Pages

Monday, August 5, 2013

Hai nhà cuối phố

image
“Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ…”

Lý do không khép trong cụm ca từ ấy là chuyện riêng của nhạc sĩ, của nhà thơ. Còn tại sao cửa sổ phòng của Vũ và Diễm điệu thường xuyên không khép? Đó là chuyện riêng của hai nhà… chúng nó!
Nhà Vũ dọn về đây chưa được một năm. Nhưng từ dạo ấy, khu phố này có hai người láng giềng không bao giờ nhếch mép chào nhau, đó là: bố Vũ và mẹ Diễm. Không hiểu họ căm ghét nhau từ kiếp nào, Vũ thường nghe bố nó bảo:
- Bà ấy mà làm tổ trưởng thì không sớm cũng muộn, khu phố này sẽ biến thành bộ lạc mất!
- Sao vậy bố?
- Còn trăng sao gì nữa, phụ nữ gì mà lúc nào mặt mày cũng gằm gằm y như mặt… Mẹ Sóc!
- Mẹ Sóc là gì hả bố?
- Trời đất! Xem phim hoài mà con không thấy cái bà vẽ mặt sọc xanh, sọc đỏ, phi ngựa xồng xộc, bắn tên vun vút, đó sao? Đằng này tô son kẽ mắt, xe máy nổ bành bạch thì có khác nhau gì!
Và, nhà phía bên kia, mẹ Diễm cũng có “định nghĩa tương đương” về bố Vũ như sau:
- Thằng cha ấy mà là nghệ nhân trồng hoa kiểng à?
- Thật đó mẹ!
- Xí! Bộ mặt hạn hán ấy có mà trồng cỏ nó cũng chả mọc.
- Bác ấy có bằng… kỹ sư nông nghiệp đó mẹ!
- Hú hồn! May phúc cho dân ta quá! Tay đó mà chỉ đạo canh tác thì xã hội này không có một hạt gạo mà ăn…
- Bác ấy vừa ghép giống được một cây hoa hồng màu tím đó mẹ!
- Xời ơi! Cái mặt khô khan sa mạc ấy trồng hồng trổ hoa màu đen là chuyện dĩ nhiên, chớ nói gì màu tím! Hoa nó bị cháy đó, chớ hay ho gì con! Nghệ nhân, kỹ thuật gì con!...

Nhưng ngược lại, hai đứa trẻ rất mến “mẹ sóc” và “sa mạc”. Có lẽ vì Mẹ Vũ mất sớm, còn bố Diễm đang sống ở nước ngoài và ông đã có vợ khác lâu rồi!
Mối thù thần thoại của Mẹ Sóc và Sa Mạc trở thành một rào chắn vô hình, ngăn cản tình bạn của chúng. Ngoài giờ học ở trường, chúng chỉ có thể liên hệ với nhau bằng những “tín hiệu tím” treo tòn teng trên hai khung cửa sổ mở rộng:
-Một mảnh vỏ dừa và tấm bìa giấy có ghi số 4 thật to: “Hẹn 4 giờ chiều tại quán nước dừa”.
– Một quyển tập và số (hoặc chữ): “Đem tập toán (hoặc văn) cho tớ mượn”.
Nhưng nhỡ có “tâm sự” khá dài dòng thì sao? Dễ ẹt. Chúng sẽ “giàn trải” lên một mẩu giấy bề ngang 4 cm, dài 20 cm. Xong, cuộn lại thành “bì” rồi dùng thun bắn qua bên kia. Để tránh “vụ án viên đạn lạc”, cửa sổ bên “muốn bắn tin” phải treo một mớ dây thun làm tín hiệu báo trước, chờ bên kia vờ “phơi” chiếc khăn tay –ngầm đáp “đã sẵn sàng”! – khi ấy, “bức tên thư” mới được phép vút qua…

