Saturday, April 16, 2011

Thêm Một Trận Bão Giá

Nguyễn Xuân Nghĩa

...nhập siêu quá cao và thiếu ngoại tệ nên phải phá giá đồng bạc làm lạm phát càng tăng...

Do thiên tai và thời tiết bất lợi từ năm ngoái, viễn ảnh của một vụ khủng hoảng lương thực đã gây ưu lo cho nhiều quốc gia từ đầu năm nay. Ngay sau đó, những chấn động từ Bắc Phi và Trung Đông còn làm nổi lên một mối nguy khác là trận bão giá về năng lượng. Nếu cả lương thực và năng lượng cùng lên giá, kinh tế toàn cầu sẽ xoay trở ra sao sau vụ Tổng suy trầm vừa qua? Điễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vấn đề qua cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, người ta có thể nói rằng đúng là "họa vô đơn chí" khi mà lương thực và xăng dầu có thể cùng lúc lên giá như vào các năm 2007-2008. Trên diễn đàn này, ông hay nói rằng nếu xăng dầu là sản phẩm chiến lược vì thiếu không được thì lương thực lại là sản phẩm sinh tử vì không có thì chết. Bây giờ, ta sẽ nói đến chuyện u ám đó khi lương thực đã tăng giá từ năm ngoái và dầu thô có thể sẽ lên giá do khủng hoảng tại Trung Đông. Như mọi khi, xin ông trình bày trước tiên về bối cảnh của vấn đề cho quý thính giả.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Các cụ mình có chữ "gạo châu củi quế" có lẽ ứng vào cảnh hoảng loạn bây giờ của người dân tại Việt Nam vì cơn bão giá ập xuống. Bây giờ, về bối cảnh chung thì ta đang có một thế quân bình bấp bênh giữa khả năng cung ứng và yêu cầu về tiêu thụ của hai loại nhu yếu phẩm đó.
- Từ mấy chục năm nay, phát triển kinh tế trên thế giới đã giúp nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói nên muốn ăn no hơn mà còn ăn ngon hơn. Trong bữa ăn thì phải có thịt nhiều hơn gạo nên ngũ cốc được dùng để nuôi gia súc lấy thịt. Một số quốc gia tiên tiến lại muốn giảm trừ ô nhiểm nên lấy ngũ cốc cất chế thành cồn để thay xăng. Sự tiến bộ đó khiến số cầu về nông sản tăng đều và mạnh. Song song, cải tiến về kỹ thuật canh nông có tăng năng suất, tức là nâng sản lượng thu hoạch được trên cùng một diện tích canh tác, nhưng nhiều quốc gia Á Phi đã dại dột nhảy vọt vào công nghiệp hoá mà coi thường nông nghiệp, thậm chí còn cướp đất của nông dân để làm giàu trong tiến trình họ gọi là hiện đại hóa. Hậu quả là ngoài mức gia tăng dân số khiến năm nay thế giới sẽ có bảy tỷ người thì nhân loại vẫn chỉ có đủ lương thực mà thôi. Bất cứ biến động nào làm giảm sản lượng đều có thể làm lương thực tăng giá. Từ năm ngoái, thiên tai, lũ lụt và hạn hán tại Nga, Úc, Canada, Pakistan, Argentina và Trung Quốc đã đánh sụt sản lượng nên cái thế quân bình bấp bênh giữa cung và cầu sẽ bị lật. Giá lương thực sẽ tăng.
Vũ Hoàng: Mà thưa ông, việc sản xuất, chuyển vận và phân phối lương thực lại cần xăng dầu, bây giờ dầu thô cũng lại có thể lên giá vì một thế quân bình bấp bênh khác phải không?
