Sunday, July 31, 2011

Chủ Nhật đầu tiên dừng biểu tình chống TQ

image
TS Nguyễn Xuân Diện (ngồi trái, bên cạnh Nguyễn Chí Đức) cho rằng cuộc tuần hành hôm Chủ Nhật 24/7 thành công theo đúng mong muốn của người dân yêu nước.

Sau tám Chủ Nhật biểu tình vì biển đảo, người dân tại Hà Nội tạm ngưng tuần hành chống TQ, mô tả là "để họ và lực lượng an ninh được nghỉ ngơi".
Một số người dân từng tham gia biểu tình ở Hà Nội nói với BBC hôm 31 tháng Bảy rằng "mọi người cũng muốn có cơ hội giao lưu, thư giãn"sau các sự kiện gần đây, tuy nhiên có tin là một số người dân có ý định sẽ biểu tình trở lại vào Chủ Nhật tới đây, ngày 07 tháng Tám.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, một trí thức có mặt tại cuộc gặp gỡ với khoảng hơn 100 người tham dự ở một quán cafe gần khu vực tọa lạc của Bộ Ngoại giao VN tại Hà Nội cho BBC biết chi tiết về việc ngưng tuần hành tại Hà Nội, cũng như đánh giá về cuộc tuần hành một tuần trước đó, hôm Chủ Nhật 24/7 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
"Cuộc biểu tình yêu nước và tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa được diễn ra vào sáng Chủ Nhật tuần trước đã thành công theo đúng như mong muốn của những người VN yêu nước," ông Diện nói.
"Cũng tại cuộc biểu tình đó, lực lượng an ninh của TP Hà Nội đã giúp cho cuộc biểu tình có được an ninh, trật tự, khi người ta bày tỏ lòng yêu nước, cũng như lòng tưởng vọng biết ơn đến những chiến sỹ đã bỏ mình vì nước trước đây.
"Trước tình hình đó, giới nhân sỹ, trí thức quyết định là Chủ Nhật tuần này sẽ không tham gia biểu tình."
Trước đó, hôm 30 tháng Bảy, trên trang blog cá nhân của mình, ông Diện cũng cho hay việc ngưng tuần hành còn để "các lực lượng an ninh" được nghỉ.
"Để mọi người (trong đó có các lực lượng an ninh) cùng được nghỉ ngơi, thư giãn, Chủ nhật tuần này, các nhân sĩ trí thức không tham gia biểu tình (trừ trường hợp Trung Quốc tiếp tục gây hấn)."
Tuy nhiên, cũng trên trang blog này, chỉ một ngày sau xuất hiện thông tin cho hay: "Hôm nay, mọi người đã cùng quyết định tiếp tục biểu tình tại khu vực Hồ Gươm vào Chủ Nhật tới (07/08/2011)."

"Xúc động và hào hùng"

image
Cô Trịnh Kim Tiến nói việc tham gia biểu tình yêu nước không liên quan gì tới cái chết của cha đẻ.

Trong số các gương mặt trí thức, nhân sỹ và quần chúng được tường thuật hiện diện tại quán Cafe nằm trên đường Điện Biên Phủ, có TS Nguyễn Quang A, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, Giáo sư Ngô Đức Thọ, Giáo sư Phạm Duy Hiển, nghệ sỹ violon Tạ Trí Hải, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, TS Nguyễn Văn Khải, GS. Nguyễn Đông Yên, GS. TS Nguyễn Thị Thanh và nhiều người khác.
Một số trang blog trong nước cũng cho hay từ Sài Gòn cũng có một cuộc gặp gỡ tương tự tại một quán Cafe khác, với sự hiện diện của một số vị như GS Tương Lai, GS. Chu Hảo, nhà thơ Nguyễn Duy và các nhân vật khác như Nguyễn Xuân Xanh, Lê Công Giàu, Ngô Tiến Nhơn, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Bá Thuân…
Từ quán Cafe gặp gỡ ở Hà Nội, Cô Trịnh Kim Tiến, một nữ sinh viên mới tốt nghiệp Cao đẳng Bách Khoa, người đã tham gia nhiều cuộc tuần hành chống TQ trong các tuần qua mô tả không khí của cuộc gặp gỡ trưa 31 tháng Bảy:
"Không khí rất là nhộn nhịp, rất nhiều vị nhân sỹ, trí thức có mặt," cô Tiến, người chính là con gái của ông Trịnh Xuân Tùng, nạn nhân trong vụ bị trung tá Nguyễn Văn Ninh, công an phường Thịnh Liệt, Hà Nội, cùng một số dân phòng đánh chết ngày 28/02/2011, mô tả.

"Chúng tôi nói về sự xâm lấn của Trung Quốc,và hát cho nhau nghe những bài hát về Hoàng Sa-Trường Sa"
Nguyễn Tiến Nam

"Em tham dự tuần hành với tư cách một thanh niên, sinh viên VN yêu nước. Và không hề có gì liên quan tới việc của ba em. Lần đầu tiên em đọc được một bài viết về 'Nỗi đau của Hoàng Sa' và sau đó diễn ra các cuộc tuần hành, thì em đã quyết định tham gia tuần hành cùng mọi người," cô giải thích về lý do tham gia biểu tình yêu nước của mình.
Một thanh niên khác có mặt tại cuộc gặp gỡ tại quán Cafe, Nguyễn Tiến Nam, người thanh niên đã được những người tuần hành "giải cứu" trong một lần đi biểu tình và bị Công an Quận Hoàn Kiếm "bắt giữ" cho hay thêm về cuộc họp mặt.
"Không khí rất xúc động và hào hùng. Tất cả những nhân sỹ, thanh niên và người dân có mặt ở đây gặp gỡ nhau để giao lưu, nói về Hoàng Sa và Trường Sa và trong đó có một người thầy giáo của tôi," nam thanh niên này thuật lại.
"Chúng tôi nói về sự xâm lấn của Trung Quốc, về sự đẹp đẽ và dài rộng của đất nước và hát cho nhau nghe những bài hát về Hoàng Sa-Trường Sa, đọc cho nhau nghe những bài thơ thể hiện tình yêu nước, tấm lòng của mọi người đối với đất nước và quê hương."

"Gặp rắc rối"

image

Cuộc gặp gỡ tại quán cafe ở Hà Nội hôm Chủ Nhật 31/7/11 được mô tả có khoảng trên 100 người tham dự.
Tuy nhiên, Nguyễn Tiến Nam cho hay từ sau khi tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành ở Hà Nội, anh thường xuyên gặp "rắc rối" với chính quyền.
"Tôi gặp rắc rối nhiều lần. Có một lần, bên an ninh gửi thư đến địa chỉ nhà trọ của tôi, đe dọa những người bạn cùng phòng trọ của tôi. Thư gửi cho tôi, nhưng phong bì thư đề theo một cách thức để những người cùng trọ nghĩ rằng tôi thế nào đó, thì mới bị gửi thư như vậy để đe dọa.
"Lần mới nhất đây, tôi bị hai người an ninh hay theo dõi tôi đập vỡ một gương chiếu hậu của xe của tôi... Họ cầm một viên gạch đập vỡ xe của tôi, vì tôi hay dùng gương chiếu hậu xem xem có ai theo tôi không. Và họ cảnh báo tôi rằng sau sẽ còn những sự kiện mạnh hơn nữa để xử lý tôi," Tiến Nam kể lại và đưa ra cáo buộc.
Một người khác có mặt tại cuộc gặp gỡ chiều Chủ Nhật tại quán cafe tại Hà Nội, kỹ sư tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, Lê Dũng, cho hay ông đã nhận được giấy triệu tập của an ninh với ký do đã "ký đơn đề ngày 19/7 gửi Giám đốc Công an Hà Nội," ông Nguyễn Đức Nhanh, và sẽ gặp đại diện cơ quan này sau hôm Chủ Nhật.
Ông Dũng cũng cho biết sau khi tham gia các cuộc tuần hành, một số cảnh sát khu vực đã tiếp cận với ông ở địa phương sinh sống và khuyên ông không tiếp tục tham gia.
"Em nghĩ những người lãnh đạo an ninh cũng không nghĩ là họ dùng những hình thức như thế đâu. "
Nguyễn Chí Đức, bị công an chìm đạp vào mặt
Một người tham gia biểu tình khác cũng có mặt tại cuộc gặp mặt hôm Chủ Nhật là Nguyễn Chí Đức, vốn được biết tới rộng rãi sau khi xuất hiện trong một tấm hình mà anh được ghi nhận là người đã bị các lực lượng an ninh "khiêng" lên xe buýt để giải tán và bị một nhân viên an ninh thuộc CA Quận Hoàn Kiếm dùng chân hành hung vào mặt.
Chuyên viên tin học trẻ tuổi này nói cho tới nay anh vẫn chưa rõ vì sao an ninh lại có "hành vi" được cho là thô bạo đó.
"Em nghĩ những người lãnh đạo an ninh cũng không nghĩ là họ dùng những hình thức như thế đâu. Em nghĩ chẳng qua đó là bột phát, hoặc do cá nhân, hoặc một lý do nào đó không rõ, mà không phải là sự chỉ đạo."
"Sau sự kiện đó, không chỉ riêng an ninh, mà nhiều hàng xóm và đồng nghiệp cũng tiếp xúc với em. Sau sự việc, nhiều công an ở địa phương và người ở xóm phố, hay bạn bè lâu ngày không gặp cũng hỏi thăm."
"Em cũng giống như mọi người, tất cả đều có một tâm tư tình cảm muốn chia sẻ sau thời gian dài hai tháng xuống đường. Em cũng muốn hòa đồng với mọi người và em nghĩ đấy cũng là cảm xúc chung của tất cả mọi người hôm nay," Nguyễn Chí Đức nói với BBC trong lúc tham dự cuộc gặp gỡ trong Chủ Nhật đầu tiên, Hà Nội ngưng tuần hành.


Giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài biểu tình chống Trung Quốc-phần

Các cuộc biểu tình xung quanh tòa đại sứ Trung Quốc mà thành phần tham gia đa số là giới trẻ để phản đối hành động gây hấn của Bắc Kinh tại Biển Đông đã bị trấn dẹp vào ngày 10/7 sau khi diễn ra trong năm chủ nhật liên tiếp. Ở ngoài nước, các cuộc tuần hành tương tự của thanh niên, du học sinh Việt Nam, tuy không hẹn nhau, nhưng đã đồng loạt diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới để đánh động sự quan tâm của công luận quốc tế về mối đe dọa Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam. Khách mời trong chương trình hôm nay, 4 bạn trẻ tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, và Hoa Kỳ, sẽ cho chúng ta biết thêm về sự kiện này.
Trà Mi-VOA | Washington DC

image
Du học sinh VN ở Hà Lan biểu tình chống Trung Quốc

Hiệu (Hà Lan): Không nên vì cái khó xử của chính quyền mà ngăn cản, không cho phép người dân thể hiện những tình cảm cơ bản nhất của công dân Việt Nam.
Bình: Tôi là Bình, sang Pháp 5 năm rồi, theo học ngành cơ khí.

Hiệu: Mình tên Hiệu, nghiên cứu y học, khoa thần kinh não, tại Hà Lan được 2 năm rưỡi.

Minh: Tôi là Minh, sang Bỉ hơn 5 năm. Tôi đang học thạc sĩ về năng lượng điện.

Vũ: Mình là Vũ, chủ tịch Tổng hội sinh viên miền Nam, California.

Trà Mi: Các bạn đều tham gia các cuộc tuần hành chống Trung Quốc. Các bạn có thể cho biết các cuộc tuần hành ấy diễn ra khi nào, số lượng người tham dự, và thành phần tổ chức như thế nào?

Bình: Tại Pháp, ngày 24/6 có một cuộc biểu tình do tập thể người Việt Nam tổ chức. Ngoài thành phần sinh viên, còn có sự tham dự của những người Việt sinh sống tại Pháp và các bạn Pháp. Khoảng 540 người tham gia cuộc biểu tình tại quãng trường trước Tháp Eiffel, gần đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp.

Hiệu: Cuộc tuần hành ngày 2/7 ở Hà Lan trước đại sứ quán Trung Quốc quy tụ khoảng 50 bạn sinh viên Việt Nam đang du học tại Hà Lan.

Minh: Tại Bỉ, ngày 2/7, Hội Sinh viên Việt Nam, chủ yếu là các du học sinh tại đây, tổ chức cuộc biểu tình hòa bình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Brussels. Trên 100 người đã tham gia, chủ yếu là các du học sinh sang đây học thạc sĩ và tiến sĩ. Có cả các bạn quốc tế tham gia rất nhiệt tình. Cuộc biểu tình diễn ra với thái độ cương quyết, dứt khoát, nhưng rất ôn hòa, thanh lịch.

Vũ: Các bạn trẻ Việt Nam ở miền Bắc Hoa Kỳ cùng làm bản lên tiếng chung, với sự ủng hộ của các Tổng Hội Sinh viên từ các miền ở Hoa Kỳ, gửi tới tòa lãnh sự Trung Quốc. Ngay khi biết các bạn trẻ ở Việt Nam tổ chức tuần hành, cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự Trung Quốc ở Los Angeles. Các hội đoàn sinh viên ở Nam California và các hội đoàn trẻ trong cộng đồng cùng lên đây tiếp một tay.

Trà Mi: Các bạn ghi nhận phản ứng từ người Trung Quốc, quan chức Trung Quốc thuộc các cơ quan đại diện của Trung Quốc đối với các cuộc tuần hành này như thế nào?

Hiệu: Mình tổ chức vào thứ bảy. Tuy họ không làm việc, nhưng có một số người từ trong đại sứ quán có quay phim, chụp ảnh. Mục đích chính của cuộc biểu tình không phải là xem phản ứng của Trung Quốc. Mình biết rõ phản ứng và thái độ của chính quyền Trung Quốc như thế nào rồi. Mục tiêu chính là nhằm đánh động dư luận, nhất là ở Châu Âu, để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Trà Mi: Bình ở Pháp và Minh ở Bỉ, các bạn có ghi nhận phản ứng của người Trung Quốc sinh sống và học tập tại hai nơi này thế nào trước các cuộc tuần hành phản của thanh niên, du học sinh Việt Nam?

Bình: Bên Pháp, cụ thể là ở Paris, không có phản ứng nào của cộng đồng hay cá nhân người Trung Quốc. Tương tự ở Bỉ và Hà Lan, cuộc biểu tình hôm 24/6 tại Pháp diễn ra rất hòa bình, không nhắm vào người Trung Quốc hay dân tộc Trung Quốc, mà chỉ nhắm chỉ trích các hành động của chính quyền Trung Quốc đối với Việt Nam.

Trà Mi: Người trẻ Việt Nam ở ngoài nước tuần hành chống Trung Quốc, phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc. Tham gia các sự kiện này, cảm nghĩ của các bạn ra sao? Ấn tượng đọng lại trong lòng các bạn là gì?

Hiệu: Tham gia cuộc tuần hành này, mình hy vọng góp tiếng với các bạn du học sinh, sinh viên Việt Nam ở Châu Âu và trên toàn thế giới, cùng các bạn trong nước gióng lên tiếng nói cổ võ tinh thần yêu nước. Ít nhất mình cảm thấy vui trong lòng vì đây là lần đầu tiên mình đi biểu tình, mà không phải biểu tình đòi quyền lợi cho riêng mình mà cho cả đất nước, dân tộc.

Minh: Với tôi, đây cũng là lần đầu tôi tham dự một cuộc biểu tình. Tôi thấy rất tự hào vì chúng tôi là những du học sinh, những người trẻ được may mắn học tập và làm việc tại một đất nước tiên tiến và bình yên ở Châu Âu. Qua những sự chuẩn bị của du học sinh bên này như làm thông cáo báo chí, viết tờ rơi, viết thư kêu gọi, liên lạc truyền thông, phát biểu, trả lời phỏng vấn, và trao đổi với các bạn ở các nơi khác như thế này, thật sự đây là điều đáng tự hào của người Việt trẻ yêu nước ở ngoại quốc. Ở trong nước có biểu tình nhưng vẫn bị ảnh hưởng của những người…Thôi đấy là vấn đề chính trị, mình không nói đến, nhưng ở nước ngoài thì tự do hơn. Tất nhiên mình đi biểu tình để bày tỏ thái độ với chính phủ Trung Quốc. Những gì chúng tôi làm ở Bỉ, tập họp học sinh, tổ chức tuần hành, và chuẩn bị tốt như thế, trước tiên là tôi cảm thấy rất tự hào khi tham dự cuộc biểu tình này.

Trà Mi: Bây giờ xin được lắng nghe Vũ? Anh có gì chia sẻ thêm không?

Vũ: Vũ thấy rất tự hào, rất vui. Vui vì thấy các bạn sinh viên trong và ngoài nước đều tổ chức các cuộc tuần hành. Tuy chúng ta sống ở khắp nơi trên thế giới, nhưng chúng ta có hoài bão chung vì đất nước Việt Nam cũng như giúp phổ biến tin tức cho các bạn trẻ trong nước biết là lãnh hải của chúng ta đang bị xâm lấn.

Trà Mi: Các bạn cũng biết là ở Việt Nam từng diễn ra các cuộc tuần hành tương tự với đa số người trẻ tham gia, nhưng chẳng bao lâu đã bị dập tắt. Các bạn có suy nghĩ gì về chuyện này?

Hiệu: Người dân Việt Nam chỉ làm trách nhiệm của công dân, nói lên tiếng nói cần phải nói mà còn không được phép. Thật ra do luật của mình không rõ ràng. Cần có luật rõ ràng để người dân hành xử không bị tròng tréo.

Trà Mi: Mời ý kiến anh Bình từ Pháp.

Bình: Rõ ràng việc phản đối Trung Quốc ở Việt Nam hay ở nước ngoài có ý nghĩa khác nhau. Các cuộc biểu tình ngoài nước chủ yếu là để giới thiệu vấn đề này cho các bạn bè nước ngoài được biết. Còn trong nước, biểu hiện lòng yêu nước là việc đương nhiên, nhiều người muốn làm, và có nhiều hình thức khác nhau. Mỗi nước có quy định riêng, nên cũng phải làm sao cho phù hợp với luật pháp tại chỗ.

Trà Mi: Vũ có ý kiến thế nào?

Vũ: Ở Việt Nam, thông tin lúc nào cũng bị ràng buộc bởi nhà nước, chẳng hạn như thông tin trên Facebook bị ngăn chặn. Mình nghĩ đây là quyền tự do mà các bạn nên có để phổ biến thông tin mà tất cả mọi người cần biết.

Trà Mi: Mình đang nói đến các cuộc tuần hành chống Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới của người trẻ Việt Nam. Cùng một trăn trở bức xúc, cùng một hành động như nhau, với mục đích tương tự là thể hiện lòng yêu nước, nhưng các bạn trong nước không có được điều kiện dễ dàng để bày tỏ quan điểm của mình như các bạn đang học tập ở nước ngoài. Theo các bạn, lý do vì sao?

Minh: Nói thế nào đây nhỉ? Mình thì rất ủng hộ việc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam. Vì như thế, mình có thể vận động quần chúng và tiếng nói dư luận để làm cho bộ máy chính quyền bành trướng của Trung Quốc phải chùng bước, không dám làm càng nữa. Mình thấy, ở trong nước việc đáng biểu tình thì nhà nước nên để cho nhân dân biểu tình, không nên cản trở. Bất cứ việc gì nhà nước phải thương nghị mà có nhân dân ủng hộ phía sau dĩ nhiên là dễ dàng hơn, đúng không? Nhưng đây là vấn đề họ có chủ trương riêng. Những người bắt bớ người biểu tình yêu nước, mình không nghĩ là họ không yêu nước hoặc họ vô tâm. Chẳng qua là vì họ bị kẹt trong một chủ trương lúng túng mà loay hoay không gỡ ra được. Mình nghĩ khi chủ trương ấy được tháo gỡ thì họ sẽ có cách vượt qua.

