Một cảnh đặc biệt đã thu hút sự chú ý của nhiều người: một người phụ nữ đối đầu với những người lính được cử đến để ngăn cản các nhà lập pháp vào Quốc hội.
Đoạn phim ghi lại cảnh bà Ahn Gwi-ryeong, 35 tuổi, người phát ngôn của Đảng Dân chủ đối lập, giật lấy vũ khí của một người lính trong lúc hỗn loạn, đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
"Tôi không suy nghĩ gì cả... Tôi chỉ biết rằng chúng tôi phải ngăn chặn điều này lại," bà nói.
Bà Ahn đi đến tòa nhà Quốc hội khi những người lính tràn vào đó, ngay sau khi tổng thống ban bố thiết quân luật trên toàn quốc.
Giống như nhiều người trong thế hệ trẻ của Hàn Quốc, từ "thiết quân luật" xa lạ với bà. Lần cuối cùng nó được ban bố là vào năm 1979.
Khi Ahn lần đầu tiên nghe tin tức về vụ ban bố thiết quân luật, bà thừa nhận rằng "một cảm giác hoảng loạn đã xâm chiếm".
Khi thiết quân luật được ban bố, các hoạt động chính trị như mít tinh và biểu tình, đình công, các hoạt động của công đoàn động lao động bị cấm còn các hoạt động truyền thông và xuất bản bị chính quyền kiểm soát.
Những người vi phạm có thể bị bắt hoặc giam giữ mà không cần lệnh của tòa án.
Ngay sau khi thiết quân luật được ban bố, lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung đã kêu gọi các nhà lập pháp tập trung tại Quốc hội và bỏ phiếu để hủy bỏ lệnh này.
Khi đến tòa nhà Quốc hội vào lúc hơn 23 giờ địa phương, bà Ahn nhớ lại rằng bà đã tắt đèn văn phòng để tránh bị phát hiện khi trực thăng bay vòng trên cao.
Khi bà đến tòa nhà chính, các binh sĩ đang đối đầu với các quan chức, trợ lý và người dân.
Bà nói: “Khi nhìn thấy những binh sĩ vũ trang... tôi cảm thấy như đang chứng kiến sự trở lại của lịch sử ở một cấp độ tồi tệ hơn.”
Ahn và các đồng nghiệp của bà đã cố gắng hết sức để ngăn chặn quân đội tiến vào tòa nhà chính, nơi cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức.
Họ khóa cửa quay từ bên trong và chất đầy đồ đạc cùng các vật nặng khác trước cửa.
Khi quân đội bắt đầu tiến lên, bà Ahn bước tới.
“Thành thật mà nói, lúc đầu tôi rất sợ,” bà nói, đồng thời chia sẻ: “Nhưng khi thấy cảnh đối đầu như vậy, tôi nghĩ, ‘Mình không thể im lặng được’.”
Quốc hội đã thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật vào khoảng hơn 1 giờ sáng. Tất cả 190 thành viên có mặt đã bỏ phiếu bãi bỏ lệnh này.
Vào lúc 4 giờ 26 phút, Tổng thống Yoon tuyên bố bãi bỏ thiết quân luật.
Sau khi tình hình hỗn loạn lắng xuống, bà Ahn ngủ một chút bên trong tòa nhà Quốc hội.
Bà kể tiếp: "Tôi thực sự hơi sợ khi ra khỏi tòa nhà Quốc hội vào buổi sáng vì dường như không có bất kỳ chiếc taxi nào chạy qua, và sau cơn bão như vậy vào đêm qua, thật khó để trở lại với thực tại."
Ahn vẫn mặc chiếc áo cổ lọ màu đen và áo khoác da mà bà đã mặc trong đoạn phim từ đêm hôm trước.
Đôi khi, bà vô cùng xúc động.
"Thật đau lòng và thất vọng khi điều này lại xảy ra ở Hàn Quốc vào thế kỷ 21," bà nói.
Yuna Ku
Yoon Suk-yeol: Chân dung Tổng thống Hàn Quốc với bê bối tuyên bố 'thiết quân luật'
Tương lai của Tổng thống Hàn Quốc Tuyên đang bị đe dọa sau một đêm đầy kịch tính khi ông tuyên bố thiết quân luật, rồi bất thình lình rút lại, đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn.
Ông Yoon, người giành được chức tổng thống với tỷ lệ rất sít sao hồi năm 2022, đang chịu sức ép ngày càng tăng kể từ khi đảng của ông thua trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng Tư - vốn được xem là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Ông cũng gặp phải nhiều rắc rối cá nhân. Tháng trước, ông phải lên truyền hình xin lỗi người dân về hàng loạt các vấn đề gây tranh cãi liên quan tới vợ ông, trong đó có cáo buộc bà này đã nhận một chiếc túi Dior đắt tiền, cũng như thao túng giá cổ phiếu.
