Mức thuế 46% mà Tổng
thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp lên Việt Nam dự kiến sẽ gây tổn thương nặng nề
cho không chỉ cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước này mà cho cả các tập
đoàn sản xuất đặt nhà máy tại Việt Nam.
Thị trường chứng
khoán Việt Nam phản ứng một cách tiêu cực khi có phiên giao dịch khốc liệt nhất
trong lịch sử với việc chỉ số VN-Index mất 88 điểm, với 517 mã cổ phiếu giảm,
trong đó 263 mã kịch sàn vào ngày 3/4.
Mở cửa phiên giao dịch
hôm nay, 4/4, trong 30 phút đầu, thị trường tiếp tục đà rơi tự do, với mức giảm
67 điểm.
Trước đó, thị trường
Mỹ cũng có các phiên đỏ lửa, giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua khi hàng loạt
các chỉ số như DOW, NASDAQ và S&P500 chứng kiến các phiên giảm rất mạnh, phản
ứng với mức thuế mới được công bố vào "Ngày Giải phóng" của ông
Trump.
Mỹ là thị trường xuất
khẩu đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô trăm tỷ đô la vào năm 2022.
Theo số liệu thống
kê của Tổng Cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường
Mỹ trong hai tháng đầu năm 2025 đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng 16,3%, tương đương
tăng 2,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Riêng thị trường Mỹ
chiếm 30,43% xuất khẩu của Việt Nam.
Mỹ cũng là thị trường
lớn nhất hầu hết hàng hóa chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng có
kim ngạch lớn nhất, sử dụng nhiều lao động nhất như máy vi tính, điện thoại,
máy móc, dệt may, giày dép…
Hiện nay, hơn một nửa
giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện
tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại
là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Riêng trong hai tháng
đầu 2025, có sáu nhóm hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt một tỷ USD trở
lên (xem biểu đồ).
Đây là những ngành
được giới chuyên gia đánh giá là chịu tác động nặng nề của mức thuế mới từ
chính quyền Trump.
Ngoài ra, nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD như: sản phẩm từ chất dẻo; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản; túi xách, ví, vali, mũ…
Năm 2024, xuất khẩu
của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,46 tỷ USD, tăng 23,2% (tương ứng tăng tới 22,48 tỷ
USD) so với năm trước và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước,
theo số liệu của Hải quan Việt Nam.
Con số này có một độ
chênh so với số liệu của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.
Theo đó, kim ngạch
nhập khẩu từ Việt Nam tăng lên 136,6 tỷ đô la vào năm 2024, tăng khoảng 19% so
với năm 2023.
Thị trường chứng
khoán Việt Nam đã phản ứng với phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử.
Đóng cửa phiên giao
dịch ngày 3/4, chỉ số VN-Index đã mất 87,99 điểm, tương đương giảm 6,68%, về
còn 1.229,84 điểm.
Mức giảm kỷ lục này
khiến vốn hóa thị trường "bốc hơi" khoảng 500.000 tỉ đồng, tương
đương hơn 19 tỷ USD.
Giới doanh nhân tỏ
ra lo lắng cho rằng hàng Việt có thể đã bị bít cửa vào Mỹ.
Ông Mạc Quốc Anh,
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nói với báo
Tuổi Trẻ rằng mức thuế 46% gần như "chặn cửa" đối với hàng hóa Việt
Nam xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực như gỗ, thép, dệt
may, thủy sản, đồ gia dụng…
Mức thuế này khiến
Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Mexico, Ấn Độ, Thái
Lan.
Các thương hiệu dễ bị tổn thương nhất trước mức thuế mới
Reuter cho rằng Nike
đã sản xuất 50% lượng giày dép và 28% lượng quần áo tại Việt Nam trong năm tài
khóa 2024, và sẽ dính đòn đau.
CNBC đưa tin cổ phiếu
Nike đã giảm hơn 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 2/4.
Đóng cửa phiên giao
dịch ngày 3/4, cổ phiếu Nike tiếp tục giảm thêm 14.44%.
Mức thuế mở rộng có
thể làm đình trệ hoặc làm chậm nỗ lực của Nike nhằm khôi phục thương hiệu và cải
thiện doanh số dưới thời CEO mới, Elliott Hill.
Đối thủ của Nike là
Adidas ít bị ảnh hưởng hơn một chút khi dựa vào Việt Nam cho 39% lượng giày dép
và 18% lượng quần áo, theo CNBC.
Trong khi đó, gần một
phần ba lượng giày dép nhập khẩu vào Hoa Kỳ đến từ Việt Nam vào năm 2023, theo
Footwear Distributors and Retailers of America.