 
image
Hìnhminh họa

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ rằng dầu thô đã có lúc lên tới 147 đô la một thùng vào Tháng Bảy năm 2008 nhưng sau đó sụt ngay và sụt mạnh vì thế giới bị Tổng suy trầm. Bây giờ, khi kinh tế các nước trước sau đều hồi phục thì yêu cầu về năng lượng, là dầu thô, khí đốt hay than đá và điện năng đều tăng. Tháng Chín năm ngoái là lúc mà thế quân bình giữa cung và cầu trở thành khít khao và giá dầu bắt đầu  lên tới 80 đô ma một thùng. Vụ khủng hoảng tại Trung Đông vào thời điểm căng thẳng ấy tất nhiên là đẩy giá tăng vọt. Và giá năng lượng mà lên thì nhập lượng cần thiết cho lương thực cũng lên giá, là điện năng, xăng dầu, phân bón, và chuyển vận. Kịch bản này quả là một cơn ác mộng cho nhiều người.
Vũ Hoàng: Xin hỏi thêm ông một câu về bối cảnh. Các nước sản xuất dầu thô không còn khả năng gia tăng sản lượng nữa sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi e rằng không. Người ta cứ hy vọng rằng Saudi Arabia vẫn còn khả năng bơm dầu nhiều hơn nhưng thật ra về lượng thì vẫn chưa đủ bù vào mức thiếu hụt từ các nước đang bị loạn nếu khủng hoảng lan rộng và kéo dài.Và về phẩm thì xin nói là một xứ hay mỗi loại dầu lại có ảnh hưởng một khác trên giá cả nên nói chung sức ép về giá vẫn là đáng ngại.
- Nhân đây, ta cũng nhớ tới một quy luật tôi tạm gọi là "già néo đứt dây" khi các nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô đều biết rằng nếu ghìm dầu để giá lên quá mạnh thì sẽ gây họa cho sản xuất và làm giảm số cầu nên từ cả chục năm nay họ khéo cân nhắc để không vì kiếm lời nhờ dầu thô lên giá mà đánh sụt số cầu như giết luôn con gà đẻ trứng vàng. Bây giờ, họ càng không muốn điều ấy xảy ra khi kinh tế thế giới vừa hồi phục nên cố tìm cách sản xuất cho đủ với số cầu. Nào ngờ là lại bị cơn chấn động ở Trung Đông.
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần thứ hai, thưa ông. Hậu quả rồi đây sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta thật chưa biết là tình hình tại một trung tâm dầu khí của thế giới là Bắc Phi và Trung Đông sẽ ra sao và bao giờ mới ổn định nhưng nên tự chuẩn bị cho kịch bản bi quan. Thí dụ như giá dầu cho hạn kỳ Tháng 12 năm 2012 đã lên tới gần 110 đô la một thùng, tức là xấp xỉ giá hiện tại. Điều ấy có nghĩa là thị trường thế giới dự doán suốt 20 tháng nữa, dầu thô vẫn ở khoảng trăm mốt. Nếu tình hình trong Vịnh Ba Tư, kể cả Á Rập Saudi, mà cũng bị khủng hoảng thì dầu thô một trăm mốt vẫn còn là rẻ! Bây giờ nói về hậu quả thì hoàn cảnh mỗi xứ lại mỗi khác tùy theo có dầu hay không.
Vũ Hoàng: Tức là khi giá tăng vọt thì nước bán sẽ có lời mà nước mua lại thiệt, có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy, nên nhiều người lạc quan tin rằng một vụ tăng giá lương thực hay dầu thô chỉ là một hiện tượng tái phân phối lợi tức. Nôm na là xứ nào xuất khẩu thì có thêm khoản lợi tức trời cho và cái "được" đó có thể bù đắp cho cái "mất" của quốc gia nhập khẩu. Cho nên, nói trên tổng thể là hơn bù kém thì kinh tế toàn cầu sẽ không bị tai họa quá nặng.
- Thí dụ là nước xuất khẩu thu thêm lợi tức phụ trội nhờ dầu thô lên giá thì sẽ có thêm tiền tiêu thụ và đầu tư nên có thể nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia mua dầu của mình hoặc đầu tư vào mấy xứ đó chẳng hạn. Cứ nhìn vậy thì trong dài hạn, tình hình không đến nỗi tệ. Nhưng như kinh tế gia nổi tiếng John Maynard Keynes đã nói năm xưa, rằng "về dài thì ai cũng chết!" Vấn đề là chết như thế nào...
