Friday, April 15, 2011

Chuyên đề về doanh nghiệp ở VN

 

Trong Phúc trình Chuyên đề về Việt Nam, công bố nhân Đại hội Đảng XI, Reuters giới thiệu một số gương mặt doanh nhân và nhà đầu tư với tham vọng và suy tư của họ về môi trường kinh doanh ở nước này.

Bản báo cáo đặc biệt (Special Report) của Jon Ruwitch và Jason Szep ra hôm 13/1 cũng trích lời cả ông Nguyễn Bảo Hoàng, Việt kiều Mỹ, con rể của Thủ tướng Việt Nam nói về các vấn đề "làm ông mất ngủ".
Bên cạnh nhận định về cơ hội, các doanh nhân Mỹ hoặc Việt kiều khác cũng nói tệ quan liêu ở Việt Nam là một thứ "rào cản phi quan thuế" cho việc làm ăn của họ và còn nhiều vấn đề khiến môi trường kinh doanh ở Việt Nam "tụt xa sau Trung Quốc".
BBC Tiếng Việt lược dịch một số đoạn và đặt tựa đề tiếng Việt trong bài:

image 
Ông Lê Hồng Minh nói 'sứ mạng của công ty VNG là dùng Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam'

Thế hệ Internet
image

Lê Hồng Minh, năm nay 34 tuổi, là người sáng lập ra VNG Corp, công ty chơi game trên mạng được xây dựng trên mô hình Tencent Holdings của Trung Quốc.
Trong vòng 5 năm, VNG phát triển từ con số 100 nhân viên lên 1300 và thu hút được đầu tư từ Goldman Sachs, và hiện có tham vọng một ngày nào đó sẽ cạnh tranh với các công ty toàn cầu.
Ông Minh sau thời gian học tại Đại học Monash ở Úc đã về Việt Nam làm trong ngành tài chính nhưng vốn là người mê chuyện kiếm hiệp Trung Hoa từ nhỏ, ông đã "sang Daejeon, Nam Hàn để đại diện cho Việt Nam trong cuộc thi World Cyber Games 2002.
Dù không thắng, ông thấy rằng Internet tốc độ cao và trò chơi điện tử trên mạng "không chỉ để chơi mà là chuyện làm ăn lớn"...
Sau khi ra đời năm 2004, chỉ một năm sau, công ty của ông, VinaGame được IDG Ventures bỏ tiền đầu tư và họ sản xuất lại một trò chơi điện tử môn võ thuật theo giấy phép của công ty Trung Quốc, và nhanh chóng thu hút 20 triệu fan trong cả Việt Nam.
Năm năm sau, nay gọi là VNG, họ cạnh tranh trực diện với Yahoo và chiếm 60% thị trường 27 triệu người dùng Internet ở Việt Nam, theo số liệu của riêng VNG.

image

Trang Bấm www.zing.vn của họ nay có các mục giải trí, tin tức và mạng xã hội.
Công ty này cũng đã tự soạn ra trò chơi điện tử trên mạng đầu tiên cho thị trường nội địa là Việt Nam, và cũng bước cả vào lĩnh vực kinh doanh qua mạng, e-commerce.
Ông Lê Hồng Minh nói: "Sứ mạng của chúng tôi là khiến Internet thay đổi cuộc sống của người Việt Nam".

'Yêu nước và cưới con gái thủ tướng'
Ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyen), từ Bấm công ty IDG, tâm sự về triển vọng của Việt Nam nhưng ông không phải là mù quáng không nhìn thấy những rủi ro.

Xuất xứ của ông đem lại cho ông một cái nhìn có một không hai. Năm 1975, vào thời điểm chấm dứt Cuộc chiến Việt Nam khi ông mới lên hai, ông được gia đình đưa đi trốn chạy trước cuộc xâm lăng của quân cộng sản (Communist invasion) vào Nam Việt Nam.


