Monday, April 18, 2011

Ăn

image

Thưa quý Bạn đọc! Lúc đầu, tôi lỡ viết Tiếng Việt Hay Quá “ở chủ từ, danh từ, đại danh từ, động từ, túc từ tĩnh từ”… cùng với những ngữ âm pháp, tiếng đơn, tiếng kép, tiếng láy, tiếng ghép hòa kết, tiếng ghép hợp kết…; như một quyển sách học tiếng Việt, hai trăm trang, điều mà tôi rất sợ vì tự biết mình không đủ sức làm một nhà giáo. Viết xong, đọc lại nhiều lần, cuối cùng đành phải bỏ đi. Không đến nỗi buông thả kiểu “ra đi gặp vịt thì lùa, gặp duyên thì kết, gặp chùa thì tu”, nhưng tôi muốn viết như một cánh bèo, trôi theo sóng nước, hy vọng vẫn nở hoa, ...
... thay cho lời cảm ơn quý Bạn đọc Tiếng Việt Hay Quá: Khi nghe được những tiếng đàn cao quý ấy, tôi lại muốn biết thêm nhiều về bản nhạc cùng với người chơi đàn tài hoa. Tất nhiên, mọi sự hiểu biết của tôi, cũng giống như “lá mà người nắm trên tay, ít hơn lá ở trên cây trong rừng.” Cuối cùng, Tiếng Việt Hay Quá, được viết thành ba phần chính: “Người Mình, Mở Đạo, Vạn Xuân”.

Đối với tôi, người mình là trên hết, bởi Tổ Tiên ta xưa đã mở ra được cái Đạo Làm Người, mà nay con cháu biết theo, thì mai này đất nước ta sẽ sống mãi với cuộc đời tốt đẹp, tươi sáng vạn lần hơn mùa xuân của đất trời, vì ta biết thương yêu. Nếu Đạo là Đường đi, coi như văn hiến, như trà đạo, hoa đạo, kiếm đạo của người Nhật, thì Đạo Làm Người ở nước ta hẳn đã có từ thời dựng nước? Đường đi lớn thường có nhiều lối nhỏ vắt ngang, Đạo Làm Người ở nước ta còn sinh ra các đạo Ông bà, đạo Vua tôi, đạo Vợ chồng… và nhiều thứ đạo khác, ngả sang phần tín ngưỡng dân gian; nhưng Đạo Làm Người, trước sau như một, không huyền thoại, cũng chẳng thần bí gì, vừa nêu cao tính Nhân đạo vừa soi sáng chất Nhân văn, cả về mặt trừu tượïng lẫn hiện thực. Văn hiến, truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời, đã sớm trở thành Tư tưởng Chỉ đạo của người mình. Rõ nét nhất là tình và nghĩa. Tình thì phải gần Tình Người, cận nhân tình, phải Chí nhân; nghĩa phải Nghĩa Cả, đại nghĩa. Tình và Nghĩa, qua Đạo Làm Người ở nước ta, trả lời được câu hỏi: “Con người sống để làm gì?”.

Về Cuộc sống, trước hết làm người phải được ăn và sau cùng là phải được chơi; giữa đó là nói và cười. Về Lẽ sống, phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”; nghĩa là cái gì cũng phải học hết, từ các điều nhỏ nhặt, “ăn trông mâm, ngồi trông hướng” cho tới những chuyện lớn lao “lời chào cao hơn mâm cỗ”… Kể ra không xuể. Người xưa từng nhìn thẳng vào sự thật: “Có thực mới vực được đạo”. Ăn để… sống và chơi, từ trong món-ăn-chơi trước bữa ăn thật, chưa nói tới “chơi cho lịch lãm cho người biết tay”, để làm cho cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần, vốn gắn bó với nhau, sớm trở nên trọn vẹn ý nghĩa. “Trời sinh ra, đã làm người. Hay ăn, hay nói, hay cười, hay chơi”. Qua tiếng Việt, tôi chỉ xin kể sơ sơ, lần lượt về “ăn, nói, cười chơi”; hoặc “ăn nói, nói cười, cười chơi và ăn chơi”: Tiếng Việt, với ca dao, tục ngữ nước ta, sinh ra và lớn lên theo chiều dài lịch sử của dân tộc, trước cả các thời kỳ dựng nước và giữ nước, vì bộ lạc có trước quốc gia. Chắc chắn phải có con người, rồi sau đó mới có tiếng nói, chữ viết.