* * *

image
- Tụi mình cùng ngày sinh à! Lạ nhỉ? Nhưng khác giờ chứ?
Thằng Vũ lim dim đôi mắt như cố… nhớ lại giờ phút nó chào đời:
- Đúng 5 giờ chiều. Còn cậu?
Diễm cắn móng tay làm… điệu:
- Đúng 11 giờ 45 khuya.
- Cậu có định tổ chức sinh nhật không? Trước ăn mừng, sau ăn bánh?
- Không. Bố cậu đâu cho cậu qua nhà tớ! Đứng cửa sổ trông sang, cậu sẽ buốn lắm, đúng không?
- Ừ!
- Nhưng mình vẫn tặng quà cho nhau chứ?
- Tất nhiên.
- Quà sẽ được chui qua đường cửa sổ?
- Tất nhiên.
- Và đúng vào giờ sinh của nhau. Cụ thể là tớ sẽ tặng quà cậu đúng 5 giờ chều , còn cậu thì phải tặng quà cho tớ vào đúng 11 giờ 45 khuya hôm ấy?
- Ờ… ờ! Tất nhiên.
- Người được tặng có quyền “ước” món quà mình thích?
- Tất nhiên… ồ không, tất nhiên sao được! Còn tùy theo khả năng túi tiền chứ?
Diễm điệu che miệng cười:
- Tất nhiên! Vũ ước trước đi?
Vũ nhe răng cười đắc thắng, nó vừa nghĩ ra món quà độc đáo:
- Tấm ảnh của Diễm.
- Í… không được đâu!
- Vậy thôi! Đừng nói đến sinh nhật với quà cáp gì nữa.
- Được, tớ tặng… nhưng cậu phải hứa là không để ai xem ảnh của tớ?

Hứ! Đúng là con gái. Tấm ảnh mà làm như bản đồ kho báu chẳng bằng. Vũ cất giọng hào phóng:
- Ừ hứa. Bây giờ đến cậu, cứ ước mơ thoải mái. Đối với tớ, chả có gì là khó khăn, bí mật cả.
Diễm điệu nhắm mắt lại. Nhưng hình như đôi mi cong vút, khôn ngoan ấy chỉ khép hờ thôi. Bỗng chốc, Vũ linh cảm mình đã phạm một sai lầm gì đó. Quả nhiên, Diễm điệu ước:
- Cây hồng tím ở sân nhà Vũ.
- Trời đất! Không được đâu!
- Cậu có biết trọng lời hứa không?
- Nhưng, mình sẽ… bị đòn, Diễm biết không?
- Tớ tặng ảnh cậu, bộ không bị đòn chắc?
- Nhưng cây hồng ấy là “bảo vật” của bố mình!
- Diễm cũng là “cục vàng” của mẹ vậy!
- Nhưng không thể tìm ra cây hồng nào màu tím đâu, Diễm ạ!
- Vậy cậu cho rằng có một Diễm nào khác, giống hệt con nhỏ này chắc?
Chúng nó cãi nhau. Và từ buổi trưa hôm ấy, cửa sổ của hai nhà cuối phố bắt đầu khép kín!

* * *

image
Đã hơn 11 giờ khuya. Vũ vẫn không sao ngủ được. Nó mở tập nhật ký ra ghi:
“Ngày… tháng… năm…

Hôm nay là ngày sinh nhật của mình. Đúng 5 giờ chiều, có tiếng gõ cửa sổ. Mình chưa kịp mở, tấm ảnh Diễm đã chui qua khe hở bay vút vào phòng. Sau lưng tấm ảnh, nó viết: Từ bây giờ cậu đã có hai người bạn mới, tấm ảnh và cây hoa hồng. Chúng cũng đẹp, cũng thơm nhưng chả hề biết cười, nói và… điệu như tớ. Cậu chỉ là một “người láng giềng keo kiết!”.
Mình là tên keo kiết ư? Không. Mình chỉ sợ bị đòn thôi! Ôi, ước gì trên trái đất này, người ta đừng đánh đòn nhau và đừng ai giận hờn ai cả!
Vũ dừng viết. Nó nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên kia đường, nhà nhỏ Diễm vẫn còn đèn sáng, nhưng khung cửa nhỏ nhắn đã đóng kín im lìm. Diễm không còn đợi chờ gì nữa ở một “người láng giềng keo kiết” !?...