Việt Nam là quốc gia
cung cấp lớn thứ hai cho công ty mẹ của Ugg và Hoka, Deckers Brands, tính đến
tháng này. Công ty có 68 đối tác trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Cổ phiếu của Deckers
giảm gần 9% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 2/4 và tiếp tục giảm thêm
14,49% trong phiên ngày 3/4.
Tập đoàn VF, với các
thương hiệu giày dép, quần áo và phụ kiện như The North Face, Timberland, Vans
và Jansport, cũng phụ thuộc nhiều vào Trung cộng và Việt Nam cũng chứng kiến cảnh
cổ phiếu của công ty này đã giảm hơn 8% trong phiên giao dịch mở rộng sau khi mức
thuế mới được công bố.
Ngành đồ nội thất
cũng ngày càng gia tăng phụ thuộc vào Việt Nam.
Năm 2023, 26,5% lượng
đồ nội thất nhập khẩu của Hoa Kỳ đến từ Việt Nam, theo dữ liệu từ Hiệp hội đồ nội
thất gia đình, một nhóm thương mại vận động hành lang thay mặt cho các nhà bán
lẻ đồ gia dụng.
Cổ phiếu của Công ty
nội thất Wayfair đã giảm khoảng 12% trong phiên giao dịch mở rộng và giảm mạnh
25,09% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4.
Các hãng sản xuất đồ
chơi trong thời gian qua đã chuyển sang Việt Nam để gia công nhiều sản phẩm
hơn, phục vụ thị trường Mỹ, với sản phẩm dành cho cả trẻ em và người lớn.
Curtis McGill, người
đồng sáng lập Hey Buddy Hey Pal, một công ty đồ chơi chuyên về bộ dụng cụ trang
trí trứng Phục sinh, cho CNBC biết: "Nhiều nhà sản xuất và các công ty đồ
chơi đã bắt đầu trao đổi với các nhà máy để tìm giải pháp hỗ trợ, vì họ đang chịu
áp lực từ các nhà bán lẻ trong việc giữ giá ổn định."
Các nhà sản xuất sẽ
đi đâu?
Trên báo Tuổi Trẻ,
tiến sĩ Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia
Singapore đánh giá rằng mức thuế 46% vào Mỹ khiến không chỉ các ngành xuất khẩu
của Việt Nam chịu tác động, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới chiến lược thu hút và
duy trì đầu tư FDI.
Điều này của nghĩa
là các nhà đầu tư quốc tế sẽ tìm đến các nền kinh tế có thuế suất thấp hơn như Ấn
Độ, Indonesia, Thái Lan... do vậy "cú sốc thuế quan Mỹ là một thử thách vô
cùng lớn".
Với những nhà đầu tư
đã đến, ưu tiên của họ vẫn là duy trì hoạt động và linh hoạt.
Giám đốc tài chính
Michael Mathias của American Eagle Outfitters cho biết thương hiệu quần jean và
hàng may mặc này dự kiến cắt giảm sản lượng xuống mức một chữ số vào nửa cuối
năm 2025, theo CNBC. Hãng đặt nhà máy sản xuất tại cả Việt Nam và Trung cộng.
Cổ phiếu American
Eagle đã giảm hơn 5% hôm 2/4 và nhưng giảm mạnh đến 17,47% trong phiên 3/4.
Tuy nhiên, cả
Mathias và Giám đốc điều hành của American Eagle, Jay Schottenstein đều cho rằng
điều quan trọng là phải duy trì sự linh hoạt.
Schottenstein nhắc đến
tám năm trước trong chính quyền Trump đầu tiên, khi hãng phải đối mặt với những
thách thức và phải tìm ra một kế hoạch mới.
Peter Baum là giám đốc
tài chính và giám đốc điều hành của Baum Essex, một nhà sản xuất có trụ sở tại
New York với giấy phép sản xuất các sản phẩm cho các thương hiệu như Nautica,
Betsey Johnson và Steve Madden.
Trong nhiệm kỳ đầu
tiên của chính quyền Trump, Baum đã chuyển các nhà máy từ Trung cộng sang
Philippines, Campuchia, Việt Nam và Ấn Độ vào năm 2019.
Ông nói với CNBC vào
hôm 2/4 rằng thuế quan qua lại sẽ gây thiệt hại lớn cho công ty của ông.
"Đây là cách bạn bắt đầu một cuộc suy thoái toàn cầu. Sau 80 năm và năm thế hệ, Trump vừa khiến chúng tôi phá sản", Baum nói.