Hiện ông đang đối mặt với các yêu cầu từ chức; chưa kể các nhà làm luật cho biết họ muốn tiến hành luận tội ông.
Nỗ lực thiết quân luật vào đêm thứ Ba 3/12 đã chết yểu. Dư luận sửng sốt.
Lệnh thiết quân luật của ông Yoon Suk-yeol khiến các nghị sĩ phải đổ xô về tòa nhà Quốc hội ở Seoul để bỏ phiếu phản đối. Bên ngoài, cảnh sát được huy động khi hàng ngàn người biểu tình nổi giận kéo đến.
Đám đông này reo hò khi vài giờ sau ông Yoon tuyên bố rút lại lệnh thiết quân luật.
Việc ông Yoon tham gia vào một trò chơi đầy rủi ro, rồi sau đó rút lại một cách dễ dàng như vậy, khiến người dân Hàn Quốc và cả thế giới bất ngờ.
Hàn Quốc: Thiết quân luật, tại sao và hậu quả như thế nào?
Lên nắm quyền
Ông Yoon là người khá mới trên chính trường vào thời điểm ông đắc cử tổng thống. Trước đó, ông được cả nước biết đến khi truy tố vụ án tham nhũng liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye hồi năm 2016.
Năm 2022, chính trị gia mới vào nghề này đã đánh bại đối thủ theo chủ nghĩa tự do Lee Jae-myung với cách biệt chưa đến 1% số phiếu bầu - kết quả sát nút nhất mà đất nước này chứng kiến kể từ khi bầu cử trực tiếp bắt đầu được tổ chức vào năm 1987.
Vào thời điểm xã hội Hàn Quốc đang phải vật lộn với sự chia rẽ ngày càng sâu sắc về vấn đề giới tính, Yoon đã thu hút các cử tri nam trẻ tuổi bằng cách vận động tranh cử với khẩu hiệu chống nữ quyền.
Don S Lee, phó giáo sư hành chính công tại Đại học Sungkyunkwan, nói rằng mọi người đã đặt “kỳ vọng cao” vào Yoon khi ông được bầu. “Những người bỏ phiếu cho Yoon tin rằng một chính phủ mới dưới thời Yoon sẽ theo đuổi các giá trị như nguyên tắc, minh bạch và hiệu quả.”
Ông Yoon cũng ủng hộ lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên. Nhà nước cộng sản này đã được ông Yoon đề cập vào đêm thứ Ba khi ông tìm cách áp đặt thiết quân luật.
Ông cho biết ông cần phải bảo vệ đất nước khỏi các lực lượng Triều Tiên và “loại bỏ các thành phần chống phá nhà nước”, dù ngay từ đầu đã thấy rõ rằng thông báo đưa ra không liên quan mấy đến mối đe dọa từ Triều Tiên mà liên quan nhiều hơn đến những bất ổn trong nước.
Ông Yoon được biết đến với những phát ngôn hớ hênh. Trong chiến dịch tranh cử năm 2022, ông đã phải rút lại lời mình khi cho rằng tổng thống độc tài Chun Doo-hwan, người đã ban bố thiết quân luật và chịu trách nhiệm về các vụ thảm sát người biểu tình năm 1980, là người "giỏi về chính trị".
Cuối năm đó, ông buộc phải tuyên bố phủ nhận chuyện xúc phạm Quốc hội Hoa Kỳ trong những phát biểu của mình sau khi gặp Tổng thống Joe Biden tại New York.
Ông bị bắt quả tang khi nói mà micro và camera vẫn bật, có vẻ như gọi các nhà lập pháp Mỹ bằng một từ tiếng Hàn có thể dịch là "đồ ngốc" hoặc một từ thậm tệ hơn. Đoạn phim nhanh chóng lan truyền rộng rãi tại Hàn Quốc.
Ông Yoon đã đạt được một số thành công trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là cải thiện mối quan hệ vốn đầy căng thẳng trong lịch sử giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
‘Tính toán sai lầm về chính trị’
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Yoon đã sa lầy trong hàng loạt bê bối, phần lớn xoay quanh vợ ông là Kim Keon-hee, người bị cáo buộc tham nhũng và lạm quyền - đáng chú ý nhất là bị cáo buộc nhận một chiếc túi Dior từ một mục sư.
Hồi tháng 11, ông Yoon đã thay mặt vợ xin lỗi trong khi từ chối yêu cầu điều tra các hoạt động của bà.
Nhưng mức độ ủng hộ ông không ổn định. Vào đầu tháng 11, tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm xuống còn 17%, mức thấp kỷ lục kể từ khi ông nhậm chức.
Hồi tháng Tư, đảng đối lập Dân chủ đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội, gây ra thất bại nặng nề cho ông Yoon và Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông.