Vũ thở dài. Giá mà nhà của Diễm ở đâu khác, xa hơn. Có thể Vũ đã dám “xăm mình” mà “rinh” chậu hoa ấy đến tặng rồi, và bố nó buộc phải tin rằng: trên đời này có một tên trộm biết yêu hoa hồng tím! Đằng này, hai nhà chỉ cách nhau một lòng đường bé tí… Ôi! Cây hồng quái gỡ kia, mi nở hoa tím làm chi cho hai khung cửa sổ sập đóng im lìm, cho cô bạn yểu điệu xinh xắn bỗng nhiên hóa thành tấm ảnh bé ti dẹp lép, cho một người có tâm hồn nghệ sĩ hào phóng này chợt mang tai tiếng là keo kiết, chi li.

Tự dưng, trí thông minh của Vũ lại nổi lên đột xuất để suy nghiệm ra rằng: có lẽ tất cả kẻ trộm trên thế gian này đều xấu, ngoại trừ duy nhất một tên trộm dũng cảm, độ lượng dám đánh cắp chậu hoa nhà mình để thỏa ước mơ của cô bạn gái! Nó quyết định…

image

Vũ lấy giấy, viết vội vài dòng đề tặng rồi bước ra vườn. Một lọn gió thoảng qua, hương hoa hồng thơm ngát. Không! Không được cảm thấy như vậy, điều ấy sẽ làm mình tiêu hao lòng độ lượng. Cỏ cây sống chả bao lâu, còn tình bạn là cả một đời. Ôi! Đừng nghĩ nữa. Đừng nghĩ nữa!...
Nó ôm lấy chậu hồng chạy băng qua đường, leo rào vào nhà Diễm, cẩn thận đặt chậu hoa xuống thềm nhà, cài mảnh giấy đề tặng lên một cành hoa. Xong, nó đến bên cửa sổ gõ mạnh mấy tiếng rồi chạy biến về nhà. Trong tâm trạng căng thẳng đến ngạt thở, Vũ vẫn biết chó hai bên đường đang “cổ võ” vang rân, Vũ biết nó vừa can đảm thực hiện xong lời hứa với bạn, Vũ biết bấy giờ vừa đúng 11 giờ 45 khuya, giờ sinh của Diễm điệu.
Nhưng có một điều Vũ không hề hay biết : vì quá vội vàng, nó đã gõ lầm cửa sổ phòng của… Mẹ Sóc !!!

* * *

- Vũ đâu, ra bảo!
Như tiếng bass từ một dàn máy ampli có công suất hàng ngàn watt, giọng hét ầm ì của ông Đạt làm những tấm tôn mỏng manh trên mái nhà rung lên bần bật. Vũ giật bắn cả người, nó tung chăn ngồi dậy và cất giọng “hòa âm”:
- Dạ… ạ… ạ!...
Vũ đã thức từ lâu lắm rồi, nhưng chưa dám rời khỏi giường. Nó chờ đợi “giờ phán xét” của bố nó.
-Mầy đem chậu hồng của bố cho ai?
- Con không dám thế đâu, bố!
- Vậy, tại sao nó nằm trong sân của mụ ta?
Vũ nhìn theo ngón tay của bố, nó toát mồ hôi lạnh. Trời ơi, đúng là… Diễm điệu! Chậu hồng chẳng những không được giấu kín mà nó còn nằm nghênh ngông, chễm chệ ở một nơi cao nhất trong sân nhà nhỏ Diễm.
- Con không biết!
Đôi mắt ông Đạt như hai ngọn đèn pha chiếu thẳng vào mặt cậu quí tử.
- Chắc chắn không phải là con, phải không?
Ôi! Chả biết vào giờ phán xử cuối cùng, anh mắt của Chúa nhân từ có trở nên rợn người như vậy? Vũ gom hết dũng cảm –vốn đã hiếm hoi- trong lòng một kẻ nhút nhát, dại khờ:
- Dạ, chắc chắn thế ạ!
Chẳng nói thêm nửa lời, ông Đạt mặc vội quần áo.
- Bố đi đâu vậy?
- Hừ! Vào hang cọp đây. Tao phải cho mụ ấy biết thế nào là lễ độ.
Ông Đạt xẹt ra cửa, nhưng ngay lúc ấy, ông bỗng va phải một phụ nữ cũng đang vội vã xông vào.
- Ôi, ông anh! Ông anh định đi đâu sớm vậy?