Vũ Hoàng: Nghĩa là ông không có vẻ lạc quan lắm về hậu quả của nạn dầu thô hay lương thực lên giá?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi cho là còn tùy hoàn cảnh cùa từng nước, mà hoàn cảnh của Việt Nam thì rõ ràng là kẹt cả hai đầu lẫn bốn cửa! Chúng ta sẽ phân tích dần dần để mình hiểu ra chuyện đó.
- Thứ nhất, nếu giá dầu tăng thuần túy vì chênh lệch cung cầu trên thế giới thì khi tăng quá sẽ làm số cầu giảm và số dầu mà giảm thì giá sụt mạnh hơn mức sút giảm của số cầu. Như sau khủng hoảng Đông Á năm 1997-1998, số cầu về dầu khí trên toàn cầu giảm 10% mà giá sụt tới 75%. Hoặc ngược lại, khi giá dầu tăng gần gấp đôi trong các năm 2003-2007, đà tăng trưởng của kinh tế thế giới chẳng vì đó mà sụt. Trên cơ sở đó người ta lạc quan tin rằng hậu quả sẽ không đến nỗi tệ nếu chỉ vì chênh lệch cung cầu. Nhưng, lần này có khi tình hình lại khác vì yếu tố an ninh tại Trung Đông có thể đánh sụt khả năng cung cấp dầu thô lẫn sản xuất lương thực của một khu vực rộng lớn, cho nên hậu quả sẽ không được như vậy.
- Thứ hai, vì thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất nên nói chung giới đầu tư lẫn tiêu thụ đều có sẵn tiết kiệm đủ cao sau mấy năm dành dụm và thắt lưng buộc bụng vừa qua. Nhờ vậy mà họ chịu đựng nổi cơn bão giá....
Vũ Hoàng: Nhưng xin hỏi ngay rằng Việt Nam đâu có được số vốn dằn lưng như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thì đấy mới là vấn đề! Chúng ta sẽ quay trở lại chuyện đó sau khi nhìn ra ngoài.
- Thứ ba, vì thế giới vừa bị suy trầm nên lãi suất nói chung đều hạ và áp lực lạm phát không đe dọa thiên hạ. Cho nên, nếu dầu thô hay lương thực lên giá thì các nước phải nhập cũng chẳng nên sợ hãi vật giá gia tăng mà lật đật nâng lãi suất vì sẽ chỉ khiến kinh tế càng bị đình đọng.
Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu ra cách giải thích của ông. Nghĩa là dù một số quốc gia trên thế giới có phải nhập khẩu dầu thô hay lương thực thì cũng có hoàn cảnh tạm gọi là thuận lợi, hoặc không quá tệ, cho nên đừng quá sợ mà lật đật tăng lãi suất vì sẽ hãm đà tăng trưởng và còn bị thiệt hại hơn. Nhưng Việt Nam lại không được như vậy nên ông mới nói là bị kẹt hai đầu và bốn cửa!
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như thế! Việt Nam sản xuất đủ lương thực và còn có thể xuất khẩu nên không sợ đói như nhiều xứ khác, kể cả Trung Quốc nếu hạn hán xứ này còn kéo dài qua mùa gặt tới. Nhưng hoàn cảnh của nông dân Việt Nam là họ không được hưởng lợi khi thực phẩm tăng giá mà lại bị thiệt khi xăng dầu lên giá. Đó là một lẽ bi đát cho một đa số thật ra còn nghèo và là một vấn đề kinh tế.
- Thứ hai, Việt Nam có xuất khẩu dầu thô nên có lời khi dầu lên giá, nhưng lại phải nhập khẩu xăng dầu và mọi loại chế phẩm từ dầu. Cái được khi bán dầu lại không bằng cái mất khi mua xăng. Đó là lẽ thứ hai, mà nó còn phản ảnh một chuyện quái đản khác. Cái được là của tập đoàn xuất khẩu dầu mà chằng ai biết là được bao nhiêu và nguồn ngoại tệ thặng thâu đó được sử dụng ra sao, trong khi cái mất thì quả thật là của cả nền kinh tế, của những ai phải dùng xăng dầu và sản phẩm gốc dầu khí.
