Tuesday, May 5, 2020

Giữa đại dịch _ người Việt hải ngoại cần ‘tinh thần chịu đựng’

BM
  
Người Việt ở Mỹ cần ý thức rõ trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội và phát huy tinh thần chịu đựng kiên cường vốn đã giúp họ đi qua bao nhiêu sóng gió trước đây để đương đầu với đại dịch Covid-19, một nhà nghiên cứu về tâm lý nói.

Đại dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra đã đặt ra những thách thức chưa từng có đối với đời sống của người dân Mỹ, trong đó có người Việt ở Mỹ, với lệnh ở nhà trong thời gian dài đã để lại nhiều hậu quả tâm lý bên cạnh những thiệt hại về nhân mạng và kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Cuộc sống đảo lộn

BM
Một vị phu huynh đang đọc sách cho con trong lều dựng ngoài trời trong thời gian thực hiện lệnh ở nhà ở tiểu bang Washington

Ông Hoàng Công Thái Dương, Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng, Giám đốc điều hành chương trình điều trị tâm lý ở Bộ Ngoại giao Mỹ, phân tích những tác động tâm lý này đối với các lứa tuổi.

Ông Dương gọi khoảng thời gian gần hai tháng vừa qua khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ là ‘giai đoạn rất căng thẳng cho tất cả mọi người’.

Trước hết, đối với những người cao niên vốn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước dịch bệnh, ông Dương nói họ ‘đang rất lo âu’.

BM
  
“Họ đã không dám ra ngoài vì sợ dính bệnh. Thêm vào đó tin tức phát mỗi ngày thông báo có bao nhiêu người chết rồi họ cũng biết có bà con, láng giềng, hàng xóm xung quanh bị Covid-19 mà chết khiến họ rất lo lắng,” ông cho biết.

Ngoài ra, trong lúc này họ cũng không thể gặp gỡ hay gần gũi tiếp xúc với con cháu vì con cháu họ sợ mình sẽ mang mầm bệnh lây cho ông bà cha mẹ nếu như bị nhiễm mà không có triệu chứng, ông nói thêm.

Còn đối với các bậc phụ huynh, mặc dù ở nhà trong lúc này nhưng trên vai họ gánh nhiều trách nhiệm hơn lúc bình thường.

BM
  
Những ai không may bị thất nghiệp, bị mất việc làm vì dịch bệnh ‘sống trong nỗi lo âu, căng thẳng là làm sao tiếp tục lo cho gia đình’, còn những ai làm chủ các cửa tiệm bị đóng cửa phải lo lắng về những khoản chi phí hay nợ nần, ông Dương cho biết.

“Mình cứ nghĩ là những ai được làm việc ở nhà thật sự là diễm phúc của họ nhưng bây giờ khi con cái họ cũng đang ở trong nhà thì họ phải trở thành thầy cô giáo của con em mình,” ông nói thêm.

“Họ vừa phải đồng hành với việc học hành của con em họ trong khi vẫn phải làm việc, lo việc nhà cửa, chợ búa, rồi lo lắng cho người nhà. Đó là trải nghiệm mà nhiều người chưa trải qua bao giờ,” ông giải thích.

Theo lời ông thì mặc dù con cái họ có học qua mạng nhưng ‘các em vẫn cần bố mẹ hướng dẫn, giải thích bài học’.

BM

Còn các em học sinh hay sinh viên trong giai đoạn này phải ‘học cách thích nghi với một bầu không khí mới, một sự bình thường mới’ mà cuộc sống các em ‘chỉ còn giới hạn trong bốn bức tường của căn nhà’ mà không còn được đến trường hay chơi thể thao, đi chơi với bạn bè vào dịp cuối tuần như trước. Do đó, các em cũng có sự căng thẳng, vị tiến sĩ tâm lý này nói thêm.

Riêng đối với các em nhỏ vốn cần phải có những hoạt động ngoài trời như chạy nhảy, chơi đùa, ông Dương lý giải rằng ‘trường học luôn bắt buộc có bao nhiêu giờ để cho các em ra ngoài sinh hoạt’ và ‘hoạt động là cách các em trưởng thành’.

BM
  
“Nếu các bậc cha mẹ ở nhà không tạo điều kiện cho con cái của mình đi ra ngoài thì đừng có trách tại sao con cái không nghe lời mình, tại sao chúng nó không chú tâm vào các công việc chúng nó làm,” ông lưu ý.

“Nếu mình bắt các cháu nhỏ ngồi yên một chỗ thì dĩ nhiên các em sẽ không ngồi yên được. Các em sẽ trở nên dễ bị phân tâm,” ông giải thích. “Nếu các em không được sống trong môi trường bình thường của mình thì sẽ không phát triển được.”

Bức bối đâm ra bực bội

Một hậu quả dễ thấy của việc phải ở trong nhà lâu là tình trạng ‘bạo hành gia đình’, ông Dương cho biết.