Bình: Biểu thị lòng yêu nước có nhiều cách khác nhau. Ở Pháp, cách thức và vị trí biểu tình cũng phải theo quy định tại chỗ. Biểu tình cũng không phải là hình thức duy nhất. Ví dụ, ở Pháp, ngày 22/6, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng của Pháp cũng tổ chức bàn về vấn đề chiến lược ở Đông Nam Á. Ngày 28/6, Hội Người Việt tại Pháp, Hội Hữu nghị Pháp-Việt, Trung tâm Thông tin và Lưu trữ cũng có một buổi hội thảo khoa học về các vấn đề liên quan đến công ước luật biển quốc tế. Để thể hiện lòng yêu nước và sự bất bình đối với các hành động gây hấn của Trung Quốc, có nhiều hình thức tổ chức, huy động khác nhau, phù hợp với mỗi người, mỗi địa phương.

Hiệu: Nhà nước có khó xử của họ trong quan hệ bang giao quốc tế, nhất là đối với Trung Quốc. Nhưng không nên vì cái khó xử của chính quyền mà ngăn cản, không cho phép người dân thể hiện những tình cảm cơ bản nhất của công dân Việt Nam. Tất nhiên có nhiều cách thể hiện. Không thể nói vì người ta không đi biểu tình là người ta không yêu nước, nhưng biểu tình là một cách để thể hiện lòng yêu nước. Không nên dựa vào những khó khăn của chính quyền trong quan hệ với Trung Quốc mà buộc người dân không được thể hiện những tình cảm đó.

Mình thấy không hay.

Trà Mi: Thông điệp mà các bạn trẻ ở ngoài nước muốn nhắn gửi đến giới trẻ tại Việt Nam là gì? Và họ có thể làm gì hơn nữa giúp lan truyền nguyện vọng và tiếng nói của thanh niên Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước? Trà Mi mời quý thính giả đón nghe phần thảo luận kế tiếp trên Tạp chí Thanh Niên vào giờ này, tuần sau.

Chuyên mục Tạp chí Thanh Niên của đài VOA được phát thanh trong chương trình từ 10 đến 11 giờ tối thứ sáu và tối chủ nhật hàng tuần. Qúy vị muốn chia sẻ quan điểm và trao đổi với độc giả khắp nơi trong các đề tài của Tạp chí Thanh Niên, xin truy cập vào chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang web www.voatiengviet.com. Các bạn trẻ muốn trực tiếp tham gia những chương trình thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, xin email số phone về vietnamese@voanews.com, chúng tôi sẽ liên lạc mời các bạn góp tiếng. Trà Mi kính chào tạm biệt quý vị.

Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Nhật Bản

Tôi Theo Gót Đồng Hương Đi Biểu Tình Chống Trung Quốc Ở Tokyo
Hai tuần trước tôi biết được Cộng đồng người Việt ở Tokyo và vùng phụ cận sẽ tổ chức xuống đường vào ngày chủ nhật 24 tháng 7 nhằm phản đối Trung quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, nhưng vì công việc hãng khó thu xếp được để tham gia khiến lòng tôi áy náy vô cùng.

image

Thứ ba ngày 19 tháng 7, tôi nhận được tin người em trai tôi bị công an đến nhà răn đe chỉ vì hôm chủ nhật 17/07 đã đi biểu tình chống Trung quốc ở Hà Nội; thế là tôi quyết định ngay phải tham gia biểu tình với bà con mình ở Nhật cho dù có bị bà Xếp hãng cằn nhằn.
Trái với sự dự tưởng của tôi, khi trình bày lý do xin nghỉ để đi biểu tình thì được Bà vui vẻ chấp nhận ngay và còn cho thêm mấy ngàn yen để đi xe, uống nước rồi còn nói một câu làm tôi rưng hai hàng nước mắt, “Tụi Trung quốc xấu lắm, chuyên ỷ mạnh hiếp yếu, em phải đi biểu tình chống tụi nó xâm lăng đất nước của em chứ, tôi sẽ giận lắm nếu biết em không đi”. Bà ta kể rằng có nghe tin tức về chuyện người dân Việt Nam ở Hà Nội, Sài Gòn đi biểu tình rất ôn hòa để chống Trung quốc xâm lược bị công an đàn áp mạnh tay, và thắc mắc tại sao lại như vậy? Cả nhà bà xem tin mà chẳng ai lý giải nổi, nhất là đứa con gái lớn của bà cứ bảo làm gì có chuyện đó, nếu có thì Việt Nam đâu khác gì tình trạng của Tây Tạng bây giờ.

image

Sáng sớm chủ nhật ngày 24/07, bà Xếp phone cho tôi bảo rằng đứa con gái của bà muốn đi biểu tình chung với tôi có được không, nếu được thì nhờ đến đón dùm. Một lần nữa tôi phải ứa nước mắt vì quá cảm động. Hai chị em chúng tôi đến ga Ebisu lúc 12 giờ trưa thì thấy nhiều người Việt Nam đi thành từng toán đổ về công viên nơi làm lễ khởi hành cuộc biểu tình. Công viên Ebisu này nổi danh với nhiều cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ mà mới đây nhất là những cuộc biểu tình ủng hộ Cách mạng Hoa Lài của người Tunisia hay của người Ai Cập đòi lật đổ chế độ độc tài Hosni Mubarack.

image

Ở Nhật, học được cái hay của người ta là đúng giờ, đúng giấc nên buổi lễ đã diễn ra theo như chương trình đã ghi. Sau phần chào cờ và hát quốc ca Nhật và Việt, ông Nguyễn Phương Khanh, Trưởng ban Tổ chức biểu tình, đã trình bày lý do của cuộc biểu tình ngày hôm nay, ông nói lý do thì ai cũng hiểu còn mục đích là lôi kéo người dân bản xứ ủng hộ người dân Việt Nam chống Trung quốc xâm lược và bày tỏ sự quyết tâm ủng hộ của người Việt tại Nhật đối với đồng bào quốc nội trong việc bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ. Tiếp đến là lời phát biểu của một vị khách người Nhật, Giáo sư Tono Oka thuộc Đại học Keio (một trong sáu đại học nổi tiếng nhất ở Tokyo). Giáo sư Tono Oka chia sẻ rằng ông rất cảm kích trước việc người dân Việt Nam ở Sài Gòn, Hà Nội đã liên tục xuống đường biểu tình chống Trung quốc xâm lược bất chấp sự đàn áp của nhà cầm quyền; ông cũng nói cho những người Nhật có mặt tại chỗ biết rằng tại Việt Nam người dân bị cấm không được biểu tình cho dù mục đích của cuộc biểu tình là phản đối Trung quốc xâm lược Việt Nam:
- “Tôi đã từng nói vói nhà cầm quyền Việt Nam rằng phải xem những cuộc biểu tình đó như là một thông điệp gởi đến cho những người lãnh đạo ở Bắc Kinh biết về tinh thần sẵn sàng bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của ngưòi dân Việt Nam. Ngăn cấm biểu hiện lòng yêu nước của người dân sẽ mở rộng thêm đường cho Bắc Kinh xâm lăng mà thôi. Tôi không buồn vì những lời của tôi bị nhà cầm quyền Hà Nội bỏ ngoài tai mà chỉ buồn cho người dân Việt Nam có một nhà cầm quyền như vậy thì khó mà bảo vệ biển, đảo trước bá quyền Trung quốc luôn tìm cách xâm lược các nước lân bang.”

image

Kế đến là ông Kojiama, một khuông mặt trẻ đang nắm chức Chi bộ trưởng Tokyo của đảng Kofuku Jitsugen (Thực hiện Hạnh Phúc) đã lên phát biểu như sau:
-“Không một người dân nào hạnh phúc được khi đất nước mình đang bị ngoại bang xâm lược; khổ tâm nhất là muốn đứng lên bảo vệ tổ quốc mà bị nhà cầm quyền ngăn cấm; tệ hại hơn nữa là ra tay đàn áp với lý do đây là chuyện của nhà nước. Không thể như thế được, nhà cầm quyền có phần việc của nhà cầm quyền, người dân có bổn phận bảo vệ đất nước của nguời dân; phải kết hợp cả hai mới mong chống lại bá quyền phương Bắc. Hôm nay chúng tôi tham gia cuộc biểu tình này là muốn bày tỏ sự ủng hộ ngưòi dân Việt Nam trong công cuộc chống Trung quốc xâm lược.”

image

Cuộc biểu tình bắt đầu đúng 13 giờ 30 phút. Dẫn đầu là một xe phóng thanh mà tôi thấy trên đó có hai phụ nữ bận áo dài ngồi trên đó cầm và hô to các khẩu hiệu cho đoàn biều tình đáp lại. Khác với cách suy nghĩ thành nếp của tôi là người hô khẩu hiểu phải là đàn ông, thế nhưng khi nghe giọng nữ hô to khẩu hiệu trên loa phóng thanh thì tôi thấy nó hiệu quả vô cùng, cộng thêm với những tà áo dài đi đầu đã làm cho đoàn biểu tình được hầu hết những người đi đường quan tâm. Tôi để ý có nhiều người đứng nhìn với cặp mắt đầy thiện cảm, vỗ tay ủng hộ và đưa camera, điện thoại di động lên chụp hình.
Đoàn biểu tình khoảng 200 người sắp thành hàng 4 vừa đi vừa hô to những khẩu hiệu “Đả đảo Trung quốc xâm lược!” làm rung động nhiều khu phố đông đúc người qua lại của một buổi chiều chủ nhật. Tôi thường liếc mắt nhìn người con gái của bà Xếp tôi để xem phản ứng như thế nào về cuộc biểu tình này thì thấy cô ta vỗ tay cũng nhiều mà hô đáp theo các khẩu hiệu cũng to hơn tôi. Lộ trình biểu tình khá dài, đi bộ gần cả tiếng rưởi đồng hồ, thế mà chẳng ai than mỏi chân hay hô rát cổ họng.

image

Sau khi đến địa điểm giải tán, đoàn biểu tình còn kéo đến trước cổng sứ quán Trung quốc hô to khẩu hiệu “Đá đảo Trung Quốc xâm lược” trước khi ra về. Ngồi trên xe điện trở về nhà, cô con gái người Nhật đó nói với tôi rằng tối nay về em sẽ viết lại cuộc biểu tình này trên Facebook, Twitter để cho mọi người biết, chắc chắn sẽ có rất nhiều phản hồi tốt vì hầu như ai cũng bực mình về hành động cá lớn muốn nuốt cá bé của Trung quốc; và còn nói thêm lần sau có biểu tình cho em biết trước một tuần để em kêu gọi trên Facebook thì sẽ có nhiều người tham gia.

