duy trì chức năng hô hấp và tim phổi, duy trì sự linh hoạt và sức mạnh cho cơ bắp. Để có tuổi thọ cao hơn, người ta cho rằng ta nên tập Thái Cực quyền thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 buổi mỗi tuần, mà tốt nhất là tập hàng ngày."
Võ sư Chu là người lập ra Học viện Thái Cực quyền Trần gia ở Hong Kong, nơi ông đã dạy hơn 3.000 võ sinh địa phương và quốc tế trong 19 năm qua.
Sinh trưởng trong một gia đình võ học, ông Chu được truyền cảm hứng từ cha, một võ sư môn kung fu, người mà ông mô tả là khiêm cung, đầy nội lực và sức mạnh nhưng không bao giờ phô trương.
Thái Cực quyền đặc biệt được người Hong Kong yêu thích vì khả năng giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe
"Khi tôi 16 tuổi, tôi biết đến sức mạnh của môn Thái Cực quyền từ sách vở và tôi rất ngạc nhiên với triết lý môn này," ông Chu kể lại. "Vì vậy, tôi quyết định theo lớp tập, và đó là khi tôi bước vào hành trình tập Thái cực quyền."
Chu may mắn được học từ trường phái Trần Thức của môn Thái Cực quyền - đó là trường phái gốc của môn võ - từ nơi khai sinh ra môn này ở tỉnh Hà Nam, Trung cộng. (Có bốn trường phái truyền thống được phát triển từ Trần Thức Thái Cực quyền, gồm Dương Thức Thái Cực quyền, Ngô Thức Thái Cực quyền, Võ Thức Thái Cực quyền, và Tôn Thức Thái Cực quyền, mỗi trường phái có những chiêu thức khác nhau và trông rất khác nhau.)
Sau vài năm quan sát và tập luyện, Trần gia chấp nhận ông trở thành người thừa kế, nghĩa là ông có thể chính thức trở thành võ sư dạy Thái Cực Quyền Trần Thức ở Hong Kong.
Ông Chu yêu thích Thái Cực quyền vì lợi ích sức khỏe lẫn tinh thần.
"Về mặt tinh thần, Thái Cực quyền là phương pháp cổ truyền Trung Hoa, vừa tự nhiên vừa độc đáo, giúp giảm căng thẳng và trấn tĩnh tinh thần ta," ông chia sẻ.
"Về mặt thể chất, môn này giúp xây dựng các vận động khớp ở đầu gối và lưng, tăng cường khả năng thăng bằng và tránh bị té ngã, tăng cường sức mạnh của cơ và sự linh hoạt và giúp luyện tập khả năng vận động của cơ thể."
Đó là vì các động tác thường theo dạng chuyển động tròn và không cưỡng ép, cơ được thư giãn thay vì căng bó, khớp không bị căng hay chùng hết cỡ, và các mô kết nối không bị kéo giãn.
Chu cho biết bản thân ông cũng thấy môn này có lợi cho sức khỏe.
"Khi tôi còn bé, tôi thường bị sốt và ho," ông kể lại. "Nhưng khi lớn lên và bắt đầu tập Thái Cực quyền, qua từng năm, sức khỏe tôi thay đổi, và môn này đã khiến tôi rất khỏe mạnh hiện thời. Về mặt tinh thần, môn này cũng dạy tôi cách nghĩ và kiểm soát cảm xúc."
Chu tin chắc rằng môn Thái Cực quyền có thể giúp mọi người tự chữa lành. "Nó có thể giúp mọi người rất nhiều, đặc biệt là ở một thành phố bận rộn như Hong Kong," ông nói. "Nó có thể đem lại bình an trong tâm trí và trấn tĩnh tâm hồn. Điều này rất quan trọng."
Và khi Chu lặng lẽ hướng dẫn các võ sinh tập theo một loạt các động tác trong Vườn Thái Cực - trong số đó có các động tác như "Phật cầm chày" (một động tác đấm) và "Ngỗng trắng giang cánh" (một động tác vươn và rút lại, giống như con ngỗng khi nó giang cánh và thình lình nhảy thật nhanh) - tất nhiên người quan sát sẽ thấy rất tĩnh tại. Nhưng người ta còn có thể biết thêm nhiều hơn nữa từ môn này hơn họ tưởng.
Quá trình tập Thái Cực quyền Trần Thức chia thành 15 cấp độ.
Cấp một gồm có 74 động tác theo một chuỗi, được gọi là "thế". "Khi bạn hoàn thành cấp một, ta sẽ sử dụng cùng một thế (74 động tác) cho 14 cấp học sau, nhưng bạn sẽ đi sâu hơn vào và học về năng lực nội tại trong từng cấp độ," Chu giải thích.
Đi sâu hơn nghĩa là không chỉ thực hiện đúng các động tác, mà còn đảm bảo rằng sự chuyển động bên ngoài và phần bên trong, phần Khí (năng lượng), sẽ dịch chuyển cùng nhau như âm và dương. Bằng cách kích thích nội công (Khí), môn này sẽ giúp cơ thể sạc lại năng lượng và giúp thải độc.