Người ta? Muốn được “nên người, ra người, thành người”, đều phải học làm-người. Không, chỉ là sinh vật “dở người, chưa thật-người, nửa người nửa ma, bất thành nhân dạng.” Ngợm. Còn Làm người, phải được: “Hay ăn, hay nói, hay cười, hay chơi.”! Đúng, ý nghĩa đầu tiên cũng như cuối cùng: con người sống trên mặt đất này, trong lúc “đương hạ, nhất niệm”, ngay bây giờ, ở đây, là gì nếu không phải là ăn để sống, ăn no; sống để ăn, ăn ngon? Cách nào thì “ăn” cũng đứng hàng đầu, trong tiếng Việt. “Ăn, nói, cười, chơi”. Cõi Phúc, trong tâm linh người mình, là cõi Tiên. Bà Mẹ thần thoại, Âu Cơ, là một Bà Tiên. Nên: “Ăn được ngủ được là Tiên. Không ăn, không ngủ, mất tiền thêm lo.”. Từ miếng ăn vật chất, “ăn sung, ngồi gốc cây sung” vươn cao lên thành miếng ăn tinh thần, “ăn quả nhớ người trồng cây.” Hoặc bóng gió: “Ăn sao ăn được mà mời. Thương sao thương được vợ người mà thương.” Ăn xong, nhớ tới người làm ra “miếng ăn”, chính là thay cho lời cảm ơn, lấp lánh tính Nhân bản, “người biết ơn người”. Nơi đâu không có sự “cảm ơn, biết ơn, tạ ơn, đội ơn, nhớ ơn”, nơi đấy không có “văn hóa, văn hiến”, khơi nguồn cho một cái đạo rất Việt Nam, là Đạo Làm Người; nơi con người dạy nhau biết ơn Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ, “uống nước nhớ nguồn”; tới nỗi người thanh cảnh, tao nhã cũng có một cái đạo gọi là “đạo của người tài tử”.

Bạn là người theo thuyết “ý thức có trước, vật chất có sau” hoặc ngược lại, cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật: Làm người, muốn sống, phải ăn! Thế, chưa đủ, trong lúc “được ăn” các thức “ăn được”, bạn phải nhớ tới những người làm ra: “Ai trồng sen cho chàng ăn quả? Ai trồng vả cho nàng hái hoa?” Đạo Làm Người, của dân tộc Việt, bao gồm hai phần, là “hình nhi thượng” biết ơn Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ; phần “hình nhi hạ”: Ăn, nói, cười, chơi. Đan kết thành ăn nói, nói cười, cười chơi và cuối cùng chỉ còn “ăn chơi”? Quả thật “cách ăn, lối nói, kiểu cười, thú chơi” của một người cũng đủ nói lên người ấy là ai, nghĩa là thuộc hạng người nào; ăn sạch hay ăn bẩn, nói thật hay nói điêu, cười mỉm miệng hay cười hô hố, chơi cho đài các hay chơi bời bậy bạ? Một ông nghè vẫn có thể “ăn cháo, đá bát”. Một người bị mù chữ vẫn có thể “ăn cây nào, rào cây nấy”. Ai đó nói rất hay: “Người ta có thể vừa ăn vừa cúi mặt, nhưng không nên cúi mặt để được ăn”. Cũng như hai người, trai với gái, có thể vừa nằm vừa ăn, nằm ăn; nhưng nếu ăn-nằm thì họ chẳng ăn chi hết. Ăn nằm lúc này đã sớm trở thành “ngủ”; nhưng trai gái “ngủ với nhau” lại là đang “thức”, vì khi ấy họ đã “ăn ý” với nên coi mọi thứ chẳng “ăn thua” gì, điều đáng kể là cả hai có “ăn nên, làm ra” hay không, họ có “ăn đời ở kiếp”, nghĩa là có sống chung, “ăn ở” với nhau được lâu dài không, chỉ sợ lại “ăn sổi ở thì”; ví như bọn quan lại quen thói “ăn trên, ngồi trốc”, bóc lột người dân tới độ biết bao nhà tan, cửa nát; đã thế, chúng lại còn “ăn như tầm ăn rỗi” và cũng vì không “ăn ngay, ở thật” cho nên chúng thích “ăn ốc nói mò”; ưa “ngồi mát ăn bát vàng” nên chúng thường “ăn hối lộ, ăn của đút”?