Cám ơn em, cám ơn Ban tổ chức biểu tình đã cho tôi một ngày chủ nhật đầy ý nghĩa và tôi muốn nói với người em trai tôi rằng: Chị ở xứ người đi biểu tình chống Trung quốc xâm lược tổ quốc Việt Nam được sự ủng hộ hết mình của người dân bản xứ, cảnh sát của người ta thì rất lịch thiệp giữ trật tự giao thông cho mình đi; trong khi em ở ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội muốn bày tỏ lòng yêu nước thì lại bị nhà cầm quyền cấm cản, công an hăm dọa!

Tokyo, chủ nhật ngày 24 tháng 7 năm 2011
Nguyễn Thị Yêu Nước

Friday, July 29, 2011

Chích Ngừa và Khai Trường

image


Thế là các em học sinh lại sắp trở về với trường ốc, sau mấy tháng nghỉ trong một mùa hè nóng bức.
Cha mẹ bận rộn lo sắm sửa quần áo đồng phục, sách vở cho con em. Đồng thời cũng không quên đưa con em tới phòng mạch bác sĩ để khám sức khỏe tổng quát, nhất là cập nhật hóa sổ chích ngừa các bệnh có thể ngừa được.
Nói tới chích là các em sợ, sợ đau. Mà các bậc cha mẹ đôi khi cũng e dè không tin tưởng ở công hiệu của chích ngừa hoặc ngại có phản ứng của thuốc chủng.
Nhà chức trách quan tâm tới vấn đề sức khỏe của dân chúng thì chặt chẽ hơn: Hầu hết các trường học đều đòi hỏi một số chích ngừa trước khi các em có thể đi học..
Câu chuyện ngừa bệnh này dường như cũng nêu ra nhiều khúc mắc, nên xin cùng tìm hiểu thêm.

image
I got a shot the other day. To avoid the swine flu
 
Tính miễn dịch của cơ thể

Ngay khi còn nằm trong lòng mẹ, thai nhi đã được thiên nhiên trang bị cho một hệ thống phòng thủ, bảo vệ để chống lại bệnh tật, đó là “tính miễn dịch”.
Đây là một hiện tượng di truyền được tạo ra do một số tế bào đặc biệt trong máu và hạch bạch huyết sản xuất chất kháng thể để tìm diệt mầm gây bệnh.
Ban đầu nó còn kém phát triển, nhưng trong thời gian mà cơ thể lớn lên, nó được tăng cường bằng những yếu tố phòng bệnh từ máu và sữa mẹ. Nhờ đó con người tự nhiên tránh được một số bệnh mà các động vật khác thường mắc phải.
Khi khỏe mạnh, cơ thể có thể ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh, nhưng nếu vì lý do nào đó mà cơ thể yếu đi, mầm độc sẽ lấn át, gây ra bệnh.


image
Swine Flu Vaccine H1N1 The Truth about Swine Flu
Có điều đáng lưu ý là thường  thường khi đã bị bệnh một lần thì lần sau sẽ được miễn nếu chẳng may tái nhiễm với cùng vi khuẩn. Lý do là cơ thể đã được kích thích để hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại bệnh. Đây cũng là nguyên tắc của việc tạo ra miễn dịch bằng sự tiêm chủng: gây ra một bệnh rất nhẹ để tạo ra sức đề kháng với tác nhân của bệnh đó.

Ngoài sự miễn dịch, lớp da bao bọc cơ thể cũng là thành trì chống mầm độc ngoại xâm từ môi trường chung quanh; chất acid chua trong bao tử có công dụng tiêu diệt vi trùng tình cờ còn lẫn trong thực phẩm; chất nhờn ở cơ quan hô hấp và tiểu tiện để đưa đẩy chất có hại ra khỏi cơ thể.

image

Nguồn gốc sự chủng ngừa bệnh

Sự chủng ngừa đã được dùng ở Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp từ ngàn năm trước khi họ tìm cách ngừa bệnh đậu mùa bằng chất liệu lấy từ người bệnh đưa vào người lành. Sau đó, nhiều y khoa học gia cũng lưu tâm khảo cứu thêm về vấn đề này.

Nhưng phải đợi tới năm 1796, sự việc mới được cụ thể hóa. Một y sĩ người Anh, Edward Jenner, nhận thấy là người vắt sữa ở những con bò có bệnh đậu mùa sẽ bị lây bệnh nhưng đồng thời họ đã tạo ra được tính miễn dịch với bệnh này. Ông ta bèn chủng đậu bò cho con người với hy vọng bảo vệ không bị bệnh đậu mùa trong những dịp tiếp xúc với mầm bệnh sau này.

Để chinh phục y giới về kết quả việc khảo cứu, ông ta chủng cho chính con trai của mình và đứa bé không bao giờ mắc bệnh. Bác sĩ Jenner đã thành công và đặt nền móng cho việc chế biến thuốc chủng an toàn chống bệnh nhiễm khuẩn ở các quốc gia Tây Phương.

Từ nước Anh, thuốc ngừa Đậu Mùa nhập cảng vào Hoa Kỳ. Được thông báo sự công hiệu của thuốc chủng, Tổng Thống Thomas Jefferson bèn áp dụng cho thân nhân, gia đình, và cả bà con lối xóm nữa.

Cách bào chế thuốc chủng ngừa

Nhắc lại là để có thể gây ra bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn cần được tăng gia sinh sản và gây tổn thương cho các cơ quan, bộ phận của cơ thể.
Trong thuốc chủng, mầm gây bệnh được chế biến để không có khả năng sinh sản hoặc sinh sản rất ít, không đủ mạnh để gây ra bệnh nhưng có khả năng tạo ra kháng thể chống lại với mầm bệnh về sau này.

image

Có loại thuốc chủng trong đó:

a-Gene của mầm độc đã được thay đổi khiến sự sinh sản tuy còn nhưng rất yếu
 (bệnh sởi, quai bị, trái dạ, tê liệt loại uống).

b- Gene bị tiêu diệt hoàn toàn không còn sinh sản (thuốc chủng bệnh tê liệt loại chích).

c- Thuốc chủng chỉ dùng một phần của mầm độc, không có gene cho nên tri73 thành vô sinh (chủng ngừa viêm gan B, ho gà).

đ- Thuốc chủng mà độc tố của mầm độc đã bị vô hiệu hóa (bệnh yết hầu, phong đòn gánh).

image
Varicella "Chicken pox"

Ở bên Mỹ, sau khi được các viện bào chế sản xuất, thuốc được đưa cho cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ kiểm soát coi có an toàn và công hiệu không.
Rồi một ủy ban khác gồm các chuyên viên có kiến thức cao về dịch học và bệnh trẻ em sẽ thảo luận về ích lợi, phí tổn của thuốc, đưa ra lời khuyến cáo nên dùng thuốc chủng như thế nào.

Giai đoạn cuối là các trường học thường đòi hỏi là trẻ em muốn nhập học phải có giấy chứng nhận đã chích ngừa một số bệnh. Tất nhiên, riêng tại Hoa Kỳ, cha mẹ có thể từ chối sự chủng ngừa vì lý do tôn giáo, đạo đức, quan niệm sống hay chủng tộc.

Nhiều người không chấp nhận, ngần ngại chích ngừa vì một vài hiểu lầm cho là chủng ngừa không công hiệu, không an toàn, có thể gây ra tác dụng phụ hoặc gây ra bệnh.
Có người lý luận là cứ để tự nhiên có tính miễn dịch sau khi mắc bệnh hơn là chủng ngừa, vì chủng ngừa đôi khi làm suy yếu tính miễn dịch tự nhiên của trẻ em.

Thực tế cho hay không có thuốc ngừa nào an toàn 100%. Hơn nữa, khi kiểm điểm kết quả sự chủng ngừa với các bệnh trên thế giới ta thấy sự ích lợi quá to lớn so sánh với một số tác dụng phụ nhẹ nhàng, không nguy hiểm. Thuốc chủng ngừa bệnh đã là một trong mười kỳ công trong phạm vi y tế công cộng của thế kỷ 20.

image


Hữu hiệu của chủng ngừa

Giáo sư Nhi khoa Samuel Katz của Trung Tâm Y Khoa Duke University bên Mỹ, người có nhiều kinh nghiệm về chủng ngừa, đã quả quyết: ”Sự tạo ra tính miễn dịch là phương tiện hữu hiệu duy nhất để làm giảm số bệnh tật và số tử vong ở trẻ em”.
Để thấy sự công hiệu của thuốc chủng, xin hãy coi qua vài thống kê sau đây về một số bệnh:

a-Bệnh tê liệt trẻ em: Trước khi có thuốc chủng bệnh này vào thập niên 50, có cả ngàn trẻ em bị bệnh, làm tê liệt hạ chi phải mang nạng, ngồi xe lăn; nhiều bệnh nhân bị liệt hô hấp phải nằm trong lồng phổi sắt để thở.
Từ năm 1997, không còn trường hợp tê liệt nào được báo cáo ở nước Mỹ và các nước ở Tây bán cầu. Năm 1994, một dịch tê liệt từ Ấn Độ xâm nhập Gia Nã Đại nhưng nhờ chích ngừa ráo riết nên đã chặn đứng được dịch này.

b- Bệnh sởi: Còn nhớ khi xưa ở bên nhà hầu hết trẻ con bị ban sởi với số tử vong cao vì các biến chứng như sưng phổi, viêm não, tổn thương não bộ. Đó là do không có chích ngừa đầy đủ. Cho nên các cụ ta khi đó thường nói là đừng tính có bao nhiêu con cho tới khi chúng sống sót sau bệnh ban sởi.
Ngày nay con cháu ta bên Mỹ này năm thì mười họa mới có em mắc bệnh sởi, nhờ chương trình chủng ngừa sởi ở đây rất chu đáo, hầu như bắt buộc ngay từ khi các em vào học lớp mẫu giáo. Trong nước thì việc chủng ngừa bệnh này cũng được khuyến khích mạnh mẽ.