"Bài tập Thái Cực quyền gồm có nhận thức, phát triển, sử dụng Khí, nghĩa là năng lượng trong cơ thể," Giáo sư Chan giải thích. "Theo các nguyên tắc lý thuyết vốn gắn liền với y học cổ truyền Trung Hoa, Khí là năng lượng cơ bản duy trì sự sống và chảy trong cơ thể qua các mạch và ven, vốn tăng cường sự kết hợp giữa hệ thống các cơ quan nội tạng và mô, và từ đó đem lại sức khỏe và giúp sống thọ."
Linda Fung tập Thái Cực quyền mỗi sáng để giữ được sự cân bằng trong đời sống
Chu giải thích cách ông sử dụng Khí trong bài tập.
"Cuối mỗi động tác Thái Cực quyền, ta giữ tư thế cho đến khi năng lượng Khí giảm xuống và quay trở về đất. Ta gọi trạng thái này là ' m'," Chu nói.
"Sau đó bạn có thể bắt đầu động tác kế tiếp và lấy Khí từ đất cùng với hơi thở dẫn dắt cho năng lượng lưu thông và dịch chuyển trong cơ thể bạn. Ta gọi trạng thái này là 'Dương'. Vì vậy, toàn bộ chuỗi 74 động tác có chứa nhịp điệu và thay đổi về tốc độ. Luân phiên giữa âm và dương. Đây là ý nghĩa của môn Thái cực quyền."
Ý nghĩa của Thái Cực quyền là điều mà Linda Fung, một võ sư Thái Cực quyền ở Hong Kong hy vọng nhiều người hiểu biết thêm.
"Chúng ta thường hiểu nhầm Thái Cực quyền," bà nói. "Khi ta nói Thái Cực quyền, mọi người có xu hướng nghĩ đây chỉ là chuyển động tay chân và làm vài bài tập vận động, nhưng các động tác Thái Cực quyền là một phần trong tập hợp triết lý thái cực."
Võ sư Fung tập và dạy Thái cực quyền phái Lý gia. Bà cho rằng Thái Cực quyền không chỉ là vận động thể chất, đó còn là cách sống. Bà nói, môn này dung chứa nghệ thuật, âm nhạc, phong cách sống, và bạn phải hiểu rằng m và Dương là cốt lõi của Thái Cực quyền.
"Trong Thái Cực quyền, đó là kết nối liên hợp giữa âm, là cơ thể, và dương, là tâm trí của chúng ta," bà Fung nói. "Tâm trí và cơ thể luôn luôn dịch chuyển và vận động cùng nhau."
Tập Thái Cực quyền giúp sống thọ hơn nhờ vào việc điều chỉnh tâm trí và cơ thể
Tại phòng tập ở tầng 11, một ốc đảo bình yên nhìn ra trung tâm thương mại ồn ào của Hong Kong, bà Fung hướng dẫn các võ sinh trong một lớp dành cho người mới học.
Được huấn luyện trở thành vũ công ballet ở Trường Ballet Hoàng gia London và sau đó là Trường Julliard ở New York, từng động tác của bà tỏa ra sự duyên dáng tự nhiên.
Cùng với việc dạy học, bà Fung cũng tự tập Thái Cực quyền mỗi sáng, thường là ở không gian ngoài trời, và cho biết môn này giúp bà có cuộc sống cân bằng.
"Trong Thái Cực quyền, bạn chậm lại từng vận động, nhưng bạn vẫn thở theo mô thức nhất định, vì vậy đó là sự tĩnh tại của chuyển động," bà Fung giải thích. "Với mức độ tập trung đó, thời gian biến mất, như thể không còn thời gian. Đó là cảm giác tuyệt vời."
Khả năng chậm lại và có được sự tỉnh thức và rõ ràng ngay giữa khủng hoảng, theo bà Fung, chính là một trong những ích lợi về sức khỏe lớn nhất của Thái Cực quyền.
"Với việc tập luyện Thái Cực quyền, dù thậm chí khi hoàn cảnh vượt ra ngoài kiểm soát, bạn vẫn có thể giữ bình tĩnh như trong mắt bão. Đó chính là cốt lõi của Thái Cực quyền: sự hài hòa."
Bà Fung tin rằng Thái Cực quyền là kho báu gồm những điều tốt lành rất cần thiết cho thế giới vào lúc này.
"Chúng tôi phải chia sẻ môn này đến mọi người, đặc biệt là thời nay, trong Thế kỷ 21, khi có quá nhiều thứ khiến ta bị xao nhãng với các vấn đề và bệnh tật. Thái Cực quyền thực sự quan trọng cho mọi người, cho ta cơ hội hạnh phúc, trí tuệ và sức khỏe."
Matthew Keegan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.