 
Ông sống bảy tháng trong một trại tị nạn ở Philippines trước khi chuyển đến Virginia, Hoa Kỳ, nơi ông lớn lên với rất ít quan tâm ở quê hương cũ của mình, trả lời cha mẹ Việt của mình bằng tiếng Anh và đi vào học tại Đại học Harvard.
Ông chỉ trở lại vào giữa năm 1990, miễn cưỡng, như là một nhà văn viết về du lịch cho loạt bài do sinh viên Harvard tổ chức mang tên Let's Go. "Tôi cảm thấy yêu nơi này," ông nói.
Sau khi tốt nghiệp ngành y tế và kinh doanh, ông làm việc ở vị trí là người chọn cổ phiếu công nghệ cho Goldman Sachs tại New York dưới sự dẫn dắt của phân tích gia nổi tiếng của Microsoft, ông Rick Sherlund, nhưng một lần nữa ông đã nhanh chóng cảm nhận sự cuốn hút lôi kéo của Việt Nam.
Ông trở lại vào tháng 6/2001, đúng ngày Toà Tháp đôi ở New York bị tấn công. Ông theo dõi những gì diễn ra sau đó trên truyền hình và cố gắng liên hệ với bạn bè.
"Tôi cảm nghĩ có một cái gì đó hụt hẫng trong tôi, và nghĩ có lẽ không sống ở Mỹ chưa hẳn đã là một điều dở," ông nói.
Ba năm sau, ông nhận được một lời mời từ của người sáng lập IDG có trụ sở tại Boston, ông Pat McGovern, đề nghị về làm ăn tại Việt Nam. Giờ đây ông giám sát hai quỹ, một quý trị giá 100 triệu USD, và một quỹ khác trị giá 150 triệu USD.
Không chỉ yêu đất nước này, Nguyễn còn yêu và sau đó cưới con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2008.
Dù vậy, ông nói thẳng thắn về những thách thức của Việt Nam.
"Có ba vấn đề khiến tôi mất ngủ dài", ông nói.

Đứng đầu danh sách là cơ sở hạ tầng - một vấn đề lâu dài tại Việt Nam, nơi từ đầu những năm 1900 cho đến đầu những năm 1990 phát triển đã bị cản trở do xung đột và các chính sách tập thể được tạo lập một cách sai lầm.
"Ngay cả khi tôi nói rằng Việt Nam hiện ở trình độ của Trung Quốc vào những năm '97-'98, thì Việt Nam thực sự vẫn tụt sau rất nhiều về cơ sở hạ tầng," ông Nguyễn Bảo Hoàng nói.
Các cảng hiện hành của Việt Nam đang quá tải, Việt Nam thiếu đường cao tốc và mạng lưới điện là thiếu điện kinh niên khiến mất điện là bình thường.

Thứ hai là vấn đề quản trị và tham nhũng. Theo ông, "Cuối cùng thì hầu hết mọi người trở nên dễ có thái độ chua cay, khó chịu về chính phủ, và có lẽ trong nhiều trường hợp thái độ đó là đúng."

Và thứ ba là giáo dục, có lẽ đó là điệp khúc phổ biến nhất trong số các chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Ông Nguyễn lưu ý rằng gần 2 triệu học sinh dự thi hàng năm để thi vào 750.000 chỗ học toàn thời gian tại các trường đại học.

Chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam cũng không đảm bảo.


"Đó là một điều vô cùng đáng tiếc khi có những người đầy tham vọng, muốn cố gắng hết sức, muốn làm việc chăm chỉ, và đa số phải học trong nền giáo dục tồi tệ nhất mà ta có thể tưởng tượng ra được," ông nói.

Vươn lên nhờ mạng Mobile
image 
Ông Nguyễn Đức Tài hiện làm chủ Mobile World, công ty áp dụng thẻ kỹ thuật số để ghi giá

Có lẽ không có gì là ngạc nhiên khi Nguyễn Đức Tài, giám đốc công ty Mobile World đang phát triển nhanh chóng, không e ngại cạnh tranh nước ngoài. Nhưng ông sử dụng công nghệ và khai thác Internet để giữ an toàn vị trí của mình.
Trước khi thành lập công ty với bốn người bạn, ông biết rằng ông phải giải quyết vấn đề đã khiến ông bực bội khi tìm mua một chiếc điện thoại cho vợ.
Người tiêu dùng cần biết thông tin tốt, ông lý luận, vì vậy trước khi mở cửa hàng đầu tiên của mình, ông thành lập một trang web với các chi tiết giá cả và thông số kỹ thuật của điện thoại mà ông sẽ bán.
Đây là lần đầu tiên có loại hình này ở Việt Nam và đã trở nên rất ăn khách. Nhưng điều đó đã dẫn đến một vấn đề khác: làm thế nào để giữ giá trên trang web của mình tương tự với giá trong mạng lưới các cửa hàng đang phát triển của ông, đặc biệt là trong một thị trường dễ bị biến động do đột biến về nhu cầu và tiền tệ.
Giải pháp của ông: thẻ kỹ thuật số ghi giá được cập nhật trực tiêp từ trung tâm hai lần một ngày và liên kết với trang web. Điều đó đã mở đường cho một hệ thống thương mại điện tử ở dạng nguyên thủy, trong đó khách mua hàng bằng cách nhập số điện thoại của họ vào.
Trong thời gian 30 phút, một nhân viên của công ty Mobile World sẽ gọi lại, ghi nhận đơn đặt hàng, gửi chuyển phát nhanh bằng xe máy mang chiếc điện thoại tới cho khách và thu tiền.
Trang web này thu khoảng 1 triệu USD một tháng, đủ để khiến Mobile World trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất của Việt Nam, một ngành công nghiệp non trẻ trong một đất nước mà hầu hết người dân không có thẻ tín dụng và tiền mặt sử dụng cho hầu hết các giao dịch.
"Đây là một vũ khí tốt cho chúng tôi để cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác," ông Tài nói.

