Diệu Hương
sinh ngày 26 tháng 10 năm 1955 tại Huế trong một gia đình có 13 người con mà cô
là con gái duy nhất. Năm 5 tuổi, Diệu Hương cùng với gia đình chuyển vào Đà Nẵng.
Tại đây cô theo học trường Sacré Coeur. Sau khi hoàn tất bậc trung học, Diệu Hương
lên Đà Lạt theo học trường đại học Chính trị Kinh doanh và từng được bầu là trưởng
ban văn nghệ trong những năm đại học. Trước đó Diệu Hương đã từng theo học
piano với các dì phước cũng như từng hát và đóng kịch trên sân khấu nhà trường
và tham gia những hoạt động hướng đạo. Tại Đà Lạt, Diệu Hương cũng ở nội trú với
các dì phước, trong thời gian đó, Diệu Hương tập guitar rồi về Sài Gòn học tiếp
tục với một người bạn. Đến nay Diệu Hương đã phát hành 4 CD Ở lại ta đi,
Giòng lệ khô, Khắc khoải và Cho dòng sông cuốn trôi trong đó có nhiều bài hát nổi
tiếng được các ca sĩ trong nước và hải ngoại trình bày. Đặc biệt Vì đó là em với
tiếng hát ca sĩ Quang Dũng đã giành được giải Mai Vàng 2003.
***
Nhạc sĩ, cũng
như thi sĩ, là những tâm hồn mà một nhà thơ tiền chiến cho rằng: “ru với gió,
mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, để linh hồn ràng buộc bởi muôn giây..” Nhạc
sĩ viết bài hát như thi sĩ làm bài thơ, chợt một khoảnh khắc nào đó, cảm hứng
dâng trào, có thể là do một cơn gió thổi qua làm bay mất chiếc khăn quàng cổ,
có thể là bất ngờ nhìn thấy một ánh mắt lung linh, cũng có thể là vì một chiều
không lá, không hoa, chỉ có tiếng chân người chậm bước trên ngõ vắng… Nếu hỏi họ,
vì sao mà viết được những lời ca và âm điệu tuyệt tác như thế, chắc họ không thể
trả lời được! Và giả như nếu vì một lý do nào đó, mà bản nhạc mới vừa viết xong
bị gió cuốn đi, và ta mong họ viết lại, cũng chắc rằng họ sẽ không thể làm được
chuyện ấy. Bởi những tư tưởng và âm điệu mới bất ngờ xuất hiện trong trí não sẽ
như người yêu đam mê một tối, sẽ chẳng trở lại, để ghế bàn lạnh tanh, mặc cho
hương thơm ngây ngất đêm qua còn vương vấn dưới chân cửa. Bởi những trường
canh, những nốt nhạc đứng trên lời ca là kết quả của bao đêm dài suy tư, của những
lần đớn đau năm ấy, của hạnh phúc đã xa, của chuỗi dài kỷ niệm từ ấu thơ đến
khôn lớn.. được pha trộn với sắc mầu hiện tại, với sự vun vút của thời gian, để
cho miệng bật ra lời hát, tay búng trên phím đàn và thế là, môt bản nhạc ra đời.
Vì thế, mỗi nhạc sĩ có một phong cách khác nhau, người thê thiết vì bi quan,
người lâng lâng vì hạnh phúc, người phóng khoáng với thiên nhiên, người mong chờ
một thực tế không bao giờ đến, và có người luôn trách hận cuộc đời.
Diệu Hương là
một nhạc sĩ có phong cách lạ lùng, có trình độ suy tư rất khác biệt với nhiều
nhạc sĩ khác. Diệu Hương không than thở, uất ức với những mối tình không trọn,
cũng chẳng mộng mơ như em bé tuổi mười lăm, mà khoan dung nhìn cuộc đời, dù cuộc
đời không âu yếm mình như mình yêu thiên hạ. Diệu Hương chấp nhận những cay đắng
một cách bình thản:
“Đã biết trong
thầm lặng là tình yêu có bao lần trối trăn. Dẫu biết yêu một người là hồn nghe
năm thắng mảnh tình vơi… Nói với tôi một lời, đừng lặng thinh như thế, hỡi người ơi.”
