Friday, February 26, 2021

Có nên đổi tên để khẳng định được bản thân?

 image

Phát thanh viên người Canada, Naba Aba Duncan hồi mười năm về trước quyết định là cô không muốn được gọi bằng nghệ danh nữa mà sử dụng lại đúng tên Ghana khai sinh của mình, phát âm đầy đủ là: Nuh-NAA-buh.

 

Cô còn để sẵn hướng dẫn cách phát âm đúng cái tên này trong phần chữ ký điện tử bên dưới email của mình, và kiên nhẫn sửa khi mọi người đọc chưa được đúng lắm. Cô nhận được rất nhiều sự ủng hộ - song cũng phải đối mặt với không ít cản trở.

 

Một phụ nữ tại bữa tiệc khăng khăng nói rằng bà ấy không tài nào phát âm nổi cái tên chính thức của Duncan, thậm chí còn phá lên cười vì sự khác biệt của cái tên và cố tình hỏi xem Duncan là người nước nào.

 

"Bà ta thực sự cư xử như thể tôi vừa mới từ một đất nước khác tới đây… tôi thực sự là cảm thấy mình giống như người nước ngoài trong mắt bà ấy," Duncan, người đã sống ở Toronto hơn 40 năm, chia sẻ.

 

Trong một buổi tụ tập khác, một vị khách nói rằng cái tên của Duncan quá khó để phát âm và thay vào đó tự tiện đổi nó gọn lỏn thành ra 'Nana'. Sau đó, có một đồng nghiệp đã hát giễu tên của Duncan dưới giai điệu bốn nốt đầu tiên của Bản Giao hưởng Số 5 của Beethoven "Na-Na-Na-BAAAAAA." Không có tên của bất kỳ ai khác bị lôi ra nhại theo giai điệu âm nhạc như vậy, chỉ mỗi tên cô.

 

"Tôi cảm thấy mình sẽ trở thành kẻ phá hỏng cuộc vui nếu như tôi nói rằng 'thực sự là tôi thấy trò đó không có gì hay ho cả'," Duncan, 43 tuổi, nói.

 

"Và tôi tự giận mình là đã không biết trân trọng bản thân trong những thời điểm như thế. Nhưng đôi khi tôi nghĩ rằng chúng ta cứ làm vậy để giữ hoà khí, bởi vì có cả trăm thứ bà rằn khác cần phải giải quyết hơn, và thế là chúng ta cứ dễ dãi tặc lưỡi lần này qua lần khác để những chuyện quan trọng như vậy trôi qua."

 

Xian Zhao, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Toronto với đề tài nghiên cứu về cách phát âm tên của các nhóm sắc tộc, nói rằng mặc dù có nhiều người không nhận ra, nhưng việc đọc sai những cái tên lạ chính là một hình thức phân biệt đối xử ngầm.

 

Điều đó gửi đi một thông điệp là "bạn là kẻ vô danh tiểu tốt", Zhao nói. "Bạn không phải là người quan trọng tại đây, vậy tại sao tôi phải tốn thời gian và phí công sức để học cách nói đúng tên bạn?"

 

Nay thì sự quan tâm mà chúng ta dành cho việc đọc tên đúng đang ngày càng được nhìn nhận kỹ lưỡng khi bà Kamala Harris nhậm chức ở Mỹ.

 

Harris, người phụ nữ da màu và người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ chức vụ phó tổng thống Hoa Kỳ, đã ngày ngày phải đối mặt với chuyện tên của mình bị phát âm sai.

 

Trong một số trường hợp, chúng thể hiện dưới dạng các lỗi sai cố tình một cách hiển nhiên để gợi ý về "sự khác biệt" hoặc thu hút sự chú ý đến nguồn gốc sắc tộc của Harris.

 

Harris đã công khai nêu quan điểm về việc cần sửa đúng những lỗi phát âm sai tên, và đưa ra một thông điệp quan trọng rằng không có lý gì để bao biện cho việc đọc sai tên; bà là người tiêu biểu, đại diện cho những ai muốn tái khẳng định bản sắc của mình.