Ông Trump áp thuế
46%: dập tắt tham vọng tăng trưởng GDP 8% của Việt Nam?
Dù đã có nhiều dự
đoán rằng Việt Nam, một trong những nước có thặng dư thương mại với Mỹ lớn nhất
trên thế giới, sẽ "đặc biệt dễ chịu tổn hại", nhưng con số
46% vẫn khiến Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Phùng Đức
Tiến và nhiều người "chếnh choáng".
Dữ liệu thống kê về
kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ Cục Hải quan cho hay năm 2024 Việt
Nam xuất khẩu 119,5 tỷ USD vào Mỹ, trong khi nhập khẩu nhập khẩu từ thị trường
này 15,1 tỷ USD.
Con số thống kê từ
phía Mỹ thậm chí còn cao hơn: Mỹ nhập khẩu 136,6 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam
trong khi chỉ xuất khẩu hơn 13 tỷ USD theo chiều ngược lại - có thâm hụt là
123,5 tỷ USD.
Với giá trị xuất khẩu
lớn như thế, mức thuế đối ứng 46% của ông Trump sẽ là một con số rất lớn.
"Nếu mức thuế
này không được đàm phán lại hoặc giảm nhẹ, tác động đến Việt Nam sẽ là thảm khốc,"
Giáo sư danh dự Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Úc) nói News Tiếng Việt vào
ngày 3/4.
Theo ông, mức thuế
mà Mỹ áp dụng với Việt Nam cao hơn các đối thủ cạnh tranh là Ấn Độ, Indonesia,
Thái Lan và Malaysia trong các lĩnh vực chính như dệt may, giày dép, điện tử…
"Điều này cộng
với sự chậm lại trong tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là ở Trung cộng và Liên
minh châu Âu, hy vọng đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 của Việt
Nam sẽ bị dập tắt," Giáo sư Thayer nói.
Nhận định của Giáo
sư Thayer ngược với quyết tâm của giới lãnh đạo Việt Nam.
Trong cuộc họp khẩn
của Thường trực Chính phủ Việt Nam với lãnh đạo các bộ ngành vào sáng 3/4, chỉ
vài giờ sau thời điểm ông Trump công bố mức thuế mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính
đã nêu lên những thách thức lớn mà nước đi của Mỹ tạo ra cho phía Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Chính vẫn nhấn mạnh rằng mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là không thay đổi.
Ông Trump có sẵn sàng đàm phán?
"Nếu ai đó đưa
ra một điều gì đó thật sự phi thường - miễn là điều đó có lợi cho chúng ta -
thì tôi sẽ cân nhắc" - ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ cũng
nói rằng "thuế quan cho chúng ta quyền lực rất lớn để thương lượng"
và "mọi quốc gia đều đã gọi cho chúng ta".
Tới tối 4/4 (giờ Việt
Nam), ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng ông đã có cuộc điện đàm
với Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó Việt Nam sẵn sàng trao đổi để đưa mức thuế nhập
khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Đây là cuộc điện đàm
đầu tiên giữa hai bên sau khi ông Trump chính thức nhậm chức vào tháng 1 vừa
qua.
Theo Giáo sư Thayer,
ông Trump đang theo đuổi một cách tiếp cận hoàn toàn mang tính giao dịch, dẫn lời
các nguồn tin ngoại giao cho biết cơ cấu thuế quan của ông Trump được thiết kế
có chủ đích để thúc đẩy các cuộc đàm phán mà Trump nắm quyền chủ động hơn.
Đối với Việt Nam,
ông Stephen Olson một cựu chuyên gia đàm phán thương mại của Mỹ, nói News Tiếng
Việt rằng Tổng thống Trump sẽ cởi mở với đàm phán, nhưng ông dự đoán sẽ có
những yêu cầu rất khắt khe để giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ, có
thể bao gồm các cam kết mua sản phẩm cụ thể của Mỹ, như trong thỏa thuận thương
mại "Giai đoạn 1" được ký năm 2020 với Trung cộng, trong đó
Washington và Bắc Kinh đã có những thỏa hiệp nhất định về thương mại.
Nhưng ông nhấn mạnh: "Việt Nam nên giữ bình tĩnh và đàm phán cởi mở. Đừng vội đưa ra các nhượng bộ sớm mà hãy xem Trump muốn gì."
Liệu sẽ có làn sóng
FDI tháo chạy khỏi Việt Nam?
Năm 2019, ông Trump
từng nói trên truyền thông Mỹ rằng Việt Nam "tệ hơn Trung cộng" và
"gần như là kẻ lợi dụng tồi tệ nhất".