Suốt mấy ngàn năm, người Việt sống, chết khốn khổ vì cùng lúc vừa phải “chạy giặc”, vừa phải “chạy ăn”; giặc ngoài đã “ăn hiếp”; thù trong lại “ăn hại”. Chúng, bọn thù trong, phần đông thuộc giới có học, vừa ăn cướp của dân, vừa làm hại việc nước. Thù trong thường tàn bạo hơn giặc ngoài. Chưa kể bọn cướp đêm chẳng đáng sợ bằng đám cướp ngày; “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.” Quan, phần lớn “ăn tìm đến, đánh nhau tìm đi, có sóng gió nhảy lên bờ, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Bọn thù trong, tranh nhau làm vua, giành nhau làm quan, “mạnh được, yếu thua” cốt để “thằng còng làm, thằng ngay ăn”; ăn cũng còn là nốc, hốc, xơi, tọng, nuốt, đớp; “cá lớn nuốt cá bé”. Giành lại quyền tự chủ đất nước từ thế kỷ thứ 10, tới nay bước sang đầu thế kỷ 21, dân ta vẫn phải lo “xóa đói giảm nghèo” cũng vì “thiếu ăn nghiêm trọng”. Kẻ thù nào mình cũng đánh thắng, nhưng chưa bao giờ mình thắng chính mình, lúc nào cũng thua cái bệnh đểu “ngồi mát, ăn bát vàng”? Bởi bọn cầm quyền chúng đã “ăn chia” với nhau nên việc “chia ăn” cho trăm họ chỉ xem như đối với bọn “ăn xin, ăn mày, ăn nhặt, ăn bám”. Dân cầy, thợ cấy thời nào cũng hết lòng trông cậy vào kẻ sĩ, giới có học để cứu họ, nhưng phần đông đám này đang “dây máu ăn phần” với bọn kia, nên chúng đành phải “ăn không nên đọi, nói không nên lời.” Chính chúng cũng “ăn cơm thừa, canh cặn”…. Chuyện “ăn, nói, cười, chơi” của người mình, là việc sống chết, đâu phải chuyện “nói chơi”, cần phải được “nói cho có đầu, có đuôi”, “nói cho ra lẽ”; nghĩa là “nói gần nói xa, chẳng qua nói thật”.