 

Dấu hiệu tinh tế của tên gọi

 

Thay đổi tên để hoà nhập môi trường sống là điều xảy ra thường xuyên hơn chúng ta tưởng, đặc biệt là trong các hồ sơ xin việc.

 

Theo nghiên cứu từ Đại học Stanford và Đại học Toronto, gần một nửa ứng viên xin việc người da đen và người châu Á đã đổi tên trong hồ sơ xin việc của mình nhằm tìm cách xoá đi những dấu hiệu về sắc tộc. (Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng những ai "tẩy trắng" sơ yếu lý lịch có khả năng được gọi mời dự cuộc phỏng vấn cao gấp hai lần so với những người để nguyên các thông tin chi tiết về sắc tộc của bản thân.)


image

Nana aba Duncan quyết định sử dụng lại tên thật của mình - nhưng có một số người vẫn phát âm sai tên cô

 

Một số cũng dùng biệt danh hoặc tên tiếng Anh trong môi trường làm việc hoặc giao tiếp xã hội.

 

Nghiên cứu gần đây của Zhao cho thấy gần một nửa số du học sinh Trung cộng được khảo sát đang theo học tại các Đại học Mỹ đã dùng tên tiếng Anh để giúp người khác phát âm dễ dàng hơn.


image


Nhưng việc này có thể để lại hậu quả: Zhao nói ông phát hiện ra một xu hướng cho thấy việc sử dụng tên tiếng Anh có liên quan đến việc người đó có mức độ tự coi trọng bản thân thấp, và đó cũng có thể là chỉ dấu cho thấy sức khoẻ và mức độ thoải mái dễ chịu chỉ đạt ở mức thấp.


Cũng có một số người sử dụng tên thật, nhưng vấn đề là họ cứ liên tục bị người khác đọc sai tên.


image


"[Việc đọc tên sai] có thể chỉ là chuyện vặt vãnh đối với rất nhiều cá nhân. Những người khác có thể thấy việc này kiểu như là, 'ồ, chuyện đó có gì to tát đâu cơ chứ'," Myles Durkee, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Michigan, người chuyên nghiên cứu về chủng tộc, bản sắc và việc cố ý thay đổi văn hoá gốc (như thay đổi giọng nói, ngữ điệu, tuỳ thuộc vào việc người đó đang có mặt trong tình huống cụ thể nào), nói.

 

"Điều làm cho nó tệ hại chính là cái xu hướng trở thành mãn tính của việc liên tục phát âm sai tên. Và tác động âm thầm của điều đó thì nghiêm trọng hơn nhiều; nó ra tín hiệu cho cá nhân bị gọi tên sai đó rằng họ không quan trọng, ít giá trị."


image

Kamala Harris, người phụ nữ da màu và người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ chức vụ phó tổng thống Hoa Kỳ, đã ngày ngày phải đối mặt với chuyện tên của mình bị phát âm sai


Trong trường hợp Harris, lời nói huênh hoang trên sóng truyền hình của Tucker Carlson, người dẫn chương trình của Fox News, và lời nhận xét của Thượng nghị sĩ tiểu bang Georgia khi đó, David Perdue, về các ủng hộ viên của ông Donald Trump đã làm nổ bùng ra cuộc tranh luận gay gắt.


image


Khi một vị khách mời cố gắng sửa cho Carlson cách phát âm sai tên "Kamala" trên sóng hồi tháng Tám, người dẫn chương trình TV này (người có bản tin truyền hình cáp với trung bình hơn bốn triệu người xem mỗi đêm) đã phản ứng rằng, "Vậy thì sao?" và phát âm nó sai thêm vài lần nữa.

 

Perdue, người đã từng đùa giỡn khi liên tục đọc sai tên của Harris tại một tuần hành hồi tháng Mười, lại là người biết rất rõ Harris.


image


Họ đã cùng làm ở Thượng Viện Hoa Kỳ hơn ba năm, và ông đã từng cùng vớ bà có chân trong Uỷ ban Ngân sách Thượng viện gồm 21 thành viên trước khi ông thua ghế thượng nghị sĩ tiểu bang Georgia trong kỳ bầu cử hồi đầu tháng 1/2021.