Năm 1941, chưa có chủng ngừa, có gần 900.000 trường hợp bệnh sởi. Thuốc chủng được bào chế năm 1962 và năm 1997, chỉ còn trên 100 trường hợp.

c-Bệnh đậu mùa:  một thời đã làm thiệt mạng nhiều người trên thế giới, nay coi như đã bị xóa sổ; bệnh ho gà, bệnh yết hầu, bệnh phong chẩn đã giảm rất nhiều nhờ chủng ngừa.
Nếu ngưng chương trình chủng các bệnh có thể ngừa được thì chắc ta sẽ thấy bột phát trở lại những dịch chết người kinh khủng như vào đầu thế kỷ vừa qua.

Các bệnh nên chích ngừa

image

Hiện nay 10 loại chủng ngừa sau đây được khuyến cáo nên áp dụng vì công hiệu miễn dịch cao: yết hầu (Diphtheria), uốn ván (Tetanus), ho gà (Pertussis), tê liệt (Polio), ban sởi (Measles), quai bị (Mumps), phong ban (Rubella), viêm gan B (Hepatitis B), viêm não B (H. influenza B), thủy đậu (Varicella).

Việc chủng ngừa thường bắt đầu thực hiện khi các em mới sanh hoặc sanh được 2 tháng. Tới khi chúng lên 2 tuổi thì hầu như 80% việc chủng ngừa đã được hoàn tất.
Thuốc chủng có thể gom chung với nhau cho tiện, chẳng hạn ngừa quai bị, sởi, phong ban với nhau, yết hầu, uốn ván, ho gà cùng một lúc.


Lịch trình chích ngừa:

image

a- Mới sanh : chích viêm gan B (Hep B) lần đầu.

b- Hai tháng: ho gà, uốn ván, yết hầu (DTaP), tê liệt (Polio), Hemophillus  Influenza (Hib) lần đầu + Hep B lần thứ nhì.

c- 4 và 6 tháng: DTaP lần thứ nhì + Hib lần thứ nhì rồi thứ ba.

đ-12 tháng: thủy đậu, ban sởi, quai bị, phong ban (MMR) lần đầu + Hib lần thứ tư; Hepatitis A 2 lần cách nhau 6 tháng.

e- 15 tháng: Hep B lần ba + DTaP lần thứ tư.

g- 4 tới 6 tuổi: MMR lần thứ nhì + Polio lần thứ tư.

Thường thường tất cả các chích ngừa này được hoàn tất sau năm sáu lần tới phòng mạch bác sĩ.
Một câu hỏi thường được đặt ra là nếu mình quên một lần chủng ngừa theo lịch trình thì phải làm sao.
Xin thưa là không bao giờ quá trễ để chích ngừa. Khi lịch trình bị gián đoạn vì quên, ta không phải chích lại từ đầu mà chỉ cần chích từ lần đã ngưng.

Phụ huynh nhiều khi cũng bối rối không biết phải chích bao nhiêu lần để có miễn dịch hoàn toàn hoặc bao giờ phải chích bồi dưỡng, bổ túc. Đặc biệt là các em hay nghịch ngợm chạy nhẩy dễ té ngã trầy da, nguy cơ nhiễm bệnh phong đòn gánh gia tăng, cho  nên cần chích tăng cường thuốc ngừa này mỗi mười năm.
Do đó, cần giữ sổ chích ngừa cẩn thận để ghi nhớ, theo dõi lịch trình chích ngừa đã được các nhà chuyên môn y tế ấn định, nhất là khi di chuyển sang địa phương khác, hoặc khi thay đổi bác sĩ gia đình.

Tại Hoa Kỳ, đa số các chương trình chích ngừa đều miễn phí hoặc lệ phí rất thấp, qua các trung tâm y tế địa phương hay tại phòng mạch bác sĩ.


Phản ứng phụ và trường hợp không chích ngừa

image

Tác dụng phụ của thuốc chủng cũng thường xẩy ra nhưng rất nhẹ: chỗ chích hơi sưng, hơi đau, ngưa ngứa, nhiệt độ hơi lên cao. Trong các trường hợp này, ta có thể cho con em uống một liều thuốc giảm sốt acetaminophen ( Tylenol). Nhớ là không nên cho thuốc Aspirin. Cho con em uống nhiều nước để hạ nhiệt; mặc quần áo thoáng nhẹ; chườm khăm tẩm nước ấm.
Hãn hữu lắm mới có phản ứng mạnh như khó thở, hạ huyết áp, nổi ngứa cùng mình, ngất xỉu ngay sau khi chủng. Khi bị phản ứng mạnh như vậy thì không được chủng ngừa với thuốc chủng đó nữa.

Khi các em có các dấu hiệu sau đây thì nên cho bác sĩ hay ngay:

a-Nhiệt độ đo ở hậu môn lên trên 105F hoặc 39 C

b-Nếu da xanh rờn và con em đi cà nhắc.

c-Con em khóc liên tục cả mấy giờ sau khi chích ngừa.

d-Cơ thể con em run giựt.

Các em bị bệnh ung thư, bị bệnh liệt kháng AIDS cũng không được chủng loại thuốc trong đó mầm bệnh bị làm suy yếu, như thuốc chủng bệnh sởi, quai bị, phong ban, thủy đậu, tê liệt.
Trẻ em đang đau ốm thì tùy theo trường hợp: nặng với nóng sốt cao vì nhiễm trùng thì hoãn chủng ngừa tới khi bình phục. Khi các em chỉ bị đau nhẹ như viêm tai, ho, sổ mũi, tiêu chẩy thì đều có thể chủng ngừa được. Bác sĩ gia đình sẽ cho ta lời khuyên quyết định.

image

Kết luận

Bệnh tật không phải tự nhiên tan biến đi.
Mặc dù con người đã ý thức được những nguyên nhân gây bệnh, đã sống điều độ, vệ sinh hơn, y học đã cống hiến nhiều phương tiện trừ bệnh tật, nhưng bệnh tật vẫn còn luẩn quẩn đó đây chỉ chờ cơ hội thuận tiện là xâm nhập cơ thể ta.
Cho nên sự phòng ngừa bệnh, mà chủng ngừa là một, vẫn còn rất quan trọng.
Vả lại “An ounce of prevention is worth a pound of cure” hoặc “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Chỉ cần một sự quan tâm, dành ra một chút thì giờ để thực hiện sự phòng ngừa này là ta có thể tránh được những dịch bệnh gây tử vong cao như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 giết gần 20 triệu người trên thế giới; giúp cả ngàn trẻ em tránh được khuyết tật bẩm sinh về tim, mắt, điếc và chậm trí do bệnh Rubella từ mẹ truyền cho con; cứu sống cả triệu trẻ em trên thế giới khỏi thiệt mạng vì bênh sởi.
Đấy là phần thưởng của mũi thuốc chích mang lại sức khỏe tốt cho con người. Chẳng lẽ ta lại bỏ qua những cơ hội phúc lợi mà xã hội đã ân cần cung ứng, hiến dâng.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Texas-
Hoa Kỳ


Cái giá của tham vọng cao tốc

image

Người thân đau buồn trước cái chết của các nạn nhân vụ tai nạn tàu hỏa cao tốc ở Ôn Châu.
Vào lúc Trung Quốc để tang cho các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ tai nạn đường sắt cao tốc hồi tuần trước ở gần Ôn Châu, tỉnh Triết Giang, một bầu không khí giận dữ đang dấy lên.

"Người dân không cần chiếc tàu số một thế giới này hoặc danh hiệu thế giới kia. Tất cả những gì mà chúng ta muốn chỉ là an toàn!" một độc giả bình luận trên mạng thông tin phổ biến Sina.

image

Nhưng điều tổn thương khác của vụ tai nạn có thể lại là những tham vọng của Trung Quốc với ngành công nghệ đường sắt, vốn đã được phát triển nhanh chóng và từng có nhiều hy vọng làm nước này trở thành một nhà xuất khẩu thành công.

Trước vụ tai nạn, tất cả các câu chuyện đều xoay quanh động lực của Chính phủ nhằm phá vỡ kỷ lục. Mạng đường sắt cao tốc Trung Quốc đã từng là mạng lưới lớn nhất trên thế giới, cũng như đã được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục.

Những giải thưởng không còn được tung hô nữa, khi người ta buộc lỗi cho việc chạy đua khẩn trương và các tham vọng đã gây ra cái chết cho ít nhất 39 người.

image

Các tuyến hỏa xa cao tốc của Trung Quốc khai trương vào năm 2007 với kế hoạch lắp đặt 16.000 km đường ray cao tốc vào năm 2015, vốn biến đây trở thành tuyến đường sắt cao tốc lớn nhất trên thế giới.

Vấn đề công nghệ

Thế nhưng dự án này đã gặp một loạt vấn đề, ngay cả trước vụ tai nạn gây chết người.

Trước tiên là những cáo buộc về tệ tham nhũng tràn lan đã vươn tới tận cấp Bộ Đường sắt, rồi sau đó là những chậm trễ gây ra do tình trạng thiếu điện.

image

Song một số ý kiến cho rằng sự cố mới nhất lẽ ra đã có thể ngăn chặn được, nếu giới chức chú ý tới những báo động được đưa ra.

Allistair Thornton từ IHS Global Insight cho biết:

"Người Nhật nói rằng họ đã cảnh báo Trung Quốc trong nhiều năm về việc mở rộng quy mô với tốc độ nhanh chóng này."
Điều này được coi là một nhắc nhở quan trọng khi mà một số công nghệ được các công ty Trung Quốc nói rằng họ đã “cải tiến” sau khi mua về từ hãng Kawasaki của Nhật Bản, cũng như từ hãng Bombadier của Canada và hãng Siemens của Đức.

image

Các cáo buộc khác là thời gian xây dựng cũng được rút ngắn không cần thiết.

"Đã có chỉ trích về việc tăng tốc xây dựng, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng có thể có một số vấn đề trong khâu vận hành sau này," theo Ingrid Wei, phân tích gia về hạ tầng cơ sở của Credit Suisse ở Thượng Hải.

Kế hoạch toàn cầu

image

Vụ tai nạn tàu hỏa cao tốc được cho là có hậu quả lâu dài với ngành công nghiệp hỏa xa của TQ.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã suy tính xa hơn nữa, vượt qua cả thời điểm hoàn thành.

image

Các hãng hỏa xa của Trung Quốc như CSR Corp, CNR Corp và Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đã hy vọng bán công nghệ mới ra nước ngoài, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm tương tự của Siemens và Bombadier.