Tôi, như bạn, cần phải ăn uống mới sống được, sao khi tôi bàn tới mếng ăn, bạn lại cười, có nghĩa là chê ư? Cho “miếng ăn là miếng nhục”, hoặc nặng hơn, miếng ăn là “miếng tồi tàn” hay nhẹ hơn chút xíu, “miếng ăn quá khẩu thành tàn”, nói đến làm gì cho thêm ngượng miệng… “người ăn”, nhờ biết “ăn người”. Thôi được, chúng ta “chơi với nhau” từ ngày còn cùng học i-tờ, nên không “chơi nhau” nữa, dù chỉ là “chơi chữ”, vốn “chẳng ăn cái giải gì”, lại mang tiếng là “trâu buộc, ghét trâu ăn”. Vâng, bất cứ ai dẫu được ăn-học, mới chỉ là học-chữ, cần phải “học ăn, học nói”, đừng vội “cười người” để rồi sau đó bị “người cười” lại thì nguy to, chỉ vì: “Cười người chớ có cười lâu. Cười người hôm trước, hôm sau người cười.” Người ta cười tôi không biết trong hai tiếng ăn-mặc, chỉ có “mặc” là chính; như câu: “Tiếng đồn cha mẹ anh giàu. Sao anh ăn mặc như tàu chuối te?”; “ăn tiền” là ăn hối lộ, hoặc được việc, kết quả; “ăn thuốc” chỉ là hút thuốc; “ăn trầu thuốc”, rất khó cắt nghĩa đúng, vì không ra ăn, chẳng ra uống; thời thơ ấu học tiếng Việt, làm sao tôi hiểu được “ông ăn chả, bà ăn nem” là “ăn vụng”, ngoại tình, tôi cứ ngỡ thật tình “nem với chả” chỉ là hai món ăn của những ai “ăn đời, ở kiếp” với nhau? Rõ là chữ nghĩa chẳng “ăn khớp”! Ngày ấy, tôi chỉ biết ăn chay hay ăn mặn cũng là ăn khi đói, nghĩa là cho thức nuôi sống, qua miệng, vào người. Ăn cho có sức vóc, khỏe mạnh, mới học giỏi được; “ăn vóc, học hay”. Phần nhiều học trò nhà nghèo bây giờ chỉ “ăn hương, ăn hoa”, cho nên chuyện học hành chẳng “ăn thua” gì, không “ăn đứt” được phần đông học trò nhà giàu.

Bạn thấy chưa, làm gì có chuyện lãng mạn, “đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương”? Kho vàng ngọc muôn đời của đất nước là chất xám. Người được-học vốn rất ít mà người học-được lại không nhiều, cũng từ cái ăn?.. Tổng sản lượng quốc gia tăng vọt, nhưng lợi tức, thu nhập cá nhân lại thấp tè, cho mỗi người dân, cũng vì quốc nạn “ăn tham”, “tham ăn”… của bọn chóp bu lộng quyền, “ăn bẩn”, nhờ kết bè, kết đảng với nhau để “ăn chặn, ăn cướp cơm chim”? Giờ, bạn hiểu tại sao thóc gạo nước mình xuất cảng, hàng thứ hai trên thế giới, mà không ít nông dân, ngay tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long phải bỏ làng ra đi bán máu, bán thân nuôi miệng hoặc làm đầy tớ khắp thiên hạ. Tôi có thể nói thẳng với bạn, rằng: “Nhìn vào mâm cơm, biết cảnh nhà; nhìn cảnh nhà, biết vận nước!” Dân đói quá, chỉ giành ăn hay tranh ăn, không kiếm ăn. Đất nước nào mà nhà cầm quyền giàu có, no ấm, và dân chúng nghèo nàn, đói rách là đất nước tồi. Tệ ở chỗ lâu dần, cả một dân tộc mất đi cái Đạo Làm Người, đâu còn “thương người như thể thương thân”.

Cách nào nước ta thoát khỏi cái vòng oan khuất: “Thừa quan rồi mới tới dân. Thừa nha môn tuần tới sãi đò đưa”? Dân ăn đong bữa tối, lo bữa sáng, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi, sôi máu mắt, toàn là “ăn thừa” bọn quan lại! Thương người, trước hết, thương chính những bậc sinh thành ra mình, từng suốt đời nuôi nấng, với một tình yêu không bờ bến; khi tuổi về già chân yếu, mắt mờ thì sao? Xin thưa, Đạo Làm Người ở nước ta, đối với kẻ duới, ra sức bảo bọc, săn sóc, “dạy con từ thuở còn thơ”; đối với người trên, hết lòng cung kính: “Con cá đối nằm trên cối đá. Con chim đa đa đậu nhánh đa đa. Chồng gần không lấy, lấy chồng xa. Một mai cha yếu mẹ già. Chén cơm ai xới, kỷ trà ai dâng?” Không chỉ mời uống, đãi ăn, mà còn phải dâng lên. Chính mình, người con, tự xới cơm, không được nhờ ai khác!