 

Carlson nói rằng việc ông phát âm tên sai tên bà Kamala chỉ là "vô ý", trong khi đó nữ phát ngôn viên của Perdue nói rằng ngài Thượng nghị sĩ "không có ý gì cả".

 

Nhưng Durkee cho rằng những kiểu hành xử này là thể hiện "sự ngầm coi thường" và khi chúng được thể hiện một cách cố tình thì đó sẽ trở thành "sự tấn công ngấm ngầm".

 

"Sự tấn công ngấm ngầm dễ nhận biết hơn nhiều, chúng là những dạng cố tình phân biệt đối xử hoặc thiếu tôn trọng. Chiến lược phát âm sai tên của ai đó là cách để cô lập họ."

 

Hiệu ứng Hollywood


image


Vì rất nhiều những lý do đó mà nhiều ngôi sao nổi tiếng đã nhất quyết không bỏ qua việc phát âm sai tên.

 

Cách xử sự của Perdue đã làm bùng lên chiến dịch #MyNameIs (Tên tôi là) trên mạng xã hội, trong đó những người tham gia chia sẻ nguồn gốc và ý nghĩa tên của họ. Các diễn viên Hollywood Kumail Nanjiani và Kal Penn có mặt trong số những người tham gia chiến dịch này.


image

 

Nhưng vấn đề này đã xảy ra ồn ào từ trước khi Harris tranh cử.

 

Vào năm 2019, diễn viên hài người Mỹ, Hasan Minhaj, người thường nói về nguồn cội Ấn Độ-Hồi giáo của mình trong chương trình Patriot Act của ông trên Netflix, khi làm khách mời của chương trình The Ellen DeGeneres Show đã chỉnh lỗi cho người dẫn chương trình TV khi cô phát âm sai tên ông: "Nếu cô có thể phát âm Ansel Elgort, thì cô hoàn toàn có thể phát âm Hasan Minhaj." Đoạn clip đó đã được xem hơn bốn triệu lượt trên trang Twitter của ông.


image


"Khi tên bạn bị đọc sai, thì việc bạn không chấp nhận bỏ qua là điều đang ngày càng trở nên được coi là bình thường," Sue Obeidi, người theo dõi mảng Hollywood trong Hội đồng Quan hệ Công chúng của Cộng đồng Hồi giáo Hoa Kỳ, nói. "Đây là điều mà có lẽ năm năm trước chúng ta không thấy."

 

Obeidi, người sống và làm việc ở Los Angeles, và nhóm của bà đã tư vấn cho các nhân viên sản xuất phim và chương trình truyền hình của các show Grey's Anatomy, Transplant, Looming Tower và Aladdin, về cách tạo kịch bản chương trình chân thực hơn trong những khía cạnh có liên quan đến các nhân vật Hồi giáo.

 

Bà nói rằng mặc dù đã từng có lúc một cái tên phức tạp có thể bị lôi ra giễu cợt trên màn ảnh, nhưng các nhân vật chính như Bác sĩ Bashir Hamed trong phim Transplant và Ramy Hassan trong Ramy đang khiến cho những cái tên trước đây bị coi là "quá đặc biệt" nay trở nên bình thường trong mắt mọi người.


image

Kumail Nanjiani là một trong những ngôi sao nổi tiếng tham gia chiến dịch #MyNameIs trên mạng xã hội

 

Obeidi cũng ghi nhận rằng cách xử sự của những người nổi tiếng đối với việc đọc tên đúng, trong đó có Uzo Aduba trong loạt phim truyền hình Orange Is The New Black và diễn viên thắng giải Oscar Lupita Nyong'o, đã là chất xúc tác tạo nên sự thay đổi, trong khi Durkee nói rằng đặc biệt là các diễn viên hài, những người có thể thể hiện một cách "thẳng thừng" mà vẫn không bị coi là có thái độ "thù nghịch", đang mang đến sự nhận thức mới trong vấn đề này.

 

"Thời điểm này là đúng lúc," Obeidi nói. "Tôi không nghĩ là mọi người sẽ chọn hướng giải quyết dĩ hòa vi quý như họ từng làm. Tôi nghĩ các nhà biên kịch và đạo diễn trong ngành đang hướng tới hoặc thậm chí có thể sẽ đi theo một lối phá cách để chọn những cái tên khó đọc hơn cho nhân vật của họ."