Tuy nhiên, vụ tai nạn đường sắt đã làm lung lay niềm tin của công chúng vào hệ thống đường sắt của Trung Quốc cả ở bên trong lẫn ở ngoài nước.

image

Các chuyên gia cho rằng điều này có nghĩa là những khách hàng tiềm năng như Malaysia, Venezuela và Ảrập Saudi trông vọng vào các kế hoạch phát triển và mở rộng đường sắt của Trung Quốc, sẽ trì hoãn các tham vọng này lại.

Và các thị trường có khả năng sinh lợi cao cho Trung Quốc như Mỹ, sẽ không còn là những lựa chọn nữa.

"Quả là khá khó khăn để tưởng tượng việc có bất kỳ chính trị gia nào tại Hoa Kỳ lại dám ký kết về đường sắt cao tốc với Trung Quốc vào lúc này. Và do đó, một thị trường khổng lồ mà họ từng hy vọng để khai thác đã bốc hơi," ông Thornton nhận xét.

"Chính phủ đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào việc phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc"
Allistair Thornton, IHS Global Insight

Lời hay là lỗ
Điều này đặt ra một vấn đề tài chính thậm chí còn lớn hơn cho các công ty đường sắt quốc doanh.

"Chính phủ đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào việc phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc."

"Hiện không rõ liệu họ còn có thể biến điều này thành một thương vụ thu lợi nhuận nữa hay là không," vẫn ông Thornton bình luận.

Bởi vì giá vé tàu là quá cao so với khả năng của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc. Và sau vụ tai nạn, nhiều người khác sẽ thôi không đi các chuyến tàu cao tốc nữa.

image

Tuy nhiên, bà Wei của Credit Suisse cho biết mạng đường sắt cao tốc là một dự án nhà nước và sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền trung ương.
Nhưng chính phủ sẽ phải trả lời một số câu hỏi khó khăn như: tại sao hệ thống đã bị hỏng và tại sao an toàn đã không phải là ưu tiên hàng đầu.


Saira Syed


Một người tị nạn Việt Nam giành giải thưởng văn học hàng đầu Australia

image
Tác giả kiêm diễn viên Anh Ðỗ và vợ Suzanne



Một người đàn ông Việt Nam tới Australia tị nạn hơn 30 năm trước đã được tuyên dương tại lễ trao giải thưởng văn học danh giá nhất Australia. Anh Đỗ, tác giả văn học kiêm diễn viên hài kịch, đã đoạt ba giải thưởng cho cuốn sách mang tên ‘Người tị nạn hạnh phúc nhất’. Cuốn sách kể lại chuyến đào thoát đầy hiểm nguy trốn tránh cuộc chiến Việt Nam của một gia đình tị nạn vào cuối những năm 70. Thông tín viên VOA Phil Mercer tường thuật từ Sydney.

image

Bị cướp biển tấn công trong cuộc đào thoát khỏi sự đàn áp của chính quyền sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, Anh Đỗ và gia đình đã được một tàu thương mại của Đức cứu thoát và đưa tới một trại tị nạn ở Malaysia.

image

Những người chú bác của anh đã sát cánh, chiến đấu bên các binh sĩ Australia trong cuộc xung đột, khiến gia đình anh rõ ràng trở thành mục tiêu bị trả thù.

Cuối cùng họ được phép tái định cư ở Australia. Anh Đỗ lúc đó mới 2 tuổi khi gia đình anh bắt đầu một cuộc sống mới vào năm 1980.

image

Câu chuyện đó được thuật lại trong cuốn hồi ký ‘Người tị nạn hạnh phúc nhất’ và đã được vinh danh tại Giải thưởng Ngành công nghệ Sách Australia tại Melbourne, là nơi tác phẩm được chọn là Cuốn sách xuất sắc trong năm.

Anh Đỗ nói cuốn sách kể chi tiết về cuộc đào thoát đầy hiểm nguy khỏi Việt Nam.

Anh Ðỗ nói: “Nói chung, những người chú bác của tôi đã sát cánh chiến đấu cùng các binh sĩ Úc trong cuộc chiến Việt Nam. Vì thế, sau khi cuộc chiến kết thúc, gia đình tôi bị ngược đãi và lâm nguy. Một trong những người chú bác của tôi làm công binh, dò mìn sát thương cho Anzacs, tức các binh sĩ Australia, nên chúng tôi phải rời bỏ Việt Nam. Có 40 người chúng tôi trên một chiếc thuyền đánh cá dài 9 mét. Chúng tôi lênh đênh trên biển suốt 5 ngày liền trong một chuyến đi hết sức nguy hiểm. Chúng tôi đã bị cướp biển tấn công hai lần.”

image

Còn là một diễn viên hài kịch biểu diễn trên sân khấu, Anh Đỗ dự định chuyển thể cuốn ‘Người tị nạn hạnh phúc nhất’ thành phim.

Trong khoảng thời gian từ năm 1975 tới năm 1994, hơn 110.000 người tị nạn Việt Nam đã được phép định cư ở Australia. Hàng ngàn người khác cũng đã được cấp visa theo diện đoàn tụ gia đình. Cộng đồng người Australia gốc Việt thường hiện diện đông đảo tại các trường đại học cũng như trong nhiều ngành nghề, và được coi là một phần của câu chuyện thành công về xã hội đa văn hóa ở Australia.

Tuy nhiên, anh Đỗ nói rằng, những năm qua, quê hương thứ hai của anh ngày càng tỏ ra ít muốn chào đón người tị nạn.

image

Anh Ðỗ nói tiếp: “Thái độ có lẽ đã hơi thay đổi. Tôi nghĩ Chiến tranh Việt Nam cùng với tất cả những hình ảnh thảm khốc về cuộc chiến được truyền tới các gia đình trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam đã khiến người Australia thông cảm hơn chút ít đối với những người tị nạn Việt Nam hơn là những người tị nạn đặt chân tới nước này ngày nay.”

image

Chính phủ Australia hàng năm cấp visa cho khoảng 13.000 người tị nạn, theo các hiệp ước quốc tế khác nhau. Tuần này, Canberra ký một thỏa thuận gây tranh cãi nhằm đưa hàng trăm người xin tị nạn tới Malaysia, và đổi lấy hơn 4.000 người tị nạn lâu dài.

image

Đây là một phần của kế hoạch nhằm chống nạn buôn người bị quy trách đã gây ra dòng người xin nhập cư trái phép tới các vùng lãnh hải xa xôi phía bắc của Australia bằng thuyền.

Phil Mercer
Sydney
 

Tại sao tôi thích học Tiếng Việt

image
Tác giả và anh trai khi mới đến Úc


Mặc dù sanh ra ở Sài Gòn và có ba má người Việt, nhưng trong phần lớn đời mình, tôi không biết nhiều về tiếng mẹ đẻ của mình.
Có nhiều lý do. Gia đình tôi rời đất nước khi tôi chỉ hai tuổi và sau một thời gian ở Mã Lai chúng tôi định cư ở Canberra (thủ đô Úc).
Cộng đồng Việt kiều ở thành phố Canberra nhỏ, không giống như Sydney hay Brisbane. Bất chấp điều đó và còn có nhiều sự thách thức khác, gia đình rất vui ở Canberra và biết ơn Úc Đại Lợi.

Ba má tôi không bao giờ quên quê hương, mà lúc đó – cách đây hơn 30 năm – họ nghĩ việc trở lại Việt Nam khó khăn như bước trên mặt trăng. Bởi vậy, ba má tôi đổ hết sức để xây dựng cuộc sống mới, nhất là cho hai đứa con trai của họ.
Cả ba má tôi và chính phủ Úc khi đó đều cho rằng, gia đình phải học tiếng Anh để có thể định cư thành công và hạnh phúc.

Sau khi học tiếng Anh ban đêm ở trường đào tạo, ba tôi đã tìm được việc ở sở điện lực Canberra tương đương với công việc ở Việt Nam trước 1975. Má tôi đã được tiếp xúc với hàng xóm và cộng đồng, giải thích tại sao mình đến Úc châu.
Tôi và anh tôi đã làm quen với bạn bè và học mỗi ngành học mà chúng tôi thích (nhưng toán thì khá nhất). Với tiếng Anh, ba má tôi hy vọng tương lai chúng tôi không bị kỳ thị vì quá khứ.

Ba má tôi yêu cầu mọi thành viên trong gia đình phải nói tiếng Anh. Điều này vừa có ích nhưng vừa có hại vì sau chỉ hai ba năm tôi gần như không biết tiếng Việt.
Còn nhớ khi nhỏ và khi có khách Việt Nam đến nhà, tôi hay chạy trốn, không dám ra chào khách và cảm thấy lúng túng và xấu hổ khi phải mở miệng. Lúc đó đối với tôi, tiếng Việt là một ngôn ngữ kinh hoàng.
Nín lặng

Khi 12 tuổi, tôi còn có thể nghe chút ít tiếng Việt nhưng ráng lắm mới nói được một vài từ. Hơn nữa lại còn không nói tên họ của mình rành.
Đến mức đấy thì khó đảo ngược được vì ba má tôi rất bận rộn trong việc mở lò bánh mì và phải làm suốt ngày đêm. Tôi cũng làm phụ ở tiệm khi không phải đi học và cho ba má nghỉ ngơi.