Ông Yoon trở thành một tổng thống thuộc phe yếu thế và thường phủ quyết các dự luật do phe đối lập thông qua, một chiến thuật mà ông sử dụng với "tần suất chưa từng có", theo lời Celeste Arrington, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Đại học George Washington.
Tuần này, phe đối lập đã cắt giảm ngân sách mà chính phủ và đảng cầm quyền đề xuất - và dự luật ngân sách này không thể bị phủ quyết.
Cùng thời điểm đó, phe đối lập đang có động thái luận tội các thành viên nội các, chủ yếu là người đứng đầu cơ quan kiểm toán chính phủ, vì đã không điều tra đệ nhất phu nhân.
Với hàng loạt thách thức chính trị như dồn ông vào chân tường, Yoon đã chọn phương án cực đoan - một động thái mà ít ai có thể dự đoán được.
"Trong những tuần gần đây, nhiều nhà quan sát lo ngại về một cuộc khủng hoảng chính trị do cuộc đối đầu giữa tổng thống và Quốc hội do phe đối lập kiểm soát," Tiến sĩ Arrington nhận định, "mặc dù ít người dự đoán được một động thái cực đoan như tuyên bố thiết quân luật".
Theo Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon là "lạm dụng quyền lực pháp lý và tính toán sai lầm về mặt chính trị".
"Với sự ủng hộ cực kỳ thấp của công chúng lại không có sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong chính đảng và chính quyền của mình, tổng thống đáng lẽ phải biết rằng việc thực hiện một sắc lệnh như đã làm vào đêm đó sẽ khó khăn như thế nào," Tiến sĩ Easley nói.
"Ông ấy giống như một chính trị gia đang bị bao vây, thực hiện một động thái tuyệt vọng chống lại các vụ bê bối ngày càng gia tăng, các hành động cản trở thể chế và những lời kêu gọi luận tội, tất cả những điều này hiện có khả năng sẽ gia tăng."
Tiếp theo là gì?
Người dân Hàn Quốc đã bước ra từ một trong những đêm hỗn loạn nhất trong ký ức gần đây.
Ông Yoon đã khiến giới chức chính trị cả hai bên tức giận, khi các nhà lập pháp vội vã tập hợp - bao gồm một số người từ chính đảng của ông Yoon - để bỏ phiếu dỡ bỏ thiết quân luật vào đêm thứ Ba.
Đảng Dân chủ đối lập đang tìm cách luận tội ông Yoon, và ngay cả chính ban lãnh đạo đảng của ông Yoon cũng đã yêu cầu tổng thống rút khỏi đảng. Các trợ lý cấp cao của Yoon đã đề nghị từ chức hàng loạt vào thứ Tư, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.
Lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung đang thể hiện sự lạc quan, nói với các phóng viên rằng "tuyên bố thiết quân luật bất hợp pháp" của ông Yoon là "cơ hội quyết định để phá vỡ vòng luẩn quẩn và đưa xã hội trở lại bình thường".
Hậu quả của đêm thứ Ba sẽ lan rộng ra ngoài biên giới. Thông báo của ông Yoon đã làm rung chuyển các đồng minh của Hàn Quốc.
Các quan chức tại Hoa Kỳ, một đồng minh quan trọng, cho biết họ đã bị bất ngờ và đang thúc giục Hàn Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng "theo đúng pháp luật". Nhật Bản cho biết họ đang theo dõi tình hình ở Hàn Quốc với "mối quan ngại đặc biệt và sâu sắc".
Trong khi đó, Triều Tiên, quốc gia đang gia tăng căng thẳng với Hàn Quốc trong những tháng gần đây, có thể "cố gắng khai thác sự chia rẽ ở Seoul", Tiến sĩ Easley nhận định.
Cơn giận vẫn đang lan rộng khắp Hàn Quốc. Hôm thứ Tư, những người biểu tình đã đổ ra đường lên án ông Yoon. Một trong những công đoàn lao động lớn nhất của Hàn Quốc với hơn một triệu thành viên đang kêu gọi công nhân đình công cho đến khi ông từ chức.
Không rõ ông Yoon đang có kế hoạch gì.
“Ông ấy ngày càng mất lòng dân vì cách giải quyết các vấn đề phát sinh từ hành vi của chính mình và của đệ nhất phu nhân,” cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói. “Quả bóng nằm trong chân tổng thống trong việc tìm cách thoát khỏi thế bí mà ông ấy đã tự đưa mình vào.”
Nhưng bất kể ông Yoon chọn cách nào thì tuyên bố thiết quân luật vụng về đó có thể đã trở thành giọt nước tràn ly kết liễu nhiệm kỳ tổng thống bấp bênh của ông.
Koh Ewe
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.