“Ngày đêm chỉ nằm trong căn nhà của mình dĩ nhiên sẽ làm con người bực bội hơn, căng thẳng hơn,” ông nói. “Sự bực bội đó nó thoát ra nhiều kênh khác nhau cho nên chúng ta thấy trong giai đoạn này bạo lực gia đình tăng lên.”

“Trong gia đình bực bội nên nhiều người đâm ra chửi bới, gây lộn với nhau,” ông nói thêm.

“Nếu con người không có cửa để xả căng thẳng thì những căng thẳng đó ngày càng dồn dập lên những người thân của họ.”

BM
  
Theo lý giải của ông lúc bình thường khi vợ hay chồng đi làm, đi tập thể dục hay đi gặp bạn bè thì ‘ít nhất họ cũng có chỗ để xả bớt căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày’.

Với tình trạng xã hội đang đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì những nạn nhân của bạo hành gia đình ‘càng không thể đi lánh nạn ở đâu được’, ông Dương cho biết. Tuy nhiên, ông nói rằng nếu những ai bị bạo hành quá mức thì ‘hoàn toàn có quyền tự do rời gia đình để tìm kiếm nơi nào đó an toàn hơn’ mà chính quyền không thể ngăn cản.

Đừng nghe quá nhiều tin tiêu cực

Vị chuyên gia tâm lý này nói rằng các vị phụ huynh nên cho con nhỏ ra ngoài để hoạt động ngoài trời miễn là ‘tuân thủ giãn cách xã hội’.

“Bất cứ lệnh cách ly nào cũng cho phép mình ra ngoài tập thể dục,” ông khẳng định.

BM
  
Trong thời gian con cái ở nhà mỗi ngày, ông Dương khuyến nghị phụ huynh không nên thả cửa để các em muốn làm gì thì làm mà ‘vẫn phải có quy củ, duy trì thời gian biểu như đang ở trường’.

“Đừng có nghĩ là ở nhà thì cho con em dậy lúc 10h hay 12h cũng được, hay muốn ăn lúc nào thì ăn, muốn làm bài tập lúc nào thì làm,” ông lưu ý.

“Phải tôn trọng thời khóa biểu của con em mình. Nếu con mình phải làm bài tập trong 30 phút thì phải tắt hết tivi, điện thoại đi để cho các em không bị phân tâm,” ông nói thêm.

Ông cũng cho rằng không nên để cho các em nhỏ ‘biết những thông tin tiêu cực về dịch bệnh’ vì ‘cũng không giúp ích được gì cho các em’.

“Nên tránh mở tin tức trong nhà thường xuyên, nếu có cần theo dõi tin thì mở nghe đài hay đọc tin sơ qua chút xíu thôi. Chứ nếu mình ở nhà cả ngày cứ bật tivi lên với những thông tin tiêu cực như vậy sẽ không tốt cho con em của mình,” ông phân tích và cho rằng nếu phụ huynh vì theo dõi tin tức mà trở nên lo âu hoảng sợ thì con cái họ ‘cũng sẽ hoảng sợ theo’.

BM
  
Nếu có nhu cầu giải thích cho con cái nghe về virus corona thì nên ‘nói với phương cách nào đó để con em tự tin thêm vào bản thân mình’, ông nói thêm.

Mặc dù người lớn có nhu cầu cập nhật tin tức về dịch bệnh thường xuyên nhưng nếu ‘cả ngày chỉ dồn dập bao nhiêu thông tin tiêu cực thì đầu óc sẽ không còn chỗ để chứa những thông tin tích cực’, ông khuyến cáo.

Khó khăn nào cũng đã trải qua

Ông Dương cho biết trong thời gian dịch bệnh, ông có làm những buổi hội thảo qua mạng (webinar) để tư vấn cho cộng đồng người Việt về những khủng hoảng tâm lý mà họ gặp phải.

Ông dẫn ra một buổi webinar hồi cuối tuần trước với khoảng 100 người tham gia mà ông cho biết có khoảng 10% báo cáo là họ ‘bị trầm cảm’ với những dấu hiệu như ‘buồn sầu, khóc lóc’ và gần 50% ‘cảm thấy căng thẳng, lo âu’.

Lời khuyên ông đưa ra, trước hết, là ‘phải chấp nhận hoàn cảnh của mình’.

BM
  
“Đây là tình hình không chỉ của riêng mình hay gia đình mình mà là của cả thành phố, tiểu bang, cả nước Mỹ và toàn thế giới,” ông nói.

Sau khi đã chấp nhận được hoàn cảnh, ông Dương cho rằng nên nghĩ đến ‘những điều tích cực, những diễm phúc mà mình có được trong cuộc sống’ để có thêm tinh thần chống chọi.

“Ít ra mình còn có cơ hội để tiếp tục sinh hoạt, nói chuyện với nhau chứ những gia đình khác họ có người thân ra đi mà họ không đến được với nhau để nói lời từ biệt,” ông đưa ra ví dụ.

Ngoài ra việc chấp nhận hoàn cảnh cũng giúp mình ‘đồng cảm, thấu hiểu cho những khó khăn mà người thân mình đang trải qua’, ông nói thêm.