Giáo sư Thayer cho rằng
thuế quan của ông Trump đối với Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến chính các nhà sản
xuất của Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như giày dép,
hàng dệt may, quần áo, trò chơi, đồ điện tử…
Một cuộc khảo sát gần
đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho thấy hầu hết các nhà sản xuất của
Mỹ tại Việt Nam đều dự kiến sẽ sa thải nhân viên nếu thuế quan được triển khai.
Giáo sư Thayer cho rằng
các hành động của ông Trump sẽ làm gia tăng sự bất ổn, rủi ro và "có khả
năng làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ cho đến khi tình hình thuế
quan ổn định".
Trong khi đó, ông
Stephen Olson trả lời rằng ông không cho là sẽ có một làn sóng đầu
tư tháo chạy khỏi Việt Nam.
"Nhưng sức hấp
dẫn của Việt Nam đối với FDI trong tương lai, đặc biệt là từ Trung cộng, có thể
bị giảm sút trong các trường hợp mục tiêu chính là sử dụng Việt Nam làm nền tảng
xuất khẩu sang Mỹ," chuyên gia này lưu ý.
Dù vậy, ông Olson đánh giá rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một địa điểm hấp dẫn để sản xuất cho các thị trường khác.
Việt Nam có thể làm gì để giảm nhẹ thuế quan?
Từ trước "Ngày Giải Phóng" nước Mỹ mà ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng, Việt Nam đã thực hiện các bước đi như mở đường để tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk triển khai dịch vụ internet vệ tinh Starlink và cam kết giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, bao gồm năng lượng và ô tô.
Hôm 14/2, trước chuyến công tác tới Mỹ, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã tuyên bố rằng Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu thêm hàng nông sản từ Mỹ.
Ngoài ra, Việt Nam và các công ty quốc phòng của Mỹ cũng đang thảo luận về việc mua bán thiết bị an ninh. Trong đó, việc mua máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của hãng Lockheed Martin đang tiến triển "rất tốt", hãng thông tấn Reuters dẫn lời các quan chức nắm rõ tình hình cho biết.
Một thỏa thuận mua bán máy bay khác đã được ký kết, dưới dạng biên bản ghi nhớ, khi hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã đồng ý mua 200 máy bay Boeing 737 MAX trị giá hàng tỷ đô la.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết hỗ trợ việc hồi hương của hàng chục người di cư bị giam giữ tại Mỹ và nhanh chóng xử lý các yêu cầu trục xuất.
Theo Giáo sư Thayer, Việt Nam có thể đưa ra những nhượng bộ đáng kể bằng cách xóa bỏ thuế quan và các rào cản khác mà chính quyền Trump xác định, và mua thêm hàng hóa từ Mỹ.
Nhà quan sát Việt
Nam lâu năm cũng nhận định Hà Nội có thể cung cấp cho Washington tiếp cận với
khoáng sản quý hiếm. Hiện Việt Nam đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm
với 22 triệu tấn, chỉ sau Trung cộng.
Việt Nam đã cử Phó
Thủ tướng Hồ Đức Phước đến Mỹ để đàm phán.
Theo thông tin từ
Chính phủ Việt Nam, chuyến đi của ông Phớc diễn ra từ ngày 6-14/4, bao gồm tham
dự Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia (New York), làm việc tại Mỹ
và thăm Cuba.
Cộng đồng doanh nghiệp
hy vọng chuyến đi của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ giúp Việt Nam đàm phán với Mỹ
để đạt được thỏa thuận thương mại cân bằng hơn, giảm thiểu thiệt hại cho doanh
nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Trong khi đó, Bộ trưởng
Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn
quyết định áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam vào ngày 9/4 tới đây để dành thời
gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
"Chúng tôi đang
thu xếp một cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng, cũng như ở cấp kỹ thuật với các đồng
nghiệp tại Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) trong thời gian sớm nhất,"
ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài của Bộ Công
thương, nói hôm 3/4.
Tại phiên họp chiều
4/4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam thiện chí đàm phán với phía
Mỹ để sớm tìm tiếng nói chung.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1-3 tháng để đàm phán, hướng tới đảm bảo công bằng về thuế.
Ngoại giao golf có
tác dụng không?
Vào tháng 1/2025, Thủ
tướng Chính từng phát biểu rằng ông sẵn sàng đến thăm dinh thự riêng Mar-a-Lago
của ông Trump ở bang Florida và "chơi golf cả ngày" nếu điều đó
"có lợi" cho quốc gia, dân tộc.
Tuy vậy, các chuyên gia nói rằng cách tiếp cận này sẽ không mang lại kết quả mong đợi.
