Tôi
mới được nghe, từ một người bạn, một câu tục ngữ mới về quy chế tuyển dụng nhân
sự ở Việt Nam hiện nay:
Thứ nhất
hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Thứ tư trí tuệ
Cùng đề tài, trước đây, tôi đã nghe một câu tục ngữ khác:
Thứ nhất
tiền tệ
Thứ nhì hậu duệ
Thứ ba ngoại lệ
Thứ tư đồ đệ
Câu đầu hay hơn. Và có lẽ cũng đúng với thực tế hơn. Ngay cả khi quen biết rộng
rãi hay có tiền bạc nhiều đến mấy, một trí thức ngoài 30 tuổi chưa từng có kinh
nghiệm về chính trị hay quản lý không thể bỗng dưng nhảy vọt một cái lên làm
Thứ trưởng Bộ xây dựng như Nguyễn Thanh Nghị; một phụ nữ khác, mới ngoài 30
tuổi, không thể nắm giữ chức chủ tịch của hết công ty này đến công ty khác,
trong đó có Ngân hàng Bản Việt với số vốn lên đến 142 triệu Mỹ kim như Nguyễn Thanh
Phượng; một thanh niên khác, trẻ hơn, mới ngoài 20 tuổi, không thể bỗng dưng
được cử làm giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam như
Nguyễn Minh Triết; một thiếu nữ khác, mới 25 tuổi, không thể vụt một cái nhảy
lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex –
PVC, một công ty có gần 2000 cán bộ công nhân viên như Tô Linh Hương.
Những người trên là ai? Ba người đầu là con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
người cuối là con của ông Tô Huy Rứa, trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng.
Trong nhiều bài báo đăng đây đó, một số người đã nêu lên hiện tượng “thái tử
đảng” ở Việt Nam (cũng như ở Trung Quốc), một hiện tượng còn được gọi là CCCC (con
cháu các cụ; thay cho cách nói con ông cháu cha quen thuộc trước đây). Không
cần thông minh, không cần tài năng, không cần học giỏi, không cần kinh nghiệm,
chỉ cần là con nhà nòi thôi, vô số người đã nhảy phóc lên được những chiếc ghế
quyền lực và béo bở trong guồng máy kinh tế cũng như guồng máy chính trị trong
nước. Có khi không nhảy được, “các cụ” sẽ bồng ẵm họ lên, bỏ vào các chiếc ghế
hiếm hoi và quý báu ấy.
Điều cần lưu ý là những điều được giới truyền thông nhắc nhở nhiều nhất thường
chỉ là những hiện tượng nổi bật nhất. Họ không thể đề cập đến mọi chuyện. Còn
vô số những vụ bổ dụng khác, nhỏ và thầm lặng hơn, vẫn lan tràn đầy trong xã
hội nhưng không được nói đến. Bản thân tôi biết được ít nhất cũng năm bảy
người, vốn đi học ở Úc, phần lớn không học xong cái gì cả, hoặc nếu xong, may
lắm được một bằng cử nhân, khi về lại Việt Nam, một thời gian ngắn sau, nghe
nói đã làm giám đốc công ty này, công ty nọ. Lý do: bố mẹ là những quan chức
lớn, có người là bộ trưởng hay thứ trưởng.
Hiện tượng gọi là thái tử đảng hay CCCC, thật ra, cũng không có gì lạ. Ngay từ
trước, với chủ trương bổ dụng cán bộ dựa trên “hồng” (chính trị) hơn là
“chuyên” (chuyên môn hoặc học thức) đã là một truyền thống kéo dài ít nhất từ
những năm giữa cuộc kháng chiến chống Pháp. “Hồng” có hai loại: một, thuộc
thành phần “cốt cán”, ưu tiên hàng đầu là công nhân hoặc bần cố nông; hai,
thuộc thành phần có lý lịch tốt, mà lý lịch tốt nhất là con cái các cán bộ gộc.
Hiện nay, chỉ có một sự thay đổi lớn: thành phần được gọi là “cốt cán” biến
mất. Chỉ còn lại thành phần con cháu các cán bộ gộc.
Một số người lý luận: Ngay ở Mỹ cũng có hiện tượng “thái tử đảng” (princeling)
như thế: vợ hay con cái của những người có chức quyền cao, như Tổng thống hay
Phó tổng thống, Thượng nghị sĩ nổi tiếng cũng thường có ưu thế hơn hẳn những
người khác trên con đường chính trị. Trong mấy chục năm vừa qua, dòng họ Clinton hay Bush thay
nhau nắm chính quyền và còn hứa hẹn lảng vảng trên sân khấu quyền lực rất lâu.
Tuy nhiên, thực chất vấn đề ở đây khác hẳn hiện tượng thái tử đảng ở Việt Nam hay Trung
Quốc. Ở Mỹ, vợ hay con cháu của những chính khách lớn có nhiều ưu thế chủ yếu ở
ba lãnh vực: Một, sống trong một gia đình có truyền thống hoạt động chính trị,
họ dễ học hỏi được nhiều kinh nghiệm về chính trị từ rất sớm; hai, họ có mạng
lưới quen biết rất rộng; và ba, tên tuổi của họ được nhiều người biết, do đó,
dễ thu hút được dư luận. Hết. Tổng thống Bill Clinton không thể bế vợ lên đặt
vào chiếc ghế Thượng nghị sĩ và sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao. Tổng thống George
Bush (cha) không thể ẵm George W. Bush lên làm Tổng thống thứ 43 của Mỹ, và sắp
tới, năm 2016, họ cũng không thể đưa Jeb Bush lên làm Tổng thống. Tất cả những
người ấy đều phải tự mình tranh đấu để giành giật cho được chiếc ghế quyền lực.