Ngoài việc ở chung một ngôi nhà, chúng tôi ít có thời giờ nói chuyện với nhau. Như vậy từ lúc đó tôi ở trong một hoàn cảnh kỳ dị: nói chuyện được với người Úc nhưng với người Việt thì tôi chỉ có sự nín lặng.
Vào năm 2000, tôi quyết định học tiếng Việt. Ba Má tôi đã về hưu và tôi vẫn còn ở nhà của ba má trong khi học tiến sĩ.

image
Tác giả từng viết hồi ký kể về lịch sử gia đình mình

Mỗi buổi sáng tôi đã thức sớm đi bộ với má và mang theo sách học. Vào mùa đông, dù thời tiết dưới năm độ, hai má con tôi vừa đi vừa nói, ‘à-nh-nhà’, ‘ánh-b-bánh’, ‘ùa-r-rùa’.... Chắc người băng qua đường thấy chúng tôi như vây, họ thấy kỳ lạ vô cùng.
Nhưng kỳ lạ hơn là khi tôi bắt đầu đi học.
Mỗi buổi sáng thứ bảy cộng đồng Việt kiều Canberra đã tổ chức trường học Tiếng Việt ở cậu lạc bộ Pháp cho trẻ em.
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến lớp học không có ba má dẫn đến như học trò khác và tôi cảm thấy quá căng thẳng. Thầy cô giáo biết tiếng Việt của tôi rất dở nhưng vẫn không cho vô lớp mẫu giáo.
Họ khuyên tôi gia nhập Lớp 1 để giảm bớt sự mắc cỡ. Có khoảng 20 học trò từ tám đến mười tuổi trong lớp.
Không những tôi lớn tuổi nhất trong trường mà còn lớn hơn cả anh chị đến rước trẻ em về. Đôi khi về tuổi, tôi không thua xa ba má của họ. Có lúc chúng tôi được học về Âm lịch, tôi cảm thấy cô đơn vì không có ai trong lớp cùng tuổi Tỵ và cũng không ai ở trong giáp (chu kỳ 12 năm) của tôi.
Có hai người trong lớp mà tôi còn nhớ rất rõ.
Huy (nó hay dùng tên Tiếng Anh ‘Hugh’) thông minh nhất trong lớp, mà cũng ồn ào và bất trị nhất. Đúng như vậy, Huy có nhiều bạn. Nó hay chọc ghẹo thầy giáo bằng tiếng Anh (thường là vì thầy trọc đầu) và không bị khiển trách vì tiếng Anh của thầy không rành bằng nó.

Có lúc tôi muốn bảo cho thầy biết, mà sợ làm vậy bị Huy và cả lớp ghét bỏ. Nhiều khi tôi ngờ Huy đã chọc ghẹo tôi bằng tiếng Việt mà tôi không có khả năng hiểu nó nói gì và phản ứng lại. Vì giỏi cả hai tiếng, nó là kẻ hay bắt nạt kinh khủng. Mặc dù đã qua hơn mười năm, nếu gặp Huy hôm nay tôi cũng rùng mình một chút.
Long là một đứa con trai nhỏ xíu và bạn thân và duy nhất của tôi ở trường. Nó hay đến lớp trễ vì không thức dậy kịp. Mọi người luôn luôn thấy áo ngủ của nó ở dưới cái áo vét tông và có một ngọn tóc không bao giờ nằm xuống.

Khi mọi người được ra ăn trưa và chơi, Long thường ngồi bên cạnh tôi. Nó chơi computer games và ăn hoa quả mà má nó cắt sẵn trong khi tôi đọc báo và uống cafe. Long hát líu lo liên tục, biết nhiều bài hát tiếng Anh và tiếng Việt. Có một lần nó hỏi câu mà tôi không biết trả lời: “Tại sao anh nói tiếng Việt kỳ cục quá?”
Cuối kỳ học, mỗi lớp phải chuẩn bị buổi biểu diễn cho Tết Trung Thu.
Tôi tập với các lớp bạn mà thấy kinh hoàng vô cùng khi nghĩ đứng trên sân khấu với cái đèn lồng hay quả bóng và hát cho cả cộng đồng Việt NamCanberra nghe. Vì thế hai tuần trước Tết Trung Thu, tôi quyết định không đi học nữa.

Trong thời gian tôi học ở đó, tiếng Việt của tôi tiến bộ nhiều. Về bài thi tôi không bao giờ được đứng thứ nhất, nhưng đôi khi được xếp thứ ba hay thứ tư. Theo tôi đó là đủ kiến thức để bắt đầu học tiếng Việt ở trường đại học.
Sau khi học tiếng Việt một năm ở trường đại học và có bằng tiến sĩ (về chính trị) tôi nghỉ học vài năm để tập trung lập nghiệp.

Trở lại

Năm nay tôi trở lại Việt Nam với vợ và có hai mục tiêu:

Viết một cuốn sách về người Việt hiện đại (bằng Tiếng Anh)
Cố học Tiếng Việt đến mức không thể quên được.

Hiện tại mục tiêu thứ nhì thấy khó nhất.
Vì sống ở Hà Nội, tôi phải làm quen nghe giọng Bắc, thấy người Hà Nội nói nhanh hơn người Nam và dùng nhiều từ mà tôi không biết như ‘chăn, điều hòa, hoa quả, thìa and tuyệt vời.’
Như nhiều người khác, tôi thấy việc học các loại dấu tiếng Việt thật là gian khổ.
Tôi không bị trật những từ nhạy cảm như hồi trước, ‘củ và cu’, ‘bưởi và b**i’ và ‘đủ và đ*’. Mà đôi khi người Việt không khoan dung, họ cảm thấy bị xúc phạm khi nghe tôi nói lầm ‘Phản Đinh Phụng’ hoặc là ‘Điền Biên Phú’.
Nói vậy cũng giống như tôi đã kêu tổng thống Hoa Kỳ ‘Porge Poshington’ hay gọi thành phố Úc ‘Smellbourne’.

"Tôi không đồng ý với những người nghĩ: ai không biết Tiếng Việt không phải là người Việt. Tuy nhiên học một chút thì có lợi nhiều. Vì vậy người nước ngoài và Việt kiều không nên sợ tiếng Việt."

Mặc dù thấy khó khăn, nhưng tôi vẫn rất thích học Tiếng Việt.
Học tiếng Việt cũng có những lợi ích đặc biệt. Nghe dấu thì khó, nhưng nghe được thì giúp ích không chỉ về ngôn ngữ thôi mà còn về âm nhạc.
Nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng những người mà biết tiếng du dương và có dấu như Tiếng Việt hay Tiếng Hoa có năng lực nghe và nhận ra nốt nhạc một cách hoàn hảo như Mozart gấp chín lần người nói tiếng bình thường.
Cũng như thế, tôi nghĩ người Việt có năng lực hát karaoke giỏi gấp 99 lần người Tây. Vợ tôi gốc Úc đang học tiếng Việt nhanh lắm. Một lý do là vì vợ tôi hay hát bài của Trịnh Công Sơn (nhất là những bài Khánh Ly hát).

Tiếng Việt có những đặc tính có khả năng cải thiện tiếng Anh của tôi.
Theo tôi tiếng Việt là một ngôn ngữ đầy chất thơ và người Việt biết quá nhiều bài thơ, tục ngữ và thành ngữ.
Nhiều khi người mới đến Việt Nam cảm thấy kinh ngạc khi nhìn thấy một xe máy chở năm người hay đồ đạc và con vật mà vốn phải dùng xe tải ở nước khác.
Tuy nhiên tôi thấy sửng sốt hơn khi nghe người Việt nhét trong một câu nói rất nhiều ý nghĩa, sự cảm động và hình tượng.
Ví dụ tôi đã hỏi em thiếu niên gầy nhom giao bình nước lên đến căn hộ của tôi, ‘Em giao bao nhiêu bình mỗi ngày?’
'Mùa hè năm ngoái giao 187 bình nước trong một ngày và 180 vào ngày sau, đến khắp mọi nơi ở Hà Nội.'

Tôi nói, ‘187 là số kinh khủng!’ và em trả lời, ‘Đó là số phận của tôi.’ Còn lâu nữa tôi mới rành Tiếng Việt như em giao nước. Tôi hy vọng, ‘lửa gần rơm ngày cũng bén’.
Điều hiển nhiên mà quan trọng nhất là khi biết tiếng Việt thì biết thêm về người Việt.
Tôi hiểu rằng đối với người Việt, việc đặt tên cũng mang nhiều ý nghĩa.
Thí dụ tôi có một người bác sanh ra ở miền quê, tên là ‘Biết’. Nhưng sau khi trưởng thành vào thành phố và thêm được học bác lấy tên ‘Nho’.

Tôi có một bạn ở Hà Nội sanh vào 1975 tên ‘Thắng’ và hai em họ sinh đôi vào thời Đổi Mới tên ‘Phú’ và ‘Quý’. Khi nào gặp bạn bè và người quen tôi hay suy nghĩ: Trung có trung thành không, Thành có thành thật không, Hiền có hiền lành không và luôn luôn thấy Cô Kiều thật tội nghiệp.

Do hành trình học Tiếng Việt này nên tôi được hiểu biết thêm về nguồn gốc, quê hương tôi, gia đình và bản thân.

Nhưng theo tôi người ta không cần một ngôn ngữ để xác định gốc gác của mình. Tôi không đồng ý với những người nghĩ: ai không biết Tiếng Việt không phải là người Việt.
Tuy nhiên học một chút thì có lợi nhiều. Vì vậy người nước ngoài và Việt kiều không nên sợ tiếng Việt.

Tiến sĩ Kim Huỳnh

Về tác giả: Kim Huỳnh là giảng viên về chính trị quốc tế ở Trường Đại Học Quốc Gia Úc. Tiến sĩ đã viết tiểu sử về cha mẹ mình, Where the Sea Takes Us: A Vietnamese-Australian Story (HarperCollins 2008) và là một trong hai chủ bút của cuốn sách The Culture Wars: Australian and American Politics in the 21st Century (Palgrave MacMillan 2009).

Tiến sĩ phải bỏ ra mấy ngày và cố gắng hết sức để viết bài này bằng Tiếng Việt và nhờ Giám đốc Hà Thị Thu Hương từ Trung tâm Integrated Culture and Language Studies (ICLS) sửa lại một chút trước khi xuất bản. Bài viết cũng đã được BBC biên tập lại. Tiến sĩ sẽ có buổi nói chuyện về ‘Cần biết gì trước khi đi du học?’ tại ICLS Thành phố Đà Nẵng vào ngày 14-08-2011.