"Tôi nghĩ sẽ là
một sai lầm nếu hy vọng rằng bất kỳ giao dịch kinh doanh tư nhân nào với Trump
Organization có thể thay đổi đáng kể tình hình thuế quan," ông Olson nêu
quan điểm.
"Thủ tướng
Chính có thể chơi bao nhiêu trận golf tùy thích nhưng điều đó sẽ không thay đổi
đáng kể tiến trình chính sách thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam," ông nhấn
mạnh.
Trong khi đó, Giáo
sư Thayer nhận định các cuộc đàm phán về thuế quan là một phần của cuộc chơi,
và Trump Organization hưởng lợi khi họ theo đuổi các dự án thương mại của mình.
"Cần phải nhớ rằng
chính Eric Trump [con trai ông Trump, phó chủ tịch điều hành Trump
Organization] là người dẫn đầu các cuộc đàm phán này và sau đó tuyên bố rằng Việt
Nam đang lừa đảo Mỹ," ông Thayer lưu ý.
"Trump sẽ chỉ gặp
Thủ tướng Chính sau khi đã đạt được thỏa thuận. Cuộc họp sẽ tập trung vào tính
kịch tính của sự kiện - một thỏa thuận thành công khác của Trump trong việc đối
phó với một trong ba quốc gia hàng đầu đã lừa đảo Mỹ."
Còn Trung cộng thì sao?
Trong khi Mỹ vẫn là
thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thì Trung cộng lại là nhà cung cấp
hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn một phần ba lượng hàng nhập khẩu,
theo số liệu chính thức mới nhất.
Các công ty Trung cộng
cũng đứng sau gần một phần ba khoản đầu tư mới vào Việt Nam vào năm 2024.
"Đây là những
tín hiệu cảnh báo lớn đối với Trump," ông Olson cho biết.
Washington cũng lo
ngại về cái gọi là "hàng trung chuyển" - hàng hóa Trung cộng
đi qua Việt Nam trên đường đến các quốc gia khác.
Việt Nam đã thực hiện
các bước để giải quyết vấn đề này, áp dụng các hạn chế chống bán phá giá đối với
thép Trung cộng trong nhiều năm.
Nhưng ông Olson nhận
định động thái này sẽ được Washington coi là một khởi đầu, nhưng "sẽ không
có khả năng hoàn toàn làm hài lòng Trump".
"Việt Nam sẽ phải
làm nhiều hơn nữa để dừng việc trung chuyển," cựu đàm phán viên nói.
Giáo sư Thayer lại
lưu ý rằng vấn đề nằm ở chi tiết trong các báo cáo nguồn gốc vật liệu từ Trung
cộng và mức độ mà các hàng hóa này đã được biến đổi tại Việt Nam.
"Đây là vấn đề
gây tranh cãi và Việt Nam phải minh bạch hơn trong nỗ lực thuyết phục USTR rằng
Việt Nam không còn cho phép trung chuyển hàng hóa sản xuất tại Trung cộng dưới
mác Made in Vietnam," ông cho hay.
Chuyên gia từ Đại học
New South Wales cũng lưu ý rằng khi Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình thăm
Campuchia, Malaysia và Việt Nam trong tháng 4/2025, Hà Nội và Bắc Kinh có
thể đàm phán một thỏa thuận song phương mà mỗi bên cùng có lợi.
Theo giới phân tích,
Việt Nam, cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đến nền
kinh tế nếu Trung cộng đáp trả thuế quan của ông Trump bằng cách bán phá giá
hàng hóa ở khu vực này.
Trên thực tế, ngày 4/4, Trung cộng cũng đã tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng Mỹ nhập vào quốc gia này, tương ứng mới mức thuế đối ứng mà Washington đánh lên Bắc Kinh.
Điều chỉnh cân bằng?
Theo ông, Việt Nam sẽ
không có lựa chọn nào khác ngoài việc suy nghĩ lại về mối quan hệ với Mỹ.
"Quyết định điều
chỉnh quan hệ với Mỹ có thể dẫn đến việc nghiêng về phía Trung cộng, nhưng cũng
sẽ có những mâu thuẫn nghiêm trọng ở đó," ông nhấn mạnh.
Còn theo giáo sư
Thayer, điểm mấu chốt là tất cả những rùm beng về thuế quan của ông Trump đã
không tính đến tầm quan trọng của các đồng minh và đối tác an ninh như Việt
Nam.
"Đây là trò
chơi quyền lực của Trump, Việt Nam là bên cầu xin chứ không phải là đối tác
bình đẳng," ông kết luận.
Thương Lê