Các góc nhìn khác
imageimageimage

Những rào cản đã khiến nhiều đối thủ cạnh tranh bị gạt ra khỏi thị trường tiêu dùng đang phát triển của Việt Nam - từ Tập đoàn McDonald's cho tới Starbucks Corp và Wal-Mart Stores Inc, tất cả đều mở đường xâm nhập vào Trung Quốc.

imageimageimage 
Khuân cà phê ở Bình Dương: cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vẫn còn kém với lao động chân tay còn nhiều
Chủ tịch và giám đốc điều hành Starbucks, ông Howard Schultz, cho biết hồi tháng Bảy, ông muốn "tìm hiểu cơ hội" để vào Việt Nam. Nhưng tình trạng quan liêu có thể buộc tập đoàn cà phê lớn nhất thế giới này tính chuyện nhượng quyền mở các cửa hàng dùng nhãn hiệu của họ, một điều họ không làm tại hầu hết các nước khác.
Tình trạng quan liêu là "rào cản phi thuế quan lớn nhất của Việt Nam", ông Burke thuộc Baker & McKenzie nói.
Các nhà hoạch định chính sách, ông nói thêm, có những lo ngại sâu xa về chuyện cạnh tranh, trong đó có nỗi lo sợ các công ty Trung Quốc sẽ quyền kiểm soát nguồn cung cấp gạo của Việt Nam nếu họ mở cửa thương mại tư nhân quá nhanh chóng.

Thực trạng quan liêu là rào cản phi thuế quan lớn nhất của Việt Nam
Fred Burke, Baker & McKenzie
image

"Chế độ bảo hộ vẫn còn là một vấn đề," ông Burke, một thành viên sáng lập Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông được khuyến khích bởi kế hoạch cải cách ba năm vẫn được biết đến là Đề án 30, vốn hứa hẹn cắt giảm thủ tục hành chính 30 phần trăm.

"Báo cáo Môi trường Kinh doanh" năm 2010 của Ngân hàng Thế giới nói phải mất trung bình 44 ngày và chín thủ tục hành chính để bắt đầu một doanh nghiệp tại Việt Nam, so với trung bình 39 và tám thủ tục tại các nước khác ở châu Á.

Trong khi Starbucks cân nhắc tương lai của họ tại Việt Nam, mạng quán cà phê Highlands ở địa phương đã chộp cơ hội chọn các vị trí bất động sản thuận lợi và giành thị phần tại một đất nước có nhu cầu nhấm nháp cà phê tại các quán theo phong cách Paris từ thời thực dân Pháp.

Người thành lập công ty Highlands, một người Mỹ gốc Việt, ông David Thái, chứng kiến Starbucks nổi lên tại thành phố quê hương ông ở Seattle, trở thành một công ty cà phê quốc tế hùng mạnh.
Ông đánh hơi được cơ hội và nay điều hành 40 quán cà phê Highlands ở Việt Nam.
"Ngay bây giờ, các nhà bán lẻ nước ngoài đã chưa tạo được dấu ấn ở Việt Nam", ông Freund thuộc Mekong Capital nói.
"Giả dụ Wal-Mart muốn vào lập các siêu thị lớn và làm biến đổi tương lai bán lẻ tại Việt Nam, họ sẽ phải vượt nhảy qua rất nhiều rào cản và thủ tục."
Wal-Mart hiện không có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam, người phát ngôn Kevin Gardner cho biết. So sánh với nước láng giềng thì hiện nay tại Trung Quốc, Wal-Mart đang làm chủ 189 siêu thị với hơn 50.000 công nhân.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.