Vũ rụng rời kêu thầm: Mẹ Diễm! Ông Đạt cũng vừa nhận ra người khách bất chợt là Mẹ Sóc. Trời đất! Mụ ấy còn dám xông qua tận nhà ta ư? Ông Đạt lùi lại một bước để… thủ thế.
- À! Tôi định sang… bên ấy để… “hỏi thăm sức khỏe” của… chậu hồng ấy đây!
- Ôi! Quí hóa quá! Nó vẫn tươi đẹp và thơm tuyệt, ông anh ạ!
Rồi với một nụ cười thật tươi tắn –mà ông Đạt chưa hề nhìn thấy trên môi bà ấy bao giờ- Mẹ Diễm chìa ra một gói quà bọc giấy kiếng màu tím rất trang nhã.
- Có tí quà mang sang biếu ông anh, mong ông anh vui vẻ nhận cho!
Như đang lạc vào một hành tinh kỳ lạ, ông Đạt không còn biết phải làm gì hơn là đón lấy gói quà từ tay của… à không, không phải Mẹ Sóc! Hôm nay, bà ấy diện thật xinh, lịch sự, duyên dáng và… có nụ cười rất đẹp.
- Cảm ơn bà chị!
- Ồ… hổng dám đâu! Làm sao sánh được với cây hồng qua đỗi nghệ thuật và cách tặng quà vô cùng lãng mạn… à không, tôi muốn nói là hết sức tế nhị của ông anh cơ chứ!...
- Tôi… tôi tặng ư?
- Thôi! Xin “người bạn láng giềng” đừng ái ngại gì nữa! À, mà sao ông anh biết… em tên Nhỏ nhỉ? Chắc con bé Diễm nó nói phải không? Nói thật… em không ngờ ông anh vui tính và… quan tâm đến em như vậy! Trước giờ, thấy vẻ mặt, xin lỗi nhé, hay gằm gằm nhăn nhó của ông anh… nói thật lòng nhé!... Em không ưa được và cũng có giận đấy. Nhưng… thì ra, chúng ta vẫn là những người láng giềng tốt bụng và rất quan tâm nhau… Đây, em xin “hồi âm” lại “yêu cầu” của ông anh đây!
Theo tay chỉ của mẹ Diễm. Ông Đạt ngạc nhiên rút mẩu giấy cài trên gói quà. Ông nhận ra ngay nét chữ của cậu con trai yêu quí:

“Tặng Nhỏ,
Và xin hãy lập lại hòa bình giữa hai nhà cuối phố.
Người bạn láng giềng”.

Bên dưới là lời đáp lại của bà ấy:
“Tặng ông Đạt,
Hai nhà cuối phố nào đâu đã chiến tranh.
Lê Hồng Nhỏ.”

Ông Đạt nhìn sang cậu con trai đang đứng chết lặng trong góc nhà, mồ hôi dầm dề như một pho tượng đá ướt mưa. Ông chợt hiểu, và bất giác, ông vui vẻ bật cười thành tiếng:
- Này Vũ! Con pha trà cho bố đãi “người bạn láng giềng” của bố, nhanh lên nào!
Như một người máy được bấm nút khởi động, Vũ chạy biến vào nhà trong.

image
Và, trong lúc hai người lớn vui vẻ, chuyện trò. Nó mở toang cửa sổ nhìn qua nhà nhỏ Diễm. Bên ấy, khung cửa sổ cũng rộng mở, cô bé đã đứng đấy trông sang tự bao giờ. Hai đứa trẻ mỉm cười, đưa tay chào nhau. Dù cách một lòng đường, chúng chưa thể chuyện trò gì hơn được, nhưng qua “tín hiệu” chào nhau, chúng đã hiểu: hòa bình đang được thiết lập giữa hai căn nhà cuối phố.



Nguyễn Tấn Huy
image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.