 

Mang lại sự tự tin cho mọi người

 

Những sự thay đổi như này - dù là ở chốn biên kịch của kinh đô điện ảnh Hollywood hay ở ngay giữa chính quyền liên bang Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ - cũng sẽ có ảnh hưởng tới việc đọc đúng tên ở nơi làm việc.

 

Durkee cho rằng điều quan trọng là các nhà tuyển dụng nên hỏi nhân viên mới xem họ muốn được gọi bằng tên gì, nhất là khi họ tự giới thiệu bản thân bằng một cái tên khác với tên ghi trong hồ sơ xin việc. Và nếu như ai đó thấy cái tên đó thường xuyên bị mọi người phát âm sai, thì các đồng nghiệp và cấp quản lý nên nhắc nhở để họ gọi cho đúng.


image


Đối với đồng nghiệp thì việc đặt lệnh nhắc về phiên âm tên là một cách tốt để nhớ một cái tên mà bạn chưa từng nghe thấy bao giờ, Durkee nói thêm. Còn nếu không thì việc gọi tên sai lặp đi lặp lại này "có thể trở thành một thông điệp thô lỗ hoặc không hay tới những cá nhân đó rằng họ không phải là một thành viên đáng được coi trọng trong môi trường làm việc hoặc bối cảnh cộng tác làm việc đó".

 

Duncan, phát thanh viên người Canada, chia sẻ rằng cô nhận thấy những thay đổi tinh tế xung quanh mình.

 

Cô vô tình nghe được những đồng nghiệp đang kiểm tra kỹ lại tên của những vị khách mời trong chương trình, và cô kể rằng ngay cả những nhân viên cấp dưới cũng có vẻ không ngại ngần nhắc nhở khi ai đó gọi sai tên của họ.

 

Duncan từng dùng tên 'Nana' khi còn đi học để những người khác có thể đọc dễ dàng hơn và để tránh sự bực dọc do phải sửa sai họ.

 

Nhưng khi lớn lên, cái tên 'Nana' không còn phù hợp nữa.

 

Bố mẹ cô, những người tới Canada trong khoảng thời gian Ghana tiến tới độc lập, hồi thập niên 1950, đã đặt cho con mình một cái tên truyền thống để tôn vinh nền văn hoá cội rễ; việc đổi tên khiến người ta cảm thấy như một sự phản bội.

 

Chứng kiến một người như Harris tự hào về cái tên của mình và không chấp nhận việc bị đối xử như không phải người Mỹ chỉ vì tên gọi của mình là một ví dụ đáng giá.

 

 

 

Zulekha Nathoo


image


Vấn đề người Việt ở nước ngoài vì cách ghi Họ tên Việt Nam?
Nghịch lý của người Việt
Sự cám dỗ của cái đẹp
Joe Biden vừa đưa ra chính sách đối ngoại sai lầm tồi tệ nhất kể từ năm 1950
Đâu là lý do then chốt khiến Jack Ma bị thanh trừng?
Bài diễn văn của ông Trump tại CPAC
Texas lại rực rỡ
Đàn hặc _ Nhìn lui & Nhìn tới
Ông Trump sẽ có bài diễn văn trước công chúng sau khi rời TBO tại CPAC
Bà ngoại và 3 cháu gốc Việt thiệt mạng trong hỏa hoạn ở Texas
CNN trở mặt?
Cựu TT Trump là ‘tổng thống tốt nhất’ vượt gấp đôi cố TT Reagan
Thế giới tự do nên vạch ra ‘lằn ranh đỏ’ đối với Trung cộng
Đảng Cộng Hòa phải tiến lên trước với các ưu tiên của ông Trump
Thank You, President Trump
Lý do người California thuộc ‘Cal-Exit’ rời đi
Donald Trump tuyên bố về TNS Mitch McConnell
100 triệu người đối mặt với bão tuyết
SHOULD UNDERSTAND and RESPECT THE CULTURAL TRADITION OF EACH and EVERY COUNTRY
Donald Trump về quyết định tha bổng của phiên tòa đàn hặc

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.