Vũ Hoàng: Như vậy, ông đã nói ra hai đầu kẹt, thế còn kẹt ở những chỗ nào nữa?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa chuyện thứ ba, chiến lược phát triển của Việt Nam lại chỉ là nhập nguyên nhiên vật liệu về làm gia công và tái xuất khẩu ra ngoài. Khi các nhập lượng là nguyên liệu, nhiên liệu và hàng bán chế mình mua vào mà đều tăng giá thì giá thành của sản phẩm hoàn tất cũng tăng. Khi ấy, ưu thế xuất khẩu có còn bao nhiêu đâu trong khi nhập siêu vẫn tăng và ngoại tệ vẫn hụt? Nếu chú trọng đến canh nông và thị trường nội địa từ lâu thì may ra tránh được chuyện đó. Đấy là lẽ thứ ba.
- Thứ tư, kinh hoàng nhất trong hiện tại là Việt Nam đang bị lạm phát khiến lãi suất đã lên quá cao. Khi cả lương thực và năng lượng đều cùng tăng giá thì hậu quả sẽ thổi bùng lạm phát mà Chính quyền hết cách đỡ và hết đất lùi. Tôi xin lấy một thí dụ để minh diễn: Người ta có thể tìm cách chống đỡ ảnh hưởng của lạm phát qua chế độ trợ giá xăng dầu điện nước, hoặc thậm chí cung cấp tem phiếu cho dân nghèo để tạm đẩy lui nỗi hoạn nạn về vật giá. Trong trường kỳ thì không nên trợ giá như thế, nhưng cứ cho là vì hoàn cảnh quá sức ngặt nghèo mà phải đành vậy đi. Tuy nhiên, trợ giá tới mức nào mới đủ khi thực tế thì mới chỉ đỡ đần được chừng 15% trong khi thực giá có thể cao gấp ba hay gấp bốn? Tức là vì dự trữ ngoại tệ sắp cạn và ngân sách quốc gia bị bội chi nên Việt Nam không có đủ phương tiện cho một biện pháp dù là cấp bách và ngắn hạn. Chưa nói đến tệ nạn phổ biến là khi có trợ cấp là có lạm dụng và buôn lậu!
- Cho nên tôi e là nếu lại bị cơn bão giá về dầu khí trong thời gian tới, người dân sẽ rất khổ với lạm phát trở lại đỉnh cao của năm 2008 và Việt Nam sẽ gặp biến động.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, vì sao Việt Nam lại để xảy ra tình trạng nguy kịch như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng tôi xin nói gọn vào sự yếu kém phi thường của hệ thống quản lý vĩ mô với những liều thuốc đổ bệnh!
- Sau khi hồ hởi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007, Việt Nam bơm tím dụng ào ạt mà không lường hậu quả của cơn chấn động ngoại nhập khiến lạm phát tăng vọt tới 28%. Vừa loay hoay đối phó thì lại bị nạn suy trầm toàn cầu năm 2008-2009 nên lật đật tăng chi, đẩy mạnh đầu tư qua doanh nghiệp nhà nước rất kém hiệu năng và lại bơm tín dụng để kích thích kinh tế. Tựu trung vẫn chỉ nhắm vào đà tăng trưởng ảo mà không ngó tới phẩm chất. Thế rồi liều thuốc đổ bệnh ấy mới gây lạm phát đi cùng vụ khủng hoảng về ngoại hối hiện nay. Vì nhập siêu quá cao và thiếu ngoại tệ nên phải phá giá đồng bạc làm lạm phát càng tăng trong một vòng xoáy tai hại. Bây giờ, giữa cơn nguy ngập đó thì bị nạn dầu thô.
- Các xứ khác thì có thể ít sợ và chọn một trong hai mục tiêu là tăng trưởng hay ổn định để có biện pháp đối phó bằng lãi suất thấp hay cao chứ Việt Nam thì đã lãnh nạn lạm phát trước khi có bão nên sẽ bị nặng nhất nếu bão giá ập tới. Vậy mà chính quyền lại hết phương tiện đỡ đòn về cả tiền tệ, ngân sách hay ngoại hối, cho nên người dân sẽ có một mùa gặt thảm khốc từ những chính sách rõ là gieo họa của chính quyền.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.