Tình yêu là những
quả đắng trong tâm hồn Diệu Hương, nhưng lạ lùng thay, người thiếu nữ này vẫn muốn
yêu bất chấp những đau đớn có thể đến với mình:
“Hỡi tình yêu
là những vết dao đậm sâu. Đem tâm hồn tôi rướm máu. Hỡi người ơi! Giọt nước mắt
rơi từ đây. Cho anh, cho anh, những đêm dài vắng tanh.” (Đêm buồn). Hoặc:
“Yêu thương
như chỉ là một khoảng khắc đi qua, Trong tôi không tuyệt vọng dù cho đớn đau.
Trong tôi không sầu hận dù cho cách ngăn”. ( Cho dòng sông cuốn trôi)
Có lẽ vì tử
thuở nhỏ, Diệu Hương là người ham mê đọc sách. Đọc hoài, đọc mãi, từ lớp học, về
nhà, trở về căn phòng riêng, là đọc mê mải. Từ những cuốn sách đó mà Diệu Hương
đã thấy cuộc đời thật rõ nét với điêu ngoa, lừa dối, phản bội, có anh hùng trở
thành gian hùng hay ngược lại. Vì thế, Diệu Hương đã có sẵn một sự tỉnh táo,
thoải mái với cuộc đời của riêng mình.
“Nói với tôi một
lời, dù lời ấy sẽ theo thời gian trôi. Nói với tôi một lời, dù ngày mai trái đất
nứt làm đôi. Đến với nhau dịu dàng dù dời sống có khi đã cạn khô. Tiếng yêu
thương ân cần rồi tinh như giọt nắng rơi
ngoài sân…”(Nói với tôi môt lời).
Đôi khi sự tỉnh
táo đó đã khiến Diệu Hương cười đùa với chuyện tình, như môt thiếu nữ thơ ngây
vẫn mê say bắt bướm, hái hoa, vẫn mở to mắt đọc chuyện Tấm Cám, Công Chúa ngủ
trong rừng, rồi vừa vuốt tóc, vừa nhai kẹo, lúc cười lúc khóc với các nhân vật
trong chuyện. Bài hát “Hỏi Tình” mà Diệu Hương mới sáng tác cho thấy một phương
trời mới trong nhạc Diệu Hương, vui vui, là lạ, và dịu dàng:
“Hỏi tình là hỏi
tình.. hỏi tình là tình khuất nơi nao? Hỏi duyên, duyên trốn phương nào là nào
người ơi! .. Hỏi người, hỏi người là người biết hay chăng? Người sao chưa đến
cho tình là tình quạnh hiu. Trong em vẫn có là có những chiều Cô đơn lẻ
bóng một mình là mình hoang liêu. Hỏi
tình là tình mãi xa xăm. Tình ơi là ơi xin lại, cho dù cho dù đợi chờ trăm năm…”
Điểm đặc biệt
khác nữa mà ít nhạc sĩ có thể diễn tả như Diệu Hương đã làm: Chữ Hiếu! Thời gian
qua, giới thưởng ngoạn âm nhạc đã bồi hồi với bài “Mình Ơi!” tả nỗi đau xé ruột
khi người bạn đời ra đi vĩnh viễn, thì nay, lại một bài ca mới, cô đọng những tình yêu của người
con gái dâng lên Mẹ, một tình yêu thuần khiết, không so đo, cân nhắc:
“Cho tôi được
nói câu Mẹ thương yêu. Trong lòng quá nhiều tình chất chứa thiêng liêng Tôi còn
dấu lại thầm kín trong tim. Đêm khuya thổn thức yêu mẹ trong tôi. Mơ về những
ngày tuổi ấu thơ bay. Bên mẹ tôi còn một diễm phúc này.. “ (Xin mãi còn bên Mẹ).
Với tâm sự dịu
hiền đó, người nhạc sĩ, ca sĩ Diệu Hương đang là một đóa hoa thơm lừng lẫy lôi
cuốn bao chú bướm say mê âm nhạc đến gần. Tiếng ca Diệu Hương là lời thì thầm
âu yếm, chân tình, không vút lên lộng lẫy với những nốt nhạc thuộc bát độ cao,
nhưng lại mang những âm thanh của hoa dạ lan thoảng trong gió đêm, không ngào
ngạt làm người thưởng ngoạn chới với, nhưng sẽ ở lại trong tim người mãi mãi
như một điệu rung êm ái của buồng tim.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.