Cộng đồng người Việt cũng có lợi thế hơn người Mỹ là họ đã ‘trải qua nhưng thách thức, những gian khổ trong cuộc sống’ nên họ có được tinh thần chịu đựng kiên cường (resilient) trong khi người Mỹ ‘chưa từng trải qua chuyện này bao giờ’, theo quan sát của ông Dương.

BM
  
“Nếu cộng đồng người Việt nghĩ lại bao nhiêu căng thẳng mình đã trải qua từ ngày 30/4 khi mất nước, rồi bao nhiêu khó khăn mới đến được Mỹ, rồi phải cập nhật theo một nền văn hóa mới, rồi công ăn việc làm, phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn mới xây dựng được cuộc sống ở Mỹ… thì họ sẽ lấy những bài học đó áp dụng cho cuộc sống của mình bây giờ trước đại dịch,” ông khuyên.

“Đây chỉ là thử thách nhỏ thôi. Bao nhiêu thử thách trước đây mình còn vượt qua được thì cái này mình cũng sẽ vượt qua được nếu mình đồng lòng với nhau và làm theo những hướng dẫn của nhà nước và cơ quan y khoa,” ông nói.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị mọi người nên ‘tập thư giãn, tập hít thở’, chẳng hạn như ‘hít vô phổi và giữ trong khoảng 4 giây và mỗi ngày thực hiện 2, 3 lần’ sẽ ‘giúp giảm bớt sự căng thẳng mỗi ngày’.

Về một thách thức tâm lý nữa là ‘nỗi đau mất mát người thân’ trong mùa dịch mà không có điều kiện để gặp mặt người thân lần cuối hay tổ chức tang lễ đàng hoàng, ông Dương thừa nhận rằng đây là một thách thức đặc biệt của đại dịch.

BM
  
Ông khuyên mọi người ‘nên nghĩ đến trách nhiệm của mình là phải bảo vệ sự sống của những người xung quanh’ thì sẽ ‘xem đây là sự hy sinh để mình có thể cứu được mạng sống của người khác sẽ bị lây nếu mình tụ lại với nhau’.

“Ở Nam Mỹ bao nhiêu xác chết chỉ bỏ trong hòm và để ngoài đường chờ ngày người thân đến lượm xác,” ông chỉ ra. “Ít nhất ở đây mình còn có cơ hội có lễ tang trên mạng, có giờ cầu nguyện trên mạng để mọi người đồng hành với nhau.”

Ông cho biết ông có tham gia vào buổi lễ cầu nguyện trên mạng cho một người đã ra đi ‘với khoảng 80-90 người đã gọi vô chia buồn’.

BM

“Tình yêu thương của cộng đồng cũng sẽ là sự an ủi cho mọi người. Hy vọng sau khi qua đại dịch thì các gia đình có thể tổ chức lại một buổi tập hợp nữa để tiễn đưa người thân một cách đàng hoàng hơn,” ông nói.

Ông nói trong thời điểm này, mọi người có thể tìm đến bạn bè, thân hữu, các hội nhóm trên mạng hay các nhóm cầu nguyện để tìm kiếm sự chia sẻ, cảm thông lẫn nhau.

Tuy nhiên, nếu bị trầm cảm đến mức không thể nào tiếp tục sinh hoạt hàng ngày thì nên liên lạc với các bác sĩ tâm lý để được tư vấn điều trị, chuyên gia tâm lý này khuyến cáo.

BM


Trump mà thất cử thì “Game is over”
Đạt được tham vọng có làm bạn hạnh phúc?
Trung cộng che giấu độ bùng phát virus để tích trữ thiết bị
Chính quyền Trump thúc đẩy đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung cộng
COVID-19 và phản ứng của Thế Giới
Tình hình du lịch sẽ ra sao trước khi có vaccine?
Amabie _ 'bùa yểm' chống Covid-19 của người Nhật
Sài Gòn _ bốn mươi lăm năm nhìn lại
Ngày 30/4 hãy gọi là ngày ‘Tưởng niệm’
Làm sao thoát khỏi sự thống trị của thời gian?
Số người chết vì Covid-19 tại Mỹ vượt qua số quân nhân chết trong chiến tranh VN
NASA sáng chế ra máy thở mới trong 37 ngày
Mike Pence _ Anh hùng thầm lặng ẩn sau ánh hào quang
Tàu cộng chết thì Việt cộng cũng băng hà
Các thuyết âm mưu 'chọi nhau' từ Mỹ và Trung cộng
Lật tẩy kế hoạch tiêu diệt Mỹ và Thế Giới của Tập Cận Bình
New York Post kêu gọi ‘tắt máy thở’ _ Trung Hoa đang hấp hối
Tác hại của virus corona không chỉ ở phổi
Nước Mỹ đã tỉnh sau đòn tấn công của Tàu cộng
Mỹ đứng đầu thế giới về số người chết vì Covid-19

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.