Độc giả có thể đọc bài này bằng Tiếng Anh:

Why I like learning Vietnamese

A Việt Kiều reflects upon how he lost and then found his mother tongue
Despite being born in Saigon and having two Vietnamese parents, for most of my life I have known very little Vietnamese. There are several reasons for this. My family left Vietnam when I was only two. After a spending much of 1979 in a Malaysian refugee camp we resettled in Canberra (the capital of Australia) just before Christmas that year. Unlike in Sydney and Brisbane the Vietnamese community in Canberra is small and back then was close to non-existent. Despite this fact and many other challenges that we had to overcome during those early years, my family was content to be in Canberra and grateful for the second chance that Australia had provided us. My parents had not and could never forget their homeland but back then – more than 30 years ago – the prospect of returning to Vietnam was tantamount to setting foot on the moon. Ours was a one-way ticket. For this reason they devoted all of their energies to building a new life in their new country, especially for the sake of their two sons.
According to both my parents and the Australian government at the time, learning English was critical to our happy and successful resettlement. After studying in the evenings at a vocational college, my father was promoted from store man to senior designer at the Electricity Authority which was the same sort of position that he had had in Vietnam before 1975. My mother studied English during the day and as her proficiency improved she was able to converse with our neighbours and others in the community and tell them how we came to be in Australia. My older brother and I made friends at school and comfortably studied just about any subject (although maths was our strength). With English my parents hoped that our future would not be prejudiced by our past.
And so they strove to speak English at home instead of Vietnamese. This decision was vindicated by a great many advantages and opportunities, but there were also significant drawbacks. In particular, after just two or three years it was almost as if I had never known my mother tongue. As a child when we had the occasional Vietnamese visitor I would often run and hide. I could not bear the thought of greeting them and felt embarrassed and ashamed every time I opened my mouth. Back then, Vietnamese was a most frightening language.
By the time I was twelve I could understand a smidgen of Vietnamese when spoken by my parents but struggled to say more than a few words. As my uncle once observed, I could not even competently say my family name. By that stage it was difficult to turn things around. My parents were working day and night after having opened a bakery, and when I was not studying I also worked so that they could have a little rest. Although we were living under the same roof, there was very little opportunity for us to converse in any language whatsoever. I was thus in a curious place: I could communicate with so many Australians who did not look much like me and with whom I shared a limited history; but when it came to Vietnamese people there was only silence.
In 2000 I decided to learn Vietnamese. My parents had by that time retired and I was still living with them while undertaking my postgraduate studies. Every morning I would wake early to go walking with Mum, my Vietnamese exercise books in hand. Even in the winter when the temperature dropped to five degrees below freezing the both of us could be seen striding along while enunciating, ‘à-nh-nhà’, ‘ánh-b-bánh’, ‘ùa-r-rùa’…. No doubt it was a peculiar site and sound for other early morning exercisers.
Even more peculiar was my time at Vietnamese school. On Saturday mornings the Canberra Việt kiều (overseas Vietnamese) community organised Vietnamese classes at the Alliance Française. I was deeply nervous on my first day, but unlike the other students did not have my parents there to reassure me. The teachers knew that my Vietnamese was rudimentary but did not want to put me in kindergarten. Instead, it was decided that I should join first year so as to lessen the embarrassment and discomfort for everyone. There were about 20 students in the class between eight and ten years old. At 23 years of age I was not only older than all of the kids in the school but also older than the brothers and sisters who came to pick up their siblings in the afternoon. In many cases I wasn’t much younger than my classmates’ parents. During one of our first lessons we studied the lunar calendar and I felt isolated as the only person to be born in the year of the snake. There wasn’t even anyone born in my twelve year cycle.
Two classmates stick in my mind from that time. Huy (he preferred ‘Huy’) was the smartest in the class, but also the loudest and most unruly. As a consequence he was very popular. Huy brazenly teased our teacher in English (usually picking on his baldness) and did so without retribution because Huy’s English was far superior. There were times when I wanted to tell our teacher what was going on, but decided not to fearing reprisal from Huy and the rest of the class. I often suspected that Huy was mocking me in Vietnamese, but at that stage I could neither understand nor respond to his taunts. He was, because of his language proficiency, a terrible bully. And although ten years have passed, if I crossed paths with Huy today I could not help but shiver with fright.
The diminutive Long was my best and only friend. He was often late to school because he could not wake up in time. The collar from Long’s pyjama top often poked out from under his jacket and he had a cow lick that refused to lie down. During recess Long usually sat beside me playing computer games and eating fruit that his mother had cut for him while I read the paper and drank coffee. He was forever quietly tweeting like a bird and had an extensive repertoire of both Vietnamese and English songs. One day Long asked me a question to which I had no answer, ‘Why do you speak Vietnamese so funny?’
At the end of the term each class had to organise a performance for the Mid-Autumn festival. I rehearsed with my classmates but was mortified by the thought of standing on a stage in front of the Canberra Vietnamese community holding a little paper lantern or colourful balloon and singing children’s songs. And so two weeks before the festival, I decided to quit school. In the time that I was there my Vietnamese had improved markedly. I was never able to top the class in a test, but a few times managed third or fourth place. This was good enough, I thought, to start studying Vietnamese at university.
After completing a year of undergraduate Vietnamese and my PhD in politics I had to put my language studies aside and focus on establishing a career. This year, however, I have returned to Vietnam with two goals: i) to write a book about contemporary Vietnam (in English) and ii) to get my Vietnamese to a level such that I can be confident I will never lose it.
At this stage it looks like the second goal will be more difficult than the first. Because I’m living in Hanoi I have to become familiar with the northern accent which is sharper and seems to be enunciated much faster than the Southern yawl. Moreover, there are quite a few basic terms and words that remain regionally distinctive long after reunification: blanket, air conditioner, fruit, spoon and splendid. Like many others I still find tones and diacritics incessantly thorny. Fortunately I no longer fall into the pronunciation pitfalls that for the uninitiated and unalert can result in ‘old’ (cũ) coming out as ‘doodle’(cu), ‘pomelo’ (bưởi) turning into ‘prick’ (buồi) and even ‘enough’ (đủ) descending into ‘f*ck’ (đ*). But I still encounter situations in which less than forgiving Vietnamese are offended by my referring to ‘Phản Đinh Phụng’ instead of ‘Phan Đình Phùng’ or ‘Điền Biên Phú’ instead of ‘Điện Biên Phủ’. I suppose it is as if I had referred to the first President of America as Porge Poshington or the cultural and sporting capital of Australia as ‘Smellbourne’.
Yet despite all of these difficulties, I like learning Vietnamese. Learning Vietnamese, like learning any language, has certain benefits. My favourite author, Primo Levi, was very adept at languages. This helped him survive the Auschwitz concentration camps because, more than others, he understood the demands of his captors and the needs of his fellow inmates. After World War II Levi recognised and reflected upon the ongoing benefits of studying languages and other people. For him, having another language is like having a spare tyre or extra gear with which we can explore the deepest valleys and hightest peaks of foreign cultures. In so doing we can more accurately gauge our own society and psyche. Moreover the process of learning a new language invariably makes us more humble and attentive to others. Newcomers to a language cannot afford to be haughty or imperious, but rather must listen carefully and slowly think things through before opening their mouths. If only we could bring these qualities to all of our exchanges.
Learning Vietnamese also has specific advantages. Although identifying the tones is tricky, once you can do it there are distinct gains relating not only to language but also to music. Researchers have found that people who speak melodic and tonal languages like Vietnamese and Chinese are nine times more likely to have perfect pitch than those who do not. Similarly I suspect that Vietnamese are 99 times more likely than Westerners to be capable karaoke singers. My wife (who’s Australian born and bred) is learning Vietnamese very quickly in part because she enjoys listening to the songs of Trịnh Công Sơn (as sung by Khánh Ly of course).
In addition, I hope that studying Vietnamese serves to enhance my English. My sense is that Vietnamese is a very poetic and succinct language. Many visitors to Vietnam are amazed by the sight of a single motorbike transporting five people at once or perhaps the produce from an entire factory or farm. I am even more astonished by the immensity of meaning, emotion and imagery that many Vietnamese can cram into a single sentence or clause. For example I recently asked the skinny teenager who delivers the 20L bottles of drinking water to our apartment, ‘How many bottles do you deliver each day’. He informed me that last summer he carted around Hanoi a record 187 bottles in one day followed by 180 the next. When I exclaimed that, ‘187 is a frightful number!’ he concisely replied, ‘such is my fate, those are my numbers’.
All Vietnamese have on demand an extensive range of poems, proverbs and sayings. I particularly admire their propensity to ‘play with words’. For instance a tennis buddy recently asked me, ‘Does your wife play tennis?’. I said, ‘No, she’s not really into sports’. Straight away he came back with, ‘What you mean is that she’s not into “sports” but loves to get some “exercise”!’ At the same time he gyrated his hips and cackled over the fact that in Vietnamese ‘sport’ (thể thao), ‘exercise’ (thể dục) and ‘sexual desire’ (tình dục) share “root” words. I have a long way to go before I can play with words and do not know many proverbs, but here’s hoping that ‘the straw set next to the flame invariably catches alight.’
The obvious and perhaps most important point to make is that knowing Vietnamese helps one to know the Vietnamese better. Even understanding the meaning of a few names can open a window into the history and hopes of the people. I had an uncle, for instance, who was born in the countryside and was given the humble name of ‘Biết’ (to know). However when he grew up and moved to the city where he gained a little education he decided to change his name to ‘Nho’ (Confucian scholar). I also have a friend in Hanoi who was born in 1975 and so was named ‘Thắng’ (victory) and twin cousins ‘Phú’ and ‘Quý’ (wealth and high status) who greeted the world during the Vietnamese economic renovation. Often I find myself wondering—and this probably loses something in translation—how faithful is Faith? How honest is Earnest? How devout is Pious? And I always feel a little sorry for the star-crossed Kiều.
In this voyage to rediscover and improve my Vietnamese I am starting to know more about where I come from, my family and myself. Yet language is not everything or all-defining. I do not agree with those who think that anyone who is not fluent in Vietnamese is not really Vietnamese. Nonetheless, whether you are a foreigner or a Vietnamese expatriate, learning a little bit of the language helps, and it is certainly not something to be afraid of.
About the author: Kim Huỳnh is a lecturer in international relations at the Australian National University. Kim has written a biography of his parents, Where the Sea Takes Us: A Vietnamese-Australian Story (HarperCollins 2008) and is the co-editor of The Culture Wars: Australian and American Politics in the 21st Century (Palgrave MacMillan 2009).
Kim toiled for several days to write this article in Vietnamese (before translating it to English) and is grateful to his teacher Dr Hà Thị Thu Hương from Integrated Culture and Language Studies for her assistance. He will be speaking about ‘Truth, Lies and Television’ in Vietnam and the West at Gandida Bistro in Danang on 14 August 2011. Please contact the venue for reservations.