Người quyết định cuối cùng vẫn là dân chúng. Bằng lá phiếu của họ.
Ưu tiên thứ hai trong việc được bổ dụng hay đề bạt là quan hệ. Quan hệ có ba
loại: một, bà con; hai, bạn bè; và ba, quen biết. Trong loại thứ ba còn có một
trường hợp phụ: được sự giới thiệu của một người quen biết. Loại thứ ba này,
thật ra, không đủ để có việc hay được tăng chức. Nó thường phải đi kèm với ưu
tiên thứ ba: tiền tệ.
Tôi biết khá nhiều sinh viên du học ở Úc về nhưng vì không có “quan hệ” hay
“tiền tệ”, suốt cả mấy năm trời, vẫn cứ đi lang thang kiếm việc. Mà bằng cấp
không phải nhỏ. Một số có bằng Thạc sĩ từ những trường thuộc loại lớn nhất ở
Úc. Và ngành chuyên môn của họ không phải là không quan trọng. Có người học
Kinh tế, có người học Tin học, thậm chí, có người học Y khoa. Về, vẫn không có
việc. Tôi ngạc nhiên nhất là trường hợp một số người học Y khoa mà về, vẫn loay
hoay chạy đôn chạy đáo để tìm việc. Cả năm trời vẫn không được. Trước, tôi cứ
tưởng đó là lãnh vực Việt Nam
đang rất cần. Có bằng cấp từ Úc lại càng cần. Vậy mà không phải. Hỏi, mới biết,
để được nhận làm việc trong các bệnh viện lớn, người ta phải đút lót cả mấy
chục, thậm chí, mấy trăm triệu đồng. Có người, sau khi được người quen giới
thiệu, được nhận vào một bệnh viện lớn, nhưng vì không có tiền đút lót nên phải
chấp nhận một điều kiện khó khăn: thực tập không lương trong vòng một năm!
Nghe, lúc đầu, tôi cứ ngờ ngờ. Sau, tôi phải hỏi một người bạn vốn là một cán
bộ khá lớn từ Việt Nam
mới sang. Anh cười: “Ồ, đó là chuyện thường! Ngay cả sinh viên tốt nghiệp các trường
sư phạm ra, muốn có nơi trong thành phố nhận dạy, cũng phải đút lót. Trường
lớn, giá cao; trường nhỏ, giá rẻ. Không có tiền thì chỉ có nước về nông thôn,
có khi là nông thôn thật hẻo lánh, thậm chí, không có cả điện nước!”
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây nhiều cán bộ cao cấp cũng phải thừa nhận là có
hiện tượng chạy chức, chạy quyền. Làm cán bộ cấp quận, cấp huyện cũng phải
mất ít nhất một trăm hoặc vài trăm triệu. Đó là những chức vụ lèng èng. Còn các
chức vụ cao cấp, có nhiều quyền lực và quyền lợi, từ các cơ quan cấp tỉnh và
thành phố đến cấp trung ương, đặc biệt các tập đoàn nhà nước thì sao? Nghe nói,
mỗi chiếc ghế đều có giá riêng.
Người bạn đã đọc cho tôi nghe câu tục ngữ dẫn ở đầu bài viết này, sau đó, kể
tiếp: Anh có mấy người cháu từ Việt Nam được gia đình gửi sang Úc du
học. Học xong, các em về Việt Nam
để thăm dò tình hình công việc. Cả mấy tháng trời vẫn không được nơi nào hứa
hẹn cả. Bài học lớn duy nhất mà các em học được là mấy câu tục ngữ trên. Nản
quá, các em quay lại Úc và tìm cách để ở lại Úc luôn.
Trong hai câu tục ngữ trên, ở câu sau, phần trí tuệ bị gạt bỏ; ở câu trên, đứng
ở vị trí cuối cùng. Điều đó cho thấy Việt Nam đang ở vị thế rất lạ so với thế
giới hiện đại, ở đó, học vấn, kiến thức và tài năng bao giờ cũng được coi
trọng, được xem là điều kiện tối cần để xây dựng và phát triển đất nước. Hơn
nữa, đó cũng là cách thức tốt nhất để thực hiện dân chủ: Trong khi dân chủ, bất
cứ là nền dân chủ nào, cũng không thể bảo đảm sự bình đẳng cho tất cả mọi
người, ở đâu người ta cũng cố gắng bắt đầu từ hai điểm căn bản: Một, sự bình
đẳng trong giáo dục; và hai, sự bình đẳng trong cơ hội bổ dụng chỉ dựa vào một
tiêu chuẩn duy nhất: tài năng (vốn là một kết quả của giáo dục).
Nhưng dù sao, nghĩ lại, cũng thấy tình hình Việt Nam bây giờ cũng may mắn lắm. Ngày
trước, chỉ cách đây mấy chục năm, có lúc trí tuệ còn bị cho là không bằng một
cục phân nữa!
Nguyễn
Hưng Quốc
Nhà phê
bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo
mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại
Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.