Chủ nghĩa Nhân bản, lấy người làm gốc; người, trong Đạo Làm Người, lấy miếng ăn làm đầu? Chẳng có gì là sai hết! Con ong, cái kiến cũng phải ăn. Có bị đói gần chết, bạn mới biết rõ thế nào là đau khổ; biết đau khổ để hiểu ra hạnh phúc. Ăn, chơi là niềm hạnh phúc lớn? Phải chăng, người mình ở đâu và lúc nào cũng mơ ước cho đất nước mình được “độc lập, tự do, hạnh phúc”, đâu chờ tới khi có “chủ nghĩa Tam Dân”; dân tộc, độc lập; dân quyền, tự do; dân sinh, hạnh phúc, từ bên Tàu qua, ta mới biết: Muốn có hạnh phúc, phải có tự do, muốn có tự do phải độc lập? Tinh thần độc lập là đây: “Nên ra tay kiếm, tay cờ. Chẳng nên thì chớ, chẳng nhờ tay ai.”. Nhờ tay ai, rồi cũng phải trả nợ bằng máu và nước mắt. “Khôn ngoan đá đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.”

Tự do? Lên đường, bỏ xứ, lìa nhà ra đi, gục ngã, những người tới sau lại đứng dậy… cũng chỉ vì: “Làm trai quyết chí tang bồng… Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.” Không có “chí tang bồng” nơi những ai đành lòng sống kiếp nô lệ. Tự do hay là chết. Nói chi tới nhà tan, cửa nát… Nói chi tới sợ giặc? “Đối địch, thì địch lại đây: Bên thừng, bên chão xem dây nào bền?”. Ôi, tự do, trong tâm thức người mình còn có nghĩa là sự trở về với “bản sắc dân tộc”, vin vào “Danh dự Quốc gia” mà sống còn: “Một mai trở lại quê nhà. Dựa cây cột cháy cũng là danh thơm.”! Chẳng phải thứ tự do, xin nhắc lại, là: “Không gì quý hơn độc lập tự do”, mà thật ra ngược lại, “tự do, hơn độc lập, không quý gì!”, khiến phần đông người mình tới nay vẫn chưa có hạnh phúc.

Người đối với người, ta đối với ta phải tử tế thì cái ăn, cái chơi, ăn-chơi, mới tươm tất được. Như ăn cơm, cháo để sống, “ăn thuốc” để chơi, ăn trầu thuốc là ăn-chơi. Ăn thuốc chín dễ nghiện, uống rượu tăm dễ ghiền, vẫn có thể cai được, trừ việc người với người chung-hơi: “Đố ai ngồi võng không đưa… Ru con không hát, anh chừa rượu tăm. Đố ai chừa được rượu tăm. Chừa ăn thuốc chín, chừa nằm chung hơi? Có tôi chừa được mà thôi. Chừa ăn thuốc chín, chung hơi chẳng chừa!” Tuyệt! Cần gì gỏi cuốn, nem bì? Cần gì rượu ngon? Khi: “Cầm tay em như ăn nem bì, gỏi cuốn; dựa lưng em như uống chén rượu ngon.”

Từ cái ăn trở thành cuộc chơi, chơi chữ, về họ hàng nhà trái cây có múi: “Đầu năm ăn quả thanh yên. Cuối năm ăn bưởi cho nên đèo bòng. Vì cam cho quýt đèo bòng. Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương.” Bàn tới ăn là để nói đến người. Thanh yên, bưởi, bòng, cam, quýt…, mùa nào thức nấy, ăn rồi sao lại quên hết, lòng anh chỉ còn nhớ thương mãi người em nhan sắc? Đèo, như đeo, là mang ở phía sau lưng; đèo bòng, là nói về chuyện tình cảm vương vấn, đeo đuổi, chứa chất. Lòng nhớ thương chính là đèo bòng. Đeo nặng cái nhan sắc của người ta vào lòng mình? Sâm Cao Ly, một loại thuốc bổ quý hiếm, đắt tiền, mà: “Gặp em hớn hở, miệng cười. Bằng anh ăn chín, uống mười lạng sâm.”

Tiếng Việt giàu có lời lẽ, tuy hay, mà khó. Ngoài Bắc gọi heo là lợn. Nhưng tôi chưa thấy có “quý nhân” nào dám bảo “toạc móng lợn”; trong Nam kêu lợn là heo, nhưng chưa thấy “quới nhơn” nào dám nói “bánh da heo”; chưa thấy ai kêu nhân dân là nhơn dơn, song không ít bà con ta ở miền Nam mình vẫn gọi thế giới là thế giái. Người Bắc dùng “đồ ăn”, chỉ trong “đồ ăn, thức uống”, nhưng tránh nói tới hai tiếng “ăn đồ”. Chẳng ai nỡ dùng tiếng “đồ” trước một người bình thường hoặc giới đáng kính như thư sinh, sĩ phu; mà chỉ đặt trước những kẻ nào người ta nghĩ là thấp kém trong xã hội, như với “đồ đểu, đồ tồi, đồ hư!..” Chồng hỏi vợ, “bữa nay nhà mình ăn gì?” Không sao! Nhưng cụ Nguyễn Du mà hỏi mụ Tú Bà, “ăn gì cao lớn đẫy đà?”, ắt có chuyện. Nên những ai sành đời ở Huế và Sài Gòn thường hỏi nhau, “dùng chi ạ?”, là ăn gì, lời lẽ thanh hơn nhiều!

Chỉ thương những ai yêu nhau, phải xa nhau: “Ăn cơm sao đặng mà mời. Nước mắt lênh láng, rã rời hột cơm?” Có cơm mà không ăn nổi. Nhưng đồng bào ruột thịt mình, những anh chị em của chúng ta, còn ước làm cho nhau thật sự vui lòng, hơn cả chuyện ăn với uống hàng ngày? “Anh em cốt nhục đồng bào… Kẻ sau, người trước ra vào cho vui. Lọ là ăn thịt, ăn xôi… Quý hồ ở nết tới lui bằng lòng.” “Bằng lòng cho vui” sao được khi các chuyên gia không được quản trị quốc gia, chỉ một bọn cướp, nhân danh cách mạng, cai trị và thống trị, bất kể Quyền Con Người của anh em cốt nhục cả nước, xương với thịt, vì nạn xôi thịt?

Bạn nghĩ gì về tiếng Việt, như: “Cá không ăn câu là con cá dại. Vác cần câu về, nghĩ lại, con cá khôn.”? Con người, ơn Trời cho “có ăn, có học”, không thể bị mắc câu bởi những miếng mồi “giải phóng” của kẻ “đi câu” chính trị? Với loại mồi câu “mình vì mọi người”. Không thể như dân cầy, thợ cấy nghèo ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Bình… giờ đây phải đi “kiếm cơm từ đống rác”, nghĩa đen, vnexpress.net, 27. 09. 04, kể chuyện đám đông người đã theo “bạo lực cách mạng chuyên chính vô sản”, như: “Trong chiến tranh gia đình có đóng góp nhiều nhưng khi đất nước đã hòa bình thì đảng lo làm giàu mà không có chính sách gì giúp nông dân. Nông dân bất đắc dĩ phải bỏ làng, bỏ quê vào Nam tìm kế sinh nhai… Có những lúc đói quá, thấy trong đống rác có gì ‘xơi’ được là ‘xơi’ tất. Nhiều lúc cũng được một bữa no...” Họ bị đói thật. Không phải chuyện lo liệu trước: “Nhịn miệng, đãi khách đàng xa. Ấy là của gởi chồng ta ăn đàng.” Vâng, như “ca dao tôi”, đã kêu gào, giọng kinh sợ:

”Thời mà nhiều kẻ đi cầy.
Đi cấy bỏ ruộng, làm thầy dạy dân.
Là thời… lúa giống lép dần.
Ngọc châu… thua gạo, cục phân… hơn người.”!!

Nguyễn Hữu Nhật

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.